Ba pháp thư giãn Thân Khẩu Ý | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ba pháp thư giãn Thân Khẩu Ý

Tâm chính là cội nguồn của mọi thăng trầm, khúc mắc, xung đột, khổ đau, hạnh phúc nơi chúng ta. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên chúng ta cần bắt đầu tập cách làm quen và rèn luyện tâm. Để làm được điều này, chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều điều kiện thuận lợi như địa điểm, thời gian, cách thức, tư thế thực hành…, như vậy mới có thể thiền định theo đúng cách.

Sự vận hành của tâm có mối liên hệ phụ thuộc với thân vật lý từ khi chúng ta sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Có thể nói thân thể cũng như hệ thống kinh mạch luân xa vi tế ở bên trong giống như một con đường. Những luồng khí vi tế chạy trong các kinh mạch có thể ví như một con ngựa hoặc một cỗ xe chạy trên con đường đó, và tâm của chúng ta giống như người kỵ sĩ hay người lái xe. Nếu muốn cỗ xe chạy được dễ dàng, con đường nhất thiết phải rộng rãi bằng phẳng. Để tránh những trục trặc như hỏng phanh, chết máy hay một vấn đề tương tự, chúng ta cần đảm bảo con ngựa kia có yên cương chắc chắn hoặc máy móc thiết bị trong xe vận hành trơn tru. Cuối cùng, người kỵ sĩ hoặc người lái xe cũng phải biết cách làm tốt công việc của mình.

Chúng ta cần luyện tập cho cơ thể mình biết cách ngồi vào một tư thế đúng để giúp tâm dễ dàng đạt được trạng thái cân bằng, ổn định mà chúng ta hướng tới. Tương tự việc điều khiển một con tuấn mã đòi hỏi nhiều công sức huấn luyện, để điều khiển được cơ thể và hơi thở của mình, bạn cũng phải luyện tập nỗ lực rất nhiều. Nếu con đường bằng phẳng, thẳng thoáng và yên cương được thắng tốt, chàng kỵ sĩ có thể ngồi thoải mái trên lưng ngựa và thúc nó phi nước đại tới bất cứ nơi đâu theo ý muốn. Cũng như vậy, nếu ngồi đúng tư thế thuận lợi, chúng ta sẽ kiểm soát tâm một cách dễ dàng.

Khi thiền định, bạn cần phải kiểm soát được cả thân, khẩu, ý của mình. Vì cả ba có mối liên hệ mật thiết với nhau nên cả thân và khẩu của bạn cũng phải đặt trong trạng thái thư giãn. Vậy khi nói “kiểm soát” nghĩa là sao? Điều này không có nghĩa là kiểm soát bằng sự khiên cưỡng, gồng cứng, mà phải đảm bảo chắc chắn bạn luôn trong trạng thái thư giãn tỉnh thức. Việc đạt tới sự thư giãn của thân, khẩu, ý này được hiểu là “ba sự vắng lặng của vận động”: cơ thể không vận động, lời nói không vận động và tâm không vọng động.

Tư thế bảy điểm, thả lỏng thân

Điều quan trọng trong khi thiền định là cơ thể phải được đặt vào một tư thế khiến cho bạn cảm thấy thật thoải mái, thư giãn. Theo tôi thích hợp nhất là mỗi người tự tìm cho mình một tư thế an lạc và khiến mình cảm thấy dễ chịu nhất. Bạn có thể chọn các tư thế thích hợp, loại trừ tư thế nằm dài ra hoặc trong khi cơ thể đang bận rộn quá mức. Có rất nhiều tư thế được chỉ dạy trong pháp thực hành Đại Thủ Ấn hoặc trong các pháp thiền định khác của Kim Cương thừa, điều quan trọng là những tư thế này không được tạo ra căng thẳng. Tư thế truyền thống nhất, có tên gọi là tư thế của Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana) bao gồm bảy điểm. Cho dù không đi sâu vào chi tiết, chúng ta cũng sẽ điểm lại những nét chính.

Quan trọng nhất là bạn cần ngồi yên và giữ cho xương sống được thẳng để khí lực trôi chảy tự nhiên. Ngồi vươn thẳng lưng cũng là một cách để vực tâm chúng ta dậy. Khi còn nhỏ, tôi không thích nhìn thấy các hành giả trong tư thế thiền định vì cho rằng họ ngồi như vậy cốt để cho mình trông nổi bật. Giờ thì tôi đã hiểu sự thật không phải như vậy. Ngồi thẳng người giúp cho các kinh mạch vi tế trong cơ thể cũng được kéo thẳng. Nhờ đó, khí có thể trôi chảy dễ dàng nên tâm cũng trở nên thư thái. Nếu không thì cũng giống như một con đường có rất nhiều ngã quanh co, và như vậy bạn sẽ không thể có được sự thực hành thuận lợi.

Có rất nhiều điều được chỉ dạy liên quan tới tư thế của hai chân và hai tay. Thế nhưng đối với các hành giả mới tu tập, bạn không cần thiết phải đi quá sâu vào chi tiết. Bạn có thể ngồi kết già thế Kim cương tọa, nhưng nếu cảm thấy không thật thoải mái, bạn có thể chỉ cần bắt chéo chân phía trước, và nếu cần bạn cũng có thể dùng tới sự trợ giúp của một tấm đệm ngồi dày.

Thông thường bạn có thể thấy trong tư thế Kim cương tọa, chân phải được đặt trên chân trái, và không có sự phân biệt giữa hành giả nam và nữ. Trong một tư thế thoải mái hơn, chân trái có thể đặt bên trong và chân phải đặt bên ngoài.

Về tư thế hai bàn tay, bạn có thể đặt chúng giống như trong tư thế thiền định, tay nọ đặt lên trên tay kia kết ấn Đại định như được thấy trong hình ảnh Đức Amitabha A Di Đà Phật. Ngón tay cái có thể đặt nhẹ vào gốc ngón đeo nhẫn ở cả hai bên vì trong ngón tay đeo nhẫn có một kinh mạch vi tế đặc biệt có liên hệ mật thiết với những xúc tình như tham ái, sân giận hay ghen tị. Những xúc tình này tác động trực tiếp tới tâm có thể khiến nảy sinh một số chướng ngại trong lúc thực hành. Chính vì vậy mà ta nên dùng ngón tay cái bấm nhẹ lên kinh mạch này.

Ánh mắt cũng rất quan trọng. Hướng nhìn của bạn cũng có tác động lớn tới sự thực hành. Thông qua ánh mắt, suy nghĩ của chúng ta có thể bị cuốn theo một số đồ vật hoặc bị phân tâm. Bạn cũng không nên nhắm mắt hoặc đảo mắt nhìn từ hướng này sang hướng khác. Thật vậy, trong khi cử động mắt bạn có thể tạo ra sự vận động trong các kinh mạch vi thế đồng thời thúc đẩy khí vận chuyển trong não bộ. Bạn cũng không nên chớp mắt nhiều hơn so với bình thường. Ánh mắt không được tập trung quá nhiều vào nơi nào, điều đó có thể khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng. Có nhiều phương pháp đã được thuyết giảng liên quan tới ánh mắt trong Đại Thủ Ấn. Nhiều kinh điển vẫn nhấn mạnh rằng ánh mắt nên nhìn xuống sàn, trong khi đó, Yoga Tối thượng lại dạy hành giả nên nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt. Nhìn quá gần có thể khiến bạn cảm thấy đau đầu hoặc đau bên trong lòng mắt. Mỗi người nên tìm cho mình một tầm nhìn khiến tự mình cảm thấy thoải mái nhất. Song dù thế nào bạn cũng không nên nhắm mắt. Bạn cũng nên đặt nhẹ lưỡi một cách tự nhiên nhất lên trên hàm, ngay vị trí chân răng ở hàm trên. Vị trí này giúp cho hơi thở được dễ dàng mà không nhất thiết phải thở qua đường miệng.

Tư thế thiền định này vô cùng cần thiết giúp cho cơ thể được thư giãn. Việc này lại càng cần thiết khi bạn vẫn chưa thể thư giãn tâm mình trước các nhiễu loạn của thân, khẩu, ý và hoàn cảnh môi trường bên ngoài. Vì vậy chúng ta mới cần phải chuyên tu tại nhưng nơi yên tĩnh để tránh vọng động nhiễu loạn và có thể thực sự thư giãn thân mình.

Tuy nhiên, việc không cử động cũng không hoàn toàn có nghĩa là thân thể bạn không hề vận động. Lẽ đương nhiên những hành giả đã rèn luyện lâu năm sẽ không cần thiết phải bất động thân thể theo cách này. Họ có thể hoàn toàn an trụ trong tâm tự tại suốt cuộc đời mà không hề bị ảnh hưởng bởi những động thái của thân thể bên ngoài. Vì thế, một trong những bậc Thượng sư của chúng ta, trong một lần thuyết pháp, đã giảng rằng tư thế bảy điểm Vairochana thực sự không phải điều vô cùng quan trọng mà điểm cốt yếu là sự thư giãn. Đối với chúng ta thoạt nghe điều này tưởng chừng như đơn giản, bởi lẽ chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi ngồi đúng theo tư thế này. Thế nhưng bạn cần lưu ý rằng bậc Thượng sư đó thực sự là một Đại thành tựu giả: ở mức độ thành tựu của Ngài thì ngồi theo tư thế nào không còn quan trọng nữa. Chính vì vậy mà những lời Ngài dạy trên đây cần phải hiểu theo đúng nghĩa. Có những bậc Thầy của Đại Toàn Thiện hoặc Đại Thủ Ấn luôn tìm cách trụ trong tư thế này cả ngày lẫn đêm, ngay cả trong khi ngủ, để không bị đứt đoạn thiền định. Đó không phải vì các Ngài còn mới tu tập, mà ngược lại, đó là dựa trên kinh nghiệm: các Ngài biết rằng khi trì giữ tư thế này, các Ngài sẽ càng được thư giãn và tỉnh giác, các Ngài càng có thêm nhiều sự kết nối với bản chất thật của cuộc sống, chỉ đơn giản nhờ vào tư thế an tọa.

Tư thế thư giãn khẩu

Để khẩu được nghỉ ngơi thư giãn, bạn cần phải tịnh khẩu, có nghĩa là im lặng hoàn toàn. Trong khi thiền định, phạm trù khẩu được hiểu rộng hơn rất nhiều so với việc phát ra âm thanh thông thường, ở đây tôi muốn đề cập tới âm thanh phát ra của hơi thở. Bạn cần phải để hơi thở thoát ra một cách tự nhiên, bình thường. Để đạt được như vậy, lúc này, bạn chỉ cần đừng can thiệp vào việc thở.

Tư thế thư giãn tâm, theo lời dạy của Ngài Tilopa

Giờ thì chúng ta sẽ cùng giải quyết tới tâm: chính đây mới là đối tượng bạn cần rèn luyện và kiểm soát, bởi chính sự buông lung tâm thức đã khiến chúng ta bị trôi lăn trong luân hồi khổ não từ vô thủy tới nay. Tuy vậy, chỉ bằng việc đặt cơ thể đúng tư thế và thở đúng cách, bạn đã đang trong quá trình rèn luyện tâm, bởi ba thứ này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trạng thái tâm đúng đắn nhất bạn cần đạt tới đã được mô tả rất rõ ràng trong bài kệ mà Đại Thành tựu giả Tilopa từng khai thị cho Ngài Naropa:

Không thiền định, không suy nghĩ, không phân tích

Chỉ cần thư giãn an trụ trong thực tại tự nhiên vốn có của vạn pháp

Điều này có nghĩa là bạn không nghĩ về quá khứ, không lo lắng về tương lai, không suy tư về hoàn cảnh tu tập hiện tại của mình. Cho dù có nghe thấy gì, cảm nhận gì, nhìn thấy gì, cảm xúc gì thì vạn pháp như chúng hiển hiện bên ngoài và được phản chiếu vào bên trong nội tâm cần được chúng ta tiếp nhận một cách thư thái tự nhiên như nó vốn là. Nói cách khác, bạn không cần bận tâm tới điều gì và hãy để mọi thứ được tự nhiên, bình thản, nhẹ nhàng. Điều đó có nghĩa là tâm được thả lỏng mềm mại và thư giãn như tôi vẫn thường nhắc đến. Quan trọng là bạn phải không tìm cách làm cho trạng thái tâm trở nên tốt hơn, nếu cố làm cho tốt hơn nghĩa là bạn sẽ làm hỏng mọi thứ. Đồng thời bạn cũng đừng nên để cho mình bị “đờ đẫn” và rơi vào một trạng thái u mê hôn trầm. Ý thức của chúng ta phải hoàn toàn tỉnh táo, giống như một điệp viên đang canh gác. Đừng để cho mình bị lạc bước mà không có sự cảnh tỉnh của điệp viên này: nếu như vậy bạn sẽ lại rơi vào trạng thái thông thường vốn là đặc tính của luân hồi. Hãy an trụ trong tâm an lạc, trong sáng, vô niệm, không để tâm khởi lên bất cứ mối bận tâm lo lắng nào. Hãy nhìn, nghe, cảm thấy mọi thứ một cách không tạo tác giống như bạn là một đứa bé mới chỉ vài tháng tuổi…

Nếu chúng ta có được hiểu biết đúng đắn về Mahamudra Đại Thủ Ấn, chúng ta sẽ hiểu rằng tất cả các pháp và xúc tình phiền não đang hiện ra chỉ tồn tại thoáng qua, tương đối, bởi đó là do sự phóng chiếu của tâm, không hề có bản chất tồn tại tuyệt đối. Việc thấu hiểu như vậy trong lúc này vô cùng cần thiết. Thực vậy, trong quá trình thực hành thiền định, tâm của chúng ta vẫn sẽ bận rộn cho dù chúng ta muốn thư giãn; song nhờ có được sự thấu hiểu đúng đắn này nên dần dần chúng ta sẽ phát triển khả năng tự giải thoát mình ra khỏi chu trình đó và để tâm lắng dần. Nếu muốn thì tâm cứ trăn trở bận rộn thoải mái, điều này chẳng phiền hà gì tới chúng ta. Chúng ta sẽ tách hẳn mình ra khỏi sự vọng động của tâm, không bị cuốn theo dòng bận rộn và như vậy chúng ta sẽ hoàn toàn thư thái.

Nếu để mọi sự diễn ra tự nhiên như vốn có, các vấn đề sẽ tự động được hóa giải ngay lập tức, giống như đã được lập trình sẵn vậy. Nếu cứ để mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng tự nhiên, không can thiệp tạo tác, chúng ta sẽ đưa được tâm vào một trạng thái đúng đắn, đạt được sự thư giãn của tâm. Sự thư giãn này được hình thành dựa trên chính kiến và quan kiến đúng đắn, đó mới là điều cốt yếu của tâm và cũng là điểm cốt yếu của sự thư giãn, đồng thời cũng là điều cốt yếu trong thiền Đại Thủ Ấn.

Nếu chuyên cần luyện tập thiền theo cách này, cho dù chúng ta có lối sống như thế nào và có bất cứ chuyện gì xảy ra, mọi sự phóng chiếu của tâm đều sẽ trở thành những bài pháp. Nhờ có được sự thư thái, tự bên trong chúng ta luôn sẵn sàng và chín chắn, chúng ta sẽ có được những cơ hội tuyệt vời để đột nhiên chứng ngộ được bản chất thật sự của tự nhiên cũng như thực chứng Thượng sư bên ngoài, bên trong và bí mật. Thế nhưng nếu không thể thư thái, cho dù có trải nghiệm rất nhiều, chúng ta cũng không thể nào có được cơ hội chứng nghiệm điều này.

Tôi nghĩ rằng việc không đạt được thư thái chính là khó khăn chính mà đa số các hành giả thời nay gặp phải. Các tư thế và sự thư thái của thân, khẩu và ý, một cách truyền thống, vẫn được coi là điểm khởi đầu của thiền định. Tuy nhiên khi đã quen thuộc hơn với những tư thế này, bạn không được nghĩ tới việc bỏ dở chúng trên bước đường tu tập. Mỗi lần thực hành, ngay cả khi đạt được một trải nghiệm tốt trong thiền định, bạn vẫn cần phải an trụ trong những tư thế này. Điều đó cũng không có nghĩa là nếu không áp dụng những tư thế ấy, đặc biệt là tư thế của thân, thì bạn sẽ không thể thực hành. Lẽ đương nhiên, bạn có thể thực hành ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, khi bạn đang làm bất cứ việc gì: trong khi ngủ, trong khi đi vệ sinh, trong khi nói chuyện,… Thiền định cần phải được duy trì liên tục không đứt đoạn. Tuy thế, mỗi khi thực hành nghiêm mật bạn cần tuyệt đối áp dụng ba phương thức này.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327909
Số người trực tuyến: