Quên mất tâm Bồ Đề mà tu niệm Phật, đó chỉ là nghiệp ma | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quên mất tâm Bồ Đề mà tu niệm Phật, đó chỉ là nghiệp ma

Đem công đức niệm Phật để cầu phước lợi nhỏ nhen ở thế gian, tất không hợp với bản hoài của chư Phật, cho nên hành giả phải vì sự thoát ly khỏi vòng sống chết luân hồi mà niệm Phật. Nhưng nếu vì giải thoát riêng cho mình mà tu niệm, cũng chỉ hợp với bản hoài của Phật một ít phần mà thôi. Vậy bản hoài của Phật, cứu cánh là như thế nào? Bản hoài đích thật của đức Thế Tôn là muốn cho tất cả chúng sinh đều thoát vòng sinh tử, đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên người niệm Phật cần phải phát Bồ Đề tâm.

Bồ Đề nghĩa là Giác. Trong ấy có ba bậc: Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, và Phật Bồ Đề. Đây là chỉ cho quả giác ngộ của hàng Thanh Văn, quả giác ngộ của hàng Duyên Giác và quả giác ngộ của Phật. Người niệm Phật phát Bồ Đề tâm, chính là phát tâm cầu quả giác ngộ của Phật; quả vị ấy cùng tột không chi hơn, siêu cả hàng Thanh Văn Duyên Giác, nên gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Tâm này gồm hai chủng tử chính, là từ bi và trí huệ, hay phát xuất công năng độ thoát mình và tất cả chúng sinh.

Bồ Đề tâm chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm

Vô thượng Bồ đề tâm tức là chỉ cho Phật Bồ Đề, chứ không phải Thanh Văn hoặc Duyên Giác Bồ Đề tâm.

Kinh nói: "Bồ Đề tâm làm nhân, đại bi làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh". Ví như người đi xa, trước tiên phải nhận định mục tiêu sẽ đến, phải ý thức chủ đích cuộc hành trình bởi lý do nào, và sau cùng dùng phương tiện hoặc xe, thuyền, hay phi cơ mà khởi tiến. Người tu cũng thế, trước tiên phải lấy quả Vô Thượng Bồ Đề làm mục tiêu cứu cánh; lấy lòng đại bi lợi mình lợi sinh làm chủ đích thực hành; và kế đó là tùy sở thích căn cơ lựa chọn các pháp môn hoặc Thiền, hoặc Tịnh, hoặc Mật làm phương tiện tu tập. Phương tiện với nghĩa rộng hơn, còn là trí huệ quyền biến tùy cơ nghi, áp dụng tất cả hạnh thuận nghịch trong khi hành đạo Bồ Tát. Cho nên Bồ Đề tâm là mục tiêu cần phải nhận định của hành giả, trước khi khởi công hạnh huân tu.

Đức Thế Tôn thuở xưa khi thuyết về Tứ Đế, đáng lẽ trước tiên phải nói Tập Đế là nguyên do, nhưng Ngài lại sắp Khổ Đế lên hàng đầu, là muốn trình bày quả khổ cho chúng sinh dễ nhận thấy để sinh lòng lưu ý kinh sợ, rồi sau mới tìm xét đến nguyên ủy cội nguồn. Cũng thế, nơi đây bút giả tuân theo ý kiến tiên đức, trước tiên nêu môn Niệm Phật cầu giải thoát làm vấn đề cấp thiết, rồi sau mới luận đến Bồ Đề tâm.

Kinh Hoa Nghiêm bảo: "Nếu quên mất tâm Bồ Đề mà tu các pháp lành, đó là nghiệp ma". Lời này xét ra rất đúng. Ví như người cất bước khởi hành mà chẳng biết mình sẽ đến đâu, và đi với mục đích gì, thì cuộc hành trình chẳng thành quanh quẩn, mỏi mệt, cùng vô ích lắm ư? Người tu cũng thế, nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật để lợi mình lợi sinh, thì bao nhiêu hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng phước nhân thiên, chung cuộc vẫn bị chìm mê quanh quẩn trong nẻo luân hồi, chịu vô biên nỗi khổ. Như vậy chẳng là nghiệp ma còn là gì? Thế thì phát lòng Vô Thượng Bồ Đề để lợi ích mình và chúng sinh, phải ghi nhận là điểm phát tâm rất cần yếu.

Làm Thế Nào Để Thành Mãn Bồ Đề Tâm?

Đã phát Bồ Đề tâm, suy tư kỹ đối với căn cảnh thời nay, phải dùng phương tiện nào cho tâm ấy được thành tựu viên mãn? Muốn cho sự tự lợi lợi tha của nguyện Bồ Đề được toàn vẹn, không chi hơn cầu sinh Tịnh Độ. Đây là sự kiện thiết yếu mà hành giả cần lưu ý.

Một vị cao đức thời xưa, sau khi phát đại nguyện tu hành, đã thốt ra câu:

Thế gian, xuất thế suy cùng khắp.

Chẳng niệm Di Đà lại niệm ai?

(Thế gian, xuất thế tư duy biến.

Bất niệm A Di cánh niệm thùy?)

Quả thật, khi xem qua lời này, rồi suy lường so sánh từ pháp môn đến căn cơ và hoàn cảnh thời nay, tu Tịnh Độ là đường an ổn vẹn toàn nhất.

Có người hỏi: “Đã phát tâm độ sinh, thì nên trụ ở thế giới Ta Bà, vì nơi đấy có nhiều chúng sinh khổ cần phải tế độ, tại sao lại cầu sinh về Tây Phương?”.

Xin thử hỏi lại: Độ sinh cần có điều kiện chi để thực hiện? Phải chăng là cần có: phước đức, trí tuệ, biện tài, thần thông, tướng hảo? (Mà trong những phương diện ấy, chúng ta đã có một phần nào chưa?). Chỉ riêng về điểm phá phiền hoặc để phát sinh trí huệ cho khỏi bị trần cảnh làm mê, còn là điều không phải dễ! Cổ đức đã bảo: "Đoạn kiến hoặc khó như ngăn dòng nước bốn mươi dặm!". Như thế, nói chi đến đoạn tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh?

Kiến hoặc, nói đơn giản, là những phiền não thấy chấp về phần thô; tư hoặc là phiền não về phần tế. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã huân tập vào tâm thức những ô nhiễm tham sân si, và không biết bao nhiêu là sự thấy hiểu sai biệt, liệu trong một thời gian ngắn của đời này, ta có thể tiêu diệt hết nó được chăng? Người tu hiện nay, phần nhiều phước mỏng huệ cạn, chỉ một câu A Di Đà Phật, niệm còn không dễ thuần thục, đề cập chi đến sự tự tại độ sinh là việc xa vời? Cho nên điều cần thiết trước mắt, là chúng ta nên cầu sinh Tây Phương, trước tế độ mình cho khỏi bị đọa luân hồi, nương thắng duyên ở cảnh giới ấy mà tinh tấn tu hành. Chờ đến khi được chứng quả, đủ trí huệ, biện tài, thần thông, tướng hảo, chừng ấy sẽ trở lại Ta Bà độ sinh, mới có phần tự tại. Tuy nhiên, đối với bổn phận và bi tâm của người tu, không phải bác bỏ hẳn sự độ sinh trong hiện đời. Nhưng sự lợi người nơi hiện tại của chúng ta, thật ra chỉ ở trong cảnh tùy sức tùy duyên, như người rớt xuống dòng mê, vừa tự lội vào bờ, vừa kêu gọi khuyên kẻ khác lội theo mà thôi.

Muốn bảo đảm tâm đại Bồ Đề không bị thối thất và để thành mãn nguyện này, chẳng những hàng phàm phu như chúng ta, vì gấp giải quyết vấn đề sinh tử luân hồi trước mắt, cần phải cầu vãng sinh. Mà đến hàng siêu địa Bồ Tát, nếu muốn vào cảnh giới thâm mật của Như Lai cùng hoàn mãn đại nguyện ấy, cũng không thể xa lìa Tịnh Độ.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6423854
Số người trực tuyến: