Gặp nghịch duyên là lúc chúng ta đang thực hành pháp
Chúng ta thường bị tấn công dồn dập bởi những suy nghĩ xuất phát từ bản ngã, trái bóng kiêu hãnh của chúng ta dễ bị xì hơi bởi một cái kim bé xíu. Ban đầu bạn chỉ cần quan sát hiện tượng này, rồi thử xem tiếp liệu mình có khả năng vượt lên những so sánh hoài nghi đang được bản ngã và nỗi sợ hãi sai khiến để được trở về với chính mình.
Gặp nghịch duyên là lúc ta thật sự đang ứng dụng pháp. Khi thuận duyên chúng ta nghĩ mọi thứ đều dễ dàng, nhưng khi nghịch duyên chúng ta mới thấy rõ vô thường - khổ não - vô ngã, tâm cố chấp, bám chấp, những tà kiến ảo tưởng về cái tôi bị chấm dứt, kéo theo đó là tiến trình của ba la mật.
Khi bản ngã thống trị tâm hồn, nó trở thành rào cản trí tuệ hiểu biết. Dù có vẻ thông minh sắc sảo, học rộng biết nhiều nhưng sâu thẳm bên trong ta vẫn chỉ là kẻ khờ khạo, chẳng hiểu hết điều gì đang thực sự diễn ra và đâu là bí mật của cuộc sống. Ta không thể trả lời những câu hỏi mấu chốt: chúng ta là ai, đang làm gì và đâu là hướng đi đúng đắn của cuộc đời này?
Vì chúng ta cứ bước đi trong mù quáng vô minh nên đôi khi ta thấy cuộc sống giống một canh bạc. Lúc này, ta đang có chút may mắn và mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhưng chúng ta chẳng dám chắc sau đó mọi việc sẽ diễn biến tiếp thế nào. Khi sống theo cách này, chúng ta luôn phải đưa ra những suy đoán hạn hẹp. Ta tự thuyết phục bản thân rằng mọi thứ sẽ diễn ra như mong ước chứ không dám mở rộng lòng đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến với mình.
Hãy khoác lên mình giáp nhẫn nhục, khi có ai đang lăng mạ chúng ta, hãy như một dũng tướng cầm cái khiên, hãy tha thứ cho họ, hãy im lặng mà không cần giải thích, cầm trên tay chúng ta ấn của Giải Thoát, hãy nhận thức rằng, chúng ta đang được tịnh hoá để trở thành một vị Phật, hãy tiến bước đừng nản chí, hãy mạnh mẽ đừng chán nản…
Khi bắt đầu nhận ra chẳng có điều gì trên thế gian này là thật mà đều do tâm ta thêu dệt nên, chúng ta sẽ cởi bỏ được những lớp vỏ bọc của bản ngã, bớt bảo thủ và trở nên cởi mở dễ lắng nghe quan điểm của người khác hơn.
(Mai An biên tập)
- 1024
Viết bình luận