Những điều chưa biết về sự hoằng truyền Kinh điển trên cõi Cực Lạc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những điều chưa biết về sự hoằng truyền Kinh điển trên cõi Cực Lạc

Bậc sinh về Trung phẩm phần lớn là hàng phàm thánh đồng cư, đủ cả bốn chúng, có chư tăng ni xuất gia cùng các nam nữ Phật tử tại gia ở Sa bà. Người đã sinh về đây sánh với người Hạ phẩm lại cao hơn một bậc (ở Trung phẩm, tuổi của chúng sinh khoảng trên dưới hai mươi, không có người già cùng kẻ hài tử). Nhưng vị này đời trước đều có ý niệm thoát sinh ba cõi, nên khi ở nơi uế độ siêng cần tu tập. Ngoài điểm tự tu còn tích cực làm những Phật sự như xây cất chùa am, ấn tống kinh điển, giảng giải Phật pháp, bố thí làm lành, cúng dàng trai giới, bên trong họ giữ lòng từ, nhẫn, trung, thứ, dứt niệm tật đố tham, sân. Do đó khi lâm chung, họ được Tây phương Tam thánh tiếp dẫn sinh về Đài sen Trung phẩm: Trung Thượng, Trung Trung và Trung Hạ phẩm.

Sau đây là quang cảnh một thời Pháp hội tại Trung phẩm.

Bỗng nhiên có tiếng hồng chung ngân nga vang rền giữa hư không. Các cảnh tượng do phản ảnh của vọng nghiệp hiện ra đều tan biến. Đại chúng đồng phục hồi thân năm tử hai mươi tuổi, thân sắc hồng vàng chiếu sáng trong suốt, trang phục thống nhất. Dòng người càng lúc càng đông không thể tính kể, vân tập thành hàng đội nơi quảng trường.

Đức Quán Thế Âm cho biết: “Hôm nay đến lượt hai vị Bồ Tát là Đại Thế Chí và Thường Tinh Tấn giảng kinh Pháp Hoa. Ngươi hãy đến nghe thử”.

Tôi vẫn ưa thích trì tụng kinh này, nên vâng lời bước mau tới giảng đài nơi hội trường. Bốn phía trên giảng đài đều có lưới châu bủa giăng, tuôn trăm ngàn tia sáng rực rỡ, kết tụ thành nhiều tướng đẹp như cầu vồng, như mây ráng. Hai bên lại có bảy hàng cây báu cao vút lên hư không. Giữa những lớp tàng cây hiện ra đình đài, lầu các, nhiều vị Bồ Tát tập hợp ở trong đó nghe kinh. Giảng đài do thất bảo tạo thành, cao không biết bao nhiêu trượng, mười phần tráng lệ. Đức Quán Thế Âm đưa tôi lên giảng đài. Sau khi tôi đỉnh lễ, hai vị đại sĩ dạy tôi ngồi một bên để nghe cho kỹ.

Đức Đại Thế Chí đương vị chứng chủ (chủ tọa), Bồ Tát Thường Tinh Tấn nhiệm chức giảng sư. Giữa lúc ấy, khói hương không biết từ đâu đến, thơm thanh lạ thường. Trên trời nổi lên thiên nhạc du dương. Trân cầm chớp cánh mua ca hòa điệu theo tiếng nhạc. Sau khi tất cả đại chúng lễ bái, Đại Thế chí Bồ Tát đứng lên tuyên bố khai giảng. Kế tiếp, Đức Thường Tinh Tấn bước tới pháp tòa, ngồi lên chắp tay hướng về đại chúng đáp lễ, rồi dùng phạm âm nói: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là cội nguồn của chư Phật trong thế giới Hoa tạng, là căn bản để thành Phật, là pháp bảo tôn quý vô thượng, khen ngợi không thể cùng! Hôm nay xin giảng tiết thứ hai, nói về tác dụng của Kinh”. Lời Ngài giảng sâu xa, thanh thoát như trong dòng suối bạc, ước độ trên dưới một giờ.

Sau khi nghe xong, tâm tôi nổi lên niềm nghi vấn, bởi văn cú lời giảng không đồng với Kinh Pháp Hoa của nhân gian. Tôi đem điều nghi vấn thỉnh hỏi Đức Quán Thế Âm. Ngài dạy rằng:

- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở trần gian, văn nghĩa còn ước lược, lời Kinh giảng nơi đây thì sâu rộng nhiệm màu hơn. Nhưng dù cạn hay sâu, rộng hay lược thì ý nghĩa vẫn là một. Người nên biết, hàng Trời, Người không thông cảnh giới của Thanh Văn, bậc Thanh Văn không rõ cảnh giới của Bồ Tát, còn Bồ Tát thì không thấu rõ cảnh giới của chư Phật. Lại nên hiểu “Bồ Tát chỉ dùng một âm thanh diễn giảng, mà muôn ngàn thính chúng đều nghe thành ngôn ngữ của riêng mình. Đây chính là môn Đại Tổng Trì Âm Thanh tam muội”.

Bồ Tát Thường Tinh Tấn giảng kinh vừa xong, thì một màn kỳ cảnh không thể nghĩ bàn hiện ra. Chỉ thấy đầy trời mưa xuống các thứ thiên hoa tươi đẹp nhiều màu, cùng những bảo vật sáng rỡ tròn như quả cầu hoặc hình tam giác, lục giác, đủ các sắc dạng. Vô số ức đại bảo quang kết tụ thành minh châu rải rác tuôn rơi. Thính chúng dưới đài đều đưa hai tay tiếp đón, hoặc dùng tà áo hứng lấy. Bấy giờ, nhạc trời trỗ vang, tiên khúc trầm bổng, thanh âm không biết từ đâu xuất phát, mười phần màu nhiệm trang nghiêm. Ngàn muôn “nam thanh” trang phục màu hồng, đứng thành hàng nghe pháp, chợt rung mình biến thành “nữ tú” áo xiêm màu lục, quần sắc hồng đào, lưng thắt kim đáy, rập ràng múa, lộ vẻ tươi vui vô hạn. Trong giây phút, đại chúng đều biến thành hình những quả cầu tròn, rồi hình hoa sen, không còn thấy tướng người nữa. Đột nhiên trên hoa sen, hiện ra chư Bồ Tát ngồi kiết già đoan nghiêm. Tiếp theo lại biến thành ngân tháp, kim tháp phóng quang rực rỡ. Các cảnh sắc đều biến hiện sắc màu tươi đẹp, khó nỗi hình dung.

Tôi đang nhìn sững gần như xuất thần, bỗng thấy từ hư không hiện ra nhiều nữ tử mặc vân y xanh biếc, tay áo dài phơi phới, bay xuống xuyên tường báu vượt qua đại điện, như đi trong không khí chẳng bị trở ngại. Tôi ngạc nhiên thưa hỏi, Đức Quán Thế Âm đáp:

- Thế giới Cực Lạc do nguyện lực của Phật A Di Đà mà thành, tính thể chẳng phải là vật chất nên không trở ngại. Vì thế vô luận là đình đài, lầu các, cung điện, bảo tháp, hoa quả, cây cối đều thấu suốt, đều có thể tự do vượt qua. Ngươi hãy thử xem!

Tôi vâng lời, rảo bước đến mấy chỗ như bức tường bao quanh đại điện, các cột trụ to, lan can, vỗ mạnh vào rồi rút tay ra, đi xuyên qua, lui mình lại, quả nhiên không thấy ngăn ngại. Duy có một điểm hơi khác là khi xúc chạm đến, dường như có thể trạng vật chất, nhưng không có trở ngại mà thôi. Hiện tượng này giống như lúc khoát tay vào nước, quả tất có cảm giác chạm đến vật thể, song tùy ý vẫn dễ dàng đưa tay qua lại, khuấy xuống cạn sâu như thường.

(Lược trích ấn phẩm: “Cực Lạc Du Lãm Ký”

Khoan Tịnh Pháp Sư

HT. Thích Thiền Tâm soạn dịch

NXB Phương Đông, 2015)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323209
Số người trực tuyến: