Tấm gương về tinh thần cầu đạo không mệt mỏi của chàng Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tấm gương về tinh thần cầu đạo không mệt mỏi của chàng Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm

Kinh Hoa Nghiêm là một bản kinh lớn, giữ vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng văn học Phật giáo Đại thừa. Không những thế, Kinh Hoa Nghiêm còn chứa đựng đầy đủ các tư tưởng triết học Phật giáo, kể cả triết học thời kỳ Nguyên thủy và Bộ phái. Từ những giáo lý căn bản như Tứ đế, Duyên khởi đến tư tưởng triết học Vô ngã, Tính không, từ các phương pháp tu tập dẫn tới sự chứng đắc tứ quả cho đến con đường thực hành Bồ tát đạo, Hoa Nghiêm đều trình bày rõ ràng, đầy đủ. Điểm đặc biệt của Kinh Hoa Nghiêm là sự diễn tả về Hoa tạng thế giới. Nói cách khác, Hoa Nghiêm trình bày về vũ trụ luận Phật giáo chi tiết và tường tận. Vũ trụ trong Kinh Hoa Nghiêm được khắc họa như một đóa sen ngàn cánh xinh đẹp. Trên mỗi cánh sen là một quốc độ thanh tịnh và trong mỗi quốc độ thanh tịnh ấy đều có một vị Phật đang chuyển pháp luân.

Trong Hoa tạng thế giới ấy, nổi bật hơn cả là thế giới Ta bà – nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giáo hóa và thế giới Cực lạc – nơi Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ. Đây là hai thế giới được diễn tả tương đối chi tiết trong tổng thể các thế giới hải nhắc đến trong Kinh Hoa Nghiêm. Nhìn chung, dù là thế giới Ta bà, thế giới Cực lạc hay thế giới nào đi nữa cũng đều hình thành do hai yếu tố chính đó là nguyện lực của chư Phật và nghiệp lực của chúng sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm, có rất nhiều phẩm kinh trình bày về tư tưởng Tịnh độ và pháp môn niệm Phật. Thế nhưng phẩm kinh đề cập nhiều và nổi tiếng nhất mà bất kì hành giả Đại thừa nào cũng từng nghe qua là phẩm Nhập pháp giới với hình ảnh chàng Phật tử Thiện Tài có tinh thần cầu đạo, học đạo không mỏi mệt nơi 53 vị thiện tri thức.

Đã từ lâu, hình ảnh chàng Phật tử này đã trở thành hình tượng mẫu mực cho hầu hết giới nam tử, nữ nhân Phật tử noi theo, nhất là Phật giáo Bắc truyền. Chàng thanh niên này đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ người con Phật. Chính lý tưởng cao đẹp và tinh thần nhiệt thành cầu đạo ấy đã trở thành ngọn lửa thiêng liêng bất diệt soi sáng cho con đường học đạo của chúng ta. Tinh thần cầu đạo không mệt mỏi của Thiện Tài đã chạm đến trái tim của các bậc Thánh. Vì vậy, đi tới đâu, Thiện Tài cũng luôn được các bậc thiện tri thức hết lòng hướng dẫn và khen ngợi. Có thể thấy, mục tiêu – lý tưởng của Thiện Tài là thành tựu trí tuệ giác ngộ, chứng đắc Vô thượng Bồ đề và kiến tạo nên một Phật quốc lý tưởng. Để đạt được mục tiêu trên, Thiện Tài bắt buộc phải trải qua quá trình học và tu vô cùng nghiêm túc. Trong đó, chí nguyện cầu sinh Tịnh độ cũng là một phần không thể thiếu để đạt đến trí tuệ viên mãn. Lý tưởng cầu sinh Tịnh độ của đồng tử Thiện Tài thể hiện rất rõ trong phẩm Nhập pháp giới, khi Thiện Tài đến tham học các bậc thiện tri thức. Đặc biệt là khi Thiện Tài đến tham học Tỳ kheo Đức Vân và được chỉ rõ về pháp môn niệm Phật. Đây là pháp môn căn bản để sinh về Tịnh độ nói chung và Tịnh độ Tây phương của Phật A Di Đà nói riêng. Thế nhưng, để sinh về Tịnh độ phải có phương pháp. Con đường ấy đòi hỏi đi qua bốn giai đoạn: Gieo trồng thiện căn, phát khởi Bồ đề tâm, thân cận thiện tri thức và thực hành pháp niệm Phật.

1. GIEO TRỒNG THIỆN CĂN

Theo Phật Quang Đại Từ Điển giải thích “Thiện căn cũng gọi là Thiện bản, Đức bản. Tức cội rễ sinh ra các pháp lành”. Ba đời chư Phật, vô lượng Thánh hiền đều từ đây mà xuất sinh, đều từ đây mà thành tựu. Chúng sinh trong cõi Ta bà, phần nhiều hay làm việc sai trái, khiến thiện căn công đức suy giảm, do đó chìm đắm mãi trong bể khổ sinh tử luân hồi, khó mong thoát khỏi những tai ương. Còn người thường xuyên gieo trồng căn lành, sẽ gặt được quả phước đức, do đó thường gặp những thắng duyên trong cuộc đời. Chúng sinh ở cõi Ta bà chẳng chịu gieo trồng căn lành, còn gặp phải những khó khăn như thế, huống là việc cầu sinh về Tịnh độ lại càng khó gấp muôn lần.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc đã chỉ dạy rất rõ cho Thiện Tài về tầm quan trọng của việc gieo trồng căn lành: “Thiện nam tử! Nếu các chúng sinh chẳng gieo căn lành thời chẳng có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Cần phải được phổ môn thiện căn quang minh, đủ chơn thiệt đạo tam muội trí quang, xuất sinh những phước hải quảng đại, tăng trưởng pháp bạch tịnh không có lười nghỉ, thờ thiện trí thức chẳng mỏi nhàm, chẳng kể thân mạng, không thề cất chứa, tâm bình đẳng như mặt đất không có niệm cao hạ, tính thường từ mẫn với tất cả chúng sinh, nơi các loài sinh tử chuyên niệm chẳng bỏ, hằng thích quán sát cảnh giới Như Lai. Có như vậy mới phát được tâm Vô thượng Bồ đề”. Như vậy, gieo trồng căn lành chính là giai đoạn phát khởi thiết yếu của bất kỳ hành giả nào, dù tu tập bất kỳ pháp môn nào. Bởi lẽ thiện căn là cội rễ sinh ra các pháp lành và pháp lành là cội rễ của phước đức. Người có đầy đủ nhân duyên, phước đức sẽ được chư Phật hộ niệm, được thiện tri thức giúp đỡ, nhờ đó có thể thành tựu thánh hạnh. Người mà đoạn các thiện căn công đức thì khó mà thành tựu được nhơn hạnh huống gì là thánh hạnh “Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh chẳng gieo căn lành, chẳng được thiện hữu nhiếp thọ, chẳng được chư Phật hộ niệm” [3]. Do đó, muốn sinh về Tịnh độ, trước phải gieo trồng căn lành, vun bồi công đức để làm tư lương trên lộ trình giải thoát.

Vũ trụ trong Kinh Hoa Nghiêm được khắc họa như một đóa sen ngàn cánh xinh đẹp. Trên mỗi cánh sen là một quốc độ thanh tịnh và trong mỗi quốc độ thanh tịnh ấy đều có một vị Phật đang chuyển pháp luân.

(Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo)
(Còn tiếp)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6315599
Số người trực tuyến: