Tránh lầm tưởng về thực hành phát Bồ đề tâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tránh lầm tưởng về thực hành phát Bồ đề tâm

Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật và chư Bồ Tát đã thuyết minh rộng rãi về công đức của Bồ Đề tâm. Kinh văn cũng có nói: “Cửa yếu vào đạo, trước phải phát tâm. Việc yếu tu hành, trước nên lập nguyện”.

Phổ Hiền Bồ Tát dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát vì điều phục giáo hóa tất cả chúng sinh nên phát Bồ Đề tâm. Vì trừ diệt khổ tụ cho tất cả chúng sinh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem cho tất cả chúng sinh sự an vui đầy đủ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì dứt trừ sự ngu tối cho tất cả chúng sinh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem lại Phật trí cho tất cả chúng sinh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì cung kính cúng dường tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì tùy thuận lời dạy Như Lai khiến chư Phật hoan hỷ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn thấy sắc thân tướng hảo của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn vào trí tuệ rộng lớn của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn hiển hiện các đức: lực, vô úy của chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm”.

Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện bền chắc, thì dù trải qua vô lượng kiếp, vẫn y nhiên ở trong nẻo luân hồi; dù có tu hành cũng khó tinh tấn và chỉ luống công khổ nhọc. Do đó nên biết: muốn học Phật đạo, quyết phải phát Bồ Đề tâm không thể trì hoãn. Bởi thế khi xưa Tỉnh Am Đại sư đã soạn ra Phát Bồ Đề Tâm Văn để khuyến khích tứ chúng. Trong ấy, Ngài theo các tâm nguyện mà trình bày sự phát tâm thành tám cách: tà, chính, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên. Xin tóm đại lược như sau:

1. Có những người tu không tham cứu tự tâm, chỉ biết theo bên ngoài, hoặc cầu danh lợi, đắm cảnh vui hiện tại, hay mong quả phúc tương lai mà phát lòng Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là .

2. Như chẳng cầu danh lợi, không tham cảnh vui cùng mong quả phúc, chỉ vì thoát vòng sinh tử, lợi mình lợi sinh mà cầu đạo Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là Chính.

3. Mỗi niệm trên vì cầu Phật đạo, dưới vì độ chúng sinh, nhìn đường Bồ Đề dài xa mà không khiếp, thấy loài hữu tình khó độ nhưng chẳng sờn. Tâm bền vững như lên núi quyết đến đỉnh, như leo tháp quyết đến chót. Phát tâm như thế gọi là Chân (thật).

4. Có tội lỗi không sám hối chừa cải, ngoài dường trong sạch, trong thật nhớp nhơ, trước tinh tấn sau biếng lười. Dù có tâm tốt nhưng còn xen lẫn lợi danh, có pháp lành song bị tội lỗi làm ô nhiễm. Phát tâm mà còn những điều này, gọi là Ngụy (dối).

5. Cõi chúng sinh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ Đề thành, nguyện mới thành. Phát tâm như thế gọi là Đại.

6. Xem tam giới như tù ngục, sinh tử như oan gia; chỉ mong mình mau giải thoát, chẳng muốn độ người. Phát tâm theo quan niệm này, gọi là Tiểu.

7. Thấy chúng sinh và Phật đạo ở ngoài tự tính, rồi nguyện độ nguyện thành, đường công hạnh chẳng quên, sự thấy hiểu không dứt. Phát tâm như thế gọi là Thiên (lệch).

8. Biết chúng sinh và Phật đạo đều là tự tính, nên nguyện độ nguyện thành, tu công đức không thấy mình có tu, độ chúng sinh không thấy có chúng sinh được độ. Phát tâm như thế gọi là Viên (tròn).

Trong tám cách như trên, Tà, Ngụy, Thiên, Tiểu nên bỏ, Chân, Chính, Viên, Đại, nên theo. Được như thế mới gọi là phát Bồ Đề tâm đúng cách.

Quán mười nhân duyên để phát tâm Bồ đề

Trong văn, Tĩnh Am Đại sư lại khuyên đại chúng nên nghĩ đến mười nhân duyên để phát tâm. Mười duyên ấy là: vì nghĩ đến ơn Phật, vì công ơn cha mẹ, vì nhớ ơn sư trưởng, vì tưởng ơn tín thí, vì biết ơn chúng sinh, vì lo khổ sinh tử, tôn trọng tính linh, vì sám trừ nghiệp chướng, vì hộ trì chính pháp, vì cầu sinh Tịnh Độ. Nơi điều cầu Tịnh Độ, Ngài dẫn một lời Kinh A Di Đà và bảo: "Kinh Văn nói: Không thể dùng chút ít căn lành phúc đức nhân duyên được sinh về nước kia. Thế thì biết, phải có nhiều căn lành phúc đức mới được vãng sinh Cực Lạc. Nhưng nhiều căn lành không chi hơn phát Bồ Đề tâm, nhiều phúc đức không chi hơn trì danh hiệu. Nhiếp tâm niệm Phật giây phút hơn bố thí nhiều năm, chân thật phát lòng Bồ Đề hơn tu hành nhiều kiếp. Giữ chắc hai nhân duyên này, quyết định được sinh Cực Lạc.

Qua những lời dạy của Phật, Bồ Tát, Tổ Sư ở trên, ta thấy phát Bồ Đề tâm là điều rất quan yếu trên đường hành đạo.

(Còn tiếp)

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Tham khảo thêm

Làm thế nào để phát Bồ đề tâm mà không tu theo hình thức (Phần 1)

Làm thế nào để phát Bồ đề tâm mà không tu theo hình thức (Phần 2)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335836
Số người trực tuyến: