2. Quyển Nhì | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Quyển Nhì

Quyển Nhì
 
8. Đoạn 8: Chỉ tính thấy không sinh không diệt

Khi bấy giờ ông A-nan cùng cả đại-chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư-thái, nghĩ mình từ vô-thủy đến nay, bỏ mất bản-tâm, lầm-nhận sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần làm tâm, ngày nay được khai-ngộ như em bé mất sữa, bỗng gặp mẹ hiền, chắp tay lễ Phật, xin đức Như-lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện-tiền phát-minh ra hai tính sinh-diệt, và không sinh-diệt.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước tôi chưa được vâng nghe lời Phật dạy-bảo, tôi thấy bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết-bàn; nay tuy được gặp Phật nhưng tôi vẩn còn hồ-nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng-biết tính không sinh-diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu-lậu trong đại-chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”
 
Phật bảo: “Đại-vương, thân ông hiện đó, nay tôi hỏi ông: Cái nhục-thân đó của ông có như kim-cương thường còn, không hư-hỏng hay lại cũng biến-đổi và tan-rã?
 
- Bạch Thế-tôn, thân tôi hiện nay rốt-cuộc về sau cũng thay-đổi và tiêu-diệt”.
 
Phật bảo: “Đaị-vương, ông chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?
 
- Bạch Thế-tôn, cái thân vô-thường thay-đổi của tôi đây, tuy chưa hề bị diệt; song tôi xét nó hiện nay niệm-niệm dời-đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất”.
 
Phật dạy: “Đúng thế, Đại-vương, tuổi-tác của ông nay đã già-yếu, vậy mặt mày của ông so với lúc còn bé thì như thế nào?
 
- Bạch Thế-tôn, lúc tôi bé nhỏ, da thịt mơn-mởn, đến khi trưởng-thành, huyết-khí sung-túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy-yếu, hình-sắc khô-gầy, tinh-thần lẫn-lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so-sánh sao được với lúc đương còn trẻ-mạnh!”
 
Phật bảo: “Đại-vương, hình-dung của ông, nào phải đương trẻ mà già liền đâu?”
 
Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, sự biến-hóa thầm-thầm dời-đổi, tôi thật không hay; nắng mưa thấm-thoát, lần đến thế này. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày của tôi đã già hơn khi 10 tuổi; khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khỏe-mạnh hơn nhiều. Bạch Thế-tôn, tôi thấy thầm-thầm dời-đổi như thế; thân này đến nay tuy đã suy-yếu, nhưng trong sự thay-đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu tôi suy-xét chín-chắn hơn nữa thì cái biến-đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay-đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay-đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến-hóa; lại không những mỗi tháng mỗi biến-hóa mà còn mỗi ngày mỗi đổi-thay; xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát-na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên tôi biết thân tôi rốt-cuộc phải biến-đổi và tiêu-diệt”.
 
Phật bảo: “Đại-vương, ông thấy biến-hóa dời-đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt; vậy trong lúc diệt đó, ông có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?”
Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật: “Thật tôi không biết”.

Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông cái tính không sinh-diệt, Đại-vương, khi ông mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng”.

Vua bạch: “Khi tôi ba tuổi, mẹ tôi dắt đi yết-lễ thần Kỳ-bà-thiên thì đã đi qua sông ấy; lúc đó tôi liền biết là nước sông Hằng”.

Phật bảo: “Đại-vương, như lời ông nói: Lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ, dời-đổi mãi mãi; vậy khi ông 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?”

Vua bạch: “Tôi thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi, như nhau không khác và đến nay tuổi đã 62, cũng vẫn không khác”.

Phật bảo: “Nay ông xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt ông chắc là nhăn hơn lúc trẻ; vậy cái thấy hiện nay của ông thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng, có già trẻ gì không?”

Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, không”.

Phật bảo: “Đại-vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay-đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay-đổi. Cái thay-đổi thì phải diệt, còn cái không thay-đổi kia, vốn không sinh-diệt, làm sao trong ấy, lại nhận sống cái chết của ông, mà ông còn dẫn những thuyết của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn”.

Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin-biết về sau bỏ thân này qua thân khác, cùng với đại-chúng nhẩy-nhót vui-mừng, được cái chưa từng có.

9. Đoạn 9: Chỉ chỗ trái ngược

Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chấp tay, quỳ dài bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sinh-diệt thì làm sao đức Thế-tôn lại gọi bọn chúng tôi bỏ mất chân-tính, làm việc trái-ngược? Xin Phật mở lòng từ-bi, rửa sạch trần-cấu cho chúng tôi”.

Khi ấy Đức Như-lai duỗi cánh tay kim-sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo ông A-nan rằng: “Ông nay thấy tay Mẫu-đà-la tôi là chính hay là ngược?”

Ông A-nan bạch: “Chúng-sinh thế-gian cho đó là ngược, còn tôi thì không biết thế nào là chính, thế nào là ngược”.

Phật bảo ông A-nan: “Nếu người thế-gian cho đó là ngược, thì người thế-gian gọi thế nào là chính?”

Ông A-nan bạch Phật: “Đức Như-lai đưa cánh tay lên, tay Đâu-la-miên chỉ lên trên không thì gọi là chính”.

Phật liền giơ cánh tay lên và bảo ông A-nan rằng: “Cái trái-ngược như thế, chỉ là đầu đuôi thay-đổi lẫn nhau; các người thế-gian lắp đi lắp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân ông và pháp-thân thanh-tịnh của chư Như-lai, so theo đó mà phát-minh, thì thân của Như-lai gọi là chính-biến-tri, thân của các ông gọi là tính trái-ngược; tùy ông xét kỹ nơi thân ông và thân Phật, cái gọi là trái-ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái-ngược?”

Khi ấy ông A-Nan cùng cả đại chúng chăm-chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay-động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái-ngược. Phật phát-lòng từ-bi, thương-xót ông A-nan và đại-chúng, phát tiếng hải-triều, khắp bảo trong Hội: “Các thiện-nam-tử, tôi thường nói rằng: “Sắc, tâm, các duyên và các tâm-sở, các pháp sở-duyên, đều duy tâm-tính biến-hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra trong tâm-tính. Làm sao các ông lại bỏ mất tâm-tính quý-báu ấy, nhận cái mê trong ngộ. Mê-muội thành có hư-không, trong hư-không mê-muội ấy, kết cái mê-muội thành ra có sắc; sắc xen với vọng-tưởng; tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay-động bên trong, rong-ruổi theo cảnh-vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ-mịt lăng-xăng đó làm tâm-tính. Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết-định lầm cho rằng tâm ở trong sắc-thân, mà không biết sắc-thân, cho đến núi sông, hư-không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm-tính; ví-như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong-lặng, chỉ nhận một cái bọt nước; rồi cho nó là toàn hết cả nước, cùng-tột các biển lớn. Bọn ông tức là những người mê-lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rủ xuống, không có sai khác. Như-lai gọi là đáng thương-xót đó”.

10. Đoạn 10: Lựa bỏ tâm phan duyên để chỉ tính thấy không thể trả về đâu

Chi 1. Trình-bày chỗ ngộ, nhưng chưa dám tự-nhận.

Ông A-nan vâng nghe lời Phật từ-bi cứu-độ dạy bảo, khóc lóc tréo tay mà bạch Phật rằng: "Tuy tôi vâng nghe diệu-âm của Phật như vậy, ngộ được chỗ thường-trụ viên-mãn sẵn có của tâm-tính, nhưng tôi ngộ được pháp-âm của Phật vừa dạy là tôi hiện lấy tâm phan-duyên mà thỏa-mãn chỗ ước-mong. Tôi luống được tâm ấy, chưa dám nhận là tâm-tính bản-lai; mong Phật thương xót, tuyên lời viên-âm, nhổ gốc nghi-ngờ của tôi, đem về đạo vô thượng."

Chi 2. Trách còn nhận ngón tay chỉ để lựa ra tâm phân-biệt đều đã có chỗ trả về.

Phật bảo ông A-nan: "Bọn ông còn lấy tâm phan-duyên mà nghe pháp thì cái pháp nhận được đó cũng chỉ là sở-duyên, chứ không phải nhận được pháp-tính. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ nữa. Vì sao? Vì nhận ngón tay chỉ làm mặt trăng vậy. Đâu những bỏ mất ngón tay lại cũng không phân biệt được sáng và tối. Vì sao? Vì lấy ngón tay tối làm mặt trăng sáng thì không rõ biết được hai tính sáng tối. Ông cũng như vậy. Nếu lấy cái phân-biệt pháp-âm tôi làm tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời cái phân-biệt tiếng nói, có tính phân-biệt.
Ví như người khách ngủ trọ quán trạm, ở tạm rồi đi, rốt cuộc ở mãi không được, còn người giữ trạm thì không đi đâu, gọi là chủ trạm. Tâm cũng như vậy, nếu thật tâm ông thì không đi đâu, làm sao rời cái tiếng, lại không có tính phân-biệt? Nói như thế chẳng những đối với tâm phân-biệt các tiếng; cái phân-biệt hình-dung của tôi, rời các sắc-tướng, cũng không có tính phân-biệt; như vậy cho đến cái phân-biệt đều không, không phải sắc, không phải không, mà bọn Câu-xá-ly lầm là minh-đế, thì rời các pháp-trần, cũng không tính phân-biệt. Như vậy tâm-tính của ông đều có chỗ trả về, lấy gì mà làm chủ?"

Chỉ 3. Khai thị cái thấy không chỗ trả về.

Ông A-nan bạch: "Như tâm-tính của tôi đều có chỗ trả về, thì tâm-tính của Như-lai dạy, làm sao lại không có chỗ trả về? Xin Phật thương-xót chỉ bảo cho tôi điều ấy."

Phật bảo ông A-nan: "Hãy lấy cái tính thấy của ông thấy tôi đây. Tính thấy ấy tuy không phải là tâm-tính như mặt trăng thứ hai không phải thật là mặt trăng. Ông hãy nghe cho chín, nay tôi chỉ cho ông cái nghĩa không thể trả về.

A-nan, đại-giảng-đường này mở rộng phương Đông, khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm vắng trăng, mây mù mờ-mịt thì lại tối-tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông-suốt; chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bịt; chỗ phân-biệt được, thấy cảnh sắc-duyên; trong chỗ rỗng trống, toàn là hư-không; cảnh tượng mù-mịt khi bụi nổi lên; mưa tạnh trời thanh lại thấy trong sạch.

A-nan, ông đều xem rõ các tướng biến-hóa ấy, nay tôi trả các tướng ấy về chỗ bản-nhân của nó. Thế nào là bản-nhân? A-nan, trong các tướng biến-hóa, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì không mặt trời thì không sáng, nguyên-nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả cho mặt trời. Cái tối trả về cho trăng tối, thông-suốt trả về cho các cửa, ngăn-bịt trả về cho tường nhà, sắc-duyên trả về cho phân-biệt, rỗng trống trả về cho hư-không, mù-mịt trả về cho bụi, trong sáng trả về cho tạnh, và trong thế-gian có những cái gì, cũng không ra ngoài mấy loại ấy.

Còn cái tính-thấy của ông thấy tám thứ kia thì ông định trả về đâu. Vì sao? Nếu trả về cho sáng thì lúc không sáng lại không thấy tối, nay tuy các thứ sáng tối có sai khác, cái thấy không có sai khác. Các cái thấy có thể trả về tự nhiên không phải là ông, còn cái không thể trả về được thì không phải là ông mà là ai nữa? Vậy thì biết tâm ông vốn là nhiệm-mầu trong sạch sáng-suốt, ông tự mê-lầm, bỏ mất tính bản-nhiên mà chịu luân-hồi, thường bị chìm đắm trong bể sống chết, nên Như-lai gọi là đáng thương xót".
 
11. Đoạn 11: Lựa riêng trần cảnh để nêu ra tính thấy

Chỉ 1. Vật không phải ta.

Ông A-nan bạch: "Tuy tôi biết tính-thấy ấy không thể trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là chân-tính của tôi".

Phật bảo ông A-nan: "Nay tôi lại hỏi ông: hiện ông chưa được đạo-quả vô-lậu thanh-tịnh, nhờ thần-lực của Phật, mới thấy được cõi sơ-thiền, không bị ngăn-ngại. Ông A-na-luật thì thấy cõi Diêm-phù-đề như xem quả am-ma-la trong bàn tay. Các vị Bồ-tát thấy trăm nghìn cõi thập phương Như-lai, cùng tột các quốc-độ thanh-tịnh, số như vi-trần, không chỗ nào không thấy. Còn chúng-sinh thì thấy rõ được không quá gang tấc.

A-nan, nay tôi cùng ông hãy xem cung-điện của Tứ-thiên-vương, chặng giữa xem khắp các loài thủy, lục, không, hành, tuy có nhiều hình-tượng sáng tối khác nhau, nhưng không cái gì là không phải tiền-trần chia cắt ngăn ngại. Ông hãy ở nơi đó phân-biệt cái gì là mình, cái gì là vật khác. Nay tôi hãy đưa ông lựa trong sự thấy đó, cái gì là tâm-thể của ông, cái gì là cái hình-tượng của vật. A-nan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật, chứ không phải ông; đến Thất-kim sơn, xem xét cùng khắp, tuy có những thứ hào-quang nhưng cũng là vật chứ không phải là ông; lần lần xem đến mây kéo, chim bay, gió động, bụi nổi, cây cối núi sông, cỏ rác người vật, đều là vật chứ không phải là ông.

Chi 2. Cái thấy không phải là vật.

A-nan, các vật gần xa đó, tuy sai khác nhau, nhưng đồng do cái thấy của ông thanh-tịnh trông thấy, thì các thứ vật kia tự có sai khác mà tính-thấy của ông không có sai khác. Cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt đó thật là tính-thấy của ông.

Nếu cái thấy là vật thì ông cũng có thể thấy cái thấy của tôi. Nếu cho rằng đồng thấy sự vật là thấy cái thấy của tôi thì khi tôi không thấy, sao lại không thấy được cái chỗ không thấy của tôi? Nếu nói rằng thấy cái không thấy thì tự-nhiên cái đó không phải là cái tướng của cái không thấy; còn nếu không thấy được chỗ không thấy của tôi, thì cái thấy bản-nhiên không phải là vật, làm sao lại không phải là ông?

Chi 3. Vật và ta không thể xen lộn.

Lại như cái thấy là vật thì đương khi ông thấy vật đó, ông đã thấy được vật, vật cũng thấy được ông, thế thì thể-tính xen lộn và ông cùng tôi với cả thế-gian không thành-lập được.

A-nan, nếu khi ông thấy là chính ông thấy, chứ không phải tôi, thì cái thấy cùng khắp đó không phải là ông thì còn là ai nữa.

Làm sao lại tự-nghi cái chân-tính của ông. Chân-tính của ông, ông không tự-nhận lấy, lại chấp lời nói của tôi, mà cầu chứng thật".

Chi 4. Nghi cái thấy có lớn nhỏ đứt nối.

Ông A-nan bạch Phật rằng: Thưa Thế-tôn, nếu cái tính thấy đó chắc là tôi, chứ không phải ai khác, thì khi tôi cùng Như-lai xem cung-điện quý báu của Tứ-thiên-vương, xem mặt trời mặt trăng, cái thấy ấy cùng khắp cả cõi Sa-bà, khi lui về tịnh-xá thì chỉ thấy cảnh vườn chùa, đến khi thanh tâm nơi phòng chái thì lại chỉ thấy một chái nhà. Thưa Thế-tôn, cái thấy như vậy, bản thể của nó cùng khắp một cõi, nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng; thế là cái thấy rút lớn thành nhỏ hay là tường nhà chia cắt làm cho đứt đoạn. Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật vì tôi từ-bi chỉ rõ".

Chi 5. Chỉ tiền-trần làm ngăn-ngại.

Phật bảo ông A-nan: "Tất-cả các thứ trong, ngoài, lớn nhỏ của thế-gian đều thuộc về tiền-trần, không nên nói rằng cái thấy có co có duỗi. Ví như trong đồ vuông thì thấy hư-không vuông; nay tôi hỏi ông: Cái hư-không vuông thấy được trong đồ vuông ấy, là nhất-định vuông hay không nhất-định vuông? Nếu nhất-định vuông thì khi thay đồ tròn vào, lẽ ra hư-không tròn; nếu không nhất định thì trong đồ vuông, lẽ ra không có hư-không vuông. Ông nói không biết nghĩa đó do đâu, nghĩa đó như vậy, sao còn do đâu được.

A-nan, nếu muốn nhận được tính không vuông không tròn, chỉ trừ-bỏ cái vuông của đồ-đạc, chứ bản-thể hư-không vốn không vuông, không nên nói rằng lại phải trừ cả cái vuông của hư-không nữa.

Lại như lời ông hỏi: Khi vào trong phòng, rút cái thấy làm cho nhỏ lại thì khi ngửa xem mặt trời, há lại kéo cái thấy ngang với mặt trời? Nếu xây tường nhà chia-cắt cái thấy làm cho đứt-đoạn, thì đến khi xoi một lỗ nhỏ, sao lại không thấy dấu-nối. Nghĩa ấy không đúng.

Chi 6. Khai-thị về chuyển được vật.

Tất-cả chúng-sinh từ vô-thủy đến nay, lầm mình là vật, bỏ mất tâm-tính, bị vật xoay-chuyển, cho nên trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu biết chuyển được vật thì đồng với Như-lai, thân tâm đều viên-mãn sáng-suốt, nơi đạo-trường bất-động đó, trên đầu một mảy lông cũng có thể trùm-chứa thập phương quốc-độ".

III. Mục 3: Phật nêu ra tính thấy ra ngoài các nghĩa “thị” và “phi thị”

("Thị" thì tức là cái thấy - "Phi-thị" thì ra ngoài cái thấy).

1. Đoạn 1: Nghi tính thấy hiện ở trước mắt

Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, nếu cái thấy đó, chắc là chân-tính của tôi thì cái chân-tính đó, hiện ở trước mắt tôi; cái thấy đó đã là chân-tính của tôi thì thân tâm tôi, hiện nay, lại là vật gì? Mà nay thân tâm ấy thật có phân-biệt, còn cái thấy kia thì không phân-biệt riêng gì thân tôi. Nếu nó thật là tâm tôi, làm cho tôi hiện nay có thấy, vậy tính-thấy ấy đã thật là tôi, còn thân này không phải là tôi thì nào khác gì đức Như-lai trước kia đã hỏi-vặn rằng: "Vật thấy được tôi". Xin Phật rủ lòng đại-từ, chỉ-bày cho chỗ chưa ngộ".

2. Đoạn 2: Chỉ ra “Không có cái gì tức là thấy”

Phật bảo ông A-nan: "Nay ông nói rằng: Cái thấy ở trước mắt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu thật ở trước mắt ông và ông thật thấy được thì cái thấy đó đã có chỗ ở, không phải không chỉ ra được. Vậy nay tôi cùng ông ngồi trong rừng Kỳ-đà, trông khắp rừng, suối với các điện, đường, trên đến mặt trời, mặt trăng, trước đối với sông Hằng. Nay ông hãy ở trước sư-tử-tọa của tôi, giơ tay chỉ-bày trong các tướng kia, chỗ dâm là rừng, cái sáng là mặt trời, ngăn-ngại là vách, thông-suốt là hư-không, như thế cho đến cỏ cây, mảy-mún, tuy lớn nhỏ khác nhau, nhưng đã có hình thì không cái gì là không chỉ đích ra được. Vậy nếu cái thấy, hiện ở trước mắt ông thì ông hãy lấy tay chỉ rõ đích-xác cái gì là cái thấy. A-nan, ông nên biết, nếu hư-không là cái thấy, thì hư-không đã thành cái thấy, còn cái gì mới là hư-không; nếu vật là cái thấy, thì vật đã là cái thấy, còn cái gì mới là vật. Ông hãy chín-chắn chia-chẻ trong muôn hiện-tượng, tách ra cái thấy, chỉ-bày cho tôi như các vật kia, rõ-ràng không lầm-lẫn".

Ông A-nan bạch: "Nay tôi ở giảng-đường này, trông xa đến sông Hằng, trên đến mặt trời, mặt trăng, giơ tay chỉ ra, đưa mắt trông ra, thì những cái chỉ được đều là vật, chứ không có cái gì là cái thấy. Bạch Thế-tôn, như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu-lậu sơ-học Thanh-văn như chúng tôi, mà cho đến các vị Bồ-tát cũng không thể, ở nơi hiện-tượng muôn vật, chỉ ra cái thấy, rời tất-cả vật, riêng có tự-tính".

Phật dạy: "Đúng thế, đúng thế".

3. Đoạn 3: Chỉ ra không có cái gì ra ngoài cái thấy

Phật lại bảo ông A-nan: "Như lời ông nói: Không có cái thấy, rời tất-cả vật, riêng có tự-tính; thì trong tất-cả các vật đã chỉ được, không có cái gì là cái thấy cả. Nay tôi lại bảo ông: Ông cùng Như-lai ngồi trong rừng Kỳ-đà, lại xem rừng vườn cho đến mặt trời mặt trăng, nhiều thứ hình-tượng khác nhau, trong đó, chắc không có cái thấy mà ông có thể chỉ ra được. Vậy ông hãy phát-minh trong các vật đó, có cái gì ra ngoài cái thấy?"

Ông A-nan bạch: "Thật tôi thấy khắp rừng Kỳ-đà này, không biết trong đó có cái gì ra ngoài cái thấy. Vì sao? Nếu cái cây ra ngoài cái thấy thì sao lại thấy cây, còn nếu cái cây tức là cái thấy thì sao lại là cây; như thế cho đến nếu hư-không ra ngoài cái thấy, thì sao thấy được hư-không, còn nếu hư-không tức là cái thấy, thì sao lại là hư-không. Tôi lại suy-nghĩ, phát-minh chín-chắn trong muôn hình-tượng, thật không có cái gì ra ngoài cái thấy cả".

Phật dạy: "Đúng thế, đúng thế".

4. Đoạn 4: Ngài Văn Thù kính xin Phật phát minh hai thứ

Khi ấy trong đại-chúng, những vị chưa chứng-quả vô-học, nghe Phật dạy như thế, mờ-mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào, nên đồng-thời sợ-hãi, không giữ được tâm thanh-tịnh.

Đức Như-lai biết đại-chúng tâm-niệm rối-loạn, sinh lòng thương-xót, an-ủi ông A-nan và cả đại-chúng rằng: "Các thiện-nam-tử, bậc vô-thượng Pháp-vương, lời nói chân-thật, như tính chân-như mà nói, không lừa không dối, không phải như bốn thứ luận-nghị càn-giở bất-tử của bọn Mạt-già-lê; ông hãy suy-nghĩ cho chín-chắn, chớ phụ lòng thương-mến của tôi".

Lúc ấy ngài Pháp-vương-tử Văn-thù-sư-lỵ thương xót hàng tứ-chúng, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ chân Phật, chấp tay cung-kính mà bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, đại-chúng này không ngộ được chỗ đức Như-lai phát-minh ra hai nghĩa "thị" và "phi-thị" nơi hai thứ "cái thấy" và "sắc không". Bạch Thế-tôn, nếu những hiện tượng sắc không nơi tiền-cảnh, tức là cái thấy, thì lẽ ra có chỗ chỉ được, còn nếu ra ngoài cái thấy, thì lẽ ra không thể thấy được; mà nay đại-chúng không rõ nghĩa ấy do đâu, nên mới kinh-sợ, chứ không phải vì trước đây thiện-căn ít-ỏi; kính mong đức Như-lai thương-xót, phát-minh cho rõ các vật-tượng ấy và cái thấy ấy vốn là vật gì, mà ở trong đó, lại không có các nghĩa "thị" và "phi-thị".

5. Đoạn 5: Chỉ đích tính thấy không có các nghĩa “thị” và “phi thị”
 
Phật bảo ngài Văn-thù cùng cả đại-chúng rằng: "Thập phương Như-lai và các vị đại-Bồ-tát ở trong tự-trụ Tam-ma-điạ, thì cái "thấy", cái "bị-thấy" và các tương-tướng hoa-đốm hư-không, vốn không có gì. Cái "thấy" và cái "bị thấy" đó vốn là tâm-tính Bồ-đề nhiệm-mầu trong-sạch sáng-suốt, làm sao trong đó, lại còn có các nghĩa "thị" và "phi-thị"?

Văn-thù, nay tôi hỏi ông: Như ông đây là Văn-thù, nơi ông lại có cái tức là Văn-thù hay không có Văn-thù?

- Bạch Thế-tôn, đúng thế. Tôi đây thật là Văn-thù, nơi tôi không có cái gì tức là Văn-thù, vì sao? Vì nếu có cái ấy, thì thành ra hai Văn-thù, nhưng tôi hiện nay không phải là không Văn-thù; trong đó thật không có hai tướng "thị" và "phi-thị".

Phật bảo: "Tính-thấy nhiệm-mầu sáng-suốt với các thứ sắc, không thì cũng như vậy. Vốn một tâm-tính vô-thượng Bồ-đề, lầm-nhận là sắc, không cùng với nghe, thấy, như dụi con mắt, thấy có hai mặt trăng, thì mặt trăng nào mới thật là mặt trăng, còn mặt trăng nào lại không phải là mặt trăng. Văn-thù, chỉ có một mặt trăng thật, trong ấy tự không có cái gì thật là mặt trăng hay không phải là mặt trăng. Vậy nên hiện nay, các ông phát-minh ra các thứ xem-thấy và trần-cảnh, đều gọi là vọng-tưởng, không thể ở trong đó, chỉ ra các nghĩa "thị" và "phi-thị". Nhưng do tất-cả đều là tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt nên có thể làm cho các ông ra ngoài các nghĩa "chỉ được" và "không chỉ được".

IV. Mục 4: Phá những thuyết nhân duyên tự nhiên để bày tỏ sự thật nhận thấy tính thấy

1. Đoạn 1: Nghi tâm tính tự nhiên như thần ngã

Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, thật như lời Pháp-vương dạy, tâm-tính cùng khắp thập phương thế-giới, yên-lặng thường-trụ, không có sinh-diệt; điều ấy so với thuyết ông Phạm-chi Sa-tỳ ca-la ngày xưa nói về minh-đế, hay các thuyết ngoại-đạo như bọn Đầu-hói nói có chân-ngã cùng khắp mười phương, khác nhau thế nào? Ở núi Lăng-già, đức Thế-tôn đã từng, vì các ông Đại-tuệ, chỉ-dạy rằng: Bọn ngoại-đạo kia thường nói tự-nhiên, còn Phật nói nhân-duyên, không phải cảnh-giới của bọn kia. Nay tôi xét cái tâm-tính đó tự-nhiên, không phải sinh, không phải diệt, xa-rời tất-cả các điều trái-ngược, luống-dối, giống như không phải là nhân-duyên, cũng không phải là cái tự-nhiên của bọn kia. Xin Phật khai-thị thế nào, cho chúng tôi khỏi mắc tà-kiến và được tâm-tính trong-sạch nhiệm-mầu sáng-suốt".

2. Đoạn 2: Chỉ ra không phải là tự nhiên

Phật bảo ông A-nan: "Nay tôi phương-tiện chỉ-bày, chân-thật bảo ông như vậy, ông còn chưa ngộ, lại lầm là tự-nhiên. A-nan, nếu chắc là tự-nhiên, tự phải chỉ rõ thể-tính tự-nhiên. Ông hãy xét cái tính-thấy kia lấy cái gì làm tự-thể. Cái thấy đó lại là lấy cái sáng làm tự-thể, lấy cái tối làm tự-thể, lấy hư-không làm tự thể hay lấy ngăn-bịt làm tự-thể. A-nan, nếu lấy cái sáng làm tự-thể thì lẽ ra không thấy được tối, nếu lấy hư-không làm tự-thể thì lẽ ra không thấy được ngăn-bịt, như vậy cho đến lấy các tướng tối mà làm tự-thể thì đến khi sáng, tính-thấy đã diệt mất rồi, làm sao còn thấy được sáng ?"

3. Đoạn 3: Nghi là nhân duyên
 
Ông A-nan bạch : "Chắc cái tính-thấy ấy không phải là tự-nhiên, thì nay tôi phát-minh được, nó do nhân-duyên mà sinh; nhưng tâm còn chưa rõ, xin hỏi đức Như-lai, nghĩa-lý thế nào cho hợp với tính nhân-duyên".

4. Đoạn 4: Chỉ ra tính thấy không phải là nhân duyên và kết luận tính thấy rời các danh tướng

Phật dạy: "Ông nói nhân-duyên, tôi lại hỏi ông: Nay ông do nhân-duyên mà có thấy; tính-thấy hiện trước đó, vậy tính-thấy, ấy lại là nhân cái sáng mà có thấy, nhân cái tối mà có thấy, nhân hư-không mà có thấy hay nhân ngăn-bịt mà có thấy? A-nan, nếu tính-thấy nhân cái sáng mà có, thì lẽ ra không thấy được tối, còn như nhân cái tối mà có, thì lẽ ra không được sáng; như vậy cho đến nhân hư-không, nhân ngăn-bịt, thì cũng đồng như nhân cái sáng và cái tối. Lại nữa, A-nan, cái thấy ấy lại là nương cái sáng mà có thấy, nương cái tối mà có thấy, nương hư-không mà có thấy hay là nương ngăn-bịt mà có thấy? A-nan, nếu nương hư-không mà có thấy, thì lẽ ra không thấy được ngăn-bịt; nếu nương ngăn-bịt mà có thấy, thì lẽ ra không thấy được hư-không; như vậy cho đến nương cái sáng, nương cái tối cũng đồng như nương hư-không, nương ngăn-bịt. Nên biết tính-thấy như vậy, không phải nhân, không phải duyên, không phải tự-nhiên, cũng không phải không tự-nhiên, không có nghĩa "không phải" hay "không không phải", không có nghĩa "tức là" hay "không tức là", rời hết tất-cả các tướng, tức là tất-cả sự vật; làm sao trong ấy, ông lại định đem các danh-tướng hí-luận thế-gian mà phân biệt cho được. Thế cũng như lấy bàn tay, nắm-bắt hư-không, chỉ thêm nhọc sức, chứ làm sao hư-không lại để cho ông nắm-bắt".

5. Đoạn 5: Lại nghi nhân duyên

Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, chắc cái tâm-tính ấy, không phải nhân-duyên, thế sao đức Thế-tôn lại thường chỉ-dạy cho các hàng tỷ-khưu rằng: Tính-thấy có bốn thứ nhân-duyên, nghĩa là nhân hư-không, nhân ánh-sáng, nhân cái tâm và nhân con mắt. Nghĩa đó thế nào?

6. Đoạn 6: Phật lại bác nhân duyên, tự nhiên để nêu ra tính thấy rời cả bốn tướng

Phật bảo: A-nan, tôi nói như thế là nói về các tướng nhân-duyên thế-gian, đó không phải là đệ-nhất-nghĩa. A-nan, tôi lại hỏi ông: Các người thế-gian nói: Tôi thấy được, thì thế nào, họ gọi là thấy, còn thế nào, họ gọi là không thấy?".

Ông A-nan bạch: Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, thấy các hình-tướng, thì gọi là thấy, còn nếu không có ba thứ ánh sáng đó, thì không thể thấy được".

- A-nan, nếu khi không sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối; nếu đã thấy được tối, thì khi đó, chỉ là không sáng, chứ đâu phải là không thấy. A-nan, nếu trong lúc tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy; vậy nay, trong lúc sáng, không thấy cái tối, thì lại cũng phải gọi là không thấy; thế thì cả hai lúc sáng, tối, cũng đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng và tối tự lấn-át nhau, chứ không phải trong đó, tính-thấy của ông tạm-thời không có; thế thì biết cả hai lúc đều gọi là thấy, chứ sao lại gọi là không thấy. A-nan, vì vậy ông nên biết rằng: Trong lúc thấy sáng, cái thấy không phải là cái sáng, trong lúc thấy tối, cái thấy không phải là cái tối, trong lúc thấy hư-không, cái thấy không phải là hư-không, trong lúc thấy ngăn-bịt, cái thấy không phải là ngăn-bịt.

7. Đoạn 7: Chỉ thẳng sự thật nhận thấy tính thấy
 
"Bốn nghĩa đó đã thành-lập rồi, ông lại nên biết: Khi nhận-thấy tính-thấy thì tính-thấy không phải là cái thấy. Tính-thấy còn rời cả cái thấy và cái thấy không thể đến nơi tính-thấy được; làm sao, ông còn nói đến những nhân-duyên, tự-nhiên và tướng hòa-hợp? Bọn Thanh-văn ông hẹp-hòi không biết, không thông-suốt được sự thật thanh-tịnh, nay tôi chỉ-dạy cho ông, ông nên khéo suy-nghĩ, không được trễ-nãi trên đường Bồ-đề nhiệm-mầu".

V. Mục 5: Chỉ ra cái nhận thức sai lầm để bảy tỏ thể tính chân thật

1. Đoạn 1: Xin chỉ dạy cái nghĩa: Nhận thấy tính thấy không phải là cái thấy

Ông A-nan bạch Phật rằng : "Thưa Thế-tôn, như đức Thế-tôn, vì bọn chúng-tôi, chỉ-dạy về nhân-duyên, tự-nhiên các tướng hòa-hợp và không hòa-hợp, tâm tôi còn chưa khai-ngộ; nay lại nghe Phật dạy "nhận-thấy tính-thấy không phải là cái thấy" thì càng thêm lúng-túng, cúi xin Phật thương-xót, bố-thí cho con mắt đại-trí-tuệ, chỉ-bày cho chúng tôi tâm-tính trong-sạch sáng-suốt". Ông A-nan nói như vậy rồi, khóc lóc đỉnh-lễ, vâng nghe thánh-chỉ của Phật.

2. Đoạn 2: Trước khi dạy phép tổng trì, dặn bảo phải nghe cho chín chắn

Khi bấy giờ. đức Thế-tôn thương-xót ông A-nan và cả đại-chúng, định sẽ chỉ-dạy phép đại-tổng-trì là con đường tu-hành nhiệm-mầu các pháp Tam-ma-đề, bảo ông A-nan rằng : "Ông tuy nhớ lâu, chỉ thêm phần học rộng, nhưng nơi vi-mật quán chiếu Xa-ma-tha, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe cho chín-chắn, tôi sẽ vì ông phân-tích chỉ-bày, đồng-thời cũng khiến cho những kẻ hữu-lậu tương-lai được quả Bồ-đề.

3. Đoạn 3: Chỉ ra hai thứ nhận thức sai lầm

Chi 1. Chỉ ra hai thứ sai-lầm.

A-nan, tất-cả chúng-sinh luân-hồi trong thế-gian đều do hai nhận-thức sai-lầm, phân-biệt trái-ngược, chính nơi tâm-tính mà phát-sinh, chính theo nghiệp-báo mà xoay-vần. Hai nhận-thức ấy là gì? Một là nhận-thức sai-lầm nghiệp riêng của chúng-sinh, hai là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung của chúng-sinh.

Chi 2. Nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng.

Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng? A-nan, như người thế-gian, con mắt bị bệnh lòa thì ban đêm trông ngọn đèn, riêng có thấy bóng tròn ngũ sắc bao-phủ. Ý ông nghĩ thế nào? Cái bóng tròn hiện ra nơi ngọn đèn, đó, là sắc của ngọn đèn hay là sắc của cái thấy? A-nan, nếu như là cái sắc của ngọn đèn, thì sao những người không lòa lại không cùng thấy, mà chỉ có người lòa mới thấy bóng tròn. Nếu như là sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành sắc rồi, còn cái người lòa kia thấy được bóng tròn thì gọi là cái gì?

Lại nữa, A-nan, nếu cái bóng tròn kia ngoài ngọn đèn, riêng mình tự có, thì lẽ ra khi trông qua bình-phong, bức màn, bàn trà, ghế ngồi, đều có bóng tròn hiện ra; còn nếu ngoài cái thấy, bóng tròn, riêng mình tự có, thì lẽ ra không thể thấy được, làm sao người lòa lại thấy bóng tròn. Vậy nên biết rằng : Sắc thật ở nơi ngọn đèn, cái thấy bị bệnh làm ra có bóng tròn. Cả cái bóng tròn và cái thấy bóng tròn đều là bệnh lòa. Nhận thấy được bệnh lòa thì cái nhận thấy đó không phải là bệnh; rốt-cuộc không nên nói rằng bóng tròn là ngọn đèn hay là cái thấy, trong đó còn có bệnh lòa không phải ngọn đèn, không phải cái thấy. Ví như mặt trăng thứ hai, không phải thật-thể mặt trăng và cũng không phải là cái bóng của mặt trăng. Vì sao? Vì thấy có mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà thành ra vậy. Các người có trí, không nên bảo rằng mặt trăng dụi mắt mà thành ra đó, là hình-tướng hay không phải là hình-tướng, là ra ngoài cái thấy hay không ra ngoài cái thấy. Bóng tròn cũng như vậy, nó do bệnh lòa mắt mà thành; nay dầu muốn gọi cái gì là ngọn đèn hay là cái thấy cũng không được, huống nữa, còn phân-biệt là không phải nhọn đèn hay không phải là cái thấy!

Chi 3. Nhận thức sai-lầm nghiệp-chung.

Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung?

A-nan, cõi Diệm-phù-đề này, trừ nước biển-cả ra, trong đó đất-bằng có 3.000 châu, châu lớn chính giữa, bao-quát từ Đông sang Tây, có đến 2.300 nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến 200, 300 nước hoặc có một chục, hai chục, cho đến 30, 40, 50, nước. A-nan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ, chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng-cảm ác-duyên, thì chúng-sinh trong nước đó thấy tất-cả những cảnh-giới không tốt; hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác-tướng khác, như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi, lưu, phụ-nhĩ, hồng-nghê; chỉ nước đó thấy, còn chúng-sinh nước bên kia, thì vốn không thấy và cũng không nghe.

4. Đoạn 4: So sánh cái thấy hiện tiền để chỉ rõ ý nghĩa: “Nhận thấy tính thấy không phải là cái thấy” xa rời tướng hòa hợp, viên mãn đạo Bồ đề

Chi 1. Dùng nhận-thức nghiệp-riêng để chỉ rõ thế nào là nhận-thấy tính-thấy.

"A-nan, tôi nay đem hai việc đó, lui tới kết-hợp mà chỉ rõ.

A-nan, như cái nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của chúng-sinh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền-cảnh, nhưng rốt-cuộc là do bệnh lòa của người ấy tạo-thành. Lòa là bệnh của cái thấy, không phải do sắc-tướng tạo ra; song người nhận-thấy được bệnh lòa vẫn không có lỗi-lầm gì về cái thấy cả.

So-sánh với hiện nay, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng-sinh, đều là do bệnh thấy vô-thủy tạo-thành. Cái thấy và cái bị thấy duyên nhau, hình-như hiện ra tiền-cảnh, thật-chất vốn là bệnh lòa, năng-kiến sở-kiến của tâm-tính mà thôi.

Giác-ngộ rằng thấy như thế tức là bệnh lòa, thì cái tâm giác-ngộ đó nhận-thức không lòa. Giác-ngộ thấy như thế là bệnh lòa, thì cái giác-ngộ đó không phải trong phạm-vi bệnh lòa; đó thật là nhận-thấy tính-thấy, sao còn gọi là thấy, nghe, hay, biết.

Vậy nên nay ông thấy tôi cùng ông và thập loại chúng-sinh trong thế-gian đều là thấy lòa, chứ không phải là thấy được cái bị bệnh lòa. Cái tính-thấy chân-thật kia, vốn ra ngoài bệnh lòa, cho nên không gọi là cái thấy.

Chi 2. Lấy nghiệp-chung so với nghiệp-riêng đi đến nhận-rõ sự thật mười phương.

A-nan, như lấy nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung kia của chúng-sinh, so với nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của một người, thì một người đau mắt cũng đồng như cả một nước kia; người đau mắt thấy bóng tròn là do bệnh lòa giả-dối sinh ra; còn trong một nước kia, hiện ra các thứ không tốt là do ác-duyên nghiệp-chung của chúng-sinh tạo nên; cả hai đều do nhận-thức sai-lầm vô-thủy giả-dối sinh ra. Tỷ-lệ với 3000 châu, với bốn biển lớn trong cõi Diêm-phù-đề, với thế-giới Sa-bà cho đến nước hữu-lậu và các chúng-sinh trong mười phương, đồng là nơi tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, các bệnh duyên thấy, nghe, hay, biết, sai-lầm, hòa-hợp giả-dối sinh ra, hòa-hợp giả-dối diệt mất. Nếu xa-rời được các bệnh duyên hòa-hợp và không hòa-hợp thì cũng diệt-trừ được các nguyên-nhân chết sống, đầu-đủ tính Bồ-đề không sinh-diệt, bản-tâm thanh-tịnh, bản-giác thường an-trụ.

Chi 3. Phá xích nghĩa hòa-hợp.
 
A-nan, ông tuy đã ngộ tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, vốn không phải nhân-duyên, không phải tự-nhiên, nhưng còn chưa rõ tâm-tính như vậy không phải hòa-hợp mà sinh, cũng không phải không hòa-hợp.
 
A-nan, nay tôi lại lấy nơi tiền-trần hỏi ông, ông còn đem tất-cả những tính nhân-duyên hòa-hợp của tư-tưởng sai-lầm thế-gian mà tự nghi-ngờ rằng chứng tâm Bồ-đề cũng do hòa-hợp mà phát-khởi. Thì hiện nay, cái thấy của ông lại là hòa với cái sáng, hòa với cái tối, hòa với cái thông-suốt hay hòa với cái ngăn-bịt? Nếu hòa với cái sáng thì ông đang thấy sáng, cái sáng hiện đó, vậy chỗ nào xen-lộn với cái thấy? Cái thấy cái sáng có thể nhận-rõ, còn hình-trạng xen-lộn, thì như thế nào? Nếu cái sáng ra ngoài cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu cái sáng tức là cái thấy, thì làm sao lại thấy được cái thấy? Như cái thấy cùng khắp, thì còn chỗ nào hòa được với cái sáng, còn như cái sáng cùng khắp, thì lẽ ra không hòa được với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen-lộn vào, tất phải làm mất tính-cách của cái sáng. Cái thấy xen vào, làm mất tính-cách của cái sáng mà nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông-suốt và cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.
 
Lại nữa, A-nan, hiện nay cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt của ông lại là hợp với cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông-suốt hay hợp với cái ngăn-bịt? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó đã không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tôi mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng; mà đã không thấy được sáng thì làm sao họp với cái sáng và rõ-biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy".
 
Chi 4. Phá xích nghĩa không hòa-hợp.
 
Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, như chỗ tôi suy-nghĩ, cái tâm-tính ấy đối với các trần-cảnh và các tâm-niệm nhớ-nghĩ, không hòa-hợp chăng?"
Phật dạy: "Nay ông lại nói tâm-tính không hòa-hợp thì tôi lại hỏi ông : Cái tính-thấy gọi là không hòa-hợp đó, lại là không hòa với cái sáng, không hòa với cái tối, không hòa với cái thông-suốt, hay không hòa với cái ngăn-bịt? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng phải có ranh-giới. Ông nay hãy xét cho kỹ : Chỗ nào là cái sáng, chỗ nào là cái thấy. Nơi cái thấy và nơi cái sáng, thì lấy từ đâu làm ranh-giới. A-nan, nếu bên cái sáng, chắc không có cái thấy, thì hai cái không đến với nhau, cái thấy tự-nhiên không biết được cái sáng ở đâu, làm sao mà thành-lập được ranh-giới. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.
 
Lại cái thấy, gọi là không hòa-hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp với cái thông-suốt hay không hợp với cái ngăn-bịt? Nếu không hợp với cái sáng, thì cái thấy với cái sáng, tính trái-ngược nhau, như cái nghe với cái sáng, không đụng chạm gì với nhau cả; thế thì, cái thấy còn không biết cái sáng ở đâu, làm sao phát-minh được những lẽ hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.
 
VI. Mục 6: Tóm thu bốn khoa và bảy đại về Như Lai tạng để phát khởi chỗ chân ngộ

1. Đoạn 1: Tóm thu

"A-nan, ông còn chưa rõ tất-cả các tướng huyễn-hóa nơi tiền-trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn-hóa giả-dối gọi là tướng, mà cái tính chính là tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt; như vậy, cho đến 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ và 18 giới, nhân-duyên hòa-hợp giả-dối có sinh ra, nhân-duyên chia-lìa giả-dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sinh, diệt, đi, lại đều vốn là tính chân-như cùng khắp, không lay-động, nhiệm-mầu, sáng-suốt, thường-trụ của Như-lai-tạng. Trong tâm-tính chân-thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được.

2. Đoạn 2: Thu năm ấm là Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức

Chi 1. Thu sắc-ấm.

"A-nan, làm sao 5 ấm vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng. A-nan, ví như có người đem con mắt trong-sạch, xem hư-không trong sáng, chỉ thấy một hư-không trong-sáng, hẳn không thấy gì. Người kia, không lý do gì, lại bắt con mắt không lay-động; ngó chăm mãi, phát ra mỏi-mệt thì ở giữa hư-không, riêng thấy có hoa-đốm lăng-xăng và có tất-cả những tướng giả-dối lộn-xộn; nên biết sắc-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các hoa-đốm lăng-xăng ấy, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã từ hư-không mà đến, rồi phải trở vào hư-không; mà đã có ra có vào, thì không phải là hư-không nữa. Hư-không, nếu lại không phải là hư-không, thì tự-nhiên không thể dung-nạp hoa-đóm sinh-diệt trong ấy, như thân-thể ông A-nan, không dung-nạp được một ông A-nan nữa.

Nếu, hoa-đốm từ con mắt mà ra, thì đã từ con mắt mà ra, rồi phải trở vào con mắt; lại cái tính hoa-đốm ấy đã từ con mắt mà ra, thì lẽ ra phải có thấy. Nếu như có thấy thì khi đi ra, đã làm hoa-đốm giữa hư-không, đến khi xoay về, phải thấy được con mắt. Nếu không có thấy, thì khi đi ra đã làm mờ hư-không, đến khi trở về phải làm mờ con mắt. Lại như thế, khi thấy hoa-đốm, lẽ ra con mắt không mờ, làm sao, chỉ khi thấy hư-không trong suốt, thì mới gọi là con mắt trong-sáng? Vậy nên biết rằng sắc-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 2. Thu Thụ-ấm.

A-nan, ví như có người tay chân yên-ổn, trăm vóc điều-hòa, bỗng như quên mình, không có gì là trái là thuận; người ấy không lý do gì, lấy hai bàn tay xoa nhau giữa hư-không, thì nơi hai bàn tay giả-dối sinh ra những cảm xúc trơn, rít, lạnh, nóng. Nên biết thụ-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các cảm-xúc giả-dối kia, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã sinh cảm-xúc nơi bàn tay, sao lại không sinh cảm-xúc nơi thân-thể, không lẽ hư-không lại biết lựa chỗ sinh ra cảm-xúc. Nếu như từ bàn tay mà ra, thì lẽ ra không cần hai bàn tay phải hợp lại. Lại đã từ bàn tay mà ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm-xúc, đến khi bàn tay rời ra, thì cảm-xúc phải chạy vào và xương tủy cánh tay, lẽ ra phải biết đường vào của cảm-xúc; rồi lại phải có tâm hay-biết, biết ra, biết vào, và phải có một vật đi lại trong thân, sao lại phải chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là cảm-xúc.Vậy nên biết rằng thụ-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 3. Thu tưởng-ấm

A-nan, ví như có người, khi nghe nói đến quả mơ chua thì trong miệng có nước bọt chảy ra; khi nghĩ đến đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân ghê-rợn. Nên biết tưởng-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, câu chuyện mơ chua như thế, không phải do quả mơ sinh ra, không phải do cái miệng mà vào. Thật vậy, A-nan, nếu do quả mơ sinh ra, thì quả mơ tự nói lấy, sao phải đợi người ta nói; nếu do cái miệng mà vào, thì lẽ ra cái miệng tự nghe lấy, cần gì đến lỗ tai; nếu riêng mình lỗ tai nghe, thì nước bọt kia, sao không từ lỗ tai chảy ra. Câu chuyện nghĩ đến đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Vậy nên biết rằng tưởng-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 4. Thu hành-ấm.

A-nan, ví như dòng nước dốc, sóng mòi nối nhau, lớp trước lớp sau, không vượt khỏi nhau. Nên biết hành-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, dòng nước như vậy không nhân hư-không mà sinh, không nhân nước mà có, không phải tính nước, cũng không ra ngoài hư-không và nước. Thật vậy, A-nan, nếu nhân hư-không mà sinh, thì cả thập phương hư-không vô cùng tận, phải thành dòng nước vô cùng tận và tự-nhiên thế-giới đều bị chìm-đắm cả. Nếu nhân nước mà có, thì dòng nước dốc ấy bản-tính lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay, đã có thể chỉ ra hai tướng của nước và của dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc tức là tính nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa; nếu ra ngoài hư-không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư-không và, ngoài nước ra, không thể có dòng nước. Vậy nên biết rằng hành-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 5. Thu thức-ấm.

A-nan, ví như có người lấy bình tần-già, bịt cả hai lỗ, rồi vác đầy bình hư-không, đi xa nghìn dặm, đem cho nước khác. Nên biết thức-ấm cũng lại như vậy.
A-nan, cái hư-không đó, không phải đến từ phương kia, cũng không phải đưa vào phương này. Thật vậy, A-nan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư-không đem đi, ở chỗ cũ cái bình phải thiếu hư-không; nếu đưa vào phương này, thì khi mở miệng bình trút ra, phải thấy hư-không ra. Vậy nên biết rằng thức-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6442472
Số người trực tuyến: