Bạn đang ở đây
Kết nối với chư Phật nhờ trì tụng chân ngôn đúng cách
Chân ngôn hay âm thanh thanh tịnh có tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa. Bản thân thừa này còn được gọi là Mantra hay Chân ngôn thừa. Trong tiếng Phạn, từ “Man” là “suy nghĩ”, và từ “Tra” có nghĩa là “giải phóng bản thân khỏi thế giới vật chất”.Việc kết hợp nghĩa hai từ này tạo thành “Mantra” có nghĩa là “tư tưởng được giải thoát và bảo vệ” hay còn gọi là “Bảo hộ tâm”.
Trên phương diện năng lượng, chân ngôn là một đơn âm hoặc chuỗi âm thanh có liên quan đến một vị Phật Bản tôn và vì thế chứa đựng hàng loạt sóng âm ba và năng lượng tâm linh vô cùng tích cực. Khi trì tụng, chân ngôn không chỉ giúp tiêu trừ bệnh tật, phiền não, nghiệp chướng mà còn có năng lực kết nối, hợp nhất tâm chúng ta với những tầng tâm thức cao hơn. Chân ngôn như vậy là chìa khóa trực tiếp giúp hiển lộ vũ trụ pháp giới bên ngoài và bên trong, là công cụ nhanh chóng, nhẹ nhàng, hiệu quả để tiếp cận những kênh năng lượng linh thiêng từ các chiều tâm thức cao hơn. Công lực của chân ngôn phụ thuộc vào trạng thái thiền định và nội chứng của bạn và đặc biệt vào sự hướng đạo chỉ dẫn từ một bậc Thầy tâm linh giác ngộ.
Công năng của thực hành trì tụng chân ngôn có hai khía cạnh bên ngoài và bên trong.
Bên ngoài là bạn triệu thỉnh chư Phật. Đây cũng là một hình thức cầu nguyện. Mỗi vị Phật đều có những công năng riêng, chẳng hạn như trong Phật giáo Đại thừa khi trì Phật hiệu của Đức Phật A Di Đà, bạn sẽ được vãng sinh Tịnh Độ vì Đức Phật A Di Đà trong vô số kiếp đã tích lũy vô lượng công đức và Ngài phát hạnh nguyện rằng “bất cứ ai trì tụng danh hiệu của ta đều sẽ được tái sinh ở cõi Tịnh Độ”. Tương tự như vậy, các câu chân ngôn cũng đều có sự gia trì, trì tụng chân ngôn có công dụng triệu thỉnh gia trì của chư Bản tôn và cũng có thể bảo vệ bạn khỏi những báo ứng của Khẩu nghiệp. Theo cách này chân ngôn giúp bạn tịnh hóa đồng thời cũng bảo vệ bạn, vì khi trì chân ngôn bạn sẽ không thể nói chuyện, từ đầu đến cuối bạn sẽ được bảo vệ tránh nói ra những điều ác khẩu.
Xét về bên trong, khi trì tụng chân ngôn, bạn cần an trụ trong tự tính tâm, và như vậy không thể có “tôi đang trì chân ngôn” mà những lời chân ngôn phải được phát ra giống như một tiếng vang. Và tâm của bạn cũng vậy, cần phải tràn đầy tỉnh thức song tuyệt đối không tạo tác, bám chấp hay trì trệ.
Khi trì tụng chân ngôn sóng âm ba được cộng hưởng phát ra những năng lượng chữa lành nhẹ nhàng khắp thân tâm chúng ta. Diễn đạt dưới góc độ tâm linh, chân ngôn là phương tiện giao tiếp, kết nối của Bản tôn, chư Phật và Bồ tát với chúng sinh để có thể đem lại sự tịnh hóa nghiệp chướng và chứng ngộ cho hết thảy vạn loài hữu tình.
Về cách thức, nói chung, người mới trì tụng chân ngôn đầu tiên nên trì tụng để nghe rõ âm thanh mình trì tụng để sóng âm ba của chân ngôn phát ra lan tỏa sâu hơn vào tim và cuối cùng chúng ta có thể an trụ trong sự an tịnh, để siêu thanh bên trong tự nhậm vận hoạt động. Trên quan điểm thực hành, điều này vô cùng quan trọng.
Có một số chân ngôn mà chúng ta phải trì tụng lặng lẽ trong tự thân. Tuy nhiên, có một vài chân ngôn không được phép trì tụng nếu không được nhận quán đỉnh hoặc khẩu truyền từ bậc Kim cương Thượng sư. Trong trường hợp này, chúng ta cần đón nhận sự hướng đạo chính thức về cách sử dụng chân ngôn. Sở dĩ Bậc Thầy tâm linh cần truyền trao chân ngôn cho đệ tử vì khi Bậc Thầy giác ngộ tán tụng khẩu truyền cho đệ tử mình, cũng là ban truyền dòng ban phúc gia trì không gián đoạn để các đệ tử có năng lực gia trì và tiếp tục thực hành chân ngôn đạt được thành tựu. Nhờ vậy, năng lực và công đức tu trì chân ngôn sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.
Cách đúng đắn nhất để thực hành trì tụng chân ngôn là không nên tụng quá nhanh, cũng không nên trì quá chậm. Cần phải trì rõ ràng, thực sự rõ ràng. Một số câu chân ngôn như OM MANI PADME HUNG có thể được trì thật to thành tiếng, song có một số câu chân ngôn như chân ngôn của Bản tôn Chakrasamvara hay Vajravarahi được gọi là Mật chú, cần phải được trì tụng thầm.
(Nguồn: www.drukpavietnam.org)
- 3507
Viết bình luận