Nhận biết 4 quả báo của nghiệp giúp bạn tỉnh thức trong hành động | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nhận biết 4 quả báo của nghiệp giúp bạn tỉnh thức trong hành động

Nhìn chung, bất kỳ hành động nào cũng đều đem lại bốn loại quả báo. Thứ nhất, quả báo chín mùi một cách đầy đủ. Thứ hai, quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ trải nghiệm. Thứ ba, quả báo giống với nguyên nhân, dưới góc độ hành động. Thứ tư là quả báo về môi trường. Hiểu về những điều này sẽ giúp bạn luôn tỉnh thức để tránh những hành động tiêu cực dù nhỏ nhất như lời nói dối vô hại và tận dụng những cơ hội để tích lũy, thực hành thiện nghiệp dù là nhỏ nhất như bố thí cho người vô gia cư hay thậm chí là chăm lo bữa ăn cho một chú chim nhỏ!

Để minh họa điều này chúng ta hãy lấy hành động sát sinh làm ví dụ.

1. Quả báo chín mùi đầy đủ của việc sát sinh

Người sát sinh sẽ tái sinh làm loài vật hoặc nếu có phúc tái sinh làm người thì sẽ chịu nỗi khổ như loài vật khi bị giết hại.  

Giết heo đọa làm heo

Câu chuyện này xảy ra ở Tương Dương (Hồ Bắc) vào cuối thời nhà Thanh. Một người đàn ông sinh sống bằng nghề giết mổ heo. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền cuộc sống gia đình rất khá giả. Sau khi ông chết đi ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó. Một ngày nọ họ mua một con heo về chuẩn bị mổ thịt. Họ bị sửng sốt khi nghe con heo nói: “Làm ơn đừng giết ta”. Họ hỏi: “Ngươi vừa mới nói gì?”. Con heo lại nói: “Ta là cha của các con. Đừng giết ta”.

Con heo tiếp tục: “Ta đầu thai thành con heo, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn, đó là giết rất nhiều heo khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để nói với các con một điều quan trọng: Hãy từ bỏ nghề mổ heo và tìm nghề khác mà làm”.

Con heo chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con heo này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người chọn một nghề không phải là nghề giết mổ.

Trải nghiệm cận tử nghiệp nặng nề như loài vật khi bị giết hại

Không ít người trước khi chết còn biểu hiện cận tử nghiệp nặng nề, giãy giụa, tru tréo, quằn quại, máu me đầm đìa, hồn xiêu phách lạc như những con vật mà họ đã giết hại trước đây.

Truyện Pháp Cú kể rằng: Một thời, Đức Thế Tôn cùng các Tỳ kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm. Ở gần đó có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ heo trong suốt hơn 50 năm.

Dù Đức Phật và tăng đoàn ở tinh xá cách đó không xa nhưng chẳng khi nào Cunda cúng dàng Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả. Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A Tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc, bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp nên chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, ông luôn mồm rống eng éc như heo.

Vài Tỳ kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng heo kêu ồn ào, khi trở về tinh xá, bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua, cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết heo. Không biết bao nhiêu con heo đã bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!”.

Đức Thế Tôn nói: “Này các Tỳ kheo! Ông ta không giết heo trong bảy ngày qua đâu. Sự trừng phạt này hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A Tỳ đã đến. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con heo suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A Tỳ”.

2. Quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ trải nghiệm

Sát sinh là đoạt mạng sống của các loài động vật dẫn đến gây ra ác nghiệp thù hằn vay trả, tất phải thọ quả báo xấu. Kinh Trì Địa viết: Tội sát sinh có thể khiến chúng sinh đọa địa ngục. Nếu sinh trong loài người thì chịu hai loại quả báo: một là chết yểu hay bị giết hại, hai là sức khỏe có vấn đề và cuộc sống liên tục bị thất bại.

Vì sao sát sinh phải chịu nỗi khổ ở địa ngục? Bởi lẽ sát sinh làm khổ chúng sinh cho nên khi thân hoại, mệnh hết, mọi nỗi khổ ở địa ngục đều đến giày vò mình.

Vì sao sát sinh nếu có được sinh làm người thì cũng đoản mệnh? Bởi vì kẻ sát sinh tàn hại sinh mệnh các loài vật nên bị đoản thọ.

Vì sao lại bị thêm quả báo là bệnh hoạn, ốm đau? Vì đạo Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sinh là bình đẳng. Mỗi chúng ta đều ham sống sợ chết, sợ đau sợ khổ thì với những loài vật cũng vậy, chúng cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn và sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống. Người ăn vào làm sao biết được miếng thịt họ đang ăn biết bao nhiêu là oán hận không cùng của súc sinh, bệnh tật cũng từ đây mà vào. Từng thớ thịt do sự sợ hãi, oán hận tràn ngập khắp các tế bào thì có gì mang lại sự bổ dưỡng cho cơ thể người?

3. Quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ hành động, tức là có khuynh hướng bản năng sát sinh

Đây là quả báo tồi tệ nhất bởi quả báo tiếp tục dẫn chúng ta tạo ra cùng một nghiệp lặp đi lặp lại nhiều lần, do vậy chúng ta sẽ gánh chịu cùng một quả báo lặp lại nhiều lần. Chúng ta có thể thấy quả báo này ngay trong hiện đời - khi chúng ta thực hiện một công việc cụ thể nào càng nhiều lần thì hành động đó càng dễ dàng lặp lại hơn và trở thành thói quen tập khí, thậm chí trở thành nhậm vận tự nhiên.

4. Quả báo môi trường của hành động sát sinh là được sinh ra và sống trong môi trường bạo lực chiến tranh, chết chóc bất an, không lành mạnh

Vào thời vua Tống Huy Tông, Kim binh phương Bắc đánh xuống phía Nam. Đến đâu Kim binh cũng tàn sát, đốt phá tan hoang, nhất là huyện An Dương, tỉnh Hà Nam bị tai họa tổn hại nặng nề nhất.

Bấy giờ, ở An Dương có một vị cao tăng nhập định quán sát được việc nhân quả. Người An Dương không biết tai nạn thảm hại như thế nguyên nhân do đâu, nhưng chắc chắn là phải có duyên cớ, liền đi thỉnh vấn vị cao tăng ấy. Vị cao tăng bèn nói với mọi người: “Bởi quá khứ người An Dương tạo nghiệp sát nhiều hơn những nơi khác, nên đời nay bị quả báo chiến tranh nặng hơn các nơi khác. Nhưng sự báo ứng của nghiệp sát này chưa hết, hậu quả của chiến tranh vẫn còn tiếp tục xảy ra. Quý vị mau mau hồi tâm chuyển ý, từ bỏ giới sát, phát tâm ăn chay, thì mới có thể giảm nhẹ quả báo ác trong tương lai!”. Nhưng người An Dương không tin lời của cao tăng, vẫn cứ sát sinh như cũ. Sau này, mấy năm liên tục, binh lửa liên miên, nhiều người An Dương bị sát hại thảm khốc. Về sau họ mới tin lời của vị cao tăng này là đúng, nhưng đã quá trễ. Công án này đã chứng minh rằng sát sinh là nhân, chiến tranh là quả.

Chúng ta cần hiểu rằng chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt nếu con người còn tâm địa giết hại loài vật không thương tiếc, giẫm lên mạng sống của muôn loài, không biết quý trọng mạng sống của hữu tình đồng loại.

Ngược lại, nếu không sát sinh, chúng ta có quả báo ngược lại như tái sinh trong điều kiện tốt, có sức khỏe tốt, một đời sống thọ mạng dài lâu, thành công trong tất cả các hoạt động và nỗ lực, sống trong môi trường lành mạnh và an bình, sẽ có khuynh hướng tự nhiên biết yêu mến và bảo vệ đời sống của mọi người, mọi loài.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697294
Số người trực tuyến: