Chọn nghề vừa kiếm tiền vừa tạo phúc
Đứng trong xã hội, hầu như ai cũng có nghề để sinh sống. Tuy nhiên, một nghiệp duyên từ kiếp nào đó đã thúc đẩy chúng ta chọn nghề của mình và chịu luôn cái nghiệp của nó.
Công việc có chính mạng không?
Đức Phật khuyên hàng cư sĩ tại gia phải sinh sống bằng nghề chân chính (chính mạng). Ngành nghề trong xã hội rất đa dạng phong phú. Nhưng có những nghề càng làm càng có phúc và có những nghề càng làm càng có tội. Ví dụ như nghề giết thịt, buôn bán thịt, chúng sinh, nghề nấu rượu, buôn bán ma túy, kinh doanh phim ảnh, sách báo đồi trụy, phá rừng... là những nghề làm cho người ta gieo trồng thêm tội lỗi. Sống bằng nghề đó thì đời sau luôn gặp đau khổ, bất hạnh. Quả báo bệnh tật, chết yếu, đọa làm súc sinh chắc chắn phải xảy ra.
Có nhiều nghề càng làm càng có phúc như xây dựng đường xá, cầu cống, trường học, thủy điện, an ninh, giáo dục, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, lương thực... Nói chung những ngành nghề đem lại lợi ích cho xã hội, đều làm cho chủ nhân có phúc, nếu họ biết phục vụ một cách cao cả. Đôi khi một người ở trong ngành nghề dễ tạo phúc nhưng họ quá ích kỷ, chỉ nghĩ tới đồng tiền kiếm được, gây khó khăn cho mọi người, họ cũng bị tổn phúc trầm trọng.
Công việc có phạm ngũ giới hay không?
Là Phật tử, trong mọi hành động trong cuộc sống, chúng ta đều cần trì giữ năm giới luật. Trong công việc cũng không ngoại lệ.
Ngũ giới bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng rượu và các chất gây say. Có nhiều công việc khi mới nghe thì thấy không có gì xấu, mà rất chính mạng, không hề vi phạm ngũ giới, nhưng khi thực hiện hàng ngày thì rất dễ phát sinh những điều vi phạm ngũ giới này.
Ví dụ, một người công an làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật là rất tốt nhưng nếu người công an này nhận hối lộ để tha cho tội phạm thì anh ta đã đi vào con đường xấu, đã phạm cả giới trộm cắp lẫn giới nói dối.
Nguyên tắc vàng cần nhớ
Nguyên tắc chọn nghề nghiệp chân chính là: chọn nghề dễ tạo phúc và phục vụ tận tình. Hãy nghĩ lợi ích chung của xã hội và làm việc nhiệt tình hơn là chỉ nghĩ đến lợi lạc cá nhân. Đương nhiên ai cũng cần được hưởng thành quả lao động của mình với số tiền kiếm được để sinh sống. Nhưng một người biết làm phúc là người “đóng góp nhiều hơn hưởng thụ”. Hãy làm việc thế nào mà cho chúng ta cảm thấy sự đóng góp của mình đối với xã hội luôn cao hơn quyền lợi thu về. Được như vậy chúng ta sẽ có phúc về sau. Còn những kẻ chỉ muốn hưởng thụ tối đa với công sức bỏ ra tối thiểu, trước mắt họ có vẻ giàu sang nhưng tương lai họ sẽ làm một người khốn khổ vì thiếu phúc.
Mỗi tuần, mỗi tháng khi kiểm lại số tiền kiếm được chúng ta hãy so sánh với công sức lợi ích mình đóng góp cho xã hội. Nếu thấy công sức nhiều hơn, chúng ta có quyền nở nụ cười vui vẻ vì biết rằng mình đang tích lũy phúc đức dần dần theo năm tháng. Ngược lại, nếu thấy mình không làm được lợi ích gì cho xã hội mà kiếm được tiền quá nhiều, hãy lo lắng hơn là mừng rõ, và cũng phải tìm cách cúng dường, bố thí để bù đắp cái phúc đang bị hao tổn kia.
Một Phật tử chân chính suốt đời dùng cuộc sống của mình để làm lợi ích cho người khác, cho quốc gia xã hội, họ xứng đáng được hưởng sự kính trọng và giúp đỡ của mọi người xung quanh.
(Nguồn: “Nhân quả báo ứng”
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2012)
- 10170
Viết bình luận