Ý nghĩa Phật đản sinh vào cõi Ta bà
Một sự kiện hy hữu trong đời sống nhân loại cách đây hơn 2.600 năm, tại Thánh địa Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ đại, Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) xuất hiện với ánh hào quang chiếu soi rực rỡ, đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử loài người. Ngài đã đến với cuộc đời trần lụy từ tỉnh thức và thiền định, từ thể nhập chân lý và đại nguyện cứu khổ chúng sinh. Ngài đã trở thành bậc thầy của Trời, Người và soi sáng con đường giác ngộ cho nhân loại ngay trong đời sống hiện tiền.
Mục đích Đức Phật thị hiện ở nhân gian không vì một lý do nào khác, mà vì một lý do duy nhất, đó là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, tức là chỉ cho chúng sinh thấy được tính Phật. Bởi vậy Ngài đã phải thuyết giảng vô số các pháp khác nhau, nhưng các pháp môn đó không nói về một điều gì khác ngoài tâm của chúng ta, ngoài phương pháp làm sao giúp chúng ta đạt được giải thoát.
I. Ý NGHĨA CỦA TỪ “ĐẢN SINH”
Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của Đức Phật Thích Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng đến những thuật ngữ như: Đản sinh, Thị hiện hoặc Giáng sinh.
- Đản sinh: nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời.
- Thị hiện: nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được.
- Giáng sinh: nghĩa là từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sinh ra.
Ba thuật ngữ ấy đều có ý nghĩa khác nhau: Đản sinh dùng để ca tụng một Bậc tôn quí ra đời; Thị hiện hàm ý Phật bao giờ cũng có cả, nhưng vì mắt người không thấy được, phải hiện rõ ràng ra mới thấy; Giáng sinh hàm ý Đức Phật ở một cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần này.
Ba thuật ngữ ấy mặc dù khác nhau, nhưng đều có thể dùng để chỉ sự ra đời của Đức Phật. Trái lại, khi một người phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”. Ðầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn Đản sinh, Giáng sinh hay Thị hiện thì không hàm nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng Từ Bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sinh.
II. DUYÊN KHỞI BỒ TÁT HỘ MINH GIÁNG THẾ
Ma Da hoàng hậu ngủ say
Nằm mơ chợt thấy sắc mây rạng ngời
Một luồng ánh sáng từ trời
Lung linh chiếu xuống tận nơi giường bà
Trong hào quang bỗng hiện ra
Voi to, màu trắng, sáu ngà đẹp thay,
Voi và ánh sáng cùng bay
Tới gần hoàng hậu nhập ngay vào bà.
Sáng hôm sau tỉnh giấc ra
Trong lòng hoàng hậu chan hòa niềm vui
Căn cứ theo Kinh Phật Bản Hạnh, thì Đức Phật đã nói diễn biến cuộc đời mình qua “Bát Tướng Thành Đạo”. Nguyên lai là Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất, vì lòng từ bi thương tưởng đến nhân loại đang khổ đau và cũng vì hạnh nguyện độ tha của mình nên Ngài đã thị hiện nhập thai nơi Hoàng hậu Ma Da.
Truyện kể rằng: Tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Ðộ, một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma Da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung bay xuống và sau đó lấy ngà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Lúc bấy giờ bà nghe trong người bỗng nhiên thật thanh thoát, nhẹ nhàng, chẳng còn biết sầu lo oán hận gì cả. Hoàng Hậu bèn đem điềm chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe, vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng Hậu sẽ sinh ra một quý tử có tài đức song toàn”. Nghe điều này, Vua Tịnh Phạn rất vui mừng, vì từ nay ngôi báu đã có người truyền thừa.
III. NGÀY PHẬT ĐẢN SINH
Hoàng Hậu Ma Da mang thai đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê mẹ ở nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên đường đi, Hoàng hậu Ma Da vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây Vô Ưu che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đưa cánh tay vịn lấy cành hoa Vô Ưu thì hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể. Thái tử ra đời đúng với ý nghĩa:“Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người.”
“Nhè nhẹ tay trên níu lấy cành,
Nhiệm màu hương ngát tỏa hồn thanh,
Trời rung đất chuyển trăm điều lạ,
Hớn hở chào mừng Thái tử sinh”.
Ngày Đản sinh Thái tử, khắp xứ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa khắp. Lúc ấy khắp địa cầu tràn ngập niềm an lạc và hạnh phúc. Mọi người quên hết lo âu, xóa mọi hận thù, thương yêu lẫn nhau. Đó là ngày hội của toàn cõi nhân thiên.
Thái tử giáng sinh vào ngày trăng tròn tháng tư năm 624 BC tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) khoảng 15 cây số. Người là con của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da.
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN
1. Phật khai mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khai mở trí tuệ cho hết thảy chúng sinh, phá trừ màn vô minh, để nhân loại nhận ra được Phật tính ở nơi tự thân của chính mình và Ngài khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Qua lời khẳng định đó, cho chúng ta thấy là tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Đức Phật nêu cao tinh thần tự lực sẵn có nơi mỗi người, khuyến khích mọi người không nên nương vào một sức mạnh siêu hình, mà hãy nương vào chính bản thân mình. Cho nên, trong phần cuối các thời kinh tụng của Tịnh Độ tông luôn có câu là “Tự quy y Phật,…. Tự quy y Pháp,… Tự quy y Tăng,….”
Tự quy y Phật là mình tự trở về với Phật tính sáng suốt của tâm mình. Tự quy y Pháp là vâng theo Pháp tính của mình. Trong tâm của mỗi người đều có đủ pháp Từ Bi, Hỷ Xả, Trí Tuệ, Bình Đẳng, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn... Chúng ta cần phát huy những đức tính ấy. Tự quy y Tăng chính là quay trở về với đức tính thanh tịnh, hòa hợp của chính mình.
2. Phật chỉ bày con đường hạnh phúc an lạc
Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng sinh nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc an lạc và đâu là con đường khổ đau luân hồi; đâu là giá trị cao quý trong cuộc sống của chúng ta. Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của họ được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Nếu lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường thì có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường. Tâm hồn tầm thường chính là tâm hồn ích kỷ, tham lam, sân si, cố chấp, kiêu ngạo. Lời nói nào phát xuất từ tâm hồn kiêu ngạo, ích kỷ, hẹp hòi... lẽ đương nhiên lời nói đó có khả năng làm phá hoại hết thảy hạnh phúc, an lạc của chúng ta, có khả năng tàn phá hết đời sống cao quý và làm mất hết công đức lành của chúng ta.
Muốn có được hạnh phúc, an lạc, chúng ta phải nuôi dưỡng tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả, chuyên trì giới, thiền định .v.v… thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng, hạnh phúc và an lạc được.
3. Tu tập và thành tựu giác ngộ an lạc ngay trong đời sống hiện tại
Đức Phật ra đời hướng dẫn cho chúng sinh thành tựu được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình, ngoài đời sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm kiếm.
Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc nếu người đó biết chuyển hóa. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng. Bao nhiêu kẻ bất hiếu với cha mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt, sống trong một khung cảnh dễ thương, họ trở thành một con người hiếu kính, một con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong đời sống của mình.
Ngày xưa, khi Vua A Dục chưa gặp Phật pháp thì ông là một vị vua hết sức tàn ác, ông bất chấp mọi thủ đoạn để đoạt được ngôi vua. Thế mà khi vua A Dục có duyên gặp được một vị Thánh Tăng giáo hóa, thì ông đã chuyển hóa hoàn toàn và trở thành một vị hộ Pháp đắc lực và góp công lao rất lớn trong việc hoằng truyền và xiển dương chánh pháp. Tương tự như câu chuyện vua A Xà Thế cũng vậy…
Cho nên lời chư Tổ dạy rằng:“Bất úy tham sân khởi. Duy khủng tự giác trì”. Nghĩa là:“Không sợ tham sân khởi dậy, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm”. Nếu mình hiểu được đạo, giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời sống của mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, chuyển thành những điều có ý nghĩa.
4. Hiển lộ tính Phật trong chúng ta
Chúng ta làm lễ Đức Phật đản sinh, nghĩa là chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật trong ta Đản sinh mỗi ngày. Chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật thì phải cố gắng tu tập để chuyển hóa những điều xấu thành tốt, để Đức Phật trong chúng ta được đản sinh, chứ không đợi 365 ngày mới đến Chùa làm lễ Đản Sinh. Đạt được như thế thì ta mới có khả năng một ngày nào đó ta sẽ đi những bước vững chãi trên những đóa hoa sen thanh tịnh và vô nhiễm.
Lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ là nhằm nhắc nhở những người con của Đức Phật hãy nhìn lại những đức tính cao cả của Ngài để mỗi người chúng ta tự phát huy những đức tính đó trong tự thân của chính mình. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình, "vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho hết thảy hữu tình".
(Lược trích bài giảng: “Ý nghĩa Phật đản”
Ban hoằng pháp Thành phố Hồ Chí Minh)
Hôm nay, vào ngày thứ 6 của Tháng Phật Đản Đại Cát Tường, chúng ta hãy cùng tích luỹ công đức qua việc thực hành các thiện hạnh sau:
- Cả ngày ăn chay
- Trì giữ ngũ giới (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu)
- Cầu nguyện, Quy y Đức Phật Thích Ca
- Thực hành Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
- Niệm 10 lần thánh hiệu “Phật Thích Ca Mâu Ni”
- Cung kính đỉnh lễ 3 lần
- 3131
Viết bình luận