Sự cân bằng của Tứ đại và ý nghĩa đối với sức khỏe
Đối với giáo lý thế gian thông thường, mọi người nghĩ rằng vũ trụ được hình thành nhờ ngũ hành (kim, thủy, hỏa, mộc, thổ), sự sinh khắc của ngũ hành tạo nên cảnh sống và đời sống của con người. Theo quan kiến của đạo Phật, thế giới vật chất, bao gồm thân thể của chúng ta, được tạo nên bởi Tứ đại, đó là các nguyên tố đất, nước, gió, lửa.
Địa đại: Chỉ Trái Đất chúng ta đang sống. Trái đất nuôi dưỡng vạn vật, rồi vạn vật lại nuôi dưỡng chúng sinh. Cho nên bản thân Địa đại cũng đã có đầy đủ đức hạnh của sự ẩn tàng và dưỡng dục. Trong phương diện trưởng dưỡng tâm, Địa đại nêu biểu cho Bồ đề tâm. Tâm bồ đề của chúng ta ẩn tàng đức hạnh vô lượng, vô biên, có thể dưỡng dục phẩm đức của tất thảy, khiến cho Phật đức của chúng ta được khai mở vô cùng vô tận. Đó chính là diệu dụng của Địa đại.
Phong đại: Vào mùa hạ, gió thổi nhẹ, cuốn đi những nóng bức. Vì gió có thể đem lại sự thanh mát cho chúng ta, đạo Phật gọi là gió Giải thoát, gió Thanh lương. Phong đại đại diện cho khía cạnh của hành động và nhân duyên, toàn bộ hành động của con người đều là tác dụng của Phong đại. Khi tu tập, tác dụng nhìn thấy dễ dàng nhất là Phong đại.
Thủy đại: Đại diện cho đức tính nhu nhuần, nuôi dưỡng, bảo hộ. Nếu Địa đại mà không được nước tưới nhùn, vạn vật chẳng có cách nào sinh trưởng, phát triển được. Đối lập với tự tính, nếu không có dòng cam lộ Từ bi - Trí tuệ của Đức Phật tưới nhuần cho chúng sinh, Bồ đề tâm của con người cũng chẳng thể nào phát triển được.
Hỏa đại: Có đức tính thành thục, cũng đại diện cho trí tuệ, không có lửa, vật cũng chẳng thể nấu chín. Dựa trên lập trường cá nhân mà nói, lửa đại diện cho trí lực, năng lực trí tuệ của con người, có thể khiến con người trở nên thành thục, cuối cùng trở thành Phật quả.
Thân tứ đại là gì?
Danh từ Phật giáo hay dùng cụm từ "thân tứ đại" để chỉ cho nhục thân bằng xương thịt này của chúng ta. Nhưng theo đạo Phật thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây. Nó còn có Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người. Không Đại là hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên. Kiến Đại là cái thấy biết của chúng sinh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại. Thức Đại là nhận thức phân biệt làm chủ thể sự sống của chúng sinh nên cũng gọi là đại. Phải đủ bảy đại thì mới gọi là một chúng sinh hữu tình. Còn hòn sỏi, đóa hoa chỉ là chúng sinh vô tình.
Trong cơ thể con người, những chất cứng như xương, thịt, da, lông, tóc…., gọi là Địa đại. Thủy đại là những chất nước, máu, mủ, dịch….. Hỏa đại là chất ấm trong cơ thể chúng ta cộng với nhiệt lượng ở bên ngoài. Và Phong đại là hơi thở của chúng ta. Khi các yếu tố này quá xí thịnh, quá lấn át nhau thì sẽ sinh ra bệnh tật.
Ví dụ như Địa đại quá xí thịnh thì chúng ta bị bệnh ung nhọt, u bướu, ung thư. Nếu như Thủy đại quá mạnh chúng ta bị bệnh phù thũng, bệnh thận. Phong đại quá mạnh thì chúng ta bị các bệnh về hơi thở, đường hô hấp có vấn đề. Nếu Hỏa đại quá mạnh, nhiệt trong người chúng ta thay đổi thì nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của chúng ta.
Thiền định về những phẩm tính tốt đẹp của Tứ đại cho dù ở dạng cây cối, hoa lá, núi rừng, sông suối, đại dương… đều là phương pháp chữa bệnh thuận theo tự nhiên và giúp chuyển hóa những cá tính mang tính tiêu cực hay có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh tật.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Tìm hiểu thêm
Bài tập thiền định tương ứng với năng lực của Tứ đại
- 3174
Viết bình luận