2 khía cạnh cần trưởng dưỡng để đạt được tâm giác ngộ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2 khía cạnh cần trưởng dưỡng để đạt được tâm giác ngộ

Sự trưởng dưỡng tâm giác ngộ có hai khía cạnh: hiểu biết rằng tất cả chúng sinh đều mong muốn được an lạc, hạnh phúc, mong muốn thoát khỏi khổ đau, và trong bản tính của tất cả chúng sinh đều có tiềm năng giác ngộ, đó là Phật tính.

Giáo lý của Đức Phật về nhân và duyên có hai cấp độ: ý nghĩa trước mắt và ý nghĩa tuyệt đối. Giáo lý này cũng có hai loại phẩm chất: những phẩm chất được trưởng dưỡng trong một hành giả tu tập và những phẩm chất được hướng đến những người khác. Những phẩm chất hướng đến những người khác phụ thuộc vào tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đó là những gì có lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Các phẩm chất được trưởng dưỡng trong một hành giả tu tập góp phần làm chứng ngộ tính không. Nói tóm lại, hành giả tu tập cần lưu tâm đến các phẩm chất trí tuệ và lòng bi mẫn.  

Hết thảy chúng sinh đều tương tự như chúng ta, trên phương diện mong muốn được an lạc, hạnh phúc và mong muốn thoát khỏi khổ đau. Hơn thế nữa, tất cả các chúng sinh hữu tình, dù cho họ là ai đi nữa, đều có tiềm năng giác ngộ, hạt giống giác ngộ, đó là Phật tính. Với tiềm năng giác ngộ này, tất cả các chúng sinh đều nên tư duy, thiền định về tính không và vô thường, nhờ vào sự quán tưởng này mà họ chứng ngộ được tính không và vô thường. Mặc dù vậy, chúng ta cần hiểu rằng sự chứng ngộ này không chỉ dựa vào các duyên bên ngoài, mà còn phải dựa vào trí tuệ xuất phát từ bên trong. Năng lực của trí tuệ dựa trên tiềm năng giác ngộ. Điều quan trọng là phải trưởng dưỡng sự quán tưởng này và đi đến trí tuệ nhận ra tất cả các chúng sinh đều mong muốn có được an lạc, hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau, đồng thời tất cả các chúng sinh đều có tiềm năng giác ngộ, đó là Phật tính.

Bằng việc trưởng dưỡng sự hiểu biết về hai điểm nói trên, ta sẽ thấy rằng sự hiểu biết đó đó đi liền với sự hiểu biết về quy luật nhân quả gần như đồng thời và là động lực cho nhau. Điều này nhắc tới những gì chúng ta niệm trong lời trì tụng cuối của việc Quy y:

Đệ tử xin phát nguyện

Quy y Phật, Pháp, Tăng

Đến khi thành chính giác

Công đức lợi quần sinh

Trước ba ngôi Tam bảo, Phật đạo nguyện tu thành.

Việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn là điều cần thiết để thực hành tâm giác ngộ

Việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn là điều cần thiết để thực hành tâm giác ngộ. Song đâu là những phương pháp thực sự để trưởng dưỡng tâm giác ngộ? Những phương pháp bao gồm việc thực hành tu tập Sáu Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, và trí tuệ Bát nhã. Chúng ta có thể thực hành tu tập Sáu Ba la mật từ hai quan điểm khác nhau: tín tâm và trí tuệ siêu việt.

Theo quan điểm tín tâm, tình yêu thương xuất hiện trước, sau đó đến lòng bi mẫn. Tuy nhiên, theo quan điểm trí tuệ siêu việt, lòng bi mẫn xuất hiện trước và sau đó là tình yêu thương. Liên quan đến bản thân việc thực hành, theo quan điểm tín tâm, tình yêu thương trước tiên được trưởng dưỡng và sau đó là sự trưởng dưỡng về lòng bi mẫn. Nếu chúng ta bắt đầu bằng việc tu tập, trưởng dưỡng lòng bi mẫn, sẽ có một sự nguy hiểm nhất định bởi vì chúng ta có nguy cơ hình thành cho bản thân một quan điểm cho rằng chúng ta siêu việt hơn những người khác. Trong khi trước hết trưởng dưỡng tình yêu thương, một ý thức về bình đẳng được hình thành giữa bản thân hành giả tu tập và những người khác, vì biết rằng tất cả chúng ta đều mong muốn có được sự an lạc, hạnh phúc và sự giải thoát khỏi khổ đau. Theo cách này, hành giả tu tập sẽ không có suy nghĩ rằng mình ở vị thế cao hơn người khác và khởi tâm ngã mạn. Bởi mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau.

Tuy nhiên, lòng bi mẫn có vai trò rất quan trọng. Song để lòng bi mẫn được sử dụng hợp lý và không bị lạm dụng, điều quan trọng là hành giả tu tập trước tiên cần phải có tình yêu thương. Trong thực tế, khi chúng ta bàn đến vấn đề trưởng dưỡng tâm giác ngộ, một trong những điểm quan trọng là việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Một khi tình yêu thương và lòng bi mẫn đã được tạo lập, và tâm giác ngộ đã được trưởng dưỡng, chúng ta cần thực hành tu tập Sáu Ba la mật.

Đoạn đầu của tác phẩm “Ba mươi bảy pháp thực hành Bồ Tát đạo viết:

Khi đã có được thân người quý giá khó được này,

Hãy cố gắng đêm ngày lắng nghe, quán niệm và thiền định

Để vượt qua bể khổ luân hồi cùng tất cả các chúng sinh

Hãy thực hành Bồ tát hạnh.

Có hai lý do đối với đặc điểm đầu tiên của việc được làm người. Hai lý do đó tương ứng với hai từ đầu tiên bằng tiếng Tây Tạng trong tác phẩm này, delwajorwa, và thể hiện các khái niệm tự do và thành tựu. Thuật ngữ đầu tiên delwa, thường được dịch là “tự do” hoặc “cơ hội”, và thuật ngữ thứ hai, jorwa, thường được dịch là “thành tựu”, có nghĩa là có nhiều hoàn cảnh thuận lợi. Hai khía cạnh này – cơ hội và các hoàn cảnh thuận lợi – có lợi cho bản thân hành giả tu tập và những chúng sinh khác.

(Khai thị của Đức Kyabje Drukpa Choegon Rinpoche Ngawang Tenzin Chokyi Gyatso

Trích ấn phẩm «Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa»)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411511
Số người trực tuyến: