Ý nghĩa cúng dàng theo truyền thống Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa cúng dàng theo truyền thống Kim Cương thừa

Hết thảy hạnh cúng dàng này đều là cội nguồn giúp nhanh chóng tích lũy vô lượng công đức, chẳng khác nào vun bổi chăm bón cho cánh đồng phúc điền màu mỡ tốt tươi. Bạn đừng nên so đo toan tính xem nên chọn cách cúng dàng nào ưu việt nhất mà hãy hiểu rằng làm lợi ích cho chúng sinh với tâm vô ngã vị tha là cách tốt nhất, thù thắng nhất để cúng dàng lên chư Phật, bởi chư Phật thương chúng sinh chẳng khác nào mẹ hiền thương con đỏ. Nếu bạn làm lợi ích cho bất cứ chúng sinh nào, người mẹ từ bi chắc chắn sẽ hoan hỷ mỉm cười.


Có vô số cách thức cúng dàng:

  • Thành kính cúng dàng lên chư Phật chư Bồ Tát vì chư Phật Bồ Tát đã thành tựu những phẩm chất giác ngộ siêu việt và công hạnh lợi tha vĩ đại.
  • Thành kính tri ân và hiếu thảo với cha mẹ bậc sinh thành vì đã luôn từ bi chăm sóc dưỡng dục ta nên người.
  • Cúng dàng bố thí cho những chúng sinh khổ đau nghèo khó rất cần nơi giúp đỡ nương tựa bởi đối với ta dù chỉ là một chút nhưng đối với họ ý nghĩa rất nhiều.

Ý NGHĨA CÚNG DÀNG THEO TRUYỀN THỐNG KIM CƯƠNG THỪA

Thông thường bạn có thể nhận thấy khi nghe giảng Phật Pháp, mỗi bậc Thầy có thể giảng theo cách riêng của các Ngài – tùy theo giáo lý thuộc Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim Cương thừa. Chỉ riêng trong Kim Cương thừa cũng có rất nhiều truyền thừa khác nhau. Đôi khi bạn thấy lúng túng, cũng có nhiều người nói với tôi rằng họ cảm thấy băn khoăn khi trở thành Phật tử. Trong Kim Cương thừa có quá nhiều con đường, nhiều pháp thực hành… khiến họ không biết phải chọn pháp thực hành nào. Giá như mọi thứ đơn giản hơn. Xét từ một góc độ nhất định thì họ nói đúng. Thoạt đầu bạn có thể thấy hơi phức tạp. Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng 84.000 pháp môn khác nhau, bởi vô số người trong chúng ta có những tính cách và trình độ khác nhau. Chẳng hạn như ngày hôm nay tới đây, các bạn mỗi người đều mặc một bộ trang phục khác nhau. Người mặc áo trắng, người mặc complet hoặc đồ thời trang, bởi lẽ mỗi người chúng ta đều có những quan niệm riêng, phong cách và mong muốn riêng. Thế nên nếu có ai đó đưa một cái áo ngắn tay và yêu cầu tất cả mọi người đều phải thích trang phục đó thì chưa chắc mọi người đã nghe theo. Do vậy, nếu Đức Phật chỉ ban cho một pháp môn duy nhất thì có thể sẽ khó thích ứng được với tất cả mọi người. Bởi từ bi nên Ngài đã ban truyền vô số giáo pháp, 84.000 pháp môn của Ngài dành cho vô lượng chúng sinh với muôn vàn đặc tính khác nhau.

Như vậy nhìn từ một góc độ khác, chúng ta thấy chỉ riêng số pháp môn vô lượng này cũng đã chứng tỏ Đức Phật là bậc Đại từ bi, với lòng từ mênh mông vô lượng Ngài đã chỉ ra vô số con đường. Bất kể lựa chọn đi theo lối nào, bạn cũng đều cần hiểu về Giáp Pháp, cần biết chắt lọc được tinh túy cốt lõi của 84.000 pháp môn. Khi hiểu được điều tinh túy của các pháp môn, chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn giáo pháp. Và cốt yếu của giáo pháp nằm trọn trong 3 điều:
(i) Không nên làm điều bất thiện gây tổn hại tới người khác hoặc chúng sinh, bởi đó chính là nhân dẫn tới đau khổ cho chính mình và chúng sinh.
(ii) Hãy làm mọi thiện hạnh lợi ích cho người khác vì những nghiệp này sẽ mang lại ích lợi cho chúng ta.
(iii) Điều thứ ba, vì sao chúng ta lại phạm nghiệp bất thiện ? Vì sao mình nói chuyện mềm mỏng với người này và cáu gắt với người kia. Tất cả đều do tâm. Nếu ta có tâm từ bi, tâm thấu hiểu, tâm cảm thông yêu thương – kết quả là những điều dễ chịu nảy sinh. Từ tâm sân giận, ghét bỏ - những điều bất thiện nảy sinh. Như vậy điều cốt yếu thứ ba là điều phục tâm. Làm việc thiện, từ bỏ việc bất thiện và điều phục  tâm mình chính là gốc, tâm sai sử gọi là Tâm vương. Tâm là chủ, Khẩu và Ý là tớ. 

Cho dù bạn có đi khắp các đền chùa, dù có thực hành 10.000 khóa lễ cúng dường, thì tinh túy của việc thực hành đó cũng nằm trọn trong ba điểm cốt yếu này. Chẳng hạn hôm nay chúng ta có thể nghe rằng Đức Phật dạy khi thực hành thiện hạnh, chúng ta sẽ được đón nhận phúc báo. Những thiện hạnh có thể dưới bất cứ hình thức nào mang lại lợi ích cho người khác, có thể là cúng dường chư Phật và chư Bồ Tát, với động cơ thiện lành mong nguyện lợi ích cho chúng sinh, hoặc cũng có thể là một thiện hạnh giúp đỡ chúng sinh khác trong cơn nguy cấp. Thiện hạnh cứu trợ chúng sinh không nhất thiết phải sang tận Châu Phi mới làm được. Thí dụ ngay khi tới đây, bạn hòa đồng và tuân theo sự sắp xếp, ngồi ngay ngắn theo hàng, hoặc tiếp đón đạo hữu, tất cả những điều đó đều giúp bạn tích lũy công đức. Bất cứ sự cúng dường nào cũng đều mang lại công đức. Và trên con đường tu tập thực hành, chúng ta cũng có phương tiện tịnh hóa để tiêu trừ nghiệp báo khi mắc phải những nghiệp bất thiện. Vì sao chúng ta phải cúng dường rất nhiều – chẳng hạn như hôm nay có thể không nhiều phẩm vật cúng dường so với những dịp khác, nếu bạn biết chúng ta quán tưởng phẩm vật cúng dường như thế nào chắn hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên. 
Chúng ta quán tưởng những thiên nữ trong vũ điệu cúng dàng. Vô số thiện nam tín nữ cùng phẩm vật như nhà cửa, xe cộ, vô số phẩm vật và nhã nhạc ngân vang, trong Kim Cương thừa chúng ta thường xuyên sử dụng âm nhạc. Vì sao bạn thường cầu nguyện thầm, trí tụng thầm, mọi thứ đều tiến hành trong lặng lẽ, vậy mà các nghi thức lại thường dùng rất nhiều pháp khí âm thanh. Có thể ngày nay bạn nhìn những pháp khí này và cảm thấy xa lạ, song cách đây hàng ngàn năm đây lại là những pháp khí vô cùng quen thuộc, giống như nhạc rock thời nay vậy. Có thể bạn vẫn thắc mắc, cho dù trống và linh có là những thứ quen thuộc trong thời quá khứ, vì sao chúng ta lại cúng dường âm thanh này lên chư Phật ? Có hai lý do, song cả hai đều không phải vì chư Phật thích âm nhạc từ những pháp khí này. Lý do thứ nhất là sự nhìn nhận theo nhân quả: bất cứ thứ gì chúng ta yêu thích – chẳng hạn nếu chúng ta muốn sức khỏe, bạn cần thực hành bố thí thuốc men, như vậy bạn sẽ gieo nhân mang lại sức khỏe cho chúng sinh. Nếu bạn muốn luôn được nghe những điều tốt đẹp, những âm thanh dễ chịu, những điều êm tai, mọi người không la hét cáu gắt với bạn suốt ngày, bạn muốn Sếp luôn nói nhẹ nhàng với bạn, như vậy hàng ngày chúng ta cần nói những điều dễ chịu, mềm mỏng với những người xung quanh.
Khi thực hành Phật  Pháp – chúng ta cúng dường âm thanh nhã nhạc, đây là nhìn từ góc độ nhân quả. Như tôi đã nhắc ở trên, cốt yếu của Phật Pháp không nằm ngoài 3 điều – tích lũy công đức, đoạn trừ bất thiện nghiệp và điều phục tâm mình. Như vậy nếu nhìn từ góc độ điều phục tâm, chúng ta cúng dường âm nhạc lên chư Phật, giống như bất cứ khi nào cúng dường, chúng ta đều thực hành buông xả. Cho dù bố thí một đô la cho người hành khất, chúng ta cũng cần buông xả. Như vậy trong tâm chúng ta cũng buông xả âm thanh nhã nhạc để cúng dàng lên chư Phật. Điều này có ý nghĩa khác biệt như thế nào ? Loài người chúng ta thường bám chấp mạnh mẽ vào âm thanh mà không chịu hiểu rằng âm thanh vốn là không. Chẳng hạn khi ai đó nói bạn là người tốt thì lập tức miệng bạn sẽ nở nụ cười rất tươi. Chỉ hai phút sau, nếu có ai đó nói bạn là người xấu, thì ngay lập tức tâm trạng bạn sẽ thay đổi. Thực chất khi có ai nói bạn tốt hay xấu, bạn sẽ không đẹp hơn, xấu hơn, gầy hay béo hơn. Tất cả chỉ là âm thanh. Xét theo khoa học, âm thanh được tạo nên từ sự rung động của các nguyên tử vô cùng nhỏ - trong đó chẳng có gì tốt, xấu, vui buồn. Chính sự bám chấp vào âm thanh khiến chúng ta thấy vui hay buồn. Do vậy khi cúng dàng âm nhạc lên chư Phật, chúng ta thực hành đoạn trừ tâm bám chấp vào âm  thanh của chúng ta – tức là tâm tạo tác khiến chúng ta phân biệt âm thanh thành hay dở, khen chê, trách móc hay chỉ trích. Mọi trải nghiệm vui buồn của chúng ta cũng vậy, mà chúng ta thường gọi là ngũ trần, khởi nguồn từ ngũ căn của chúng ta. Chúng ta thích những thứ mềm mại, không thích những gì thô cứng. Chúng ta thích những thứ đẹp đẽ, không thích đồ xấu xí. Tương tự như vậy, từ âm thanh, mùi vị, đều bắt nguồn từ ngũ giác của chúng ta. Chúng ta có những thứ mình yêu thích hoặc ham muốn. Vậy nên chúng ta có thể cúng dàng lên chư Phật bất cứ thứ gì mà ngũ căn của chúng ta yêu thích. 

Nói như vậy để bạn hiểu được vì sao chúng ta lại có những thiên nam, thiên nữ trong vũ điệu cúng dàng – bởi sự liên hệ với sự bám chấp vào nhãn căn (mắt nhìn). Như vậy chúng ta cúng dàng những thứ tốt đẹp – mỹ nam, mỹ nữ, nhà cửa – bất cứ thứ gì mắt nhìn thấy và cho là đẹp, đều có thể cúng dàng lên chư Phật. Mấu chốt ở đây không phải là chư Phật thích những thứ này, mà đây là những thứ do nghiệp lực khiến chúng ta nảy sinh tham muốn và khởi tâm bám chấp – vì vậy chúng ta cần đoạn trừ tâm bám chấp này. Do đó, chúng ta có thể cúng dàng bất cứ thứ gì có thể cuốn hút ngũ căn của chúng ta, như hoa đẹp, quả ngon, quần áo, trang sức – chúng ta cúng dàng tất cả những thứ này lên chư Phật bởi chúng làm tăng trưởng tâm tham muốn và bám chấp mạnh mẽ của chúng ta. Mục đích không phải làm hài lòng chư Phật hay không, cho dù bạn có cúng dàng một triệu đô la hay chỉ một hòn đá bình thường, đối với Phật đều như nhau. Bạn có phỉ báng hay tán thán chư Phật cả ngày cũng chẳng khác gì nhau, các Ngài sẽ chẳng hề động tâm. Chỉ có chúng ta sẽ gánh lấy nghiệp báo hay tích lũy công đức tùy theo hành động của mình, còn đối với chư Phật sẽ không có bất cứ sự phân biệt nào. Điều quan trọng là sự tác động đối với tâm chúng ta, vì vậy trong Đại Thừa hoặc Kim Cương Thừa, khi chúng ta cúng dường, chẳng hạn hôm nay chúng ta chỉ có vài bông hoa để cúng dường, song chúng ta vẫn quán tưởng toàn vụ trụ ngập tràn những bông hoa tươi đẹp. Chúng ta có thể cúng dàng lên chư Phật cả Hong Kong. Cho dù chúng ta không có toàn quyền đối với Hong Kong, song chúng ta vẫn có thể quán tưởng như vậy. Và chúng ta vẫn tích lũy nhiều công đức, bởi tất cả đều bắt nguồn từ tâm chúng ta và giúp chúng ta đoạn trừ bám chấp. Đó chính là cách mọi thứ đang diễn ra.
(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về Pháp tu Lục Độ Mẫu Tara, tháng 1 năm 2013 tại Hong Kong)

Hôm nay, vào ngày thứ 13 của Tháng Phật Đản Đại Cát Tường, chúng ta hãy cùng tích luỹ công đức qua việc thực hành các thiện hạnh sau: 

- Cả ngày ăn chay

- Trì giữ ngũ giới

- Cầu nguyện, Quy y Đức Phật Thích Ca

- Thực hành Bố thí, cúng dàng (cứu giúp người, chữa bệnh, phân phát thuốc men, chu cấp đồ ăn, quần áo, hỗ trợ giáo dục, hay các hoạt động nhân đạo khác hướng tới những cảnh đời khốn khó…)

- Niệm 10 lần thánh hiệu “Phật Thích Ca Mâu Ni”

- Cung kính đỉnh lễ 3 lần.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6326998
Số người trực tuyến: