Chương hai: Những thử thách
Chương hai
Những thử thách
Thầy đi khắp cả thung lũng để khất thực. Nhờ cách đó thầy gom góp được hai mươi mốt giạ lúa mạch. Với mười bốn giạ thầy mua một cái nồi nấu bốn tay cầm, không bị rỉ sét, ngoài trong đều phẳng phiu. Với một giạ thầy mua thịt và bia, số còn lại thầy đổ vào cái bao lớn. Rồi để cái nồi lên trên hết, thầy về chỗ ở của lama.
Run rẩy vì mệt, thầy đặt cái bao nặng xuống làm sàn phòng hơi rung rinh. Lama đang ăn bữa, giật mình ngừng ăn.
“Anh thanh niên này, anh nhiều sinh lực lắm Bộ anh muốn chôn vùi chúng tôi dưới đống đổ nát với thứ huyền thuật của anh chắc? Đồ ghê tởm! Đem cái bao ra!”
Và ngài đá bay cái bao ra ngoài. Khi kéo lê cái bao, thầy chỉ thầm nghĩ mà không có ý nghĩ xấu nào, “Ngài Lama này thật nóng nảy. Ta phải canh chừng thái độ và cách phục vụ của ta.” Trở lại và lễ lạy, thầy dâng cúng ngài cái nồi nấu trống không. Ngài cầm nó trong hai tay, giữ nó một lúc, đôi mắt suy tư. Nước mắt chảy từ mắt ngài, và ngài nói, “Món cúng dường của ngươi là điềm lành. Ta dâng cúng nó cho Đại Đạo sư Naropa.”
Đức Marpa dựng đứng nó lên trong tư thế dâng cúng. Ngài lắc những tay cầm để xem âm thanh, nó kêu leng keng và đem nó vào trong phòng thờ của ngài. Ngài rót bơ từ những cây đèn thờ vào nó cho đầy. Vào lúc đó thầy chìm ngập xúc động và cháy rực mong muốn cầu đạo. Rồi thầy lại khẩn khoản xin lama chỉ dạy cho thầy.
Ngài trả lời, “Nhiều đệ tử thuần thành đến với ta từ miền UŠ và Tsang. Nhưng những người dân ở Yadrok Taklung và ở Ling thường tấn công cướp bóc họ, lấy lương thực và đồ cúng dường của họ. Hãy chôn vùi hai vùng đó trong mưa đá. Đây là việc đạo. Sau đó ta sẽ chỉ dạy cho ngươi.”
Thầy gởi cho hai vùng đó một trận mưa đá dữ dội. Rồi thầy xin lama dạy cho thầy. Lama trả lời, “Sao? Với mấy cục mưa đá mà ngươi đã làm, ta phải cho ngươi một giáo pháp ta đã đem về từ Ấn Độ với bao nhiêu khó khăn lớn lao à? Ngươi muốn sự chỉ dạy của ta... Thế thì tốt lắm, những người vùng núi ở Đèo Lhodrak thường tấn công các đệ tử của ta từ Nyal Loro đến. Bọn họ cười vào mặt ta. Ngươi, ngươi tự gọi mình là một đại phù thủy, hãy ném những chú thuật trên đám dân núi ấy, và nếu ngươi chứng tỏ pháp thuật của ngươi, ta sẽ cho ngươi giáo pháp của Naropa để đạt Giác Ngộ trong một đời này và trong một thân này.”
Sau đó, thầy tung ra những chú thuật, khiến đám dân sơn cước đánh lẫn nhau và nhiều người hung hăng trong bọn họ bị chết vì kiếm. Thấy thế, lama bảo, “Quả thật ngươi là một đại phù thủy.” Từ đó, ngài gọi thầy là Đại Phù Thủy.
Thầy hỏi về giáo pháp Giác Ngộ. Nhưng ngài trả lời, “Ha! Chẳng lẽ ta phải đi Ấn Độ suýt mất mạng để đánh đổi lấy nhiều tội ác của ngươi ư? Ngươi nói ngươi muốn những giáo pháp ấy. Ngươi có biết rằng những giáo pháp ấy là hơi thở sống của những dakini và vì chúng mà ta đã từ bỏ của cải, dâng cúng cơ man vàng bạc. Ta hy vọng là ngươi chỉ đùa! Nếu là ai khác thì họ đã giết ngươi vì đòi hỏi đó rồi! Bây giờ ngươi hãy phục hồi mùa màng trong vùng Yadrok và cứu sống lại những người dân sơn cước; sau đó ta sẽ dạy cho ngươi. Nhưng nếu không thể làm điều đó thì chớ bao giờ trở lại.”
