Làm thế nào để loại bỏ tận gốc nguyên nhân của khổ đau trong cuộc sống? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Làm thế nào để loại bỏ tận gốc nguyên nhân của khổ đau trong cuộc sống?

Trong Tứ diệu đế, Tập đế theo nghĩa dịch tiếng Anh có nghĩa là «nguồn gốc về sự phụ thuộc lẫn nhau», hay «nguyên nhân, cội nguồn của mọi sự tướng, hiện tượng». Theo tiếng Hán Việt, “Tập” là chứa nhóm, dồn thêm mỗi ngày mỗi nhiều hơn lên, “Đế” là sự thật vững chắc, đúng đắn hơn cả. Tập đế là sự thật đúng đắn, vững chắc về nguyên nhân của những nỗi khổ đã chứa nhóm, tích trữ lâu đời, lâu kiếp trong mỗi chúng sinh. Đó là sự thật về cội gốc của sinh tử, luân hồi, của bể khổ trần gian.

Chân lý về nguồn gốc bao trùm vạn pháp chỉ ra rằng nguyên nhân gốc rễ của khổ đau chính là nghiệp và xúc tình phiền não (trong tiếng Phạn là kleshas). “Nghiệp” trong tiếng Phạn là Karma, có nghĩa là “hành động” và “klesha” trong tiếng Phạn có nghĩa là “sự nhiễm ô trong tâm” hay “thuốc độc trong tâm”. Nếu chúng ta không hiểu giáo pháp của Đức Phật, chúng ta sẽ quy kết rằng hạnh phúc và khổ đau đều do các nguyên nhân bên ngoài gây ra. Chúng ta cũng có thể cho rằng hạnh phúc và khổ đau đến từ môi trường, từ chúa Trời hay từ những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nếu tin như vậy, thì thật khó, thậm chí là sẽ không thể đoạn diệt được khổ đau và nhân của khổ đau.

Làm thế nào để loại bỏ được nguyên nhân gây ra khổ đau?

Mặt khác, khi nhận ra rằng những trải nghiệm khổ đau là sản phẩm của những gì chúng ta đã tạo tác, hay chính là kết của của hành động chúng ta đã làm, thì chúng ta mới có thể đoạn diệt được khổ đau. Khi nhận biết được về cách thức khổ đau đang diễn ra, dần dần chúng ta có thể loại bỏ những nguyên nhân gây ra đau khổ. Trước tiên, chúng ta cần nhận ra rằng những gì mình đang trải nghiệm không phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài, mà vào chính những gì mình đã làm từ trước. Đó chính là hiểu biết về Nghiệp. Nghiệp tạo ra đau khổ và bị dẫn dắt bởi các xúc tình phiền não. Thuật ngữ “nhiễm ô” đề cập chủ yếu đến những động cơ và suy nghĩ tiêu cực, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực.

3 phiền não căn bản

Phiền não nhiễm ô có rất nhiều, nói rộng thì đến tám mươi bốn ngàn (84.000), nói hẹp lại thì có ba phiền não căn bản hay còn gọi là tam độc:

1. Tham

Tham là sự ham muốn hướng tới một đối tượng. Đối tượng này Đạo Phật gọi là 5 loại dục lạc gồm tiền tài, sắc đẹp, công danh, hưởng thụ, ăn uống, ngủ nghỉ. Mọi người đều cho rằng hưởng thụ 5 loại dục lạc này là nhu cầu của đời sống và điều kiện mang lại hạnh phúc. Tùy nhân duyên phúc báo mà mỗi cá nhân sẽ hưởng thụ các loại dục lạc này ở các điều kiện mức độ khác nhau, như nghèo nàn hay sung túc. Tham được ví như người khát uống nước biển càng uống càng không thỏa mãn cơn khát của mình.

Niềm vui và hạnh phúc do các dục lạc mang lại không bền vững lâu dài, nó ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng tác hại to lớn là khiến cho con người say mê đắm đuối, chìm đắm trong nó, quay cuồng trong nó dẫn đến nhiều hệ lụy và phiền não khổ đau.

2. Sân

Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện, thì sân giận nổi lên, như một ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta.  Sân giận liên quan đến bám chấp, là phản ứng của bám chấp khi không có được điều nó muốn. Vì sân giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì sân giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì sân giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm chép: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai", nghĩa là một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách Phật chép: "Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn", nghĩa là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.

3. Si

Si không phải là thiếu kiến thức học vấn bằng cấp mà là sự mê muội, mê lầm thiếu trí tuệ không nhận ra tự tính thanh tịnh,không hiểu biết về chân lý tuyệt đối của cuộc sống và hiểu lầm về đối tượng hạnh phúc nằm ở các dục lạc bên ngoài.. Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí huệ của ta, làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Vì si mà lòng tham trở thành không đáy, bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của tham, thì người ta đã kìm hãm được một phần nào tính tham. Vì si mà lửa sân tự do bùng cháy; nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế. Tổ sư đã dạy: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì", nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm.

Tam độc tham, sân, si này chính là nguồn gốc hình thành thế giới phiền não và bất như ý vô tận mà Đức Phật gọi là cõi luân hồi.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6400106
Số người trực tuyến: