1. Tầm quan trọng của Tam thừa Phật giáo theo dòng lịch sử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Tầm quan trọng của Tam thừa Phật giáo theo dòng lịch sử

Thực hành Tam thừa Phật giáo là rất cần thiết và truyền thống Phật giáo tại nhiều quốc gia vẫn nỗ lực bảo tồn triết lý thực hành này cho đến ngày nay. Các cấp độ thực hành theo thứ lớp chính là ba phương cách khác nhau mà Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ trong Đạo đế, con đường đi đến giác ngộ. Cấp độ thực hành của hành giả tùy thuộc vào nhu cầu tâm linh, khuynh hướng cũng như năng lực thực hành của mỗi người.


Bản sao tiếng Phạn Bát nhã Tâm Kinh tại Thư viện Quốc gia Pháp

Trong khi Cơ đốc giáo dựa trên những thuyết giảng về cuộc đời của Chúa Giê-su diễn ra trong vài năm, giáo Pháp của Đức Phật gói trọn 50 năm thuyết pháp của Ngài trong hơn 40 tạng kinh điển. Điều khiến chúng ta ngạc nhiên là tuy Đức Phật đản sinh tại Ấn Độ và đi khắp miền Bắc đất nước để thuyết pháp, giáo pháp của Ngài cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn hóa Ấn Độ, nhưng đạo Phật gần như biến mất khỏi Ấn Độ vào thế kỷ 14. Đạo Phật không chỉ được hoằng truyền sang các quốc gia lân cận, mà tất cả những bản kinh ghi lại lời dạy của Đức Phật kể từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên hầu như bị hủy hoại tại Ấn Độ. Kinh Phật nguyên gốc bằng tiếng Phạn và dịch sang các ngôn ngữ khác chủ yếu tồn tại bên ngoài Ấn Độ.

Nguyên thủy Phật giáo


Đạo Phật du nhập vào Sri Lanka

Sự du nhập giáo pháp của Đức Phật sang các quốc gia lân cận diễn ra khoảng 200 năm sau khi Ngài thị hiện Niết bàn. Anh trai của vị hoàng đế Phật tử nổi tiếng A Dục đã đem Phật pháp sang Sri Lanka. Tại đây, các bộ kinh được viết lại bằng tiếng Pali trong thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Những giáo pháp này trở thành nền tảng giáo lý của đạo Phật mà ngày nay chúng ta gọi đó là Nguyên thủy Phật giáo và được hoằng truyền chính yếu xuống các quốc gia phương Nam như Thái Lan, Miến Điện, Cam-pu-chia và Việt Nam. Bởi những giáo pháp này được truyền vào Sri Lanka sớm nhất nên người ta coi đây là những lời dạy đầu tiên của Đức Phật.

Đại thừa Phật giáo

Vào thế kỷ thứ ba sau công nguyên, một trào lưu mới xuất hiện, theo đó nhiều Phật tử chuyển từ thực hành Giới luật, tức là trì giữ nghiêm mật các giới của chư tăng ni và thực hành Tứ diệu đế, sang thực hành lời dạy của Đức Phật về lòng Từ bi và hạnh giúp đỡ người khác. Trào lưu này không tạo ra một đạo Phật mới hoàn toàn như nhiều học giả nhận định bởi Giới luật vẫn luôn được đề cao và thậm chí đến tận ngày nay, các bậc thầy giáo thọ Phật giáo vẫn thường xuất phát từ Tứ diệu đế và coi đó là nền tảng cho các bài pháp thoại của mình. Thay vào đó, xu hướng mới này thúc đẩy việc thành lập các tự viện và luật lệ điều hành trong các tự viện đó trong những thế kỷ phát triển đầu tiên của đạo Phật. Bây giờ chính là thời điểm mở rộng việc hoằng truyền các giáo lý quan trọng khác mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Đây chính là căn nguyên dẫn đến việc phát triển nở rộ của truyền thống Phật giáo Đại thừa hay «Cỗ xe» thứ hai của đạo Phật.


Bồ tát Long Thọ

Sau một vài thế kỷ phát triển giáo lý Đại thừa, một hệ thống giáo lý đặc biệt gọi là Trung đạo xuất hiện. Ngài Long Thọ là người đặt nền móng phát triển hệ thống giáo lý này ở phía Bắc Ấn Độ và sử dụng tiếng Phạn để truyền pháp.  Để đơn giản hóa các giáo lý, cho đến thời kỳ đó, các học giả đạo Phật đã phát triển Vi Diệu Pháp nhằm phân loại một cách vi tế những diễn tiến, vận hành của ý niệm trong đạo Phật. Ví dụ, tâm được chia nhỏ thành 100 loại và mỗi loại lại được chia tiếp thành thiện, bất thiện, vô ký. Ngoài ra, các hành giả thực hành Vi Diệu Pháp chủ yếu dựa vào giáo lý Đức Phật, theo đó thế giới bên ngoài, hay trong kinh gọi là vạn pháp, tuy chắc thật, song những ý niệm và suy nghĩ trong tâm thì vô thường và không thật. Trường phái Trung đạo lại nhấn mạnh khía cạnh giáo lý của Đức Phật mà truyền thống Nguyên thủy Phật giáo không chú trọng đến, đó là không chỉ tâm mà tất cả mọi hiện tượng bên ngoài không tồn tại chắc thật và đều là tính không.

Tóm lại, truyền thống Đại thừa coi trọng lòng từ bi và nỗ lực giúp đỡ mọi người, mọi loài, cũng như tầm quan trọng phải hiểu về tính không để có thể chứng đạt giác ngộ. Trên con đường thực hành Đại thừa, dù làm bất cứ việc gì, bạn cũng cần phải xuất phát từ việc tích lũy công đức và trí tuệ, đồng thời trì giữ nghiêm giới luật. Cả hai khía cạnh này đều thuộc về thực hành ở cấp độ Nguyên thủy Phật giáo.

Kim Cương thừa Phật giáo

Sự phát triển của các giáo lý Đại thừa dẫn đến việc thành lập các trường Đại học và tu viện Phật giáo lớn như Đại học Nalanda thu nạp hơn 10.000 thầy giáo thọ và đệ tử. Tại đây,  nhãn quan triết lý của các hành giả thuộc các truyền thống khác nhau của Hindu giáo, Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa Phật giáo cùng theo học và tranh biện với nhau. Ngoài các trung tâm tu học chính thống, còn có một hình thức những người thực hành Phật pháp mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là «hành giả». Những hành giả này không đắp y và tranh biện với nhau về các luận điểm triết học trong đạo Phật mà sống trong các ngôi làng, lập gia đình rồi có con cái. Tuy nhiên, họ thực hành các thứ lớp thâm sâu trong đạo Phật (gọi là tantra).


Đại thành tựu giả Naropa

Ví dụ, Đại thành tựu giả Naropa, một học giả lừng danh đã tham gia nhiều cuộc tranh biện với những người ngoại đạo trong suốt những năm tháng Ngài lưu tại Đại học Nalanda. Đến một ngày, sau khi hạnh ngộ một vị Dakini, Ngài rời trường Đại học và tìm cầu bậc Thượng sư thiền định của mình, Đại thành tựu giả Tilopa. Ngài đã dành hết phần đời còn lại của mình miên mật tu tập các thứ lớp Mật thừa trong những nơi núi rừng hẻo lánh của Ấn Độ cho tới khi thành tựu giác ngộ siêu việt.

Giáo pháp cốt tủy của Nguyên thủy Phật giáo là giới luật kết hợp cùng giáo lý Đại thừa về lòng từ bi và tính không được hoằng truyền rộng khắp sang các quốc gia ở «phương Bắc» như Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tất cả những giáo pháp này và các thứ lớp thực hành Mật thừa được truyền bá vào vùng đất Himalaya qua nhiều con đường khác nhau từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12. Sau thế kỷ 12, trước sự tấn công của Hồi giáo ở Ấn Độ, tất cả trường học và tự viện Phật giáo đều bị phá hủy, hầu hết các bản kinh chép tay đều bị xóa sạch ở Ấn Độ.

Là hành giả thực hành Phật pháp, bạn cần hiểu rõ và thực chứng các cấp độ thực hành Phật pháp nếu bạn mong cầu đạt được giải thoát giác ngộ. Cấp độ thực hành theo Nguyên thủy Phật giáo lý giải Tứ diệu đế và phương pháp căn bản trong thực hành thiền định. Chúng ta không nên xem nhẹ giáo lý Nguyên thủy Phật giáo, coi đó là con đường thứ yếu, thấp cấp. Ngược lại, những giáo lý đó có ý nghĩa hơn cả những nấc thang đầu tiên, bởi bạn không thể leo lên cao nếu không khởi đầu từ những nấc thang đó. Con đường Bồ tát là nơi những hành giả Phật giáo phát nguyện trợ giúp tất cả các chúng sinh đạt giác ngộ trước khi chính bản thân mình chứng đạt giác ngộ. Ở cấp độ cao nhất, phương pháp thực hành của Kim cương thừa  đặc biệt chú trọng đến sự tịnh hóa. Hành giả liên tục duy trì quán tưởng các hình ảnh Phật và biểu tượng giác ngộ (ví dụ như Phật Bản Tôn, cảnh giới giác ngộ Mandala) để đạt được Phật tính và cảnh giới thanh tịnh, đồng thời hành giả dựa vào nguồn năng lượng  thân tâm vi tế sẵn có  nhằm thực chứng trí tuệ hỷ lạc bất khả phân với tính không.

(Nhóm ĐBT biên dịch)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6340989
Số người trực tuyến: