Tầm quan trọng của việc trì giữ giới nguyện với Thượng sư | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tầm quan trọng của việc trì giữ giới nguyện với Thượng sư

Kim Cương thừa luôn được coi là truyền thừa bí mật bởi việc thực hành đòi hỏi căn cơ và trình độ nhất định. Thông thường, khi thực hành Kim Cương thừa, chúng ta được xem như đã có những hiểu biết và nền tảng căn bản về Tiểu thừa và Đại thừa. Kim Cương thừa cũng được biết đến như pháp môn Phật giáo tiến đến giác ngộ nhanh nhất và cũng uy lực và bí mật nhất. Chính vì vậy Mật thừa được chư Phật, Bồ tát, Bản tôn Kim cương Hộ pháp và chư Bách thần bảo trì một cách rất cẩn thận. Việc trì giữ Giới luật hay Tam muội da (Samaya) trong cộng đồng Phật Pháp Kim Cương thừa là việc vô cùng quan trọng bởi nếu hành giả phạm giới Tam muội da thì việc đó sẽ làm tổn thọ của Thượng sư, tổn thọ bản thân hành giả trong kiếp này và kiếp sau, đồng thời cũng khiến mọi giới Tam muội da của toàn thể Tăng đoàn bị ảnh hưởng và hành giả phải trải nghiệm nhiều kiếp khổ đau nơi Địa ngục. 

 

Trong Mật điển cũng có dạy khi bạn thực hành Mật thừa mà không trì giới rõ ràng nguy hiểm, vì bạn đã sử dụng Mật pháp một cách sai lệch, để tăng trưởng tham sân si và bản ngã. Đây là lí do tại sao giới nguyện Tam muội da là rất cần thiết để giúp chúng ta tịnh hóa thân tâm và đem lại lợi ích cho mọi người. Theo nghĩa này, có thể nói, vị thế của hành giả Kim Cương thừa cũng giống như con rắn trong ống tre, chỉ có thể đi lên hoặc đi xuống. Đi lên tức là trì giữ giới nguyện Tam muội da, chúng ta sẽ đạt được giải thoát giác ngộ, còn đi xuống có nghĩa là phá bể giới nguyện Tam muội da, chúng ta sẽ bị đọa xuống tầng thấp nhất của địa ngục A Tỳ.

Nền tảng chung và riêng

Là một hành giả Kim Cương thừa trước hết bạn phải quy y sau đó thụ trì Ngũ giới. Mức độ cao hơn là bạn giữ Bồ tát giới. Trong pháp thực hành giới luật, căn nguyên của giới bao gồm ba khía cạnh: động cơ thanh tịnh, thực hành thanh tịnh, hồi hướng thanh tịnh. Với ba giới nguyện này bạn đang giữ giới nguyện của Kim Cương thừa, thực hành ba khía cạnh này cũng là cốt tủy của sự thực hành thiền ở giai đoạn Phát triển và Thành tựu. Bạn cần cố gắng áp dụng ba giới nguyện này vào cuộc sống cá nhân và thực hành của bạn.

Bạn cũng cần hiểu biết về nền tảng giới luật chung áp dụng cho hai truyền thống Tân Mật và Cổ Mật của Kim Cương thừa bao gồm mười bốn giới căn bản (nội Tantra) và tám giới thô phạm. Một trong những lỗi lầm nghiêm trọng là bất kính giáo pháp của Đức Phật, bất hòa với đạo hữu Kim Cương và bỏ rơi hữu tình từ trong niệm tưởng, liên quan đến thệ nguyện tâm Bồ đề Đại thừa nghĩa là “Tôi sẽ không giúp người đó”. Ngay cả khi có ai đó gây ra tổn thương, đau đớn lớn lao với Thượng sư của họ, hay phá hủy hoàn toàn Phật Pháp, Đức Phật cũng không bao giờ cho phép nảy sinh sự thù hận dù là nhỏ nhất. Thay vào đó, Ngài giúp đỡ những người này thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Do đó nếu bạn nói: “Đây là người xấu, tôi sẽ không giúp anh ta”, hay ngay cả khi bạn vừa khởi mống niệm này, bạn đã phá bể giới nguyện Tam muội da.

Ở phạm vi thực hành, mỗi thứ lớp Mật Thừa đều có các Giới nguyện Tam muội da riêng, cũng như việc các hành giả tu tập Kinh thừa trì giữ các giới luật riêng. Giới nguyện Kim Cương thừa là lời thệ nguyện thiêng liêng mà hành giả phát nguyện như điều kiện tiên quyết để thực hành thiền định về vị Bản tôn mà mình thụ nhận quán đỉnh. Tam muội da hay Samaya được tìm thấy trong bốn quán đỉnh: quán đỉnh Bình có samaya Bình, quán đỉnh Bí mật có samaya Bí mật, quán đỉnh Trí tuệ có samaya Trí tuệ, và cuối cùng với quán đỉnh Ngữ sẽ có samaya Chân như. Thệ nguyện Tam muội có thể dẫn đến việc trì các giới luật chung cho một thứ lớp Mật thừa, hoặc trì giữ các giới luật riêng, ví dụ hành giả cần phải trì giữ giới luật không bao giờ được chế nhạo phụ nữ khi tu tập pháp liên quan đến các vị Phật Mẫu Bản tôn như Đức Kim Cương Thánh Mẫu.

Vì có vô số Bản tôn trong Kim Cương thừa nên chúng ta cũng có đến hàng trăm hàng nghìn loại Tam muội da phải trì giữ tùy từng mức độ thực hành như là ba samaya, năm samaya, mười bốn samaya, hai tám samaya,… Điều đó phụ thuộc vào việc bạn thụ nhận quán đỉnh Kriya Tantra, Charya Tantra, Yoga Tantra hay Anuttara Yoga như Ati yoga trong thực hành Đại Thủ Ấn. Có vô số thệ nguyện, tùy thuộc vào thứ lớp tu tập và vị Bản tôn hành giả đang thực hành.

Những hành giả đã thụ nhận Sáu Yoga của Naropa và phát nguyện trì giữ các pháp khí Tam muội da, lấy ví dụ như linh chử dùng để thiền, thì cần nhất thiết giữ những pháp khí đó bên mình. Có thể vì lý do nào đó bất tiện như ăn uống, sinh hoạt mà thông thường chúng ta không làm việc này. Nhưng khi đã phát nguyện, chúng ta cần phải luôn giữ linh chử bên mình hai mươi tư tiếng một ngày. Nếu không làm như vậy thì hành giả phạm giới Tam muội da căn bản. Thậm chí nếu không thể nắm giữ linh chử trong tay, chúng ta vẫn cần luôn có linh chử theo mình. Đại sư Atisha đã luôn làm như vậy trong suốt thời gian Ngài hoằng dương Phật Pháp ở Tây Tạng. Khi Ngài thị hiện viên tịch, các đệ tử tìm thấy trong chiếc túi Ngài luôn mang theo bên mình có chuông và chày kim cương. Khi Ngài còn trụ thế, không ai biết được bí mật này. Mọi người thường không hiểu tại sao chiếc túi lại là vật bất ly thân trong suốt hành trình hoằng pháp của Ngài tại Tây Tạng.

Cốt yếu Giới nguyện Kim Cương thừa

Có nhiều giới Tam muội da khác nhau và các giới đó được chia thành các thứ lớp thông thường và vi tế. Cả hai loại Tam muội da đều cần phải được trì giữ một cách cẩn thận. Nhìn chung, chúng ta có thể trì giữ Tam muội da thông thường (tương đương các Tam muội da riêng) một cách dễ dàng hơn, ví dụ như hành giả cần tôn kính lẫn nhau, duy trì sự chân thành, phát triển lòng bi với mọi người.... Giới Tam muội da vi tế thì khó giữ hơn nhiều và nếu trì giữ được giới này, bạn cũng sẽ trì giữ được mọi Tam muội da thông thường khác. Tam muội da vi tế có thể bị phạm khi ta nhìn một thác nước hay dòng sông mà cho rằng nước đó thực sự tồn tại như ta nhìn thấy. Việc giữ giới Tam muội da vi tế là rất khó thực hiện bởi chúng ta còn khuynh hướng nghiệp mạnh mẽ, nhìn thấy nước cho rằng nước tồn tại thực sự. Theo quan điểm tuyệt đối của Kim Cương thừa thì cách nhìn nhận đó là hoàn toàn sai trái vì chúng ta đã khởi niệm nhị nguyên chấp cảnh là thật nên đã chấp ngã, chấp có năng - sở trong đó. Dĩ nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy nước, nhưng chúng ta không được nghĩ rằng đang nhìn thấy nước thực sự. Chúng ta cần có trí tuệ để biết rằng “nước” mà chúng ta nhìn thấy không tồn tại như thế ở cấp độ hiểu biết tuyệt đối. Ở mức độ tu tập nhất định, hành giả Kim Cương thừa phải tỉnh thức trong mọi hành động cuộc sống. Dù là ăn uống, nói chuyện với người khác hay tiếp xúc với đồ vật gì…. hành giả phải luôn an trụ trong sự tỉnh giác và nỗ lực trì giữ giới Tam muội da vi tế.

Nếu không trì giữ Tam muội da vi tế, hành giả sẽ rất khó thực hành các Tam muội da thông thường, Với tâm chấp trước phân biệt ta - người qua những suy nghĩ theo kiểu như: “Người đó là đạo hữu, đáng lẽ ta phải kính trọng. Nhưng làm sao có thể kính trọng được khi ta có học vấn còn người đó thì không?” Thế là, hành giả hướng vọng tưởng nhị nguyên về đối tượng so sánh và kết luận: “Mình không thể tôn kính người này”. Vọng tưởng này chính là ám chướng khiến bạn không thể trì giữ Tam muội da được nữa. Vì vậy, chúng ta nên tu tập giữ các giới Tam muội da vi tế và tập nhìn vào tự tính của vạn pháp.

Như vậy, chúng ta thấy rằng mỗi Tantra khác nhau sẽ có hệ thống giới luật khác nhau nhưng về bản chất nếu duy trì được trí tuệ thanh tịnh, mọi giới luật Kim Cương thừa sẽ tự động được trì giữ. Đối với hành giả thực hành Kim Cương thừa, toàn bộ vũ trụ, gồm cả Ngũ uẩn, đều được chuyển hoá thành Mandala trí tuệ của Ngũ bộ Phật. Do đó việc phá vỡ thệ nguyện Tam muội da sẽ xuất hiện một khi hành giả đánh mất sự thực hành này và bám chấp vào quan niệm thông thường “ta - người”, hay “cái này và cái kia”. Như thế, thay vì nhìn nhận vạn vật theo cách thức thông thường, chúng ta nhận thức mọi hiện tượng là sắc thân Phật, mọi âm thanh là chân ngôn, mọi ý nghĩ, tư tưởng thô tế là tâm giác ngộ của Phật. Bất cứ sắc tướng nào xuất hiện trước mặt bạn đều thanh tịnh, nhận thức thanh tịnh, tâm tích cực, luôn tôn kính và lòng từ bi. Đây là ba Giới nguyện Căn bản và rốt ráo nhất của Kim Cương thừa. Khi tâm thức hành giả thực sự đạt tới mức độ này, sẽ chẳng có cơ hội nào cho những sai lầm diễn ra. Bất kỳ sai lầm hay sự phá vỡ thệ nguyện đều là kết quả của sự thiếu khuyết ba Tam muội da căn bản đó.

Tóm lại, sự tuân thủ hàng trăm hàng ngàn giới luật Mật thừa đều bao gồm trong nhận thức thân, khẩu, ý của bạn chính là thân, khẩu, ý Kim cương của Bản tôn hay Thượng sư. Nếu tinh nghiêm trì giữ ba Tam muội da căn bản này, bạn sẽ thực hành Kim Cương thừa một cách tấn tốc và đúng đắn.

Trì giữ Giới nguyện với Thượng sư

Như trên đã nói, Ba giới nguyện căn bản của Kim Cương thừa đều có liên quan đến Thượng sư. Giới nguyện của hành giả Kim Cương thừa chính là tôn kính Thượng sư như Đức Phật, tôn kính thân, khẩu, y của Thượng sư như thân, khẩu, ý của Phật. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào Tâm chí thành của bạn. Trên thực tế, Phật chính là hiện thân của trí tuệ bất nhị, vì thế để nhìn nhận được Thượng sư như vậy bạn phải trưởng dưỡng được tâm chí thành chân chính. Tâm chí thành chân chính hay đức tin chân thật phát khởi khi bạn nhìn nhận Thượng sư là Trí tuệ bất nhị, không chỉ từ phương diện triết lý mà bạn phải thực sự chứng nghiệm điều đó. Tiếp đến, bạn cũng sẽ chứng nghiệm một cách nhậm vận tự nhiên rằng mọi sự vật hiện tượng cũng đều là trí tuệ bất nhị. Thường thì tâm chí thành chân chính chỉ khởi phát từ giai đoạn bạn chứng đạt được Bồ tát địa thứ nhất. Trên hành trình đến đó, chúng ta chỉ có tâm chí thành tương đối, được trưởng dưỡng nhờ vào niềm tin, quá trình tu tập quán hòa tan, và cảm hứng qua việc tìm đọc tiểu sử  công hạnh và lân mẫn bậc Thượng sư giác ngộ.

Như vậy, phương pháp trì giữ giới nguyện tuyệt vời nhất là chúng ta tôn kính Thượng sư là bậc Toàn hảo, nhìn Thượng sư như Trí tuệ bất nhị, nhận thức mọi hành động, lời nói của Thượng sư đều hoàn hảo và chúng ta tuyệt đối vâng theo huấn từ của Ngài. Vì chưa thể thấy vạn pháp đều thanh tịnh, nên trước tiên chúng ta tôn kính Thượng sư là hoàn toàn thanh tịnh. Cho dù chưa thể thấy được Thượng sư chính là Phật trong hình tướng loài người, chúng ta phải phát khởi niềm tin và hướng sự thực hành vào điều này. Thực sự, Phật vốn không phải là khái niệm gắn kết với hình tướng loài người, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn không phải như vậy. Đối với hết thảy chư Phật, sắc thân của các Ngài đều đã tan biến. Chẳng hạn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi thành Phật thì Ngài vẫn còn thân, nhưng khi đó Ngài chưa được gọi là Phật. Chỉ sau khi đạt giác ngộ, thành tựu trí tuệ bất nhị thì Ngài mới trở thành bậc Thượng sư chân chính trong cõi Trời, Người. Xét từ quan điểm bất nhị thì bất cứ điều gì Ngài làm hay Ngài nói ra đều là hoàn hảo. Vì thế khi lân mẫn Thượng sư, chúng ta phải tôn kính Thân, Khẩu, Ý của Thượng sư, phải thấy được Thượng sư là hoàn hảo. Nhờ đó, chúng ta dần dần trưởng dưỡng nhãn quan thanh tịnh nhìn thấy vạn pháp đều hoàn hảo nếu không có sự tạo tác của chúng ta. Đó là cách thực hành vô cùng thiện xảo của Kim Cương thừa!

Nếu Thượng sư chỉ dạy điều gì mà bạn không thể thực hiện vì vượt quá khả năng của mình, trong kinh dạy rằng bạn có thể đỉnh lễ Thượng sư ba lần và bạch rằng bạn không thể làm được. Tất nhiên, nếu Thượng sư cứ luôn bảo bạn phải thực hành pháp tu này mà bạn luôn nói không được thì cũng chẳng còn gì phải bàn luận nữa cả.Thượng sư Nếu có thắc mắc nghi ngờ, bạn có thể tác bạch và cúng dàng ý kiến lên Ngài, nhưng sau đó bất cứ điều gì Thượng sư nói ra đều là chân lý. Chúng ta đã có rất nhiều năm để tìm kiếm bậc Thượng sư, kiểm chứng phẩm hạnh và trí tuệ để nhìn nhận Ngài là Bậc Thầy hoàn hảo chân chính. Hơn nữa, bậc Thượng sư của bạn là một Hóa thân chuyển thế, có thể là một bậc Thầy đã được các Đại Thượng sư như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đức Liên Hoa Sinh huyền ký trong Kinh điển. Trước một Bậc Thầy giác ngộ như Ngài, nếu như bạn lúc nào cũng bám chấp mạnh mẽ vào quan kiến riêng của mình, không nghe theo huấn từ của Ngài thì thật là vô nghĩa. Hãy cúng dàng lên Ngài quan điểm của mình, nhưng sau đó biết nghe theo lời chỉ dạy của Thượng sư chính là thực hành Thượng sư tương ưng pháp. Cho nên, tìm kiếm bậc Thượng sư đã khó, biết phụng sự và làm Ngài hoan hỷ còn khó khăn hơn!

Như vậy, giới nguyện Kim Cương thừa cũng chính là tuân thủ theo Thân, Khẩu, Ý của Thượng sư. Nếu tự trong tâm bạn cảm thấy rằng có điều gì bạn không thể làm được, thì bạn cần đỉnh lễ Thượng sư ba lần và nói lên điều đó, như vậy bạn đã không bị giới nguyện ràng buộc và điều này là được phép

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6289381
Số người trực tuyến: