Phổ Hiền Bồ tát và lời nguyện dẫn đạo chúng sinh về cõi Cực Lạc
Phần đông Phật tử Việt Nam đều biết đến Đức Phổ Hiền qua các tranh tượng Tam Tôn thường được gọi là Thích Ca Tam Thánh hay Hoa Nghiêm Tam Thánh, trong đó Đức Thế Tôn ở giữa, bên phải Ngài là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng cầm hoa sen, bên trái Ngài là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử cầm gươm báu.
Giữa pháp hội Hoa Nghiêm, trước vi trần số đại Bồ Tát cùng chúng đại Thanh Văn và vô lượng nhân, thiên, bát bộ, dưới sự chủ tọa chứng minh của Đức Phật Thích Ca. Phổ Hiền Bồ Tát khi ca tụng công đức của Phật xong, ngài nói với đại chúng và Thiện Tài đồng tử rằng: “Này các Ngài! Nếu người nào muốn thành tựu công đức của Phật, phải tu mười môn hạnh nguyện rộng lớn: một là “lễ kính chư Phật”, hai là “xưng tán Như Lai”, ba là “quảng tu cúng dường”, bốn là “sám hối nghiệp chướng”, năm là “tùy hỷ công đức”, sáu là “thỉnh chuyển pháp luân”, bảy là “thỉnh Phật trụ thế”, tám là “thường tùy Phật học”, chín là “hằng thuận chúng sinh”, mười là “phổ giai hồi hướng”.
Nếu các vị Bồ Tát tùy thuận vào nơi mười đại nguyện này, thời có thể thành thục tất cả chúng sinh, thời có thể tùy thuận Vô thượng Chính giác và có thể thành tựu hoàn mãn các hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát.
Hoặc lại có người thâm tín mười đại nguyện này, rồi thọ trì đọc tụng, nhẫn đến biên chép cùng giảng nói cho mọi người, người này sẽ được vãng sinh Cực Lạc. Đến giờ lâm chung căn thân đều hư hoại; thân thuộc, danh vị, quyền thế, tiền tài v.v... tất cả đều bỏ lìa, duy có đại nguyện này không rời người. Trong một sát na, nó dẫn đạo cho người sinh về Cực Lạc thế giới, liền được thấy Đức A Di Đà Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát v.v... Người ấy tự thấy mình sinh trong hoa sen báu, được Đức Phật thọ ký. Được thọ ký rồi, từ đó đến vô số trăm nghìn muôn ức na-do-tha kiếp, người dùng trí huệ tùy thuận tâm tính của chúng sinh trong vô lượng vô số thế giới của mười phương mà làm cho được lợi ích. Không bao lâu người ấy sẽ ngồi đạo tràng Bồ-đề, hàng phục quân ma thành bậc Vô thượng Chính giác, chuyển đại pháp luân, nhẫn đến làm lợi ích cho tất cả chúng sinh cùng tận thuở vị lai...
Kế đó ngài xướng kệ rằng:
Nguyện tôi đến lúc mạng chung
Trừ hết tất cả những chướng ngại
Diện kiến Đức Phật A Di Đà
Liền được vãng sinh nước Cực Lạc
Tôi đã vãng sinh Cực Lạc rồi
Hiện tiền thành tựu đại nguyện này
Viên mãn tất cả không còn thừa
Lợi lạc hết thảy chúng sinh giới
Chúng hội của Phật đều thanh tịnh
Tôi liền thác sinh trong hoa sen
Nhìn thấy Như Lai Vô Lượng Quang
Hiện tiền thọ ký tôi thành Phật
Được đức Như Lai thọ ký rồi
Hóa vô số trăm câu chi thân
Trí lực rộng lớn khắp mười phương
Lợi khắp tất cả chúng sinh giới.
Và sau cùng, Phổ Hiền Bồ Tát kết thời thuyết pháp ấy bằng bài kệ hồi hướng công đức, nguyện cho mọi loài đồng về Cực Lạc:
Thắng hạnh Phổ Hiền của tôi đây
Thắng phước vô biên đều hồi hướng
Nguyện cho những chúng sinh trôi chìm
Mau sinh cõi Vô Lượng Quang Phật.
Bồ Tát vừa dứt lời Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni liền khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Các ông nghe hạnh nguyện vương mà chớ sinh lòng ngờ, phải nên chân thật nhận lấy, nhận rồi nên đọc, đọc rồi nên tụng, tụng rồi nên trì, cho đến biên chép, nói rộng cho người. Những người ấy trong một niệm, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, đạt được vô lượng vô biên công đức, có thể ở trong biển khổ phiền não lớn cứu vớt chúng sinh, khiến họ xuất ly, đều vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà”.
(Trích Hoa Nghiêm Kinh - Hạnh Nguyện phẩm)
LỜI PHỤ
Pháp hội Hoa Nghiêm là một pháp hội lớn nhất và viên mãn nhất trong một đời ứng thế của Đức Bản Sư. Phổ Hiền chính là vị đại Bồ Tát thượng thủ của pháp hội này. Chúng hội là những bậc Đại thừa viên giáo, trụ bất tư nghì giải thoát cảnh giới.
Đức Phổ Hiền đã phát đại nguyện và dẫn đạo toàn thể chúng hội đồng nguyện cùng về Cực Lạc thế giới để mau viên mãn phúc huệ, chóng chứng quả Vô thượng Bồ đề, và chỉ có cứu cánh Phật quả mới độ sinh được viên mãn rốt ráo.
Chính vì Cực Lạc thế giới là một đại học đường bảo đảm mau thành Phật, nên chư vị đại Bồ Tát mới đồng nguyện cùng về như vậy. Chúng ta là những chúng sinh phàm tình sao lại không mau mau thành tâm phát nguyện vãng sinh về cõi Cực Lạc theo gương của các Ngài?
(Nguồn: Trích ấn phẩm “Đường về Cực Lạc”
HT. Thích Trí Tịnh
NXB Tôn giáo, 2010)
- 3031
Viết bình luận