Nên tắm rửa cho người mất như thế nào để lợi ích nhất?
Đối với người lâm chung, một khi tiến trình chết bên trong chưa hoàn tất, thần thức chưa thoát khỏi xác thân vật lý thì người đó vẫn chưa hoàn toàn chết. Lúc này, “thức” của người chết có thể vẫn còn trong thân thể mà chúng ta không thể nhận ra do không có trải nghiệm thực hành. Người đang trong tiến trình chết phải luôn được theo dõi trong vòng ít nhất một ngày rưỡi cho đến tốt nhất là ba ngày. Nghĩa là, trong khoảng thời gian này, bạn cần để cho người đó yên tĩnh, không bị quấy rầy động niệm. Các xúc chạm, xâm hại vào thân thể người chết (trừ huyệt Bách hội) sẽ tạo thành nghịch duyên có thể dẫn tới sự đọa lạc và hủy hoại toàn bộ những nỗ lực cùng công phu tu tập của người chết trong kiếp sống vừa qua.
Lẽ dĩ nhiên nghiệp nhân là yếu tố nền tảng căn bản nhưng đồng thời ngoại duyên cũng góp phần chi phối nhất định. Bởi thế, cần hết sức lưu ý không gây bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào tới người đang ở trong tiến trình chết cho đến khi cái chết được thực sự hoàn tất.
Nếu sau 3 ngày, những khớp xương của người quá cố đã cứng thì có thể dùng khăn thấm nước nóng đắp lên khớp xương, qua vài phút sẽ mềm mại ngay. Mắt nếu khép lại được thì cũng dùng khăn thấm nước nóng đắp lên hai mắt, vài phút sau cũng khép lại được. Đối với việc mặc y phục cho người đã mất, tốt nhất là mặc y phục thường. Y phục liệm cho họ không nên quá nhiều và quá tốt. Chúng ta phải hiểu rằng, thương người mất không gì hơn là khiến cho họ được vãng sinh Tây phương Cực Lạc, đó mới thật sự là hiếu thuận, thân ái và từ bi. Nếu chỉ phô trương hình thức bề ngoài, tổ chức tẩm liệm rình rang để người khác thấy khen ngợi thì thật sự không có lợi ích gì cho người mất.
Trong phòng bệnh cần phải quét dọn cho sạch sẽ. Cần phải dời đi tất cả những vật có thể di chuyển được để cho gian phòng trống trải, thoáng mát. Khi một người chuẩn bị bước vào giai đoạn hấp hối, nên đặt họ nằm nghiêng về bên phải theo tư thế Sư tử, giống như tư thế của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước lúc Ngài thị hiện Niết bàn. Đặt nhẹ đầu của họ nằm lên bàn tay phải, tay trái đặt duỗi nhẹ trên đùi trái, đầu hướng về phương Bắc, mặt quay về hướng Tây, cằm hơi hướng về phía ngực. Nếu không thể nằm được theo tư thế này, ít nhất cũng nên nằm hướng mặt về hướng Tây.
Tư thế của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước lúc Ngài thị hiện Niết bàn
Theo triết lý Phật pháp, mỗi phần của thân thể đặt trong tư thế này sẽ có tác động lên một phần của tâm thức, giúp cho tâm được trong sáng thanh tịnh. Tư thế này cũng có tác dụng điều chỉnh các kinh mạch vi tế để năng lượng có thể di chuyển dễ dàng, đồng thời khi thân nằm nghiêng sang phải sẽ đè lên những huyệt đạo vốn thúc đẩy gió nghiệp vọng tưởng, nhờ đó giúp giảm bớt sự phát khởi của sân hận, sợ hãi hay bám chấp, khiến người chết dễ tập trung an định hơn trong suốt quá trình chết. Nếu người bệnh biết được là phải làm thế nào mới đề khởi chính niệm được dễ dàng thì phải thuận theo ý họ.
Giả như người bệnh có đại tiểu tiện nhơ uế thì phải lau rửa sạch sẽ. Người bệnh nếu hơi thở sắp tắt, thân thể có đại tiểu tiện nhơ uế đi nữa thì cũng không nên vội vàng lau rửa hay thay quần áo, chỉ nên nhất tâm niệm Phật. Cho dù có nghe mùi hôi đi nữa thì người trợ niệm phải hiểu rằng trợ niệm là gánh vác trọng trách của Như Lai để cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử, không thể vì một chút uế khí kia mà ruồng bỏ trách nhiệm của mình. Nếu nghĩ như vậy thì tâm này tự nhiên không còn đoái hoài đến sự hôi hám nữa.
Trước giường người bệnh thờ cúng Phật tượng lẽ ra không nên để uế khí bừa bãi, nhưng vì quan tâm đến chính niệm của người sắp mạng chung, cho dù có đồ dơ uế đi nữa cũng không nên vội vàng tắm rửa và thay y phục ngay, e rằng làm ảnh hưởng đến việc vãng sinh của người bệnh. Lúc này, không thay quần áo tắm rửa là việc bất đắc dĩ, tuy có uế khí nhưng không có tội.
Mandala Hộ trì của Đức Văn Thù
Sau một ngày rưỡi đến ba ngày, có thể tắm rửa cho người chết bằng nước thơm. Sau khi tắm xong, dùng mật ong bôi vào luân xa tim và dán khăn Mandala gia trì Bách tôn lên luân xa tim. Mật ong là chất liệu đem lại năng lượng tích cực và an bình, nên được dùng để dán Mandala cho người chết có thể đem lại lợi lạc cho họ. Sau đó, đặt các Mandala Ngữ giác ngộ của chư Phật Bản tôn lên tim người chết, rồi đắp lên người quá cố “Y phục Giải thoát”, phủ lên mặt họ khăn chúc phúc, cho ngậm thuốc và đeo dây gia trì.
(Nguồn tham khảo:
Ấn phẩm “Hành trang cho ngày cuối”,Tác giả: Pháp sư Thế Liễu, Dịch giả: HT. Thích Thiện Phước, NXB Hồng Đức, 2015
Ấn phẩm “Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử - Hộ niệm người lâm chung", Drukpa Việt Nam phát hành, NXB Tôn giáo, 2014)
- 11424
Viết bình luận