Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy cách tu thành tựu tịnh nghiệp | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy cách tu thành tựu tịnh nghiệp

Về sự hạ thủ công phu nơi Pháp môn Tịnh độ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy về Pháp môn niệm Phật bao quát cả tín, hạnh, nguyện. Lời dạy của Ngài rất rõ ràng và thiết thực. Nhất là công hạnh, từ cảnh duyên đến tâm niệm, cả sự tu cùng lý quán rất rành rẽ xác đáng và đầy đủ. Chúng ta nên thường ngày đọc đi đọc lại, kiểm điểm công hạnh niệm Phật của mình, cho được hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy. Nếu dụng công hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy thời quyết định sẽ thành tựu tịnh nghiệp, chín phẩm sen vàng sẽ nắm chắc trong tay vậy.

Tông chỉ của pháp môn Tịnh độ là “tín”, “hạnh” và “nguyện”. Tín và nguyện làm cơ bản cho hạnh.

1. Về “Tín”, Ngài dạy:

Cực Lạc đường xa muôn ức, một niệm tin chắc thời chính là đấy! Tin chắc cõi Tây phương Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm. Tin chắc nguyện lực của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật nhiếp thọ mọi loài. Tin chắc ta y pháp tu hành quyết được vãng sinh trụ bậc “bất thoái chuyển”. Với ba điều trên, không một mảy may nghi ngờ, không một niệm dụ dự, đó gọi là “tin chắc”.

2. Về “Nguyện”, Ngài dạy:

Nên phát đại nguyện “Nguyện sinh Cực Lạc”.

Nguyện sinh Cực Lạc là một đại sự. Vì chúng ta, hay chúng sinh trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế, từ vô lượng đời, vô lượng kiếp, lăn mình trong vũng lầy ngũ dục, mê say nơi cảnh lục trần, dục vọng tràn ngập tâm thần, phiền não chứa đầy cả bụng, tình ái khó dứt, tham nhiễm khó rời. Nếu chẳng phải là người thống niệm trược ác, lòng quyết thoát ly, thời chí nguyện quyết sinh Cực Lạc khó thể lập vững được. Đây là điều khó phát nguyện thứ nhất.

Muốn về Cực Lạc phải có Đại thừa tâm: thượng cầu hạ hóa. Mà nơi chúng ta ngã chấp quá dày, tư kỷ đã quen. Nay phải dẹp ngã nhân để cầu Phật quả, bỏ tư kỷ để thành chí độ sinh, nếu không phải là hạng đại trượng phu, chân liệt nữ, thời chí nguyện quyết về Cực Lạc khó lập vững được. Đây là điều khó phát nguyện thứ hai.

Vì vậy nên Bồ Tát gọi nguyện sinh Cực Lạc là phát đại nguyện. Nơi đây ta nên chú ý “lập nguyện cho vững”, nghĩa là không một hoàn cảnh nào có thể làm dời đổi chí nguyện vãng sinh của ta, dầu đó là sự khổ như tròng vòng lửa đỏ vào đầu, hay sự vui như ngôi Luân Vương cùng Thiên Đế, Bồ Tát có lời răn: “Các người dầu cùng cầu vãng sinh mà tâm lại không thiết”. Và chính tự Ngài đã nêu gương: “Nếu ngày nay tôi không được thấy Phật A Di Đà, không được sinh về Cực Lạc hầu thành tựu tất cả công đức, thời dầu thân này có chết rã, tôi cũng không thôi nghỉ”. Nhờ lập nguyện vững, mà Bồ Tát đã được thành tựu!

3. Về “Hạnh”, Ngài dạy:

A. Nơi cảnh: Phải xa tránh tất cả cảnh duyên có thể rộn tâm chướng đạo. Chỗ ở phải đơn giản, để khỏi bận rộn. Hằng ngày phải rảnh rang vô sự, để khỏi lo tính.

