Hiểu đúng về ý nghĩa cầu siêu phổ độ gia tiên | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hiểu đúng về ý nghĩa cầu siêu phổ độ gia tiên

Hiểu được ý nghĩa của việc cầu siêu chúng ta mới viên mãn được tâm nguyện tri ân – báo ân cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, cửu huyền thất tổ. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật có 2 đại đệ tử: Xá Lợi Phất – trí tuệ đệ nhất và Mục Kiền Liên – đệ nhất thần thông và đại hiếu tôn giả. Cha Ngài Mục Kiền Liên mất sớm, Ngài bôn ba làm ăn để nuôi mẹ. Mẹ Ngài do nghiệp ác từ nhiều đời nên khi mất bị đọa địa ngục. Do biết rằng báo hiếu không gì hơn bằng xuất gia tu tập. Ngài đã đến thỉnh cầu Đức Phật xin được xuất gia. Nương nhờ sự gia trì của Đức Phật, Ngài đã tìm được mẹ ở cõi địa ngục. Quá thương xót mẹ, dập đầu đỉnh lễ Đức Phật, cầu xin chỉ dạy cho Ngài làm thế nào để cứu mẹ.

 

Tuy bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng đã lễ Vu Lan trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Bởi người Việt luôn coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu là tri ân, thuận là báo ân. Không phải tự nhiên mà chúng ta được sinh ra, lớn khôn, trưởng thành như ngày hôm nay. Mỗi chúng ta hãy cảm thấy tự hào vì được thừa hưởng truyền thừa huyết thống của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Mỗi hạt cơm là mồ hôi của người nông dân, mỗi mảnh áo là mồ hôi của người thợ dệt, thợ dệt… cuộc sống của chúng ta thấm đẫm ân phước của nhiều người xung quanh. 

Trong ngày lễ Vu Lan, chúng ta hướng niềm tri ân đến tất cả mọi người. Biết tri ân vẫn chưa đủ, niềm tri ân cần được hiện thực hóa thành những hành động có ích. Chính nhờ những công hạnh báo ân mà sự tri ân mới trọn vẹn ý nghĩa. Lễ Vu Lan là cơ hội lớn để các Phật tử thực hiện tri ân – báo ân. Ở nhà có nhiều cách báo ân là chăm lo, cơm nước cho cha mẹ và hướng dẫn cha mẹ thực hành tâm linh. Đối với ông bà, cha mẹ đã quá vãng, cố gắng thực hành công đức hồi hướng cho họ. Hãy đem trọn tấm lòng hiếu thảo của mình để làm tất cả các thiện hạnh, để 1 ngày tu tập trọn vẹn công đức, để những bông hoa hiếu đạo nở hoa.

Ý nghĩa cầu siêu phả độ gia tiên

Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Không siêu có nghĩa là chư hương linh có thể trong đời quá khứ tích lũy điều không lành, hoặc do oan gia trái chủ mà không thể đi về cõi lành. Giống như khi bạn bị kẹt xe trên đường đi làm, sự mắc kẹt ấy gọi là không siêu. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Đối với những chúng sinh đang ở trạng thái thân trung ấm, việc cầu siêu từ khi mất, tuần sơ thất cho đến chung thất có ý nghĩa và giá trị rất lớn, giúp hương linh có thể nương nhờ công đức (nhờ Phật lực gia hộ, chư Tăng chú nguyện, thân nhân thực hành tích lũy công đức) mà thức tỉnh, chuyển hóa nghiệp lực để siêu sinh Tịnh độ.

Đối với những chúng sinh sau khi chết đã trải qua thời gian 49 ngày nhưng vì oan nghiệp bất đắc kỳ tử, đột tử nên vẫn chưa tái sinh, hoặc phần lớn đã tìm được chỗ tái sinh nhưng do lúc sinh tiền tạo nhiều nghiệp bất thiện nên sinh vào ác đạo (địa ngục và ngã quỷ), họ vô cùng khổ đau, đói khát. Bởi chúng ta không thể biết giờ này ông bà cha mẹ, tổ tiên của chúng ta còn lưu lạc nơi đâu, theo lời chỉ dạy của Đức Phật, chúng ta rất cần làm các việc phúc thiện như phóng sinh, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, bảo vệ môi trường, thực hành thập thiện….để nương công đức đó hồi hướng cầu nguyện cho hương linh ông bà cha mẹ sớm được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333215
Số người trực tuyến: