Niềm vui bố thí | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Niềm vui bố thí

Niềm vui bố thí
 
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: trong Lục Độ Ba La Mật, bố thí đứng đầu tiên. Theo nghĩa sâu xa, bố thí là xả ly, không bám chấp vào tài sản, vật chất, theo một nghĩa khác là thái độ xả ly về mặt tinh thần, để có thể sống tự tại giữa cuộc đời thịnh suy, vinh nhục. Theo nghĩa thông thường, bố thí là giúp đỡ, sẻ chia cho người khi cần thiết nhưng vẫn có sự tính toán. Khi chúng ta cho đi một vật gì là biết chắc mình sẽ nhận lại được tương đương hoặc nhiều hơn thế nữa, như vậy trong đó có sự cân nhắc lợi-hại. Chúng ta cho đi một vật gì mục đích là để cầu phước báo hiện tại và mai sau, hoặc vì muốn đáp lại lòng tốt của người khác. Như vậy, ý nghĩa cho ở đây là để trao đổi hai chiều. Trong thế gian này, người giàu sang phú quý, sự nghiệp vinh hiển, công thành danh toại không phải bỗng dưng mà có. Đó là kết quả việc tu nhân tích đức của họ trong nhiều đời trước. Chính vì vậy, trong cuộc sống này không có việc gì là ngẫu nhiên, đương nhiên khi không hay tự nhiên mà thành.
 

Người Phật tử chân chính lúc nào cũng phải tin sâu nhân quả, tin mình làm lành được hưởng phước. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là vì lợi ích chúng sinh, muốn giúp cho mọi người chuyển hoá kiếp nghèo khó thì ta phải biết bố thí, cúng dường. Phật dạy chúng ta phải biết xả bớt lòng tham lam, ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình để giúp đỡ, sẻ chia cho người khác, không nên sống trong vô cảm, ai khổ đau mặc kệ. Đạo Phật chủ trương sống hòa mình cùng nhân loại với quan niệm ai cũng là người thân, người thương nên mỗi người đều phải có trách nhiệm và bổn phận thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.
 
Đạo Phật thấy rõ cuộc sống của muôn loài là phải nương tựa vào nhau, không một loài nào có thể tách rời đời sống xã hội mà tồn tại trong bầu vũ trụ bao la này. Đức Phật đã tu tập thành bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấy rõ mọi sai biệt và bất đồng giữa con người và muôn loài giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người giàu sang, sung sướng, của cải vật chất đầy đủ; người nghèo hèn, khốn khổ, đói rách, thiếu thốn, lang thang; kẻ sang - người hèn, kẻ xấu - người đẹp, kẻ ngu - người trí, kẻ chết yểu - người sống thọ, người an vui hạnh phúc - kẻ bất hạnh khổ đau… Phật dạy: Người đủ ăn đủ mặc là người có phúc đức nên ít lo, nhờ vậy mà dễ tu. Vậy thế nào là người có phúc đức? Người có phúc đức là người có cuộc sống ổn định, phương tiện vật chất đầy đủ, có nhà cửa, tiền tài, danh vọng, ăn ngon, mặc ấm; lại sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, biết cung kính lễ phép với người trên, thương yêu đùm bọc người dưới, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành trong tình thương yêu nhân loại vì tình người trong cuộc sống bằng trái tim hiểu biết.
 

Một ngày chúng ta sống trên đời là một ngày ta phải sống có ích cho mình và người mà không làm tổn hại cho ai. Ngược lại, người sống trong cảnh thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trong gia đình thường hay gây gỗ, bất hòa, xung đột lẫn nhau là vì thiếu phúc đức. Vậy thế nào là phúc? Phúc là những hành động, lời nói, ý nghĩ đem đến an vui, hạnh phúc cho mọi người trong hiện tại và mai sau. Người làm phúc là người biết làm những điều thiện lành tốt đẹp, luôn giúp mọi người khi gặp khó khăn nên ai cũng ưa thích gần gũi, quý mến, tôn trọng. Chính nhờ sự gần gũi đó chúng ta dễ dàng thông cảm, tha thứ cho nhau, sẵn sàng dấn thân phục vụ, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha.
 

Việc gieo trồng phúc đức rất quan trọng, trong đó có hạnh pháp thí gồm có truyền giảng chánh pháp cho người nghe, hay trợ duyên cho việc chuyển lăn bánh xe pháp, làm cho Phật pháp ngày càng lan rộng. Làm phúc bằng cách ấn tống kinh sách, phát hành băng đĩa Phật pháp, gieo nhân duyên nghe Phật pháp giúp mọi người tin sâu nhân quả, hiểu biết được nguyên lý sống của xã hội là công đức cao nhất trong các hàng bố thí. Cho người miếng ăn xong rồi hết, đôi khi khiến họ thêm ỷ lại, cho pháp thí thì mau chuyển hoá được nghiệp tập xấu ác.
 
Ngày xưa, khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp, Ngài đã đến gặp vua Lương Võ Ðế. Trong lúc tìm hiểu, trao đổi Phật pháp, nhà vua hỏi: "Trẫm một đời cất chùa, độ Tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức chăng?" Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời rằng không có công đức gì cả. Nhà vua như bị tát gáo nước lạnh vào mặt, bởi vì Ngài nghĩ những việc đó là công đức tối hậu. Có người nói rằng vua Lương Võ Ðế không đích thân ra công thực hiện những việc đó mà chỉ sai người khác làm nên không có công đức gì cả. Sau này có người đem sự việc đó thưa hỏi Lục Tổ Huệ Năng và được Lục Tổ chỉ dạy như sau: “Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Ðế vì lầm chấp sự làm phước là viên mãn mà không dùng trí tuệ để buông xả phiền não tham-sân-si vì còn thấy mình giúp. Cất chùa, độ Tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, tất cả chỉ là những việc làm bên ngoài xã hội bằng tình người trong cuộc sống có thể giúp ích cho nhiều người.”
 
Nghe thế, vua sửng sốt, bàng hoàng, đâm ra nghi ngờ nên hỏi tiếp: “Tại sao lại không có công đức?” Tổ Huệ Năng đáp: “Đó là phước báu thế gian được hưởng phước báo làm người giàu sang, thông minh, mẫn tiệp ở cõi Trời-Người như bóng theo hình, tuy có nhưng không bền chắc lâu dài.” Vua Lương Võ Đế tưởng rằng làm những việc phước thiện như vậy là công đức cao cả nên chấp vào việc làm của mình, bị Tổ tạt cho một gáo nước lạnh vào mặt nhưng vẫn chưa nhận ra yếu chỉ tu hành bởi vua Lương nhầm lẫn giữa phước đức và công đức. Vua Lương nghĩ rằng cất chùa, độ Tăng Ni, in kinh sách, say mê việc làm phước là công đức nên Tổ mới phá chấp để nhà vua nhận ra bản tâm chân thật của mình mà hiểu đúng lý giác ngộ, giải thoát của đạo Phật. Nhà vua không hiểu thế nào là công đức, chỉ một bề lầm chấp công lao của mình, cho đó là cứu cánh của đạo Phật. Vua không hiểu ý sâu xa của Tổ, dù đang là vị vua trên các vua khác, được hưởng phước cao sang tột đỉnh cũng vẫn bị quy luật vô thường chi phối, rốt cuộc vẫn trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau. Chỗ Tổ muốn chỉ cho nhà vua là dừng lặng các vọng niệm phải-quấy, tốt-xấu, đúng-sai, ta-người để sống lại với tâm sáng suốt của mình, hay còn gọi là Phật tánh.
 
Là người Phật tử chân chính chúng ta phải biết quân bình phước huệ song tu, một mặt tích lũy phước báu, một mặt buông xả phiền não, nhờ có phúc ta dễ có điều kiện tu học, một mặt tích cực tu tâm để chuyển hóa khổ đau khi đối diện nghịch cảnh cuộc đời. Trái lại, người đã sống với tâm chân thật dù có bố thí cúng dường, làm nhiều phước thiện cũng đều là công đức cả vì họ làm trong vô tâm, làm mà không chấp trước việc làm của mình. Tâm của họ rỗng lặng sáng suốt, không bị dính mắc, chấp thủ vào việc mình làm, chỉ tùy thời, tùy duyên làm lợi ích mà không thấy mình là người bố thí, không thấy người thọ nhận và vật thí, do đó được an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh trái ngang. Nếu mọi người biết làm phúc và tu tâm thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.
 

Nói tóm lại, bố thí là nền tảng cơ bản để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tha nhân, là hạnh lành đầu tiên mà đức Phật lúc nào cũng nhắc đến. Bản chất của con người là luôn muốn có, muốn thêm, muốn nữa, không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Muốn được sống an lạc, hạnh phúc ta hãy nên bằng lòng với những gì mình đang có và cố gắng duy trì, gìn giữ và phát triển. Mong cầu nhiều, mơ ước nhiều mà không được như ý chỉ thêm nhiều phiền muộn, đau khổ mà thôi.

Một bậc Thầy giác ngộ đã từng chỉ dạy:
 
∞ Đừng bắt ép bản thân cho đi hay bố thí một cách gượng ép. Hãy tìm điều gì đó mà bạn có thể hoan hỷ đem cho từ tận đáy lòng.
 
∞ Hãy biết bố thí hay cho đi một cách lặng lẽ bí mật, đừng phóng đại hay quan trọng hóa điều này.
 
∞ Bố thí hay sẻ chia bất cứ thứ gì bạn có, từ kiến thức, sự che chở đến niềm cảm hứng.
 
∞ Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Cho đi với tâm thanh tịnh vô điều kiện còn quan trọng hơn giá trị vật chất của những gì được đem cho.

(Nguồn: http://phatgiaovadoanhnhan.com)
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328772
Số người trực tuyến: