2. Ngũ đạo – 5 chặng đường dẫn đến bờ giác | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Ngũ đạo – 5 chặng đường dẫn đến bờ giác

Chúng ta có thể phân chia con đường thực hành Phật pháp thành năm giai đoạn chính. Bằng cách vượt qua năm chặng đường này, cuối cùng chúng ta sẽ đến đích đoạn trừ khổ đau. Con đường thành tựu giác ngộ được chia chẻ theo các giai đoạn như vậy gọi là Ngũ đạo. Tên của năm chặng đường này là Tư lương đạo, Gia hạnh đạo, Kiến đạo, Tu tập đạo và Vô học đạo. Có thể nói, đi qua bốn chặng đường đầu tiên đến chặng đường thứ năm có nghĩa là bạn đã đến được bến bờ giác ngộ.

1. Tư lương đạo

Con đường đầu tiên được gọi là «Tư lương đạo» bởi mỗi người chúng ta ai cũng cần tích lũy rất nhiều thứ. Đây là giai đoạn chúng ta nỗ lực tích lũy thiện nghiệp làm động lực tiến bước trên con đường đạo. Chúng ta nỗ lực tinh tấn trưởng dưỡng các phẩm hạnh tốt đẹp và trí tuệ để có thể thâm nhập sâu hơn về bản chất chân thật của vạn pháp. Chúng ta cam kết, phát nguyện thực tích lũy thiện nghiệp trong cuộc sống, đồng thời, loại trừ yếu tố không cần thiết dẫn đến khổ đau. Chúng ta cũng áp dụng các phương tiện thực hành để tịnh hóa chướng ngại đang kìm hãm sự tiến bộ trên con đường đạo. Giai đoạn này được gọi là «Tích lũy tư lương» bởi chúng ta thực hành để mang lại cho cuộc sống điều mới mẻ, tốt đẹp.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta bị trói buộc bởi những cung bậc hỷ nộ ái ố của thế gian phàm tình. Mặc dù không muốn, chúng ta vẫn đang ở trong vòng quay luân hồi do tác động của các xúc tình phiền não. Chúng ta hình thành tập khí sâu dầy bám chấp mạnh mẽ vào sự tồn tại của bản ngã. Bởi vậy, chúng ta cần đoạn diệt tất cả các xúc tình phiền não để tìm lối thoát ra khỏi luân hồi khổ đau. Lẽ đương nhiên, ai cũng mong muốn tìm thấy hạnh phúc và bình an, ai cũng hiểu đó là điều có thể xảy ra. Nhưng ngay cả với ý chí thế gian mạnh mẽ nhất, chúng ta cũng không thể thành tựu tất cả chỉ trong một đêm. Cũng giống như khi nỗ lực nhuộm một tấm vải lớn bị loang màu, chúng ta cần rất nhiều công sức để mang lại cho nó một gam màu mới.

Đầu tiên, để thành tựu các phẩm hạnh giác ngộ, chúng ta cần thực hành để tạo ra các nhân duyên điều kiện phù hợp làm hiển lộ và đánh thức phẩm chất tốt đẹp. Để có được trí tuệ hiểu biết sâu sắc theo các cấp độ thiền định khác nhau và hiển lộ trí tuệ bản lai chân thật, chúng ta cần trưởng dưỡng đức tin và sự tự tin về chân giá trị cũng như diệu dụng của trí tuệ đó. Khi nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, chúng ta sẽ thay đổi tập khí, thói quen để tinh tấn nỗ lực thực hành, hiển lộ trí tuệ vốn sẵn đủ nơi mỗi người. Bởi vậy, có rất nhiều yếu tố và điều kiện mà chúng ta cần phải kiến tạo trong cuộc sống để mang lại hạnh phúc cho chính mình.

Để đoạn diệt tất cả yếu tố bất thiện trói buộc chúng ta trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử, chúng ta cần phải nhổ tận gốc rễ căn nguyên của niềm tin về một cái tôi chắc thật, tận diệt các xúc tình phiền não khiến chúng ta mê mờ và cản trở con đường thực hành, đồng thời tạo lập những điều kiện thiện duyên khác nhau nhằm chuyển hóa và tịnh hóa thân tâm. Chúng ta bàn về việc tích lũy tư lương bởi chúng ta cần phải hội đủ các điều kiện khác nhau để quá trình chuyển hóa thành tựu viên mãn. Chúng ta sẽ không thể tiến bộ cho đến khi hội đủ nhân duyên và điều kiện thích hợp, hoàn chỉnh và toàn hảo bên trong mỗi người. Vì lý do đó, giai đoạn tích lũy giúp hoàn thiện tất cả các điều kiện cần thiết bằng cách thu lượm nhân duyên và điều kiện sẵn có.

2. Gia hạnh đạo và Kiến đạo

Cuối cùng, nhờ hội đủ của các điều kiện thuận duyên, chúng ta sẽ đạt đến giai đoạn thứ ba, tức là «Kiến đạo». Trong giai đoạn này, trí tuệ về bản chất chân thật của vạn pháp sẽ được khai mở, siêu việt mọi che chướng, mê mờ. Giai đoạn cầu nối giữa Tư lương đạo và Kiến đạo là con đường thứ hai, «Gia hạnh đạo».

Chính sự chứng ngộ bên trong, hay cách chúng ta vẫn nhìn nhận vạn vật, bắt đầu kết nối với chân lý về bản chất chân thật của vạn pháp. Bởi chúng ta đang thực hành để hội đủ các điều kiện thuận duyên dẫn chúng ta trở về với trí tuệ chân thật bên trong mỗi người. Khi đạt được trí tuệ hiểu biết về bản chất của vạn pháp, và trí tuệ này được trưởng dưỡng siêu việt mọi cấp độ vô minh, mê mờ và những quan kiến sai lầm, chúng ta trực nhận ra rằng không có sự tồn tại của bản ngã. Một khi không còn niềm tin vào bản ngã, sẽ không còn gốc rễ của những xúc tình phiền não như bám chấp, kiêu mạn, vô minh lầm tưởng có một cái tôi chắc thật đang thường tồn. Một khi không còn các xúc tình phiền não, chúng ta sẽ không tạo bất thiện nghiệp và do đó, không phải chịu khổ đau.

3. Tu tập đạo và Vô học đạo

Như vậy, khi có trí tuệ, mọi khổ đau lập tức được diệt trừ, nhưng theo một cách hiểu khác, điều này không đúng. Bởi ảo tưởng về một cái tôi thường tồn là tập khí đã được hình thành từ quá lâu khiến chúng ta rất khó từ bỏ. Ví dụ, cho dù nhận ra rằng cái tôi bất biến chỉ là vọng tưởng do tâm tạo tác, khi bị búa đập vào ngón tay, chúng ta vẫn có cảm giác bị đau. Mọi cảm giác đều tồn tại như thật: «Tôi đang đau». Đó là bởi luôn có một cái tôi kiên cố gắn chặt từng làn da, thớ thịt của chúng ta. Việc loại bỏ điều kiện liên quan đến «bản ngã», đã tồn tại từ rất lâu chỉ có thể thực hiện thông qua quá trình dài trưởng dưỡng nhận thức về chân lý vô ngã. Đây chính là giai đoạn thứ 4 – «Tu tập đạo».

Giai đoạn thứ tư, «Tu tập đạo», trong tiếng Tạng gọi là gom-lam. «Gom» thường được dịch là «thiền định», tuy nhiên, nghĩa thực của từ này là «làm quen với một điều gì đó». Đó là lý do vì sao ở đây, thuật ngữ này được dịch là «Tu tập đạo», trong khi một số tài liệu khác lại dịch là «Thiền định đạo». Giai đoạn này giúp trưởng dưỡng trí tuệ quán chiếu bản chất của vạn pháp để hành giả quen dần với cách tư duy đó. Khi chúng ta trở nên ngày càng quen thuộc với chân lý về vạn pháp, chúng ta có thể xóa bỏ dấu vết đã hằn sâu của xúc tình phiền não và khơi dậy các điều kiện tiềm thức vẫn đang hoạt dụng. Thực hành được như vậy, dần dần chúng ta sẽ đến được bến bờ giác ngộ. Thông qua trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được đích đến của Ngũ đạo, đó là «Vô học đạo». Trên con đường Tu tập đạo, chúng ta sẽ tận diệt những nhân vi tế nhất của khổ đau. Khi giai đoạn này thành tựu, chúng ta sẽ đạt đến cấp độ cao nhất, là con đường tột cùng không còn con đường nào để đi nữa, bởi vậy mới được gọi là «Con đường không còn phải tu học nữa».

4. Thực hành Ngũ đạo đồng thời hay từng bước?

Bạn có thể đặt câu hỏi phải chăng các giai đoạn trong Ngũ đạo trùng lặp với nhau? Nhìn chung đối với hầu hết mọi người, các giai đoạn trong Ngũ đạo nối tiếp và tách biệt với nhau. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên, bạn mới có thể tiến bước tiếp sang giai đoạn thứ hai, thứ ba, v.v… Một số kinh điển như tạng Vi Diệu Pháp cũng dạy rằng có một vài người có thể trải qua các giai đoạn của Ngũ đạo đồng thời. Nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ đối với những hành giả có căn cơ cao. Còn lại đối với đa số các hành giả sơ cơ, chúng ta cần bước đi lần lượt qua từng giai đoạn. Ví dụ, trong Tư lương đạo, bạn cần phải thực hành các thiện hạnh có liên quan đến giai đoạn Gia hạnh đạo, từ đó trưởng dưỡng hiểu biết sâu sắc về chân lý của vạn pháp. Mục đích chính của việc chia chẻ thành hai giai đoạn như vậy là để liệt kê đánh dấu những nhân tố mà mỗi hành giả cần phải hội đủ để có thể thành tựu viên mãn Tư lương đạo, đồng thời phân biệt các nhân tố đó với giai đoạn trưởng dưỡng hiểu biết sâu sắc về chân lý cũng như mức độ hoàn thiện của giai đoạn Gia hạnh đạo. Trên thực tế, những giai đoạn này không hoàn toàn tách rời nhau. Bởi vậy, bạn không thể nói rằng chúng không trùng lắp, và rằng không có gì đang diễn ra đồng thời.

Như vậy, chúng ta cần thực sự thực hành Diệt đế để chuyển hóa từ bên trong chính mình. Bạn không thể thành tựu Diệt đế nếu chỉ cầu mong và cầu nguyện. Bạn không thể chỉ cầu nguyện lên Tam bảo và xin cho mình đoạn diệt khổ đau nương vào lòng từ bi của chư Phật. Quy luật nghiệp, nhân quả luôn chi phối khiến điều đó không thể thành hiện thực. Để đạt được mục tiêu Diệt đế, chúng ta cần hình thành con đường đi đúng đắn và con đường đó phải được xây đắp trọn vẹn bên trong mỗi người.

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341523
Số người trực tuyến: