Nghệ thuật kiến trúc Mandala tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên
Đức Phật đã dạy rằng: Người nhìn thấy Pháp là thấy Phật. Người nhìn thấy Phật là thấy Pháp giác ngộ, người nhìn thấy Pháp là thấy Mandala, Thân Khẩu Ý giác ngộ của Phật. Chính vì thế, kiến trúc Mandala Phật giáo là sự thể hiện hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với Thân giác ngộ của Đức Phật, đồng thời cũng là cảnh giới Tịnh độ, nơi vân tập của hải hội chư Phật.
Kiến trúc Phật giáo dùng sức hấp dẫn của nghệ thuật để truyền tải những tư tưởng giác ngộ Từ Bi Hỷ Xả lợi ích hữu tình. Quần thể kiến trúc chùa và Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên là nhóm quần thể đặc biệt, trong đó Đại hùng Bảo điện, tháp, đài, gác chuông, cây Bồ đề Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư, tượng Ngũ Trí Phật, tranh bích họa, mỗi thứ đều mang những hàm nghĩa biểu trưng cho Mandala Vũ trụ, tự tính Phật, phẩm chất giác ngộ (Tứ Ba la mật, Tứ Diệu đế, Tứ Vô lượng tâm…) và cảnh giới Tịnh độ. Một cách tổng quan, kiến trúc quần thể chùa và Bảo tháp Mandala Tây Thiên là sự hợp nhất không tách biệt của bốn loại Mandala: Mandala Vũ trụ, Mandala Thân vi tế, Đàn tràng Mandala và Chùa Mandala.
Theo sự biểu đạt phổ biến nhất về sắc tướng, Mandala là “luân viên cụ túc”, nghĩa là hàng loạt những vòng tròn đồng tâm, nêu biểu cho tự tính Phật viên mãn, cho cảnh giới giác ngộ của hải hội chư Phật, Bồ tát. Mỗi Mandala đều có một vị Phật Bản tôn riêng an trụ trong kiến trúc hình vuông được đặt đồng tâm bên trong những vòng tròn này. Hình vuông hoàn hảo của Mandala nêu biểu cho không gian tuyệt đối của trí tuệ và từ bi hợp nhất. Cấu trúc hình vuông này có bốn cổng được vẽ rất tỉ mỉ biểu trưng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Mỗi chiếc cổng lại được trang hoàng bằng những chiếc chuông, tràng hoa và các họa tiết trang trí nêu biểu cho những phẩm chất giác ngộ.Hình vuông này xác lập nên kiến trúc của Mandala giống như một cung điện hoặc một ngôi chùa có bốn mặt. Gọi là cung điện bởi vị trí trung tâm Mandala cũng là nơi an trụ của vị Phật Bản tôn chính, xung quanh là chư Không hành, Không hành mẫu, Hộ pháp, Tôn thiên, Bồ tát Thánh chúng. Song đây cũng chính là một ngôi chùa bởi nơi này chứa đựng tinh túy Phật - Pháp - Tăng. Một cách rốt ráo, mục đích của việc kiến lập Mandala nhằm chấm dứt sự khổ đau của con người để thành tựu giác ngộ, nhận ra Phật tính nơi mình vốn bất khả phân với vạn pháp.
Kiến trúc Mandala vũ trụ bên ngoài
Để hiểu sâu hơn tinh thần giác ngộ trong kiến trúc Phật giáo, chúng ta cần trang bị tri kiến về vũ trụ quan Phật giáo, về phương pháp thực hành Kim Cương thừa và dạng thức Mandala được kiến lập qua các kiến trúc Phật giáo trứ danh như Mandala Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ), Mandala Kim cương giới Borobudur (Indonesia), Đền Angkor Wat - Mandala Vũ trụ (Campuchia), Bảo tháp Mandala Swayambunath và Boudhanath (Nepal). Các công trình này có những điểm tương đồng do đều được kiến lập theo nghệ thuật kiến trúc Mandala mô tả Vũ trụ bên ngoài và/hoặc Vũ trụ bên trong mỗi chúng sinh.
Bảo tháp Mandala Swayambunath - Nepal
Mandala Kim cương giới Borobudur (Indonesia)
Áp dụng thế giới quan này vào kiến trúc chùa Mandala chúng ta sẽ thấy chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bảo điện) nằm ở trung tâm tượng trưng cho núi Tu Di. Các khu thờ phụng xung quanh Chính điện nêu biểu cho mặt trời, mặt trăng và các bộ châu. Tường vây xung quanh nêu biểu cho dãy núi sắt Thiết Vi Sơn. Đây là kiến trúc theo Mandala Vũ trụ bên ngoài.
Kiến trúc Mandala thân vi tế bên trong
Giáo lý Kim Cương thừa cũng cho rằng các bộ phận và chức năng của cơ thể con người được miêu tả tương ứng với các bộ phận và thành phần của vũ trụ như các phương, các hành tinh, các vì sao, các vị chư thiên. Các vị ở cõi Thiên tương ứng với các luân xa điều khiển toàn bộ giác quan của cơ thể. Nếu thế giới được tạo ra nhờ không đại thì con người sống được nhờ hơi thở, hơi thở này tương ứng với trật tự của vũ trụ. Nhờ thực hành các kỹ thuật thiền định cao cấp, chư Thượng sư giác ngộ nhận ra sự tương quan - hợp nhất giữa cơ thể con người và vũ trụ. Đây chính là Mandala Vũ trụ bên trong. Theo quan kiến này, cột sống của thân người là núi Tu di, bốn chi chính là bốn Đại châu, những chi nhỏ là những Tiểu lục địa, đầu là Thế giới, hai mắt là Mặt trăng và Mặt trời. Vũ trụ được nhận ra theo cách thiền định này là thân giác ngộ của Phật. Như vậy, thân thể con người cũng là một Mandala, một vũ trụ thu nhỏ. Ngoài ra, trong Kim cương thừa, hiểu biết về Mandala thân vi tế (hệ thống kinh mạch, khí và luân xa) cũng vô cùng quan trọng bởi đây là phương tiện để khám phá phẩm chất siêu việt nơi mỗi người. Mandala vì vậy cũng có nghĩa là một giản đồ về tiến trình giác ngộ từ một chúng sinh phàm tình cho tới khi đạt thành Phật quả.
Vì Mandala Vũ trụ bên ngoài là giáo lý quan trọng của Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật giáo, Mandala Vũ trụ bên trong là giáo lý quan trọng của thực hành Kim Cương thừa Phật giáo nên ảnh hưởng của các giáo lý này có tác động rất rõ đến nghệ thuật kiến trúc chùa, tự viện và Bảo tháp Kim Cương thừa, thịnh hành tại vùng lãnh thổ Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan khu vực Himalaya. Đặc trưng phong cách kiến trúc Mandala là kiến trúc đối xứng với trục trung tâm ở giữa có các biểu tượng giác ngộ như pháp luân, chày kim cương, cánh sen….và những hình tròn, hình vuông và tứ diện đồng tâm. Về ý nghĩa, kiến trúc này đồng thời là sự hợp nhất của mô hình Vũ trụ bên ngoài tương ứng với Vũ trụ bên trong (tỷ lệ thân kim sắc của Đức Phật). Trong kiến trúc chùa Mandala, bản thân ngôi chùa, vũ trụ, con người và Đức Phật là sự hợp nhất không tách biệt. Mục đích kiến lập các chùa Mandala này nhằm chấm dứt đau khổ của con người, thành tựu giác ngộ, nhận ra được Phật tính nơi mình vốn bất khả phân với vạn pháp.
Kiến trúc nghệ thuật Mandala tại quần thể danh thắng Tây Thiên
Tại Việt Nam, kiến trúc nghệ thuật Mandala thể hiện được rõ nét qua công trình Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên và các ngôi chùa Mật thừa đang được kiến lập trong quần thể danh thắng Tây Thiên như Tịnh Thất Tây Thiên, Thiên Ân Cổ Tự, Tây Thiên Phù Nghì. Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên thể hiện năm loại trí tuệ của Phật (Ngũ Trí Phật) qua hình tượng năm Tháp: Tháp trung tâm hình vòm và bốn Tháp Nghìn Phật mô phỏng theo kiến trúc Bồ đề Đạo tràng tại Ấn Độ, xung quanh là Mười sáu Bồ tát Cúng dàng. Kiến trúc tổng thể của Đại Bảo tháp Tây Thiên nêu biểu sự hội tụ của mười phương chư Phật và cảnh giới Tịnh độ theo mô thức vũ trụ Mandala như được mô tả trong Kinh thừa và Mật thừa.
Nếu tượng Phật giúp ta nhận thức được về Phật, thì kiến trúc Mandala giúp người ta nhận ra thế giới Tịnh độ của chư Phật và cho phép mọi người cảm nhận được phẩm chất và tư tưởng giác ngộ giải thoát của Phật giáo một cách toàn vẹn và sâu sắc hơn. Chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy nền của kiến trúc Mandala Đại Bảo tháp Tây Thiên là một mặt đế hình tròn, khắc họa bốn vòng tròn đồng tâm nêu biểu cho bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong. Chính giữa vòng tròn trên cùng là một tòa bảo điện hình vuông bốn tầng, càng lên cao càng thu nhỏ dần, nêu biểu Thân - Khẩu - Ý và Trí giác ngộ. Tầng một thờ Hóa thân Phật, tầng hai thờ Báo thân Phật, tầng ba thờ Pháp thân Phật, tầng bốn trên cùng là một Bảo điện nhỏ hình vuông có hiên kép nêu biểu cho Thể tính Pháp thân. Tại bốn phương chính của bảo điện nhô ra bốn cửa lầu theo hình tháp bốn tầng nêu biểu cho Tứ Diệu Đế, Tứ Vô Lượng Tâm. Ngoài ra, tùy theo từng vị Phật thuộc về bộ Phật nào trong Ngũ Trí Phật, chúng ta phải an vị Phật Bản tôn đó theo phương tương ứng. Thông thường, hình thức nghệ thuật thích hợp nhất trong kiến trúc Mandala là bố cục “một trong bốn hướng”, ví dụ như nếu định kiến lập Mandala của Đức Phật A Di Đà thì kiến trúc sư sẽ phải chọn cửa phương Tây là cửa chính. Tuy nhiên, do Đại Bảo tháp Tây Thiên là Bảo tháp Mandala Ngũ Trí Phật nên công trình này dùng cả bốn cửa quay ra bốn hướng. Đồng thời, công trình Đại Bảo tháp Mandala và các hạng mục xây dựng, trang trí bên trong thể hiện sự kết hợp các loại Mandala khác nhau như Đại Mandala (Mandala Thể tính Pháp thân), Mandala Tam muội (các pháp khí cầm tay và biểu tượng của từng Bản tôn), Mandala Công hạnh (sắc thân Bản tôn trong các tư thế thể hiện các công hạnh tức tai, tăng ích, kính ái, hàng phục) hoặc Ngữ Mandala (chủng tử tự chữ Phạn của Phật Bản tôn được khắc họa ở từng phương vị trong chùa). Sự kết hợp này giúp bố cục tổng thể kiến trúc Mandala được hoàn hảo. Bên cạnh đó, thông qua kích cỡ không gian, tầng lớp, độ tương phản sáng tối, màu sắc, chất liệu, v.v… hình thành nên bầu không khí linh thiêng thấm đẫm sự gia trì để mọi người có thể cảm nhận trọn vẹn nội dung ý nghĩa của nghệ thuật kiến trúc Mandala giác ngộ.
Một trong bốn cửa vào Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
Với sự phát triển và giao thoa của các truyền thống Phật giáo, ngay tại Việt Nam, Mandala hay tinh túy nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa đã được thể hiện sống động, trực quan với tính mỹ thuật và trình độ biểu đạt nghệ thuật tâm linh sâu sắc. Các bậc Thượng sư giác ngộ đã phỏng theo đàn tràng Mandala để thiết lập nên kiến trúc Bảo tháp một cách trực quan, đối xứng về không gian, an trí chư Phật, Bồ tát theo phương vị, tạo nên cảnh giới Tịnh độ Mandala, giúp Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên trở thành tâm điểm tích tụ thần lực gia trì và công hạnh giác ngộ lợi ích mọi hữu tình Việt Nam và toàn Pháp giới.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Trí Tuệ Phật
- 6244
Viết bình luận