Tỳ kheo có tập khí tham ngủ hàng vạn năm chứng đắc giác ngộ
Trong Pháp Cú Thí Dụ Kinh ghi, Đức Phật ở trong Kỳ Viên Tinh Hội thường khuyên dạy đệ tử phải chăm chỉ, hết lòng, không ngừng nỗ lực, tuyệt nhiên không chút lơ là, lười biếng. Phần lớn đệ tử của Ngài đều tuân theo lời căn dặn của Ngài. Rất nhiều vị đệ tử vì thế mà đắc đạo, chứng quả A La Hán, tiêu trừ đau khổ, phiền não, tạp niệm.
Tuy nhiên cũng có một vài vị đệ tử không toàn toàn tuân theo lời dạy của Đức Phật. Có một Tỳ kheo rất tín ngưỡng Phật pháp, tuân thủ giới luật, nhưng không chịu khắc khổ chăm chỉ tu tập, hàng ngày chỉ tụng kinh cho qua. Sư huynh đệ của ông khuyên giải nhiều lần nhưng ông vẫn không thay đổi.
Tật lớn nhất của vị Tỳ kheo này là mê ngủ. Mỗi ngày sau khi ăn cơm no là ông đóng chặt cửa phòng, một mình ở trong phòng ngủ vùi ngủ dập, hưởng thụ cảm giác thoải mái do giấc ngủ mang lại, đem tất cả kinh văn phải đọc và việc tu hành gạt sang một bên.
Một ngày nọ, như thường lệ, sau khi thọ trai, vị Tỳ kheo này lại quay về tăng phòng của mình để nhập mộng. Lúc này còn là chính ngọ, mặt trời lên trên đỉnh đầu mà vị Tỳ kheo ngủ không chịu dậy, tiếng gáy như sấm dồn trong phòng mãi đến tận ngày hôm sau.
Buổi sáng hôm sau là giờ giảng kinh của Đức Phật, tất cả các đệ tử đều đến, duy chỉ thiếu vị Tỳ kheo tham ngủ. Đức Phật bèn hỏi: “Vị đệ tử mê ngủ ấy tại sao không đến?”.
Một đệ tử vội vàng đứng dậy trả lời: “Bạch Thế Tôn! Hắn ngủ từ trưa hôm qua, đến bây giờ vẫn chưa chịu dậy. Chúng con gọi mãi vẫn không dậy”.
Đức Phật quán sát thấy kể từ hôm nay thì tuổi thọ của vị Tỳ kheo chỉ còn 7 ngày, nếu như để vị đó cứ ngủ say như vậy thì việc tu hành sẽ không được trọn vẹn. Ngài liền cùng Tôn giả A Nan vội vã đến tinh xá.
Sau khi đẩy cửa phòng, Đức Phật và Ngài A Nan thấy vị Tỳ kheo ấy nằm gọn trên giường ngủ thật ngon lành. Ngài A Nan gọi vài tiếng nhưng vị Tỳ kheo không có phản ứng gì, vẫn cứ ngủ. Cuối cùng, Đức Phật đi đến trước giường, dùng ngón tay khẩy nhẹ lên người vị Tỳ kheo và nói lời kệ rằng:
"Ôi sao ngủ lu bù!
Như ong, ốc, trai, mọt
Ẩn náu nơi bất tịnh
Mê lầm cho tốt thay
Đã bị trọng thương nặng
Lòng nhói như bệnh đau
Gặp phải lắm ách nạn
Sao còn lo ham ngủ?
Tư duy chẳng buông lung
Học theo dấu Năng Nhân
Từ đó không ưu sầu
Chính niệm vọng tự trừ
Chính kiến học Đạo tăng
Trí tuệ soi thế gian
Phúc sinh trăm nghìn đời
Vĩnh không đọa đường ác"
Khi nghe kệ xong, vị Tỳ kheo kinh sợ và liền thức tỉnh. Trông thấy Đức Phật đứng trước mặt nhìn mình với ánh mắt từ ái, Ngài bèn vội vàng đỉnh lễ Phật: “Cúi xin Đức Thế Tôn tha tội vô lễ của đệ tử”.
Lúc đó, Đức Phật mới dạy rằng: “Tuổi thọ của ông chỉ còn 7 ngày, ta không nhẫn tâm thấy ông chết đi trong giấc ngủ mà không đắc thành chính quả, cho nên đặc ý đến gọi ông tỉnh dậy”.
Vị Tỳ kheo ấy giật mình kinh sợ vì tưởng rằng sức khỏe của mình đang rất tráng kiện. Lúc này, Đức Phật mới an ủi rằng: "Vào thời Đức Phật Thắng Quán ở thuở quá khứ, ông đã từng xuất gia, nhưng chỉ tham lam lợi dưỡng và không tụng Kinh trì giới. Khi ăn xong thì đi ngủ và không quán tưởng vô thường. Lúc mạng chung, thần hồn của ông sinh trong loài ong nghệ đến 50.000 năm. Tiếp đến lại sinh làm ong, ốc, con trai, và mọt ở trong cây. Mỗi loài là 50.000 năm. Bốn loại sâu bọ này sinh trưởng ở trong tối, ái luyến thân mạng, ưa nơi u ám, lấy tối làm nhà và chẳng thích ánh sáng ngay từ khi mới sinh ra. Về cách sống thì càng giống nhau hơn, cả bốn con vật mỗi lần ngủ đến 100 năm mới thức dậy, thân tâm siết trói ở trong lưới tội, và chẳng mong ra khỏi”.
Đức Phật ngưng lại một hồi rồi nói tiếp: “Sau khi trải qua hai mươi vạn năm, tiền thân của ông và tội nghiệp của người xuất gia không lo tu hành chỉ lo ngủ ấy mới được gột rửa sạch. Cho nên, kiếp này ông mới có thể đầu thai làm người và xuất gia làm Tỳ kheo. Nhưng ông lại giống như tiền thân của ông hai mươi vạn năm trước tham ăn tham ngủ, cớ sao ông lại cứ ngủ không đủ vậy? Ông phải nhớ cho kỹ hai mươi vạn năm trước, quả báo tiền thân của ông”.
Khi nghe về việc đời trước của mình, vị Tỳ kheo sinh tâm sợ hãi và xấu hổ tự sám hối. Bấy giờ, năm sự ngăn che được tiêu trừ và Ngài liền đắc Đạo Ứng Chân.
- 2547
Viết bình luận