B. Nơi tâm: Phải không lo phiền, dứt tưởng vọng, dừng tư lự.

C. Về Sự tu: Phải định thời khóa trong mỗi ngày. Theo ngài dạy, mỗi ngày đêm ít nhất bốn thời. Mỗi thời ít nhất là một biến Kinh A Di Đà và một nghìn câu hiệu Phật. Thế là mỗi ngày đêm ít nhất bốn biến Kinh A Di Đà và 4.000 câu hiệu Phật. Rồi tăng dần lên đến mỗi ngày đêm 12 biến Kinh và 12.000 câu hiệu Phật. Lại phải lạy Phật hoặc 100 lạy hay ít hơn trong mỗi thời. Và sau mỗi thời đều phải hồi hướng công đức nguyện sinh Cực Lạc với bài văn “Nhất tâm quy mạng”.

Nhưng nơi đây ta có thể châm chước mà dùng nếu là người vì hoàn cảnh không được thuận tiện hay yếu kém, cũng có thể mỗi ngày đêm ít thời hơn và tụng niệm ít hơn, đó là sự bất đắc dĩ chứ không phải giải đãi. Còn nếu là người có đại lực và được hoàn cảnh thuận tiện cũng có thể tăng nhiều hơn, đó là tinh tấn chứ không phải vội gấp. Điều cốt yếu là sau khi đã ấn định rồi, phải giữ cho thường, không nên nay vầy mai khác. Thà lúc đầu ít sau tăng lần thêm chớ không nên vội ham nhiều mà rồi sụt ít. Cũng không nên để gián đoạn, nghĩa là không được bữa có bữa không.

D. Về Lý quán: Ngài dạy “Tâm vốn vô niệm”. Niệm không ngoài tâm, nên chính niệm tức vô niệm. Niệm đã tức vô niệm, nên câu A Di Đà Phật hiện tiền đây, chẳng phải từ tư tưởng, chẳng phải do ức niệm, không phải trong, không phải ngoài, không có tướng mạo, ba thuở suy cùng, bốn vô sở đắc, rời tất cả hư vọng, toàn thể là chân tâm. Đã toàn thể là chân tâm nên cùng với chân thân vi diệu của chư Phật không đồng không khác, không thể phân biệt. Được chứng ngộ toàn niệm tức là tâm, toàn tâm tức là Phật, tâm và Phật không hai, thời vô minh diệt, Pháp thân hiển lộ, trần lao sinh tử chuyển thành Niết-bàn, phiền não vọng hoặc chuyển thành Bồ-đề. Đây chính là “Lý niệm Phật nhất tâm bất loạn”, mà cũng là “Lý niệm Phật Tam muội”. Người thành tựu “lý Tam muội” này thời sẽ vãng sinh Thượng phẩm, trụ “Thường tịch quang Tịnh Độ”.

E. Sau khi chỉ dạy công hạnh “sự tu” và “lý quán” xong, Ngài dùng hai chữ “chuyên cần” để tổng kết.

“Chuyên cần” tức là tinh tấn. “Chuyên” là chuyên tu môn niệm Phật, không xen tạp việc khác. “Cần” thời siêng năng thắng tấn, không bỏ một thời nào, nhẫn đến một phút một giây cũng không bỏ phí. Thực hành đúng pháp mà tinh tấn chuyên cần thời công hạnh chắc chắn thành tựu.Ta có thể đem bài kệ của Ngài để phối hiệp với lời dạy về phần công hạnh này.

Ít nói một câu chuyện: Chính là không xen tạp chuyện khác để một mặt chuyên tu niệm Phật.

Nhiều niệm một câu Phật: Niệm Phật nhiều, chính là siêng cần, mà cũng là chuyên ròng niệm Phật.

Như thế hai câu đầu của bài kệ tổng quát về phần “sự tu”, tức là Ngài dạy phải chuyên cần niệm Phật. Y theo đây mà thực hành sẽ thành tựu niệm niệm tương tục và nhẫn đến chứng nhập “Sự niệm Phật Tam muội”, mà phiền não vọng hoặc đã bị ngăn đè vậy:

Đánh chết được vọng niệm

Pháp thân người hiển lộ.

Hai câu sau cùng của bài kệ là chỉ về phần chứng “Lý niệm Phật Tam muội”. Đạt diệu lý “Toàn niệm tức tâm, toàn tâm thị Phật”, thời là chứng ngộ Pháp thân, mà phiền não vọng hoặc đã bị dứt trừ vậy.

(Nguồn: Trích ấn phẩm “Đường về Cực Lạc”

HT. Thích Trí Tịnh

NXB Tôn giáo, 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6155549
Số người trực tuyến: