Tương quan giữa cho và nhận | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tương quan giữa cho và nhận

Tương quan giữa cho và nhận

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con.

Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành 1996, tr. 382)

Lời bàn:

Cho người thực ra đó là cho mình là một nhận thức quen thuộc của những người con Phật. Vì thế, ngoài tấm lòng từ bi bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử thực hành bố thí với mục đích nhằm vun bồi phước báo cho chính mình.

Thi ân, sẵn sàng cho đi mà không cầu đền đáp là một phạm trù vốn rất xa lạ và khó làm đối với những người vị kỷ, keo kiệt. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật khả ý, tức những vật mà mình yêu thích. Đa phần, những đồ vật đem cho thường là những vật thừa thãi, vô dụng nhưng “xả” được như vậy đối với họ cũng là quý hóa lắm rồi.

Người Phật tử thì không như vậy, cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử thiêng liêng. Vì thế, họ sẵn sàng ban tặng những gì mà chúng sanh cần, kể cả những vật khả ý thậm chí dâng hiến cả thân mạng vốn là một tài sản bất khả xâm phạm. Cho những gì mình thích, mình trân quý mới thực sự là cách cho trọn vẹn và khó làm nhất.

Để đạt được cách cho cao cả như vậy không phải người nào cũng làm được mà phải có trí tuệ, thấu hiểu bản chất của cuộc đời là vô thường và vô ngã. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng cho hành động bố thí thông thường tiến đến Bố thí Ba la mật, một sự ban tặng mà vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt.

Tuy vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt trong khi cho nhưng phước báo của người cho vẫn tròn đủ. Nhân quả trong bó thí rất bình đẳng và đạt đến đỉnh cao nếu người tu tập bố thí đạt đến trình độ Bố thí Ba la mật. Vì vậy, hãy cho tất cả để có được tất cả là lý tưởng, phương châm sống của người con Phật.

____________

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6314003
Số người trực tuyến: