Phật pháp khó gặp, không phúc duyên khó tin nhận | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phật pháp khó gặp, không phúc duyên khó tin nhận

Thuở xưa lúc Tôn giả Xá Lợi Phất cùng Ngài Tu Đạt  chuẩn bị xây dựng Tịnh Xá ở vườn Kỳ Đà, khi nhìn xuống đất đột nhiên Tôn giả hiện tướng đau thương sầu thảm trên mặt.

Ngài Tu Đạt liền hỏi: 

- Tôn giả vì sao sắc mặt không vui?

Tôn giả đáp rằng: 

- Nay ông thấy bầy kiến trong lòng đất này không?

Ngài Tu Đạt bảo: 

- Dạ thấy.

Tôn giả bảo: 

- Ông ở thời đức Phật Tỳ- bà-thi trong quá khứ, cũng ở tại nơi này xây dựng tinh xá cho Đức Thế Tôn ấy, mà đàn kiến này đang sống ở đây. Từ bảy đức Phật đến nay ông đều xây dựng tinh xá cho Phật, nhưng đàn kiến này cũng vẫn sống nơi đây. Cho đến bây giờ suốt chín mươi mốt kiếp nhận chịu một loại thân không được giải thoát. Sinh tử lâu dài chỉ có phước là quan trọng, không thể không gieo trồng.” Ta thấy chúng sinh chín mươi mốt đại kiếp vẫn không thoát khỏi được thân Kiến, nên bất giác sinh niệm cảm thương vậy! 

Trong Niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm bảo: “Ngay thời đức Phật còn tại thế, người biết đến Phật còn hiếm nữa là thời mạt pháp hiện nay. Luận Trí Độ nói: “Ở thành Xá Vệ gồm chín ức dân mà chỉ có ba ức người được gặp thấy Phật, ba ức người tuy nghe danh tin tưởng nhưng không thấy gặp, và ba ức người hoàn toàn không được nghe biết cũng không được thấy.

Đức Phật ở tại xứ này giáo hóa trước sau hai mươi lăm năm, mà còn có ba ức người không thấy gặp nghe biết, thì những kẻ sinh nhằm đời Phật nhưng ở cách xa, hoặc sinh trước hay sau khi Phật ra đời, tất cơ duyên gặp Phật hoặc nghe Phật pháp là điều không phải dễ. Nhưng tuy không gặp Phật mà y theo Phật pháp tu hành, thì cũng như gặp Phật. Nếu không theo lời Phật dạy, dù ở gần Phật, vẫn là cách xa.


Đề Bà Đạt Đa đọa địa ngục

Như khi xưa Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật, Tỳ Khưu Thiện Tinh làm thị giả cho Phật hai mươi năm, vì không giữ đúng theo đường đạo, nên kết cuộc đều bị đọa địa ngục. Và bà lão ở phía đông thành Xá Vệ, sinh đồng năm tháng ngày giờ với Phật, nhưng vì vô duyên nên không muốn thấy gặp Phật. Cho nên được thấy Phật nghe pháp, y theo lời dạy phụng hành, phải là người có nhiều căn lành phúc đức nhân duyên.”

Chúng sinh hết kiếp này sang kiếp khác sống chết luân hồi, xuống lên trong sáu cõi. Đó là: cõi trời, cõi người, cõi A Tu La, cõi bàng sinh, cõi ngạ quỷ, và cõi địa ngục. Bát khổ tuy các loài khác cũng có ít nhiều, nhưng nó là trọng tâm của nỗi khổ ở cõi người. Cõi trời tuy vui vẻ hơn nhân gian, nhưng cũng còn tướng ngũ suy và những điều bất như ý. Cõi A Tu La bị sự khổ về gây gổ tranh đua. Cõi bàng sinh như loài trâu, bò, lừa, ngựa bị sự khổ chở kéo nặng nề. Loài dê, lợn, vịt, gà, thì bị sự khổ về banh da xẻ thịt.

Các loài khác chịu sự khổ về ngu tối; nhơ nhớp ăn nuốt lẫn nhau. Cõi ngạ quỷ chúng sinh thân thể hôi hám xấu xa, bụng lớn như cái trống, cuống họng nhỏ như cây kim, miệng phực ra lửa chịu đói khát trong ngàn muôn kiếp. Còn cõi địa ngục thì vạt dầu, cột lửa, hầm băng giá, non gươm đao, sự thống khổ không thể tả xiết.

Bốn cõi sau trong kinh gọi là Tứ Ác Thú. Từ cõi A Tu La, theo chiều xuống, nỗi khổ ở mỗi cõi cứ tuần tự gấp bội hơn lên. Trong sáu cõi, chúng sinh sống chết xoay vần hết nơi này đến nơi kia, như bánh xe chuyển lăn không đầu mối. Nói chung sinh lên cõi trời, cõi người thì khó và ít, đọa xuống Tứ Ác Thú rất dễ và nhiều.

Khi còn tại thế, một hôm Đức Phật dùng móng tay vít lên chút đất, rồi hỏi Ngài A Nan: “Đất ở móng tay ta sánh với đất ở miền đại địa, cái nào nhiều hơn?”. Ngài A Nan đáp: “Bạch Thế Tôn! Đất của miền đại địa nhiều hơn đất của móng tay vô lượng phần không thể thí dụ!”. Phật bảo: “Cũng thế, A Nan! Chúng sinh sinh lên cõi trời người, như đất ở móng tay, đọa xuống ác thú, như đất của miền đại địa!”.

Kinh Tứ-phẩm-học nói: “Kẻ phàm phu đôi khi không bằng được súc sinh. Súc sinh đôi khi còn hơn hẳn người. Tại sao? Vì có người làm ác không ngừng, khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục. Hết tội mới làm ngạ quỷ. Ngạ quỷ hết tội, chuyển làm súc sinh. Súc sinh hết tội mới trở lại làm người. Vì phải ở trong đường súc sinh đến khi hết tội mới được trở lại làm người; cho nên cần làm việc thiện, phụng thờ Tam bảo, xa lìa mãi mãi ba đường ác, hưởng thụ phước báo ở cõi trời người và sau này được vĩnh viễn giải thoát”.

Lại nữa, kinh Đề-vị nói: “Ví như có một người đứng trên núi Tu-di thả xuống sợi tơ rất nhỏ, có một người đứng dưới chân núi, cầm kim chực sẵn, trong khi cơn gió toàn-lam nổi lên, thổi mạnh dữ dội, sợi tơ sẽ rất khó chui vào lỗ kim. Thân này kiếm được, còn khó hơn nữa”.

Mặc dù vô cùng khó khăn hy hữu nhưng hiện những đệ tử Phật chúng ta đang có được cả hai; được sinh làm người, được gặp Phật pháp tu học và nhiều thiện duyên khác nữa. Chừng này thôi là đã hạnh phúc, hỷ lạc ngập tràn. Nên chúng ta phải trân quý hai cơ hội này để tu học, tích phúc nhằm thiết lập an lạc cho đời này và đời sau.

(Nguồn: Kinh nghiệm học Phật)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6314047
Số người trực tuyến: