Người người phát nguyện như Đức Phật Dược Sư, thế giới sẽ bớt nạn binh đao, dịch bệnh
Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni của chúng ta xuất hiện giữa thế giới Ta bà ác trược này, hóa thân tu hành chính đạo chứng quả Bồ đề, kiến lập đạo tràng thanh tịnh, nói vô lượng pháp môn chính đáng, bản hoài của Ngài là để cứu độ chúng sinh thoát vòng sinh, lão, bệnh, tử. Chẳng những Thích Ca như vậy, mà Đức Phật A Di Đà hiện thân vào thế giới Tây gây dựng pháp tràng, nói pháp độ chúng sinh và Đức Phật Dược Sư cũng hiện thân ở thế giới Tịnh Lưu Ly phương Đông nói pháp độ chúng sinh, thoát vòng khổ não, an hưởng cảnh tịnh độ trong đời sau.
Nhưng xét đến chúng ta và các chúng sinh nhiều kiếp nhẫn lại đây chịu khổ luân hồi chỉ vì sinh tử: vì sinh tử mà làm chúng sinh, vì sinh tử mà đời trước làm trời nay trở lại làm người, nay hiện làm người mà sau lại làm trời, cho đến làm chúng sinh, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên chúng sinh ba cõi rất lo sợ về sinh tử và cho sinh tử là một sự việc lớn lao khó giải quyết nhất. Chỉ có Đức Phật thoát khỏi ngoài vòng sinh tử mới biết cách giải quyết được mà thôi.
Vì mục đích giúp cho chúng sinh giải quyết sinh tử, nên trong thời giáo của Đức Thích-ca, Ngài đều tùy căn cơ của chúng sinh nói nhiều pháp khác nhau và pháp ấy được chia làm nhiều hạng loại:
- Ngài vì hàng Nhân thừa mà nói ngũ giới, thập thiện để đối trị tội ngũ nghịch, thập ác.
- Vì chư Thiên mà nói bốn Thiền, tám định, đối trị bệnh tán loạn.
- Vì hàng Thanh văn, Duyên giác mà nói Tứ đế, Thập nhị nhân duyên để dứt trừ tham, sân, si, giải thoát sinh tử.
- Vì các hàng Bồ tát dạy tu lục độ, vạn hạnh để dứt trừ vô minh hoặc và cứu độ chúng sinh...
Đó là giáo pháp Phật dạy nhưng phải tự tu, tự chứng, bởi vì chúng sinh khởi niệm điên đảo gây ra nhiều đều tội lỗi, bề trong đầy nghiệp chướng tham sân, kiêu mạn, bề ngoài bị nhiều tai nạn: đau ốm, đói rách, hình phạt điên cuồng. Khi sống mà tội lỗi tai ương như vậy, đến khi gần chết bao nhiêu tư tưởng xấu đều phát khởi, cảnh giới khổ đau hiện bà, khó ăn năn kịp. Cho nên, những người muốn luôn được hưởng cảnh an lành thì một là phải tự lực tạo nhân lành, hai là nhờ lực hộ trì mới đặng.
Mà tha lực ấy là thật.
Lâu nay phần nhiều chuyên lo về việc tiếp dẫn vãng sinh trong lúc lâm chung, nên thường tụng kinh Di Đà, niệm hiệu A Di Đà và công việc gì làm xong cũng cầu nguyện khi lâm chung nhờ Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc phương Tây.
Còn trong lúc sống thì chúng ta thường bị ngoại duyên làm não hại, không thể không nhờ Phật hộ niệm mà đặng an lành, nên xin nhắc lại Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là một đức Phật phát nguyện cứu độ chúng sinh trong khi các chúng sinh ấy còn sống mà gặp các tai nạn. Nói đến Đức Dược Sư tức là lược nói kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức vậy.
Kinh Dược Sư này là một phương pháp ứng dụng hiện thời cho hết thảy chúng sinh ở cõi Ta bà này, không luận hạng người nào, ai cũng muốn sống lâu và muốn khỏi tai nạn để vui vầy ăn ở, thì cần phải nhờ oai tạo tâm lành, vượt vòng ác kiến ma đạo mà tránh khỏi các tai nạn.
Kinh này là phương pháp tạo thành cảnh Tịnh độ. Các Đức Phật đều phát tâm rộng lớn tu hành cầu chứng Phật quả, phát nguyện rộng lớn cứu độ chúng sinh, mà cảm thành thế giới an lạc như Đức Dược Sư nói trong kinh này. Nếu chúng ta tu hành mà phát nguyện độ sinh như Ngài, một người tu như vậy, cho đến nhiều người cũng tu hành phát nguyện như Ngài thì chắc chắn hiện tiền trong thế giới của chúng ta đang sống bớt tai nạn binh đao, thậm chí không còn móng khởi tâm độc ác giết hại lẫn nhau, không những ít người chết yểu mà còn sống lành mạnh, bớt bệnh tật, cho đến sống lâu vô lượng, không còn nghe tiếng rên rỉ, than vãn của kẻ nghèo khổ, tật nguyền v.v. tức là thiết lập thế giới Cực Lạc ở tại cõi đời này vậy.
Do đó, Đức Phật Thích Ca mới nói kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức.
Hãy cùng tụng kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta vì lợi ích hết thảy chúng sinh.
Quý vị tải Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tại đây:
(Lược trích ấn phẩm: “Thức biến”
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2003)
- 118
Viết bình luận