13. Phẩm chúc lụy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

13. Phẩm chúc lụy

Phẩm chúc lụy [1]

Bấy giờ, Đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ và vô số đại-chúng trong hải-hội rằng: “Tôi ở trong vô-lượng ức trăm nghìn đại-kiếp, không tiếc thân-mệnh, đầu mắt, tay chân, máu thịt, xương-tủy, vợ con, đất nước, thành-quách, hết thảy ngọc báu, có ai lại xin Tôi, Tôi đều đem bố-thí và Tôi tu-tập trăm nghìn hạnh khổ khó làm mà chứng được tâm-địa-quán-môn của Đại-thừa này. Nay Tôi đem pháp này phó-chúc cho các ông, các ông nên biết kinh rất sâu rộng này, các bậc được Thập-lực vô-thượng trong mười phương ba đời [2]  đều tuyên thuyết. Kinh báu nhiệm-mầu tối-cực như thế, làm cho hữu-tình được mọi sự lợi-lạc. Trong tam-thiên đại-thiên thế-giới, quốc-độ chư Phật trong mười phương này, có vô-biên các loại hữu-tình, chúng-sinh trong bàng-sinh, ngã-quỷ, địa-ngục, do nhờ sức uy-thần, công-đức thù-thắng của kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán này, mà làm cho họ khỏi các khổ-não, được hưởng sự an-vui. Năng-lực của kinh và phúc-đức khó nghĩ bàn được như thế, làm cho đất nước sở-tại vui-thịnh, không có oán-địch. Ví như có người được ngọc Như-ý để trong nhà, hay sinh ra hết thảy đồ vui nhiệm-mầu, kỳ-lạ; kinh báu nhiệm-mầu này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui vô-tận. Cũng như cái trống Mạt-ni trên cõi trời Tam-thập-tam thiên (Đao-lỵ-thiên) hay phát ra trăm nghìn âm-thanh, làm cho thiên-chúng ở đấy hưởng-thụ mọi sự khoái-lạc; trống pháp của kinh này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui tối-thắng. Bởi nhân-duyên ấy, đại-chúng các ông trụ trong đại-nhẫn-lực mà lưu-thông kinh này!” [3] 

Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai hiếm có! Đấng Thiện-thệ hiếm có! Nên Ngài mới nói ra kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán nhiệm-mầu sâu-rộng này, đem lại lợi-ích rộng lớn cho người tu-hành Đại-thừa. Dạ, bạch Thế-Tôn! Kinh này thực là sâu-nhiệm! Vậy, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào thụ-trì kinh này, cho đến chỉ một bài bốn câu kệ, thời những người như thế được bao nhiêu phúc?”

Đức Thế-Tôn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: “Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào trong Hằng-hà-sa tam-thiên đại-thiên thế-giới đầy-dẫy bảy báu mà họ dùng đem cúng-dàng chư Phật ở mười phương; họ vì mỗi một đức Phật tạo-lập một tinh-xá bằng bảy-báu trang-nghiêm, đặt để đồ cúng-dàng Phật và Bồ-tát đủ Hằng-sa kiếp; các Như-Lai kia còn có vô-lượng đệ-tử Thanh-văn, họ cũng đem cúng-dàng các vị ấy hết thảy những đồ cần-dùng, như cúng Phật không khác. Các đức Phật và các vị Thanh-văn như thế sau khi nhập Niết-bàn, họ lại xây bảo-tháp lớn, cúng-dàng xá-lỵ. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào tạm nghe và tin, hiểu một bài bốn câu kệ trong kinh Tâm-Địa này, phát tâm Bồ-đề, thụ-trì, đọc, niệm, giải-thuyết, viết chép, cho đến hết sức ít là vì một người mà nói cho họ nghe, đem những công-đức cúng-dàng kia, so-sánh với công-đức thu được về thuyết kinh này, thời trong mười sáu phần kia cũng không bằng một phần này và cho đến toán-số, thí-dụ cũng không thể sánh-kịp được, huống là người thụ-trì, đọc tập đầy-đủ và rộng-rãi vì người mà nói, thời chỗ phúc-lợi thu về không thể hạn-lượng được.

Nếu có nữ-nhân phát tâm bồ-đề, thụ-trì, học tập, viết chép, giải-thuyết kinh Tâm-Địa này, nữ-nhân ấy chỉ phải làm thân nữ-nhân lần tối-hậu này thôi, sau đây không phải chịu thân nữ-nhân nữa và không phải sa-đọa vào ác-đạo cùng tám nạn. Và, thân trong đời này cảm được mười phúc thắng-lợi: Một là, thọ-mệnh tăng thêm. Hai là, trừ mọi bệnh não. Ba là, diệt-trừ nghiệp-chướng. Bốn là, phúc-đức trí-tuệ tăng bội. Năm là, không thiếu tiền của. Sáu là, da-dẻ mịn-bóng. Bảy là, được người yêu kính. Tám là, được con hiếu-dưỡng. Chín là, quyến-thuộc hòa-mục. Mười là, thiện-tâm bền-vững. [4] 

Ông Văn-thù-sư-lỵ! Ở nơi này, nơi khác, nếu ai hoặc đọc tập, hoặc phúng-tụng, hoặc giải-thuyết, hoặc viết chép kinh này thời chỗ để kinh quyển này tức là tháp Phật, hết thảy Thiên, Nhân, phi-nhân…nên đem những đồ trân-bảo quý nhất trong nhân-gian, thiên-thượng mà cúng-dàng nơi ấy. Sở-dĩ thế là sao?- Vì, nơi để kinh sách này tức là có Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn ở đó. Sao vậy?- Vì, hết thảy Như-Lai tu-hành kinh này, bỏ thân phàm-phu, được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, hết thảy Hiền-thánh cũng đều từ kinh này mà được giải-thoát. [5] 

Ông Văn-thù-sư-lỵ! Sau khi Tôi nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc chính-pháp sắp diệt, nếu có Pháp-sư [6]  nào thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép kinh Tâm-Địa này, là kinh đứng đầu trong mọi kinh, thời Pháp-sư ấy cùng Tôi không khác. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào cúng-dàng, tôn-trọng vị Pháp-sư ấy, tức là cúng-dàng hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời và phúc-đức được hưởng, đều bình-đẳng như một không hai. Thế gọi là “Chân-pháp cúng-dàng Như-Lai” và như thế gọi là “Chính-hạnh cúng-dàng”. Sở-dĩ thế là sao?- Vì, vị Pháp-sư ấy, ở trong thời-gian không có Phật, vì chúng-sinh tà-kiến trong đời ác-trược mà diễn nói ra Tâm-Địa kinh-vương rất sâu rộng này, khiến chúng-sinh bỏ ác-kiến, đi về đạo Bồ-đề và tuyên-truyền, lưu-bá rộng-rãi, làm cho giáo-pháp này lâu bền tại thế-gian. Như thế gọi là “Vô-tướng hảo Phật” (vị Phật không có tướng tốt), hết thảy Nhân, Thiên đều nên cúng-dàng. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào chắp tay cung-kính vị Pháp-sư ấy, Tôi thụ-ký cho Vô-thượng đại-bồ-đề và người ấy sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [7] 

Nếu người được nghe kinh Tâm-Địa này, vì báo tứ ân, phát tâm bồ-đề, hoặc tự mình viết, hay mượn người viết, hoặc đọc niệm thông-lợi, chỗ được phúc-đức của các người như thế, đem sức trí-tuệ của Phật mà tính lường là nhiều hay ít cũng không thể biết được đến đâu là biên-giới, những người ấy là con thực (chân-tử) của chư Phật. Hết thảy chư Thiên, Phạm-Vương, Đế-Thích, Tứ-đại-thiên-vương, năm trăm quyến thuộc Ha-lỵ-đế-mẫu, [8]  Nễ-la-bạt-đa đại-quỷ-thần-vương (Đại-dược-xoa-thần), Long-thần tám bộ, [9]  hết thảy các quỷ-thần nghe pháp ngày đêm không rời và thường sẽ ủng-hộ. Phật-tử như thế, tăng-trưởng chính-niệm, trí-tuệ, cùng biện-tài vô-ngại và thường thường giáo-hóa chúng-sinh, khiến họ vun-trồng nhân Phật. [10] 

Ông Văn-thù-sư-lỵ! Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân như thế khi sắp mất, hiện-tiền được thấy chư Phật mười phương, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không loạn. Bắt đầu được mười thứ thân-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, thân không thụ khổ. Hai là, ngươi mắt không lộ. Ba là, tay không cựa-cậy. Bốn là, chân không co, duỗi. Năm là, đại, tiểu-tiện không rỉ ra. Sáu là, thân-thể không toát bồ-hôi. Bảy là, không sờ mó ngoài. Tám là, nắm tay xòe mở. Chín là, nét mặt không đổi. Mười là, quay nghiêng tự-như. Do năng-lực của kinh mà có những tướng như thế! Thứ nữa được mười thứ ngữ-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, nói ra lời nói nhiệm-mầu. Hai là, nói ra lời nói dịu-dàng. Ba là, nói ra lời nói tốt-lành. Bốn là, nói ra lời nói thích nghe. Năm là, nói ra lời nói tùy-thuận. Sáu là, nói ra lời nói lợi-ích. Bảy là, nói ra lời nói uy-đức. Tám là, nói ra lời nói không trái với họ-hàng. Chín là, nói ra lời nói Nhân, Thiên yêu-kính. Mười là, nói ra lời nói khen-ngợi lời Phật nói. Lời nói thiện như thế, đều do nơi kinh này mà được! Sau nữa, được mười thứ ý-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, không sinh giận-bực. Hai là, không mang lòng kết-hận. Ba là, không sinh tâm bỏn-sẻn. Bốn là, không sinh tâm ghen-ghét. Năm là, không nói lỗi ác. Sáu là, không sinh tâm oán-hận. Bảy là, không sinh tâm điên-đảo. Tám là, không tham mọi vật. Chín là, xa-lìa bảy thứ khinh-mạn. Mười là, mong-muốn chứng được hết thảy Phật-pháp, viên-mãn tam-muội. [11] 

Ông Văn-thù-sư-lỵ! Những công-đức như thế, đều do năng-lực khó nghĩ, bàn được trong sự thụ-trì, đọc-tập thông-lợi, giải-thuyết, viết chép kinh sách sâu-nhiệm này. Kinh Tâm-Địa này, trong vô-lượng chỗ, trong vô lượng thời, có những chúng-sinh không được nghe, huống là được thấy và tu-tập đầy-đủ? Đại-hội các ông nên nhất tâm phụng-trì, sẽ chóng xả được thân phàm-phu, thành Phật-đạo.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vô-lượng Đại-bồ-tát, Trí-Quang Bồ-tát, nhiều vị Tân-phát-ý Bồ-tát, A-nhã-kiều-trần-như cùng nhiều vị Đại-thanh-văn, thiên, long tám bộ, nhân, phi-nhân-chúng, hết đều nhất tâm thụ-trì lời Phật và đều hoan-hỷ, tín-thụ phụng-hành. [12] 
 
TOÁT YẾU PHẨM CHÚC LỤY

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Văn-thù, các Đại-bồ-tát khác cùng đại-chúng: “Trong vô-lượng đại-kiếp Tôi hỷ-xả thân-mệnh, tu nhiều hạnh khó làm, mà chứng được quán-môn tâm-địa của Đại-thừa này. Nay Tôi đem pháp này phó-chúc cho các ông. Các ông nên biết kinh này chư Phật trong mười phương ba đời từng nói. Kinh này rất quý báu, làm cho chúng-sinh trong 6 đạo khỏi khổ, được vui, làm cho đất nước sở-tại giàu-thịnh. Các ông nên trụ trong đại-nhẫn-lực mà lưu-thông kinh này!”.

Đại-bồ-tát Văn-thù bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Nếu có người thụ-trì kinh này, cho đến chỉ trì được bốn câu kệ, người ấy được phúc thế nào?”

Đức Phật bảo: “Nếu có người tạm nghe, tin hiểu 4 câu kệ, phát tâm bồ-đề, thụ-trì, đọc niệm, giải-thuyết, viết chép, cho đến nói cho một người nghe thời công-đức ấy hơn 16 phần công-đức cúng-dàng đầy-đủ chư Phật, Bồ-tát, Thanh-văn trong mười phương trọn Hằng-sa kiếp. Còn người thụ-trì đầy-đủ thời phúc-lợi không thể kể xiết được.

“Nếu nữ-nhân thụ-trì đầy-đủ, đời sau không phải làm thân nữ-nhân, không phải sa-đọa vào 3 đường ác, tám nạn và, đời hiện-tại được 10 thắng-lợi: sống lâu, không bệnh, khỏi nghiệp-chướng, thêm phúc-trí, nhiều của, da đẹp, người yêu, con hiếu, họ hòa và thiện-tâm bền-vững”.

“Nơi nào để kinh này được coi như là tháp Phật, Nhân, Thiên nên tới cúng-dàng vì nơi đó là có Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn. Sau khi Tôi nhập Niết-bàn 500 năm, có Pháp-sư nào thụ-trì, đọc tụng, giải-thuyết, viết chép kinh này, thời Pháp-sư ấy như Tôi không khác. Ai cúng-dàng vị Pháp-sư ấy tức là cúng-dàng chư Phật trong 10 phương ba đời và được công-đức cũng như vậy. Đó là “chân pháp cúng-dàng Như-Lai”, là “chính hạnh cúng-dàng”. Vị Pháp-sư ấy là “Vô tướng hảo Phật”.

“Ai muốn báo đáp tứ-ân, phát tâm Bồ-đề, hoặc mình viết, mượn người viết, hoặc đọc niệm kinh này, được phúc-đức rất nhiều, dù đem trí-tuệ Phật mà suy-tính cũng không biết hết được. Người ấy là con chư Phật, được Thiên, Long, thiện-thần ủng-hộ, chính-niệm, trí-tuệ thêm lên, biện-tài vô-ngại. Khi sắp mất được thấy chư Phật trong mười phương, được 10 nghiệp thân thanh-tịnh, 10 nghiệp khẩu thanh-tịnh và 10 nghiệp ý thanh-tịnh.

“Những công-đức như thế, đều do năng-lực bất-tư-nghị trong việc thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép kinh Tâm-Địa này. Kinh này có nhiều nơi, nhiều thời chúng-sinh không được nghe, huống là được thấy, được tu-tập! Vậy, các ông nên nhất tâm phụng-trì, sẽ chóng xả thân phàm-phu và mau thành Phật-đạo!”

Khi ấy, các Đại-bồ-tát, các vị Bồ-tát mới phát tâm, các vị Đại-thanh-văn cùng vô-lượng Thiên long tám bộ, đều nhất tâm thụ-trì lời Phật và đều hoan-hỷ tín-thụ phụng-hành.

Chú thích
  
[1]  Chúc-lụy: Có nghĩa là giao-phó công việc đang làm cho người sau gánh-vác, duy-trì và phát-triển, mà công việc ấy làm cho người được giao-phó phải quan-tâm, bận-bịu (phiền-lụy) tới.

[2]  Thập lực… Mười lực của Như-Lai: 1/ Trí-lực hiểu biết chỗ đúng đạo-lý hay không đúng đạo-lý của sự-vật. 2/ Trí-lực biết nhân-quả nghiệp-báo 3 đời của chúng-sinh. 3/ Trí-lực biết các môn thiền-định, giải-thoát tam-muội. 4/ Trí-lực biết các căn thắng (hơn), liệt (kém) của chúng-sinh. 5/ Trí-lực biết mọi tri-giải (sự hiểu biết) của chúng-sinh. 6/ Trí-lực biết mọi cảnh-giới của chúng-sinh. 7/ Trí-lực biết được chỗ sẽ đến của mọi đường (đạo). 8/ Trí-lực biết dùng Thiên-nhãn không chướng-ngại. 9/ Trí-lực biết túc-mệnh vô-lậu. 10/ Trí-lực biết dứt hẳn tập-khí.
Đây là chỉ về sự hiểu biết của chư Phật trong 10 phương ba đời.

[3]  Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “kinh này”, đức Phật nói về sự tu-hành của Ngài trong nhiều kiếp Ngài mới chứng được quán-môn Tâm-địa này, nay Ngài giao-phó cho đại-chúng, nên nhẫn-nhục cố-gắng truyền-bá kinh này cho tất cả, trong khắp nơi, đừng để mất, vì kinh này ở đâu, đem lại nhiều sự an-lạc cho nơi ấy.

[4]  Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, tới chỗ “bền vững”, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật về công-đức duy-trì kinh này, đức Phật dạy: “duy-trì kinh này được nhiều lợi-ích hơn cúng-dàng chư Phật, Bồ-tát, Thanh-Văn. Và, nếu nữ nhân nào duy-trì còn được thêm 10 thắng-lợi.”

[5]  Đoạn trên, từ chỗ “Ở nơi này”, đến chỗ “giải-thoát”, đức Phật nói kinh này để ở đâu cũng như tháp Phật ở đó, nên cúng-dàng.

[6]  Pháp-sư: Danh-từ tôn-xưng những vị tinh-thông Phật-pháp, khả-dĩ làm khuôn thước cho người.

[7]  Đoạn trên, từ chỗ “Sau khi”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói về công-đức của vị Pháp-sư duy-trì kinh này rất lớn, nên cung-kính cúng-dàng, cũng như Phật.

[8]  Ha-lỵ-đế-mẫu: Ha-lỵ-đế (Hariti), Tàu dịch là “Hoan-hỷ”. Ha-lỵ-đế-mẫu tức là quỉ tử-mẫu (mẹ con con thần-quỉ). Bộ-tỳ-nại-gia tạp-sự quyển 31 nói: “Xưa kia trong thành Vương-xá có một vị Độc-giác ra đời, mới thiết đại-hội. Trong ngày đại-hội có 500 người nghe biết, cùng nhau tới dự. Khi đi dọc đường họ gặp một người đàn bà chửa chăn bò, bưng thùng nhũ-lạc (sữa), họ rủ bà ấy đi dự hội. Bà kia đi theo. Tới nơi, thấy sự vui-vẻ, bà kia ra múa góp vui, không ngờ bị trụy thai. Thấy sự thể thế, những người kia bỏ đi, để mình bà đau-đớn, buồn rầu ở đó. Bà liền tìm bán thùng nhũ-lạc, mua được 500 quả Am-ma-la. Ngay lúc đó được vị Độc-giác tới thăm hỏi, an-ủi, bà liền đỉnh lễ, đem quả cúng-dàng và bà nguyện: “Tôi nguyện sau đây tôi sinh vào thành Vương-xá này ăn thịt hết những con của những người ở đây”. Do ác-nguyện ấy mà sau này bà ấy sinh làm con gái cả của quỉ Sa-la-dược-xoa, trong thành Vương-xá, kết-hôn với Bán-chi-ca dược-xoa, con trai cả của Bán-xoa-la dược-xoa nước Kiền-đà-la, sinh được 500 con, hàng ngày cứ bắt những con trai, con gái thành Vương-xá ăn thịt. Một hôm, đức Phật dùng phương-tiện giấu một đứa con của quỉ-nữ đó. Quỉ-nữ buồn rầu, thương-xót đi tìm, biết là ở bên Phật, vào xin Phật, đức Phật bảo: “Ngươi có 500 con, còn thương một đứa con, huống là những người khác chỉ một, hai đứa lại không thương ư ? Ngay đó, đức Phật khuyên quỉ-nữ không nên sát sinh và trao-truyền cho ngũ-giới, thành Ưu-bà-di. Thụ-giới rồi, quỉ-nữ bạch: “Vậy, từ nay tôi không có trẻ con để ăn thì chết đói mất!”. Đức Phật bảo: “Ngươi đừng lo, từ nay trở đi nơi nào có Thanh-văn đệ-tử của Ta, mỗi khi ăn cơm, gọi đến tên mẹ con ngươi, mẹ con ngươi sẽ được no đủ, nhưng mẹ con ngươi đối với trong giáo-pháp của Ta phải dốc lòng ủng-hộ nơi Già-lam cùng các Tăng-Ni!” Mẹ con con quỉ đều vui-vẻ”.

[9]  Tám bộ: 1/ Thiên. 2/ Long 3/ Dạ-xoa. 4/ Càn-thát-bà. 5/ A-tu-la. 6/ Ca-lâu-la. 7/ Khẩn-na-la. 8/ Ma-hầu-la-già.

[10]  Đoạn trên, từ chỗ “Nếu người” đến chỗ “nhân Phật”, đức Phật nói công-đức duy-trì truyền-bá kinh này trong việc báo tứ-ân.

[11]  Đoạn trên, từ chỗ “Ông Văn-thù….” đến chỗ “Tam-muội”, đức Phật nói về sự lợi-ích trong việc duy-trì, truyền-bá kinh này khi sắp chết được thấy chư Phật, được 10 thứ thanh-tịnh về thân, khẩu, ý-nghiệp.

[12]  Đoạn trên, từ chỗ “Những công-đức như thế”, đến chỗ “phụng-hành”, đức Phật kết-thúc, khuyên đại-chúng nên nhất tâm tu-trì kinh này. Đại-chúng đều nhất tâm hoan-hỷ, phụng-trì.

("Kinh Đại thừa Bản sinh Tâm địa quán"
Hán dịch: Đường Bát Nhã
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437998
Số người trực tuyến: