10. Quyển Mười | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

10. Quyển Mười

Quyển Mười


Chi 4. Những ma-sự thuộc Hành-ấm

"A-nan, thiện-nam-tử kia, tu pháp Tam-ma-đề, khi Tưởng-ấm đã hết, thì những mộng-tưởng bình-thường của người đó đã tiêu-diệt, khi thức, khi ngủ, luôn luôn một thể, tính giác-minh rỗng-lặng như hư-không trong-sạch, không còn những sự-tướng tiền-trần thô-trọng; xem những núi sông đất-liền thế-gian, như gương soi-sáng, khi đến, không dính vào đâu, khi qua, không có dấu-vết, rỗng-chịu chiếu-ứng, rõ-ràng không còn tập-quán cũ, chỉ một tính tinh-chân.

Căn-nguyên của sinh-diệt từ đó phơi-lộ ra, thấy được 12 loài chúng-sinh thập phương, rõ hết các loài; tuy chưa thông-suốt manh-mối của mỗi chúng-sinh, nhưng đã thấy cơ-sở sinh-diệt chung, giống như bóng dã-mã, lớp-lớp chớp-nhoáng hiện ra, làm cái then-chốt phát-sinh các phù-căn-trần; ấy thì gọi là phạm-vi Hành-ấm.

Nếu cái cội gốc của những lăng-xăng chớp-nhoáng u-ẩn đó, vào được tính đứng-lặng bản-lai, những tập-khí sinh-diệt bản-lai dừng-lại như sóng-mòi diệt hết, hóa-thành nước đứng, thì gọi là hết Hành-ấm. Người đó, thì vượt khỏi chúng-sinh-trược; xét lại nguyên-do, cội gốc là u-ẩn vọng-tưởng.

A-nan nên biết, các thiện-nam-tử được sự nhận-biết đúng-đắn trong Xa-ma-tha đó, chính-tâm đứng-lặng sáng-suốt, mười loài Thiên-ma không còn được dịp khuấy-phá. Trong lúc nghiên-cứu tinh-vi cùng-tột cội gốc sinh-loại, khi cội gốc sinh-diệt bản-loại lộ ra, xét cái cội gốc thường chuyển-động lăng-xăng cùng-khắp u-ẩn kia, lại móng tâm so-đo chấp là tính viên-nguyên, thì người đó sa vào hai cái luận vô-nhân:

- Một, là người đó thấy cái gốc không có nhân. Vì cớ sao? Người đó đã được cơ-sở sinh-diệt toàn lộ ra, nương theo tám trăm công-đức của nhãn-căn, thấy trong tám muôn kiếp, tất-cả chúng-sinh đều theo dòng nghiệp-báo mà xoay-vần, chết nơi này, sinh nơi kia; chỉ thấy chúng-sinh luân-hồi trong đó, ngoài tám muông kiếp thì mờ-mịt không thấy gì, bèn phát ra sự nhận-định rằng, những loại chúng-sinh thập phương trong thế-gian này, trước tám muôn kiếp, không do nhân gì mà tự có. Do sự chấp-trước so-đo như thế, bỏ mất Chính-biến-tri, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề.

- Hai, là người đó thấy cái ngọn không có nhân. Vì cớ sao? Người đó đã thấy cội gốc sinh-diệt, biết người sinh người, rõ chim sinh chim, thấy chim quạ luôn luôn đen, chim hộc luôn luôn trắng, loài người, loài trời thân vẫn đứng thẳng, các loài súc-sinh thân vẫn nằm ngang, sắc trắng không phải do tẩy mà thành, sắc đen không phải do nhuộm tạp ra, suốt tám muôn kiếp không hề dời-đổi, cho đến hết đời này cũng như vậy; mà từ xưa đến nay, người đó không thấy gì là Bồ-đề, làm sao lại còn có việc thành đạo Bồ-đề, rồi nhận-định tất-cả các sự vật ngày nay, đều không có nguyên-nhân gì cả.

Do những so-đo, chấp-trước như thế, bỏ mất tính Chính-biến-tri, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ nhất, lập những luận vô-nhân.

A-nan, các thiện-nam-tử đó, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng sáng-suốt, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, lại móng tâm so-đo chấp là tính viên-thường, thì người ấy sa vào bốn cái luận biến-thường:

- Một, là người đó xét-cùng bản-tính của tâm và cảnh, cả hai đều không có nhân; tu-tập biết được trong hai muôn kiếp, thập phương chúng-sinh có những sự sinh-diệt, đều là xoay-vần, không hề tan mất, nên chấp đó là thường.

- Hai, là người đó xét-cùng cội gốc tứ-đại, thấy tứ-đại thường-trụ, tu-tập biết được trong bốn muôn kiếp, thập phương chúng-sinh tuy có sinh-diệt, nhưng đều có bản-thể thường-hằng, không hề tan-mất, nên chấp đó là thường.

- Ba, là người đó xét-cùng nguyên-do bản-lai của sáu căn, của sự chấp-thụ thức Mạt-na và của các tâm, ý, ý-thức, thấy tính vẫn thường-xuyên; tu-tập biết được trong tám muôn kiếp, tất-cả chúng-sinh xoay-vần không mất, bản-lai là thường-trụ; rồi xét-tột tính không mất đó, mà chấp là thường.

- Bốn, là người đó nghĩ rằng đã hết Tưởng-ấm, lẽ ra không còn lưu-chuyển, đứng-lặng xoay-vần; tư-tưởng sinh-diệt đã diệt hết rồi, thì trong lý tự-nhiên thành không-sinh-diệt; người đó, nhân tâm-niệm so-đo như thế, mà chấp là thường.

Do những sự chấp thường ấy, bỏ mất Chính-biến-tri, đọa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề, ấy gọi là ngoại-đạo thứ hai, lập những luận viên-thường.

Lại các thiện-nam-tử đó, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, lại móng tâm so-đo chấp-trước giữa mình và cái khác, thì người đó mắc vào bốn kiến-chấp điên-đảo, là những luận "một phần vô-thường, một phần thường":

- Một là người đó quán cái tâm diệu-minh lặng vậy cùng khắp thập phương thế-giới, cho là cái thần-ngã rốt-ráo; do đó, chấp có cái ta cùng khắp mười phương đứng-lặng sáng-suốt không lay-động, còn tất-cả chúng-sinh, thì ở trong tâm ta tự sinh, tự chết; vậy tâm-tính của ta, thì gọi là thường, còn những bọn sinh-diệt kia, thì thật là vô-thường.

- Hai, là người đó không xét cái tâm, lại xét khắp hằng-sa quốc-độ trong mười phương, thấy có chỗ bị kiếp-tai phá-hoại, thì cho là có tính rốt-ráo vô-thường, còn những chỗ không bị kiếp-tai phá-hoại, thì gọi là rốt-ráo thường.

- Ba, là người đó quán-sát riêng cái tâm mình là tinh-tế nhỏ-nhiệm giống như vi-trần, là tinh-tế nhỏ-nhiệm giống như vi-trần, lưu-chuyển trong mười phương mà tính không dời-đổi, lại có thể khiến cái thân này, sinh rồi lại diệt; rồi chấp cái tính không mất đó, là tính thường của mình, còn tất-cả sự sống chết, từ tính ấy sinh ra, thì gọi là vô-thường.

- Bốn, là người đó biết Tưởng-ấm hết rồi, thấy được dòng Hành-ấm, chấp cái lưu-chuyển thường-xuyên của Hành-ấm là tính thường, còn những Sắc-ấm, Thụ-ấm, Tưởng-ấm hiện đã diệt hết, thì gọi là vô-thường.

Do những chấp-trước so-đo "một phần vô-thường, một phần thường" như thế, mà sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ ba, lập những luận "một phần thường".

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; khi xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, lại sinh tâm so-đo chấp-trước về phận-vị, thì người đó sa vào bốn cái luận hữu-biên:

- Một, là người đó so-đo cái cội gốc sinh-diệt lưu-chuyển không ngừng, rồi chấp quá-khứ, vị-lai, là hữu-biên và chấp cái tâm tương-tục, là vô-biên.

- Hai, là người đó xét trong tám muôn kiếp thì thấy chúng-sinh, còn trước tám muôn kiếp thì bặt không nghe-thấy gì, rồi gọi chỗ không nghe-thấy, là vô-biên, còn chỗ có chúng-sinh, là hữu-biên.

- Ba, là người đó chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tính vô-biên, còn tất-cả các người kia, hiện ra trong cái biết của mình, mà mình không hề biết họ nhận được tính-biết, thì những người kia không được cái tâm vô-biên và chỉ có tính hữu-biên.

- Bốn, là người dó khi xét-cùng diệt-trừ Hành-ấm, dùng tri-kiến của mình, mà so-đo chấp tất-cả chúng-sinh trong mỗi cái thân, đều là phần nửa sinh, phần nửa diệt và chấp tất-cả sự-vật có ra trong thế-giới, đều một nửa là hữu-biên, một nửa là vô-biên.

Do những so-đo, chấp-trước hữu-biên, vô-biên như thế, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề, ấy gọi là ngoại-đạo thứ tư, lập những luận hữu-biên.

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, sinh lòng so-đo chấp-trước về tri-kiến, thì người đó mắc vào bốn thứ luận hư-vọng "điên-đảo biến-kế, càn-loạn bất-tử" :

- Một, là người đó quán-sát cội gốc biến-hóa, thấy chỗ dời-đổi, thì gọi là biến, thấy chỗ tương-tục, thì gọi là thường, thấy chỗ thấy được, thì gọi là sinh, chỗ không thấy được, thì gọi là diệt; chỗ các nhân tương-tục, không có đứt-đoạn, thì gọi là thêm; chính trong tương-tục, chỗ rời nhau ở giữa, thì gọi là giảm; chỗ mỗi mỗi cái sinh ra, thì gọi là có, chỗ tương-đối không có, thì gọi là không, dùng lý quán-sát tất-cả và dụng tâm thành những kiến-chấp riêng-biệt; có người đến cầu Pháp hỏi nghĩa, thì đáp rằng: "Ta nay cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng thêm, cũng bớt", trong tất-cả thời đều nói lộn-xộn, khiến cho người nghe không thể hiểu được.

- Hai, là người đó chín-xét cái tâm về chỗ tương-đối là không, nhân cái không mà được chứng; có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là không; ngoài chữ không ra, không nói gì cả.

- Ba, là người đó chín-xét cái tâm về chỗ mỗi mỗi đều có, nhân cái đó mà được chứng; có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là phải; trừ chữ phải ra, không nói gì cả.

- Bốn, là người đó chấp cả có, cả không; do cái cảnh rời-rạc mà tâm cũng rối-loạn; có người đến hỏi thì đáp rằng: "Cũng có, tức là cũng không, trong cái cũng không, không phải là cũng có"; tất-cả đều càn-loạn, không thể nói hết được.

Do những so-đo, chấp-trước càn-loạn, rỗng-trống như thế, mà sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ năm, lập bốn thứ luận hư-vọng, "điên-đảo biến-kế, càn-loạn bất-tử".

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, sinh-tâm so-đo chấp-trước nơi dòng sinh-diệt vô-tận, thì người ấy sa vào tư-tưởng điên-đảo, chấp sau khi chết có tướng.

Hoặc khi tự củng-cố cái thân mình, bảo Sắc là ta; hoặc khi thấy cái ta bao-trùm khắp các cõi-nước, rồi bảo rằng ta có Sắc; hoặc thấy các tiền-trần kia, theo ta mà xoay trở về, rồi bảo rằng Sắc thuộc về ta; hoặc thấy cái ta, nương theo lưu-chuyển mà tương-tục, rồi bảo rằng ta ở nơi Sắc; những người đó, đều so-đo chấp rằng sau khi chết có tướng; xoay-vần như thế có đến 16 tướng.

Từ đó, hoặc còn chấp rằng rốt-ráo phiền-nãp và rốt-ráo Bồ-đề, hai tính ấy đi song song với nhau, không đụng-chạm gì nhau.

Do những so-đo, chấp sau khi chết có tướng như vậy, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ sáu, lập những luận điên-đảo, nhận trong Ngũ-ấm, sau khi chết có tướng.

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; khi xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường lay-động u-ẩn kia, lại sinh tâm so-đo chấp-trước nơi ba ấm Sắc, Thụ, Tưởng, đã trừ-diệt rồi thì người đó sa vào những tư-tưởng điên-đảo, chấp sau khi chết không có tướng.

Người đó thấy Sắc-ấm diệt, thân-hình không nhân vào đâu; xét Tưởng-ấm diệt, tâm không ràng-buộc vào đâu; biết Thụ-ấm diệt, không còn dính-dáng vào đâu; tính các ấm đó đã tiêu-tan, dầu có sinh-lý mà không thụ, không tưởng, thì cũng đồng như cỏ cây; rồi nghĩ rằng hình-chất này, hiện-tiền còn không thể nắm được, làm sao, sau khi chết lại còn có các tướng; nhân đó, xét-nhận sau khi chết, không có tướng; xoay-vần như thế có đến tám cái luận vô-tướng.

Từ đó, hoặc chấp Niết-bàn, nhân-quả, tất-cả đều không, luống có danh-tự, nhưng rốt-ráo đều đoạn-diệt.

Do những so-đo, chấp sau khi chết không có tướng như vậy, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề, ấy gọi là ngoại-đạo thứ bảy, lập những luận điên-đảo, chấp trong Ngũ-ấm, sau khi chết không có tướng.

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; khi xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, nơi Hành-ấm còn và thụ, tưởng đã diệt, chấp cả cái có và cái không, tự-thể phá nhau, thì người đó mắc vào những luận điên-đảo, chấp sau khi chết, không phải có, không phải không.

Người đó, thấy những ấm Sắc, Thụ, Tưởng, có mà không phải có; xét Hành-ấm chuyển-biến, không mà không phải không; xoay-vần như thế cùng-tột các ấm, thành tám cái tướng "không phải có, không phải không", tùy gặp duyên gì, đều nói sau khi chết có tướng, không tướng.

Lại xét tính Hành-ấm sinh-diệt thay-đổi liên-tục, phát-tâm thông-suốt, chấp tất-cả đều không phải có, không phải không, lộn-lạo hư-thật.

Do những so-đo, chấp sau khi chết "không phải có, không phải không" như thế, mà đường sau mờ-mịt, không còn lối đi, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ tám, lập những luận điên-đảo, chấp trong Ngũ-ấm, sau khi chết, không phải có, không phải không.

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, sinh tâm so-đo, chấp sau này là không, thì người đó mắc vào bảy cái luận đoạn-diệt.

Hoặc chấp hết thân này là diệt, hoặc chấp hết Ngũ-dục là diệt, hoặc chấp hết khổ là diệt, hoặc chấp tột-vui là diệt, hoặc chấp xả hết là diệt; xoay-vần như thế cùng-tột đến bảy cách chấp hiện-tiền là tiêu-diệt, diệt rồi không trở lại nữa. Do những so-đo, chấp sau khi chết là đoạn-diệt như thế, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ chín, lập những luận điên-đảo, chấp trong Ngũ-ấm, sau khi chết là đoạn-diệt.

Lại các Thiện-nam-tử, trong Tam-ma-đề, chính-tâm đứng-lặng vững-chắc, Thiên-ma không còn dịp khuấy-phá; trong lúc xét-cùng cội gốc sinh-loại, xét cái cội gốc thường chuyển-động u-ẩn kia, sinh tâm so-đo, chấp sau này là có, thì người đó mắc vào năm luận Niết-bàn.

Hoặc nhận những định Dục-giới là chuyển-y chân-chính, do xem-thấy sáng-suốt cùng khắp, mà sinh lòng yêu-mến vậy. Hoặc nhận Sơ-thiền là chuyển-y chân-chính, vì không còn ưu-thụ vậy. Hoặc nhận Nhị-thiền, vì không khổ-thụ vậy. Hoặc nhận Tam-thiền, vì rất vui-đẹp vậy. Hoặc nhận Tứ-thiền, khổ vui đã hết, chấp không còn chịu sinh-diệt trong luân-hồi vậy. Người đó, lầm những cõi trời hữu-lậu là quả vô-vi, lầm sự an-ẩn 5 chỗ ấy là quả-báo thù-thắng thanh-tịnh của các bậc Thánh-hiền; xoay-vần như thế rốt-ráo có năm chỗ.

Do những so-đo, chấp-trước năm thứ Niết-bàn hiện có như thế, sa-lạc vào ngoại-đạo, lầm-mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại-đạo thứ mười, lập những luận điên-đảo, chấp trong Ngũ-ấm, có năm thứ Niết-bàn hiện có.

A-nan, mười thứ nhận-hiểu điên-rồ trong Thiền-na như thế, đều do Hành-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện ra những nhận-thức đó. Chúng-sinh ngu-mê, không tự lượng-xét, gặp cái đó hiện ra, lại nhận mê làm ngộ, tự bảo là chứng bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ và sẽ đọa vào ngục Vô-gián. Bọn ông, quyết phải đem lời này của Như-lai, sau khi tôi diệt-độ rồi, truyền lại trong đời mạt-pháp, khiến cho tất-cả chúng-sinh hiểu rõ nghĩa này, không để cho tâm-ma tự gây nên những tội-lỗi sâu-nặng, giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh tiêu-diệt các tà-kiến, dạy cho giác-ngộ đạo-nghĩa chân-thật, không mắc vào các đường trẽ nơi đạo vô-thượng, chớ để chúng-sinh được một ít đã cho là đủ và nêu ra lời chỉ-dạy thanh-tịnh của vị Đại-Giác.

Chi 5. Những ma-sự thuộc Thức-ấm

"A-nan, thiện-nam-tử kia, tu phép Tam-ma-đề, khi Hành-ấm hết rồi, thì cái then-chốt lay-động u-ẩn chung, sinh ra các loài thế-gian, bỗng được xóa-bỏ; giềng-mối vi-tế, quan-hệ sâu-xa gây-nghiệp chịu-báo của ngã-thể chúng-sinh, cảm-ứng đều bặt-dứt. Người đó, hầu được đại-giác-ngộ nơi bản-tính Niết-bàn, như khi gà gáy-tan, xem qua phương Đông, đã có ánh-sáng.

Sáu căn rỗng-lặng, không còn rong-ruổi nữa; trong và ngoài đều lặng-sáng, vào được tính Vô-sở-nhập, thấu-suốt nguyên-do thụ-sinh của 12 loài mười phương; xét-rõ nguyên-nhân do chấp-trước gây nên, các loài không thể hấp-dẫn được; nơi thập phương thế-giới, đã nhận được tính-đồng; tính tinh-vi ấy còn tồn-tại, phát-hiện ra một cách bí-ẩn, ấy thì gọi là phạm-vi của Thức-ấm.

Nếu trong tính-đồng đã chứng được của các loài, huân-tập tiêu-hóa sáu căn, làm cho khi hợp, khi chia được tự-tại, cái thấy, cái nghe thông nhau, tác-dụng thanh-tịnh thay-thế lẫn nhau, thì thập phương thế-giới với lại thân-tâm đều như ngọc lưu-ly, trong ngoài sáng-suốt; thế gọi là hết Thức-ấm. Người đó, mới vượt khỏi mạng-trược; xét lại nguyên-do, cội gốc là vọng-tưởng điên-đảo, huyễn-hóa rỗng-không.

A-nan nên biết Thiện-nam-tử đó, đã xét-cùng tính-không của các hành, trở về bản-tính của thức, đã diệt được sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Người đó, có thể khiến nơi thân mình, các căn khác nhau khi hợp, khi chia và thông-suốt với sự hay-biết các loài thập phương; cái hay-biết đó thông-suốt vẳng-lặng, có thể vào tính bản-viên. Nếu nơi chỗ quay về, lại lập ra cái nhân chân-thường, và quyết-định như thế là đúng, thì người đó, sa vào cái chấp "nhân-sở-nhân", trở thành bạn-bè với bọn Sa-tỳ-ca-la chấp có Minh-đế, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ nhất, lập cái tâm sở-đắc, thành cái quả sở-quy, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống ngoại-đạo.

A-nan, lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt; nếu nơi tính đã nhập được, lại ôm làm tự-thể của mình, cho rằng tất-cả chúng-sinh trong mười hai loài, cùng-tột hư-không, đều từ trong thân mình phát-sinh ra và quyết-định như thế là đúng, thì người đó, sa vào cái chấp "năng-phi-năng", thành bạn-bè với bọn Ma-hê-thủ-la, hiện ra thân vô-biên, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ hai, lập cái tâm năng-vi, thành cái quả năng-sự, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống Đại-mạn-thiên, chấp cái ta cùng khắp viên-mãn.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu trong lúc quay về, thấy có chỗ sở-quy, lại tự nghĩ thân-tâm mình từ chỗ kia sinh ra và cả thập phương hư-không cũng đều do chỗ kia sinh ra, rồi tức nơi cái chỗ sinh ra tất-cả đó, nhận là cái thể chân-thường không sinh-diệt. Như thế, là ở trong sinh-diệt sớm-chấp là thường-trụ, chẳng những lầm tính bất-sinh, mà cũng mê tính sinh-diệt; an-trụ trong mê-lầm, trầm-trọng, mà quyết-định là đúng, thì người ấy, sa vào cái chấp "Thường-phi-thường", thành bè-bạn của những kẻ chấp có Tự-tại-thiên, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ ba, lập cái tâm nhân-y, thành cái quả vọng-kế, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống đảo-viên.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi chỗ hay-biết, nhân sự hay-biết cùng khắp mà lập ra cái nhận-thức rằng cỏ cây thập phương đều gọi là hữu-tình, cùng người không khác; rằng cỏ cây làm người, người chết rồi trở lại thành cỏ cây thập phương; nơi cái hay-biết cùng khắp, không có lựa-chọn và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào cái chấp "Tri-vô-tri" thành bạn-bè của bọn Bà-tra, Tiển-ni, chấp tất-cả đều có hay-biết, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ tư, chấp cái tâm viên-tri, thành cái quả sai-lầm, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống đảo-tri.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu trong lúc, đã được tùy-thuận tính viên-dung của các căn dùng thay lẫn nhau, lại nơi tính viên-dung biến-hóa phát-sinh, cầu cái ánh-sáng của Hỏa-đại, ưa cái thanh-tịnh của Thủy-đại, yêu cái chu-lưu của Phong-đại, xét cái thành-tựu của Địa-đại, rồi sùng-phụng, mỗi mỗi cái, nhận những Tứ-đại kia là bản-nhân và lập nó làm tính thường-trụ, thì người đó, sa vào cái chấp “Sinh-vô-sinh”, thành bè-bạn của bọn Ca-diếp-ba và bọn Bà-la-môn, đem hết thân-tâm thờ lửa, thờ nước để cầu ra khỏi sống chết; mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ năm, chấp-trước phụng-thờ, mê-tâm theo vật, lập cái nhân hư-vọng, để mong-cầu cái quả giả-dối, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống điên-hóa.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi cảnh viên-minh, chấp cái rỗng-trống trong viên-minh, bác-bỏ tiêu-diệt các sự-vật biến-hóa, lấy cái tính diệt-hẳn, làm chỗ quy-y của mình và quyết-định như thế là đúng, thì người đó, sa vào cái chấp “Quy-vô-quy”, thành bạn-bè của bọn chấp-không trong Vô-tưởng-thiên, mê muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ sáu, viên-thành cái tâm hư-vô, lập ra cái quả không-vong, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống đoạn-diệt.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi tính viên-thường, củng-cố cái thân cho thường-trụ như tính ấy, mãi không suy-mất và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào cái chấp “Tham-phi-tham”, thành bè-bạn của bọn A-tư-đà, cầu được trường-sinh, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ bảy, chấp-trước cái mạng-căn, lập cái nhân củng-cố vọng-thân, đi đến cái quả kéo dài sự nhọc-nhằn, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống vọng-điên.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt, xét chỗ các mạng thông lẫn với nhau, lại muốn giữ lại trần-lao, sợ nó tiêu hết; khi ấy bèn ngồi cung hoa-sen, hóa ra rất nhiều bảy thứ trân-bảo và những gái đẹp, buông-lung tâm mình và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy sa vào cái chấp “Chân-vô-chân”, thành bè-bạn của bọn Cha-chỉ-ca-la, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ tám, lập cái nhân tà-tư, thành cái quả xí-trần, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống Thiên-ma.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nơi thức-thể viên-minh, cội gốc của sinh-mạng, phân-biệt chỗ tinh, chỗ thô, quyết-đoán chỗ chân, chỗ ngụy; nơi nhân-quả đền-đáp, chỉ cầu cảm-ứng, trái với đạo thanh-tịnh; nghĩa là, chỉ thấy Khổ-đế, đoạn Tập-đế, chứng Diệt-đế, tu Đạo-đế; ở nơi Diệt-đế đã yên rồi, lại không cầu-tiến thêm nữa và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào hàng định-tính Thanh-văn, thành bè-bạn của hàng Vô-văn-tăng, bị tăng-thượng-mạn, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ chín, viên-mản tâm tinh-ứng, thành cái quả thú-tịch; trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống triền-không.

Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu ở nơi tính Giác-minh thanh-tịnh viên-dung, phát-minh tính thâm-diệu, liền nhận là Niết-bàn mà không tiến lên và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào hàng định-tính Bích-chi, thành bè-bạn của các vị Duyên-giác, Độc-giác, không biết hồi-tâm hướng về Đại-thừa, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ mười, viên-thành giác-tâm vẳng-lặng, lập ra cái quả trạm-minh, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống giác-ngộ viên-minh, nhưng không hóa được tính-viên.

A-nan, mười thứ Thiền-na như thế, giữa đường hóa điên, nhân nương theo sự mê-lầm, trong chỗ chưa đủ, lại nhận là đã chứng đầy-đủ; đều do Thức-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên sinh những vị như thế. Chúng-sinh mê-mờ, không biết tự xét, gặp cái đó hiện-tiền, mỗi mỗi đều dùng cái tâm mê-lầm, còn ưa-thích những tập-quán cũ, mà tự dừng-nghỉ, cho đó là chỗ quay về rốt-ráo, tự bảo đã đầy-đủ đạo vô-thượng Bồ-đề, thành tội đại-vọng-ngữ. Bọn ngoại-đạo tà-ma, khi nghiệp-báo chiêu-cảm hết rồi, thì sa vào ngục Vô-gián; hàng Thanh-văn, Duyên-giác thì không tiến thêm được nữa. Bọn ông để tâm giữ đạo Như-Lai, sau khi tôi diệt-độ rồi, đem pháp-môn này truyền-bày trong đời mạt-pháp, khiến cho tất-cả chúng-sinh đều rõ-biết nghĩa này, không để cho những ma tà-kiến tự gây ra nạn lớn cho mình, giữ-gìn thương-cứu, tiêu-dứt các tà-duyên, khiến cho thân-tâm vào được tri-kiến của Phật, từ lúc ban-đầu đến khi thành-tựu, không mắc các đường trẽ.

Pháp-môn như thế, các đức Như-Lai như số vi-trần, trong hằng-sa kiếp quá-khứ, đều vận-dụng nó mà khai-ngộ đạo Vô-thượng. Khi Thức-ấm hết rồi, thì hiện-tiền các căn của ông đều được dùng thay lẫn nhau. Từ chỗ các căn dùng thay lẫn nhau, ông sẽ lên bậc Kim-cương càn-tuệ Bồ-tát; cái tâm tinh-diệu viên-minh phát-hóa trong ấy, như mặt trăng báu ở trong ngọc lưu-ly trong-sạch. Rồi, cứ thế vượt lên các vị Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hành, Thập-hồi-hướng, Tứ Gia-hạnh-tâm và Thập-địa Kim-cương Bồ-tát; tính Đẳng-giác được viên-minh vào bể Diệu-trang-nghiêm của Như-Lai, viên-mãn đạo Bồ-đề, về chỗ Vô-sở-đắc.

Chi 6. Kết-luận về tu-tâm trừ tà, tuân theo lời Phật dạy

“Đó là những ma-sự vi-tế, mà các đức Phật Thế-tôn, đời quá-khứ trước, đã giác-ngộ, nghiệm-xét và phân-tích trong lúc tu-chỉ và tu-quán. Nếu khi cảnh ma hiện-tiền, ông nhận-biết được, thì rửa-trừ được cấu-nhiễm, không mắc các tà-kiến; ấm-ma đều tiêu-diệt, thiên-ma bị đánh tan, đại-lực quỷ-thần hoảng-hốt chạy trốn, lỵ-mỵ vọng-lượng không sinh ra được, thì đi thẳng đến Bồ- đề, không có các điều thiếu-sót. Những căn hạ-liệt cũng được tăng-tiến, đối với Đại-Niết-bàn, tâm không mê-lầm. Nếu các chúng-sinh ngu-độn trong đời mạt-pháp, chưa hiểu Thiền-na, không biết Phật-pháp, mà ưa tu Tam-muội, ông e họ mắc vào tà-kiến, thì nên một tâm khuyên-bảo họ thụ-trì chú Phật-đỉnh-đà-la-ni của tôi; nếu chưa tụng được, thì viết nơi thiền-đường, hoặc đeo trong thân; như thế, tất-cả các ma không thể động đến được. Ông nên kính vâng-lời dạy-bảo cuối-cùng về đường tu-tiến rốt-ráo của thập phương Như-lai”.

IX. Mục 9: Chỉ rõ thứ lớp tiêu diệt các ấm và giới hạn phạm vi các ấm

1. Đoạn 1: Thỉnh hỏi cầu khai thị  

Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật dạy-bảo, đỉnh-lễ kính vâng, ghi-nhớ không sót, ở trong đại-chúng lại bạch Phật rằng : “Như lời Phật dạy, trong tướng Ngũ-ấm, có năm thứ hư-vọng làm cái tưởng cội gốc, chúng tôi bình-thường chưa được nhờ đức Như-Lai khai-thị tỷ-mỷ như thế. Lại Năm-ấm ấy, là tiêu-trừ một lần hay theo thứ lớp mà hết? Năm lớp như thế, đến đâu làm giới-hạn? Xin nguyện đức Như-Lai phát lòng đại-từ, làm cho tâm và con mắt đại-chúng này được trong sáng, để làm đạo-nhãn tương-lai cho tất-cả chúng-sinh trong đời mạt-pháp”.

2. Đoạn 2: Đức Như Lai đáp thẳng

Phật bảo ông A-nan: “Tính tinh-chân là diệu-minh, tính bản-giác là viên-tịnh, không còn để lại những sự sống chết và các trần-cấu; cho đến cả cái hư-không, cũng đều nhân vọng-tưởng mà sinh-khởi ra. Tất-cả cái ấy, gốc nơi bản-giác diệu-minh chân-tính, vọng phát-sinh ra các khí-thế-gian, như anh Diễn-nhã-đa mê cái đầu, mà nhận cái bóng. Vọng vốn không có nhân; ở trong vọng-tưởng lập ra tính nhân-duyên, khi mê tính nhân-duyên, thì gọi là tự-nhiên. Cả tính hư-không kia, còn thật là huyễn-hóa sinh ra và nhân-duyên, tự-nhiên đều là những sự so-đo của vọng-tâm chúng-sinh. A-nan, biết do vọng sinh-khởi ra, mà nói nhân-duyên vọng; nếu cái vọng vốn không, thì nhân-duyên vọng đó, vốn không có gì, huống nữa, không biết mà cho là tự-nhiên; vậy nên Như-Lai phát-minh cho các ông rằng bản-nhân của Ngũ-ấm, đồng là vọng-tưởng.

Thân-thể của ông trước kia, nhân cái tưởng của cha mẹ mà sinh, tâm của ông, nếu không phải là tưởng, thì không thể đến gá cái mạng vào trong tưởng. Như trước tôi đã nói: Tâm tưởng vị chua, trong miệng nước-bọt sinh ra; tâm tưởng lên cao, trong lòng bàn chân nghe ghê-rợn; dốc cao không có, vật chua chưa đến, cái thân-thể của ông nếu không phải cùng loài hư-vọng, thì làm sao nhân nghe nói chua, trong miệng nước bọt lại chảy ra; vậy ông nên biết, sắc-thân hiện-tiền của ông, gọi là vọng-tưởng kiên-cố thứ nhất.

Tức nơi tâm tưởng-tượng việc lên cao, vừa nói trước kia, nó có thể khiến thân ông thật chịu ghê-rợn; nhân các thụ sinh ra, có thể xúc-động đến sắc-thân. Vậy hiện nay, hai thứ thụ thuận-ích và vi-tổn đang rong-ruổi nơi ông, thì gọi là vọng-tưởng hư-minh thứ hai.

Do những ý-nghĩ sai-khiến sắc-thân của ông; nếu sắc-thân không phải cùng loài, thì làm sao thân ông lại theo ý-nghĩ sai-khiến, nhận các thứ hình-tượng, sinh tâm chấp-nhận các hình, phù-hợp với ý-nghĩ; lúc thức là tưởng-tâm, lúc ngủ làm chiêm-bao. Vậy những vọng-tính lay-động tưởng-nghĩ của ông gọi là vọng-tưởng dung-thông thứ ba.

Sự chuyển-hoá không dừng, xoay-vần thầm-thầm dời-đổi; móng tay dài, tóc sinh ra, khí-lực tiêu, da mặt nhăn, ngày đêm thay-đổi, mà không hề hay-biết. A-nan, nếu cái đó không phải là ông, thì làm sao thân ông, lại dời-đổi; nhưng, nếu nó thật là ông, thì sao ông lại không hay-biết. Vậy, các hành niệm-niệm không dừng của ông, gọi là vọng-tưởng u-ẩn thứ tư.

Lại chỗ tinh-minh đứng-lặng, không lay-động của ông, gọi là thường-còn, thì nơi thân ông, không ra ngoài những sự thấy, nghe, hay, biết. Nếu nó thật là tính tinh-chân, thì không thể huân-tập được điều vọng; vì thế nhân gì bọn ông, trong mấy năm trước, đã từng xem một vật lạ; trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến; về sau bỗng-nhiên thấy vật lạ đó, thì nhớ lại rõ-ràng, không có thiếu-sót; vậy trong tính tinh-minh đứng-lặng, không lay-động ấy, từng niệm từng niệm chịu huân-tập, không thể tính-toán hết được; A-nan, nên biết cái đứng-lặng đó, không phải thật, như nước chảy gấp, trông như đứng-lặng, vì chảy gấp mà không thấy, chứ không phải không chảy. Nếu cội gốc cái đó, không phải vọng-tưởng, thì đâu lại chịu để hư-vọng huân-tập. Nếu sáu căn của ông chưa được tự-tại chia-hợp, dùng thay lẫn nhau, thì cái vọng-tưởng đó không lúc nào diệt được. Vậy nên hiện nay, cái tập-khí quán-xuyến tập-trung những điều thấy, nghe, hay, biết của ông, là cái vọng-tưởng điên-đảo vi-tế, huyễn-hóa, rỗng-trống thứ năm, trong tính trạm-liễu của ông.

A-nan, năm cái ấm đó, do năm vọng-tưởng tạo-thành. Nay ông muốn biết giới-hạn sâu-cạn, thì chỉ sắc và không là biên-giới của Sắc-ấm, chỉ xúc và ly là biên-giới của Thụ-ấm; chỉ nhớ và quên là biên-giới của Tưởng-ấm; chỉ diệt và sinh là biên-giới của Hành-ấm; đứng-lặng vào hợp với đứng-lặng là biên-giới của Thức-ấm.

Năm ấm ấy vốn trùng-điệp sinh-khởi; sinh, nhân Thức-ấm mà có, diệt, từ Sắc-ấm mà trừ; lý, thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự, không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết.

Tôi đã chỉ cho ông về cái nút khăn Kiếp-ba-la, có chỗ nào không rõ mà ông phải hỏi lại. Tâm ông cần phải thông-suốt về cội gốc vọng-tưởng đó, rồi đem truyền-bày cho những người tu-hành trong đời mạt-pháp sau này, khiến cho họ biết hư-vọng, tự sinh nhàm-chán và biết có Niết-bàn, không luyến-tiếc ba cõi.

***

PHẦN THỨ BA

PHẦN LƯU THÔNG

CHƯƠNG I

LƯU THÔNG CỦA KINH NÀY


I. Mục 1: Được phúc hơn cả

“A-nan, ví-như có người đem các thứ thất-bảo đầy-nhẩy hư-không cùng khắp mười phương, dâng lên chư Phật như số vi-trần, vâng-thờ cúng-dường, tâm không lúc nào xao-lãng; ý ông nghĩ thế nào, người đó, do nhân-duyên cúng-dường Phật như thế, được phúc có nhiều chăng?”

Ông A-nan đáp rằng : “Hư-không không hết, trân-bảo không cùng; ngày xưa, có chúng-sinh cúng Phật bảy đồng tiền, đến khi xả thân, còn được vị Chuyển-Luân-Vương; huống nữa, hiện-tiền hư-không đã cùng hết, cõi Phật đã đầy khắp và đều cúng đồ trân-bảo, thì dầu suy-nghĩ cùng-tột các kiếp, cũng không thể thấu được; phúc ấy làm sao còn có bờ-bến”.

II. Mục 2: Tiêu tội hơn cả

Phật bảo ông A-Nan: "Chư Phật Như-Lai, lời nói không hư-vọng. Ví-như có người gây đủ các tội tứ-trọng, thập ba-la-di, giây-lát phải trải qua địa-ngục A-tỳ phương này phương khác, cho đến cùng-tột các địa-ngục Vô-gián thập phương, không nơi nào, không phải trải qua; nếu người đó, dùng một niệm đem pháp-môn này, khai-thị cho người chưa học trong đời mạt-pháp thì tội-chướng người đó liền được tiêu-diệt, biến cái nhân phải chịu khổ địa-ngục, thành cái nhân sinh về An-lạc-quốc, được phúc vượt hơn người thí-cúng trước kia, trăm lần, ngàn lần, ngàn vạn ức lần, như thế, cho đến toán-số thí-dụ không thể nói hết được.

III. Mục 3: Trừ ma hơn cả

"A-Nan, nếu có chúng-sinh, biết tụng-kinh này, biết trì-chú này, như tôi nói rộng ra, thì cùng-tột các kiếp cũng không hết; nếu nương theo lời-dạy của tôi, y như lời-dạy mà tu-hành, thì thẳng đến đạo Bồ-đề, không còn có các ma-sự".

***

CHƯƠNG II

LƯU THÔNG CHUNG

Phật nói kinh này rồi, các vị tỷ-khưu, tỷ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất-cả loài trời, loài, nguời, loài a-tu-la thế-gian, các vị Bồ-tát, Nhị-thừa, Thánh-tiên, Đồng-tử cõi khác và các Đại-lực quỷ-thần mới phát-tâm, đều rất vui-mừng, làm-lễ mà lui.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6475018
Số người trực tuyến: