Đức Milarepa dạy cư sĩ tại gia thiền định thành tựu thân cầu vồng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đức Milarepa dạy cư sĩ tại gia thiền định thành tựu thân cầu vồng

Vào mùa thu, Milarepa đi tới một địa điểm được gọi là Gepa Lesum, nơi người dân đang thu hoạch mùa màng. Ngài đang khất thực thì một thiếu nữ tên là Nyama Paldarbum nói: “Ông đi tới căn nhà ở đằng kia, con sẽ gặp ông và tặng ông thực phẩm”. Milarepa tới trước căn nhà và dùng gậy gõ nhẹ vào cửa. Không có tiếng trả lời. Ngài gõ lại lần nữa, một bà lão bước ra và nói: “Những người được gọi là hành giả như các ông xin ăn rất nhiều và khi không có người ở nhà thì các ông xông vào và trộm cắp, đó chính là những gì ông đang dự định làm!”.

Milarepa hát cho bà lão nghe một bài ca tả lại nỗi khổ của tuổi già và trong những cảnh khổ đó ta phải thực hành Pháp và tuân theo một Đạo sư ra sao. Khi Milarepa hát xong, bà lão ngập tràn sự ân hận và tin tưởng ở Ngài. Bà chắp tay khẩn cầu Ngài và mắt đẫm lệ. Vào lúc đó Paldarbum đi tới và cho rằng vị hành giả đã đánh bà lão, cô hỏi Ngài: “Ông nghĩ rằng ông đang làm gì khi đánh một bà già?”.

Bà lão nói: “Ngài không đánh đập hay lăng mạ bà; chính bà đã sỉ nhục Ngài. Sau đó Ngài giảng Pháp cho bà khiến bà phát khởi niềm tin vĩ đại nơi giáo pháp. Bà khóc vì cảm thấy vô cùng hối hận về những điều bà nói với Ngài. Bà già quá rồi nhưng con còn trẻ, vì thế con nên phụng sự Đạo sư này, Ngài Milarepa, và hãy khẩn cầu Pháp nơi Ngài”.

Paldarbum nói: “Cả hai vị thật tuyệt diệu. Nếu Ngài là Milarepa thì con thật may mắn được gặp Ngài. Con nghe nói rằng khi các môn đồ được thuật lại về dòng truyền thừa của Ngài, họ phát triển niềm tin to lớn và nhận thức của họ được chuyển hóa. Con được biết là Ngài có những giáo huấn vô cùng sâu xa. Đó là gì?”.

Milarepa nhận ra rằng cô gái này có thiện nghiệp để trở thành một môn đồ xuất sắc và vì thế Ngài hát cho cô nghe những bài ca tâm linh mô tả sự sâu xa của dòng truyền thừa, những bài ca về Đạo sư của Ngài, các quán đỉnh và giáo huấn Ngài đã nhận…

Milarepa hỏi Nyama Paldarbum: “Con có muốn thực hành pháp này không?”

Cô gái phát khởi lòng kính ngưỡng đối với Đức Milarepa và xin Ngài làm vị Thầy của cô.

Milarepa nói: “Nếu thực hành, con không cần phải từ bỏ gia đình, nhưng con cần thiền định trong mọi lúc. Con không cần đi vào sơn thất. Nếu con làm điều này, con có thể sống với gia đình”.

Vì thế cô hỏi: “Con nên thiền định ra sao?”.

Milarepa đáp: “Hãy để tâm con nghỉ ngơi và nhìn vào nó, không có trung tâm hay biên bờ.

Một hình ảnh tương đồng với bản tánh của tâm là bầu trời. Khi ta nhìn tâm như nó là, không có trung tâm hay biên bờ, ta nhận ra là nó an trụ giống như không gian. Hình ảnh tương đồng thứ hai là mặt trời và mặt trăng. Tâm có thể bị ngăn che bởi những cảm xúc phiền não, giống như mặt trời và mặt trăng bị những đám mây che khuất.

Nhưng khi ta chánh niệm và tỉnh giác, mỗi khi cảm xúc phiền não phát khởi, nó bị tiệt trừ ngay nơi nó sinh khởi. Điều đó cũng giống như khi ta nhìn thấy một đóa hoa đẹp. Không có sự tỉnh giác, ta muốn mua nó. Với sự tỉnh giác, ta nhận ra rằng nó như một ảo ảnh. Vì thế giống như mặt trời, tâm luôn luôn chiếu rọi mặc dù nó có thể bị ngăn che trong chốc lát.

Nếu tâm là Phật thì tại sao ta cần phải thiền định?

Đó là bởi ta cần phải phát triển một trạng thái quang minh khi ta luôn luôn chánh niệm và tỉnh giác. Nếu ta làm được như thế thì khi cảm xúc phiền não sinh khởi, chúng không thể tác hại ta. Có bốn loại che chướng. Che chướng thứ nhất là không nhận ra tâm như nó là. Kết quả của việc này là khi các cảm xúc phiền não phát khởi, những hành động thuộc về nghiệp (hành nghiệp) xuất hiện và những hành nghiệp này tạo thành những dấu vết về nghiệp. Những dấu vết này tạo nên thân thể nhất thời của chúng ta và thân này không còn tồn tại khi nghiệp bị cạn kiệt.

Vì thế đây là bốn che chướng.

Ta luôn luôn nghe nói rằng những cảm xúc phiền não của chúng ta là cội nguồn của khổ đau nhưng ta không biết cách tiệt trừ chúng. Để làm được điều này, ta cần phải thiền định. Để nhận ra cái thấy (kiến), ta cần tập cho tâm quen thuộc với nó. Là những hành giả sơ cơ, trí tuệ nhỏ bé của ta chính là lý do khiến ta không thể tiệt trừ những cảm xúc phiền não. Trí tuệ nguyên sơ, hay yeshe, thì luôn luôn ở đó và trí tuệ này nhận thức mọi sự như chúng là. Ta có yeshe này, nhưng nó như một ngọn lửa nhỏ. Nó không đủ sức để thiêu đốt những ý niệm và cảm xúc của ta. Nhưng bởi càng lúc trí tuệ đó càng mạnh mẽ hơn, nó sẽ có sức mạnh để thiêu rụi những ý niệm và cảm xúc”.

Đây là thiền định mà Đức Milarepa đã dạy. Milarepa nổi danh về việc hành xử với quỷ ma và chướng ngại. Đó là kết quả của sự thiền định mạnh mẽ của Ngài, Ngài đã không bám chấp vào chúng như điều gì thật có.

Cách an lập tâm thức trong thiền định với ba hình ảnh

Milarepa giảng về cách an lập tâm thức trong thiền định với ba hình ảnh tương đồng: tâm như ngọn núi, tâm như đại dương, và tâm như không gian. Ngọn núi không thể bị gió lay chuyển. Khi tâm như một ngọn núi, nó sẽ  không bị lay chuyển bởi những ý niệm. Khi tâm như một đại dương, đáy sâu của nó không bị xáo động mặc dù trên mặt nước có thể có sóng. Bản văn đưa ra một hình ảnh tương đồng khác: hãy canh giữ tâm bạn như canh giữ một viên ngọc để không bị kẻ trộm lấy đi. Sự tương đồng cuối cùng là đừng nghi ngờ rằng tâm như thế này hay thế kia, giống như không gian không có những tính chất.

Sau đó Nyama Paldarbum được truyền dạy về bảy tư thế của Đức Tỳ Lô Giá Na. Khi bạn thiền định, điều quan trọng là xương sống phải thẳng để các kinh mạch và khí được thẳng thắn. Khi đó ta sẽ có thể di chuyển các khí vào kinh mạch trung ương. Cũng có những giáo huấn về tâm đi cùng với giáo huấn về tư thế vật lý này. Nyama Paldarbum đã thiền định như thế trong một thời gian nhưng sau đó cô có những câu hỏi. Cô đã dùng những ví dụ như bụi cây trên núi và những vì sao quanh mặt trăng để tượng trưng cho những ý niệm nhỏ bé sinh khởi trong thiền định.

Vì thế cô hỏi Milarepa về điều này. Milarepa nói rằng khi bạn thiền định về tâm như không gian, những đám mây sẽ xuất hiện. Nhưng chúng sẽ biến mất vào bầu trời. Khi bạn thiền định về tâm như ngọn núi, đừng bám chấp vào các bụi cây. Khi bạn thiền định tâm như đại dương, dường như sóng rất mạnh mẽ, nhưng những con sóng ấy có cùng bản tánh như đại dương và tan hòa trở lại vào đại dương. Tương tự như thế, khi một cảm xúc sinh khởi, hãy nhận ra bản tánh của nó và nó sẽ biến mất vào tâm. Đôi khi những xúc cảm hay cảm nhận về hỉ lạc phát khởi và chúng rất mạnh mẽ. Khi sân hận phát khởi, đừng nói năng trong sự giận dữ. Chỉ nhận ra nó và sân hận sẽ bớt dần đi. Một ngày kia bạn sẽ có thể giải thoát khỏi những cảm xúc phiền não khi chúng phát khởi.

Thực hành theo cách này, Nyama Paldarbum đã không đi vào ẩn thất trong núi non hay cạo đầu. Cô vẫn là một gia chủ và đã đạt được thân cầu vồng.

(Trích bài giảng “Milarepa khai thị về tâm và cách thực hành”

Garchen Rinpoche

Nguồn:LienHoaQuang Foundation)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697338
Số người trực tuyến: