Chấp không hay chấp có dễ về Tây phương Cực Lạc hơn?
Người xưa có dạy: “Hữu vi tuy huyễn, phế bỏ thì đạo nghiệp không thành. Vô vi tuy chân, cố chấp thì trí tuệ chẳng rộng”. Chưa lên bờ đã vội bỏ bè, hẳn kết quả chỉ chết chìm. Chấp không, chẳng chứng chân không, ắt sa đọa luân hồi. Còn chấp có, tin nhân quả, chăm niệm Phật, cầu vãng sinh, thì sen ngọc gió đàn Tây phương hẳn có phần. Cho nên tiên đức đã răn bảo: “Thà chấp có như non Tu, chớ chấp không như hạt cải!”.
Pháp môn niệm Phật không có gì là kỳ lạ, chỉ Tin sâu, Nguyện thiết, và cố gắng hết sức hành trì. Được vãng sinh hay không là do Tín, Nguyện có sâu thiết hay chăng? Phẩm sen cao hay thấp hoàn toàn thuộc về công phu hành trì hơn kém. Xin nhấn mạnh để hành giả lưu ý, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ “Có được vãng sinh không hay? Nếu chẳng được vãng sinh, dù có bao nhiêu công đức cũng hóa thành nhân thiên phúc báo”.
Cổ ngữ có câu: “Thông minh phản bị thông minh ngộ”, có nghĩa là “Kẻ thông minh thường bị sự thông minh làm cho lầm lạc”. Bởi ỷ mình thông minh có học thức, nên nhiều người cho pháp môn Tịnh độ là thấp kém, thích những lối huyền luận, những pháp cao siêu, nói cho đối phương điếc tai cứng họng, pháp nào mình cũng thông hiểu. Chỉ tội cho bản thân đã rơi vào chỗ sơ thất là: Lời không xứng hạnh và nhiều ngõ lạc dê (Dựa trên câu chuyện đi tìm dê lạc của người láng giềng Dương Chu thời Chiến Quốc, cứ gặp ngã ba, ngã tư nhiều lần nên mất lối. Ấy là do đường cái lắm ngã rẽ mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì mê muội mà mất cả phương hướng).
Người lợi căn hay độn căn dễ vãng sinh hơn?
Có nhiều người thông minh lạc theo Không Thiền và Cuồng Thiền, thích mượn lời ngữ lục của chư cổ đức để nói cho cao kỳ, ngôn thuyết thì đi trước Phật, Tổ nhưng hành vi lại ở đằng sau phàm dung. Họ thường nói: “Bản thân ta là Phật, cần chi phải niệm Phật. Như trên đầu lại để thêm cái đầu khác, làm sao cho hợp?”. Đâu biết đến lúc lâm chung, sức nghiệp dập dồn, bốn đại tan rã, mỏi nhức rên la, không tìm được nơi y cứ, thật đáng thẹn thùa, thương tiếc.
Trái lại, những người thật thà quê dốt, lòng không phân biệt, chỉ biết chuyên trì một câu niệm Phật, khi lâm chung phần nhiều có thoại tướng vãng sinh, hoặc chết đi một cách an lành! Đây là điểm đáng lưu ý cho người tu, nên định tâm suy nghiệm cho kỹ.
Ấn Quang Đại sư khai thị cho tín chúng trong Pháp hội Hộ Quốc Tức Tai rằng: “Tất cả các pháp môn đều cậy nơi tự lực, môn Tịnh độ đã nương tự lực lại nhờ tha lực. Với tất cả pháp môn, hành giả phải tu sao co nghiệp sạch, tình không thì mới thoát khỏi luân hồi. Duy ở môn Tịnh độ, dù nghiệp hãy còn, hành giả cũng được đới nghiệp vãng sinh, dự vào hàng Thánh”. Nhiều người không xét kỹ, xem môn niệm Phật là thấp kém, thật đáng thương xót. Hàng thiện giả đời nay, lắm kẻ cho rằng tham thoại đầu đắc lực sẽ được liễu thoát, tùy ý đi hay ở. Đây là lời nói mộng của kẻ chưa mở chính nhãn mà thôi, cũng là cái chướng thuộc về sự thấy biết (sở tri chướng).
Trái với hạng trên, có kẻ lại bảo: “Tôi dốt nát, căn tính thấp, việc trong ngoài đa đoan, chắc không thể niệm Phật tu thành được”. Nói như thế là tự phế bỏ mình, Phật làm sao cứu vớt? Phải biết tu trì không lựa giàu nghèo, sang hèn, trí ngu, già trẻ. Có thành thì có cảm, như có ăn tất có no. Ở thế gian, nhiều người vì môn đánh cờ, đánh bạc, ngồi luôn ngày lẫn đêm quên ăn quên ngủ, quên cả thời tiết nóng nực, rét lạnh. Những việc như thế vẫn làm được, niệm Phật là điều tốt, là gieo nhân phước huệ, là duyên khẩn yếu để cứu mình khỏi luân hồi, sinh về cõi an vui giải thoát, tại sao lại không cố gắng tu hành? Ngoài thời tu chính thức, khi ăn cơm, mặc áo, đi, đứng, nằm, ngồi cũng niệm. Khi có vọng niệm xấu ác nổi lên, liền dứt trừ, thầm sám hối, rồi tiếp tục niệm. Hành trì như thế, thành tâm hồi hướng cũng được vãng sinh.
Người niệm Phật cần dung thông cả sự - lý, chân đế - tục đế
Ví như mặt gương tròn sáng, rộng lớn, tuy rỗng không chiếu suốt, song vẫn hiện cả người và cảnh, muôn tượng sum la, vật đi không dính mắc, vật đến lại soi hình. Thể rỗng không chiếu suốt là chân đế, là lý, cũng gọi là Chân như tịch chiếu môn.
Muôn tượng sum la là tục đế, là sự, cũng gọi là Sinh diệt sai biệt môn. Chữ “đế” ở đây ý nói chắc chắn, chân thật, nghĩa là cả “chân”, “tục”, “sự”, “lý” đều toàn bộ là một thể chân tâm, hay Như Lai tạng. Thiền tông từ không môn đi vào, chủ về lý, về chân đế. Tuy muôn hạnh đều tu mà không lập một pháp chẳng dính chấp điểm trần. Tịnh độ từ Hữu môn thể nhập, chủ về sự, về tục đế, nơi chỗ chẳng lập một pháp, không dính chấp điểm trần, mà tròn tu muôn hạnh.
Cho nên bậc trí phải thông dung cả sự - lý, chân - tục, chẳng nên thiên chấp. Nếu chưa được như thế, thà rằng chấp có, đừng nên chấp không. Chấp có tuy chẳng tỏ thông Phật tính, nhưng hãy còn nhờ công đức hữu vi sinh về cõi Nhân, Thiên hoặc cõi Phật. Chấp không thì công đức hữu vi đã chẳng có, công đức vô vi lại cũng không, gây thành cái chấp đoạn diệt, bác phá nhân quả, làm cho chúng sinh lầm lạc, Phật pháp rối loạn, mối họa rộng lớn không thể diễn tả.
Chúng ta niệm Phật, bắt đầu từ chỗ có niệm mà dụng công. Niệm lâu dần đến chỗ vắng lặng, tâm và cảnh đều quên, không thấy mình là người niệm, Phật là vị được niệm, song mỗi câu mỗi chữ đều rành rẽ, liên tục, rõ ràng. Đó là cảnh niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Nhưng công phu này chẳng phải bước đầu tiên liền có được. Nếu chưa đến trình độ ấy, vội nghĩ rằng mình còn có niệm tức là còn vướng mắc, vội chê bỏ chẳng dụng công, đi tìm cái không không, thì chẳng khác nào tự phá nhà mà muốn được yên ổn. Bậc thiền đức khi xưa, do dung thông sự lý nên tuy không môn mà chẳng bỏ các công đức thuộc hữu môn. Liên Trì đại sư là bậc triệt ngộ về thiền đã dạy: “Chấp sự mà mỗi câu Phật nối nhau, chẳng uổng công phu nhập phẩm. Chấp lý nhưng tâm chưa thông đạt, khó khỏi mối họa lạc Ngoan không”.
(Lược trích ấn phẩm: “Cực Lạc Du Lãm Ký”
Khoan Tịnh Pháp Sư
HT. Thích Thiền Tâm soạn dịch
NXB Phương Đông, 2015)
- 826
Viết bình luận