3 điểm cốt yếu thành tựu tâm linh khi thực hành nghi quỹ Kim Cương thừa
Các phần kết cấu của Nghi quỹ Kim Cương thừa bao gồm thực hành mở đầu, thực hành chính và hồi hướng công đức liên quan tới 3 điểm quan trọng nhất để thành tựu tâm linh là động cơ thanh tịnh, hành đàn thanh tịnh và hồi hướng thanh tịnh.
1. Động cơ thanh tịnh
Trước khi tu tập, hành giả phải luôn quán chiếu về thân người khó được và giá trị hy hữu khi may mắn có được thân người quý giá này. Tiếp đến, hãy suy ngẫm quán chiếu về các đề mục Vô thường, cái Chết, quy luật Nhân quả và Khổ luân hồi. Hãy phát khởi Bồ đề tâm, tin tưởng vững chắc rằng từ chư Phật, Bồ tát đến tất thảy chúng sinh đều vốn sẵn đủ Phật tính, chỉ vì vô minh nên chúng sinh và bản thân mình cứ mãi trầm chìm trong khổ đau sinh tử luân hồi. Từ niềm tin Kim cương đó, hành giả thực hành Quy y và hướng cuộc sống của mình về mục đích tinh tấn tu tập vì sự giác ngộ và an lạc của hết thảy khổ não hữu tình.
2. Hành đàn thanh tịnh (bao gồm cả nội và ngoại đàn tràng)
Hành giả nên nhớ rằng Mật thất hay Nội Đàn tràng chính là một Mandala giác ngộ của chư Phật, là không gian của ân phúc gia trì và công đức. Vì thế, cần bảo vệ năng lực gia trì của đàn tràng, tránh những năng lượng tiêu cực có thể gây chướng ngại cho sự tu trì của mình và Thánh hóa môi trường tu tập bằng cách quán tưởng cảnh giới Mandala Bản tôn. Trên thực tế, các bậc giác ngộ vẫn đang hiển diện khắp mười phương, song bởi vô minh, ám chướng che dày nên chúng ta không thể nhận ra. Vì thế, để có sự kết nối và thỉnh cầu sự hiển diện của các Ngài, hành giả nên tụng bài tán thán thỉnh nguyện Bản tôn giáng lâm và bài Bảy chi cầu nguyện Hạnh Phổ Hiền.
Kế đến, khi hành trì, hành giả lưu ý ngồi theo bảy tư thế bảy điểm của Đức Phật Đại Nhật Như Lai: ngồi thẳng xương sống để khí lực trôi chảy tự nhiên, đầu để thoải mái trên cổ và hơi đưa cằm về phía yết hầu, vai cân đối và thư giãn, có thể ngồi kết già thế Kim cương tọa, Cát tường tọa hay Hàng ma tọa, răng môi để tự nhiên, lưỡi đặt lên nóc hàm, hai tay kết ấn đại định đặt trước rốn. Nếu trì tụng chân ngôn thì tay trái cầm tràng để khoảng giữa tâm, không quá xa, quá gần để thoải mái tự nhiên, mắt mở khoảng bốn mươi lăm độ để tâm dễ tỉnh thức, nhạy bén, không xao động. Điểm cốt yếu của hành đàn là thực hành và trì giữ được Tam mật tương ưng Thân - Khẩu - Ý Bản tôn trong phạm vi cả nội - ngoại đàn tràng.
3. Hồi hướng công đức thanh tịnh
Trong kinh dạy: “Dù chỉ là giọt nước một khi nhỏ xuống biển sẽ không bị cạn kiệt cho đến khi biển khô cạn, và giọt nước ấy sẽ tồn tại chừng nào biển còn tồn tại. Nên nếu một người hồi hướng những thiện hạnh và công đức của mình với tâm Bồ Đề thì công đức đấy sẽ không bao giờ bị mất cho đến khi đạt được giác ngộ vì lợi ích tất cả chúng sinh”.
Nói một cách khác, nếu hành giả quên không hồi hướng công đức và thiện hạnh ngay sau khi thực hành thì những phiền não độc hại mạnh mẽ như sân giận, ghét bỏ hay tham muốn trong một giây phút bộc phát sẽ phá huỷ bất kỳ sự tích lũy công đức nào. Những đức hạnh và công đức chưa kịp hồi hướng giống như cỏ khô sẽ bị ngọn lửa tham lam, sân giận trong phút giây lơi lỏng thiêu trụi ngay tức khắc. Tuy nhiên, các đức hạnh tu tập đã được hồi hướng sẽ không bao giờ bị phá huỷ, vì những công đức ấy đã hòa trong đại dương công hạnh tâm giác ngộ của tất cả chư Phật, và như thế sẽ được tăng trưởng mãi cho tới khi thành Phật.
Cách siêu việt để hồi hướng công đức sau mỗi thời khóa là hành giả hãy quán Tam luân không tịch. Sau đó, hãy an trụ trong trạng thái an lạc, trong sáng, vô niệm và tâm bất nhị càng lâu càng tốt. Nếu hành giả chưa quán được như thế thì nên phát nguyện rằng: “Như chư Phật và Bồ tát trong quá khứ đã phát Bồ đề tâm và tuỳ hỷ, hồi hướng công đức và thiện hạnh của các Ngài như thế nào, con nay cũng xin hồi hướng như vậy”.
(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)
- Viết bình luận
- 1008
Viết bình luận