Lama la mắng thầy khắc nghiệt như vậy. Chìm đắm trong đau buồn, thầy khóc và sư mẫu an ủi thầy.
Ngày hôm sau đích thân lama đến và nói với thầy, “Đêm qua ta rất nặng nề với con, nhưng chớ tuyệt vọng. Hãy kiên nhẫn. Giáo pháp là công việc rất chậm chạp. Con có nghị lực để làm việc, thế thì hãy xây dựng một cái tháp mà ta sẽ cho con trai ta là Darma Doday (Thanh Niên của Kinh Điển). Khi con làm xong ta sẽ dạy cho con và ta sẽ cung cấp cơm áo cho con tu học.”
“Nếu lỡ trong thời gian đó, con chết mà không có đạo, thì con sẽ ra sao?”
“Ta bảo đảm con không chết trong thời gian đó. Giáo pháp của ta có thể nói ra trong vài lời. Nếu con có thể thiền định kiên trì theo những giáo huấn của ta, con sẽ chứng tỏ con có thể đạt Giác Ngộ trong hiện đời hay không. Trong dòng tu của ta, một năng lực giác ngộ được nối truyền, nó không giống với những tông phái khác.”
Sau những lời an ủi ấy, thầy tràn ngập niềm vui.
Rồi thầy nói, “Thầy có muốn nói cho con sơ đồ cái tháp không?”
Tất cả anh em chú bác bên phía ngài Marpa có một lời thề là không xây dựng bất cứ công trình kiên cố nào. Nhưng ngài Marpa không thề. Bây giờ khi nghĩ đến việc xây tháp, ngài đồng thời tìm ra một cách để đánh lừa những bà con của ngài và một cách để cho thầy sám hối những ác hạnh của thầy.
Và ngài nói với thầy, “Con hãy xây một cái tháp như thế này trên đỉnh phía đông của ngọn núi.”
Và thầy bắt đầu xây một cái tháp tròn.
Khi đã hoàn thành phân nửa, lama đến và nói, “Hôm trước, thầy chưa xem xét kỹ vấn đề. Hãy giật sập nó xuống và đem đất đá về chỗ cũ.”
Thầy làm y vậy. Lần sau đó, một hôm lama giả bộ uống nhiều và đưa thầy đến đỉnh núi phía tây rồi nói với thầy, “Hãy làm một cái tháp tương tự cái này.”
Và thầy làm một cái tháp hình bán nguyệt. Vừa mới được một nửa, lama trở lại và nói, “Cũng còn chưa đúng. Hãy giật sập nó xuống và mang đất đá về lại chỗ con đã lấy chúng.”
Lần này thầy và bổn sư đến đỉnh núi phía bắc và ngài nói với thầy, “Đại Phù Thủy, hôm trước ta đã uống và không đưa cho ông mệnh lệnh đúng. Hãy xây một cái tháp thật chắc ở đây.”
Thầy trả lời, “Giật sập cái tháp đã xây nửa chừng làm cho con khốn khổ và cũng tốn kém cho Thầy. Xin ngài suy nghĩ cẩn thận trước đã.”
Lama trả lời, “Hôm nay ta không uống đâu. Ta đã nghĩ về nó rất cẩn thận. Cái tháp này sẽ gọi là Tháp của Thiền giả Mật thừa. Nó phải là hình tam giác. Hãy xây dựng nó. Nó sẽ không bị phá sập.”
Thầy bắt đầu xây cái tháp tam giác. Khoảng một phần ba tháp được hoàn thành thì lama đến và nói, “Đại Phù Thủy, ông làm cái tháp này cho ai? Ai chỉ bảo cho ông làm?”
“Chính lama ra lệnh làm tháp này cho con trai của ngài.”
“Ta không nhớ đã ra lệnh cho ông như thế. Nếu ông đúng, ta phải là điên. Chẳng lẽ ta đã mất trí?”
“Thưa thầy, con nhớ rõ ràng đã nghi ngại sẽ xảy ra như thế này và đã kính cẩn xin thầy suy nghĩ cẩn thận. Thầy trả lời đã suy nghĩ đầy đủ và tháp này sẽ không bị phá hủy.”
“Vậy thì ai làm chứng cho ông? Có lẽ ông định nhốt chúng tôi vào cái tháp tam giác của ông, y như một tam giác huyền thuật, và trút chú thuật lên chúng tôi ; chúng tôi có cướp đoạt gia sản của ông đâu, chúng tôi có ăn tài sản của cha ông đâu. Nếu không phải thế và nếu ông muốn cầu đạo, thì chỉ nội cái hình dáng của tháp này đã mất lòng những vị thần của vùng đất. Hãy đi và đem đất này và những hòn đá này trở lại chỗ cũ. Sau đó, nếu còn muốn giáo pháp, ta sẽ cho ông, còn ông không muốn làm việc đó, hãy rời bỏ nơi đây.”
Khi nói ngài rất giận dữ.
Rất đau khổ và vẫn khát khao cầu đạo, thầy vâng lời. Thầy mang trở lại đất, rồi những tảng đá của cái tháp tam giác về chỗ cũ. Bấy giờ thầy có một vết thương trên vai, thầy nghĩ, “Nếu mình bày lộ nó cho lama thấy, ngài chỉ sỉ vả mình. Nếu mình bày lộ nó cho sư mẫu, mình lại tỏ ra cho bà biết công việc quá nặng nhọc. Và không bày lộ nó cho sư mẫu, thầy khóc năn nỉ sư mẫu giúp thầy có được giáo pháp. Sư mẫu đến trước lama và nói với ngài, “Công việc vô ích xây dựng những cái tháp ấy chỉ đem lại khổ đau cho Đại Phù Thủy. Xin hãy bi mẫn với nó mà ban cho nó giáo pháp.”
Lama trả lời, “Hãy chuẩn bị cho nó một bữa ăn ngon và đem nó vào với tôi.”
Sư mẫu dọn bữa ăn và đem thầy đến trước lama. Ngài nói, “Đại Phù Thủy, chớ nói láo về chuyện mà ta không làm. Bởi vì con muốn giáo pháp, ta sẽ cho con."
Ngài ban cho thầy một giải thích về Ba Quy Y và giới luật căn bản. Và ngài tiếp, “Đây là giới luật tổng quát cho bất kỳ ai. Nhưng nếu con muốn giáo pháp bí mật, đây là điều phải làm.”
Và ngài kể cho thầy câu chuyện giải thoát của Đức Naropa và cách thức ngài Naropa đã chịu đựng những thử thách kinh khủng.
“Đối với con, cách ấy chắc là khó khăn.”
Khi ngài nói những lời này, niềm tin của thầy tăng lên mãnh liệt đến độ thầy chảy nước mắt. Thầy thệ nguyện sẽ làm bất cứ điều gì lama đòi hỏi nơi thầy.
Sau đó vài ngày, lama bảo thầy đi dạo chơi với ngài. Hai người đến khu đất mà những anh em chú bác đã bảo vệ.
Lama nói với thầy, “Hãy xây dựng ở chỗ này một tháp vuông màu trắng cao chín tầng với một sân thượng và một tháp nhọn, thành ra mười tầng. Nó sẽ không bao giờ bị phá hủy. Khi con làm xong, ta sẽ ban cho con giáo pháp bí mật. Bấy giờ con có thể rút vào thiền định và trong lúc ẩn cư ta sẽ cung cấp thực phẩm cho con.”
Thầy nói, “Thế thì có nên để sư mẫu làm chứng cho những lời hứa này không?”
“Rất tốt.”
Rồi ngài vạch trên đất vị trí những bức tường. Thầy mời sư mẫu đến, và trước sự hiện diện của hai người, thầy nói, “Con đã xây ba cái tháp và đã phá hủy chúng. Lần thứ nhất lama nói là chưa suy nghĩ kỹ. Lần thứ hai ngài nói là ngài đã uống bia. Lần thứ ba ngài tự hỏi ngài có điên hay mất trí và không nhớ gì cả. Khi con nhắc ngài về những giáo huấn để trao cho con, ngài hỏi con ai là người làm chứng cho con và ngài còn la mắng con thậm tệ. Bây giờ con mời sư mẫu đến nghe những lời hứa mới này, xin sư mẫu làm chứng cho con.”
Sư mẫu trả lời, “Ta vui mừng làm một người chứng. Nhưng sẽ khó khăn giữ cho lời chứng của ta vì lama rất độc đoán. Trước hết, lama xây lên mà không có lý do và phá đi mà không có lý do. Hơn nữa, khu đất này không chỉ thuộc về riêng chúng ta ; nó cũng thuộc về những anh em chú bác. Đó sẽ là một nguyên nhân để tranh cãi. Dầu ta nói gì, cha sẽ không nghe.”
Lama nói với vợ mình, “Bà chỉ làm chứng thôi. Về phần tôi, tôi sẽ làm theo lời hứa. Đại Phù Thủy, nếu ngươi không có niềm tin và nếu ngươi không dám cam kết, thì hãy đi đi.”
Thế rồi thầy đặt nền móng cho một cái tháp vuông. Khi thầy xây tường, những đệ tử Ngokton họ Shung, Tshurtošn họ Došl và Mertošn họ Tsangrong đang chơi, họ lăn một hòn đá lớn đến chỗ thầy và đặt nó làm viên đá góc.
Khi thầy đã xây cả hai mặt tường tầng hai trên cửa lớn, lama đến và cẩn thận xem xét mọi thứ. Chỉ ngón tay vào tảng đá lớn do ba đệ tử lăn đến, ngài bảo, “Đại Phù Thủy, tảng đá này đến từ đâu?”
Thầy trả lời, “Bạch thầy, do ba đại đệ tử vui chơi mang lại ạ.”
“Tốt, ông phải không được lấy đá của họ để xây. Thế nên hãy lấy nó ra và mang nó về chỗ cũ.”
“Thầy đã hứa là cái tháp này không bị hủy hoại cơ mà?”
“Rất đúng. Nhưng ông không được dùng những đệ tử đang thực hành hai giai đoạn cao cấp của ta như người phục vụ cho ông. Chớ có hủy hoại cái gì cả, mà chỉ đem hòn đá đi và đặt nó vào chỗ cũ.”
Rồi thầy phá đi công trình từ đỉnh và mang hòn đá về lại chỗ của nó.
Thầy vừa làm xong, lama tới và nói, “Bây giờ, ông hãy tự mình lấy lại đem tảng đá về và đặt nó làm tảng đá góc.”
Thầy lăn nó trở lại. Một mình, thầy phải ráng hết sức cho bằng ba người đệ tử. Bởi vì thầy đã tự mình mang nó đi và đem trở lại, thầy đặt tên cho tảng đá là Hòn Đá Khổng Lồ của Tôi.
Khi thầy đang đặt nền móng cho tháp trên đỉnh núi, những anh em chú bác nói với nhau, “Marpa đang xây một cái tháp trên Núi Lời Thề Long Trọng. Chúng ta phải giữ gìn đất của chúng ta.”
Vài người nói, “Marpa điên rồi. Ông ta có một gã mới vào tu từ Latošš đến, rất mạnh mẽ, hắn xây những cái tháp mà không có kế hoạch rõ ràng trên mỗi đỉnh đồi. Khi xây nửa chừng, hắn phá hủy rồi đem đất đá trở lại chỗ cũ. Hắn sẽ phá hủy cái tháp này như những cái trước thôi. Nếu hắn không giật sập nó, bấy giờ chúng ta sẽ ngăn cản không cho hắn tiếp tục. Chúng ta hãy chờ xem hắn sắp làm gì.”
Không phá hủy nó, thầy vẫn tiếp tục xây tháp. Khi thầy làm đến tầng thứ bảy, thầy có một vết thương trên lưng. Những anh em chú bác nói, “Lần này hắn không giật sập nó. Việc phá hủy những cái tháp trước chỉ là một mưu mô che dấu ý định xây dựng cái tháp này. Chúng ta phải hủy hoại nó thôi.”
Họ chuẩn bị gây chiến. Bấy giờ lama triệu tập những hồn ma làm quân sĩ, mặc áo giáp, dàn họ ra khắp nơi trong lẫn ngoài tháp. Những người kia nói, “Marpa lấy đâu ra những người lính này?”
Sợ hãi, họ không dám tấn công, mà mỗi người thầm đảnh lễ và tôn kính ngài, và họ trở thành những thí chủ và đệ tử của Marpa.
Vào thời gian đó, sư huynh Đại Metošn vùng Tsangrong đến thỉnh cầu lễ quán đảnh Bổn tôn Chakrasamvara.(1)
Sư mẫu nói với thầy, “Bây giờ hãy cố gắng mọi cách để được nhận giáo pháp.”
Trong lòng, thầy nghĩ, “Đến bây giờ mình đã xây xong tháp này mà không có một người nào khác đem giúp một viên đá – dù chỉ bằng cái đầu dê – một rổ đất, một xô nước hay một máng hồ, vậy mình cũng đi dự quán đảnh.”
Rồi sau khi chào lama, thầy ngồi xuống với những người khác. Lama gọi thầy, “Đại Phù Thủy, ông có lễ vật gì dâng ta?”
Thầy trả lời, “Con đã tôn kính Thầy bằng cách xây cái tháp cho con Thầy. Thầy có hứa là ban cho con quán đảnh và giáo huấn. Bởi thế con đến đây.”
“Ông đã làm một cái tháp nhỏ thậm chí không dày bằng cánh tay ta. Nó không đáng gì với Pháp mà ta đã khó nhọc lớn lao mang suốt con đường từ Ấn Độ về. Nếu ông có cái gì giá trị đối với giáo pháp của ta, hãy đem nó cho ta. Còn nếu không thì chớ có ở đây, giữa những người thọ pháp bí mật.”
Nói thế, lama tát tai thầy, nắm tóc thầy quẳng ra ngoài. Thầy muốn chết và khóc suốt đêm. Sư mẫu đến an ủi thầy.
“Lama luôn luôn nói rằng những giáo pháp ngài mang từ Ấn Độ về là để cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sinh. Dù một con chó tự trình diện với ngài, ngài sẽ dạy Pháp cho nó, và hồi hướng những công đức chỉ dạy cho lợi lạc cho tất cả. Tại sao ngài từ chối con, ta không biết được. Dù mọi sự có ra sao, con chớ có những tư tưởng xấu về sự việc ấy.”
Khích lệ thầy xong, bà đi. Sáng hôm sau đích thân lama đến. “Đại Phù Thủy, chớ tiếp tục làm tháp nữa. Hãy xây một phòng thờ ở nền tháp có lối đi có mái với mười hai cột trụ. Làm xong ta sẽ ban cho ngươi giáo pháp bí mật.”
Thầy đặt nền móng và xây lối đi có mái. Sư mẫu luôn luôn đem cho thầy những thức ăn đúng mùa và nhiều bia đến nỗi thầy cũng thành người uống hơi nhiều. Bà đầy lòng tốt và luôn luôn khích lệ thầy.
Khi thầy gần hoàn thành, Tshurtošn Ouangnye xứ Došl đến xin quán đảnh Guhyasamaja.(2)
Sư mẫu nói với thầy, “Bây giờ, con của ta, con cần nhận lễ quán đảnh.”
Và sư mẫu cho thầy một thau bơ, một xấp vải, và một nồi đồng nhỏ để dâng cúng cho lama.
Có những lễ vật, thầy nhập với những người khác. Lama hỏi thầy, “Đại Phù Thủy, ngươi đem đến lễ vật gì mà tự xếp vào hàng này?”
“Bạch Thầy, thau bơ này, xấp vải này và nồi đồng này.”
“Những thứ này đã được người khác cho ta. Chớ có cho ta những đồ của ta ! Nếu ngươi có cái gì của riêng ngươi để dâng, thì hãy đi lấy về. Còn nếu không, thì chớ có ở đây.”
Và đứng dậy, ngài chửi mắng, đá thầy và quẳng thầy ra ngoài.
Thầy muốn chìm mất trong đất cho rồi.
Có phải sự trừng phạt này là vì những tội sát nhân mình đã phạm và vì sự phá hủy nhiều mùa màng bởi mưa đá không ? Hay lama đã biết rằng mình không bao giờ có thể thực hành Pháp? Hay vì thiếu từ bi mà ngài không chỉ dạy cho mình ? Có thể là gì đi nữa, thì ích gì cái thân thể con người này mà không có đạo, nó chỉ tích tập thêm nhiễm ô? Hay ta nên tự tử cho rồi!
Vào lúc ấy sư mẫu đem đến cho thầy một phần bánh cúng. Bà an ủi thầy rất nhiều và bỏ đi. Nhưng thầy không muốn ăn, và khóc suốt cả đêm.
Sáng hôm sau, lama đến và nói, “Bây giờ hãy hoàn thành lối đi có mái và cái tháp. Sau đó ta sẽ cho ngươi quán đảnh nhập môn và giáo huấn.
Rồi thầy hoàn thành cái tháp và gần hoàn tất hành lang có mái. Lúc đó thầy có những vết thương trên lưng. Mủ và máu chảy từ ba vết thương đó. Thầy đưa lưng đầy vết thương máu mủ cho sư mẫu xem. Thầy van xin bà cứu thầy, thỉnh cầu lama chỉ dạy cho thầy và nhắc ngài những lời ngài hứa vào lúc đặt nền móng cho cái tháp. Sư mẫu lo lắng nhìn vào những vết thương của thầy, và nước mắt chảy trên mặt bà.
“Ta đi nói với lama đây.”
Và đến trước lama, bà nói, “Lama Rinpoche, công việc Đại Phù Thủy làm đã lột da nó và tay chân đứt nát. Trên lưng nó ba vết thương chảy máu và mủ. Tôi đã từng nghe và thậm chí cả thấy những con ngựa và lừa với những vết thương trên lưng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cũng chưa bao giờ nghe những vết thương như vậy trên lưng con người. Tôi thấy xấu hổ nếu có người khác thấy hay nghe một chuyện như vậy. Tôi càng xấu hổ hơn khi biết rằng việc đó lại do một đại lama như ngài gây ra. Vì nó thật sự xứng đáng để bi mẫn, hãy ban cho nó giáo huấn. Ngài đã nói lúc đầu rằng ngài sẽ cho nó giáo pháp khi nó xây tháp xong.”
Lama trả lời, “Đó đúng là điều tôi đã nói. Tôi nói rằng tôi sẽ cho nó giáo pháp của tôi khi nó xây xong tháp mười tầng. Mười tầng chỗ nào?”
“Nó đã xây còn hơn mười tầng. Nó đã tạo ra một lối đi thấp hơn có mái.”
“Chớ nói nhiều. Nếu nó xây xong mười tầng tôi sẽ dạy nó. Nó thực có những vết thương ư?”
“Không chỉ những vết thương mà hầu như không còn lưng nữa mà chỉ là những vết thương. Nhưng ngài có quá nhiều quyền lực để làm bất cứ điều gì ngài thích.”
Nói thế xong, với sự buồn rầu lớn lao, bà vội vã đến chỗ thầy. “Tốt rồi, con nên đến cùng với ta.”
Trên đường đi, thầy nghĩ, “Phải chăng thầy sắp dạy mình?”
Lama nói với thầy, “Đại Phù Thủy, đưa ta xem lưng ngươi.”
Thầy đưa cho ngài xem và sau khi xem xét nó cẩn thận, ngài nói, “Đạo sư Naropa của ta đã chịu hai mươi bốn sự khổ hạnh, mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ, tất cả đều vượt quá những thử thách của ngươi. Về phần ta, không hề có một ý nghĩ cho đời sống hay tài sản của mình, ta dâng cúng cả hai cho Đạo sư Naropa. Thế nên nếu ngươi tìm cầu giáo pháp, hãy khiêm tốn và tiếp tục việc làm trên cái tháp.”
Thầy thầm nghĩ rằng ngài quả có lý.
Từ cái áo của thầy, ngài làm một tấm đệm để che cho những vết thương của thầy. Ngài nói, “Vì ngươi làm việc chuyên chở như ngựa và lừa, hãy dùng tấm đệm này để đắp những vết thương của ngươi và tiếp tục khiêng vác đất và đá.”
Thầy trả lời, “Làm sao tấm đệm chữa lành những vết thương trên lưng con được?”
“Tấm đệm là để giữ cho bụi đất khỏi dính vào những vết thương của ngươi.”
Nghĩ đó là một mệnh lệnh, thầy mang đất cũng như hồ trong một thùng chứa ở trước thân, lama thấy thầy và nghĩ, “Sự tuân thủ mọi sự ra lệnh này là phi thường.” Và ngài âm thầm chảy nước mắt.
Những vết thương của thầy trở nên bị nhiễm độc và thầy bị bệnh. Thầy nói điều này với sư mẫu. Bà hỏi giùm thầy có được nhập môn không hay ít ra được cho phép nghỉ để chữa lành những vết thương.
Lama trả lời, “Chừng nào tháp còn chưa xong, nó không thể có cái gì cả. Nếu nó có thể làm việc, hãy để nó làm cái gì có thể làm ; còn nếu không thể, hãy để nó nghỉ ngơi.”
Sư mẫu nói với thầy, “Chừng nào những vết thương chưa lành, con hãy nghỉ ngơi.”
Bà bồi bổ cho thầy bằng thức ăn và đồ uống tốt trong thời gian ấy. Trong vài ngày thầy cảm thấy sung sướng ngoại trừ nỗi buồn không có được sự chỉ dạy. Khi những vết thương của thầy đã lành, lama đến và không nhắc gì về Pháp, ngài nói, “Đại Phù Thủy, lúc này ông trở lại công việc xây tháp được rồi đó.”
Thầy sắp sửa đi làm thì sư mẫu nói với thầy, “Giữa hai chúng ta, chúng ta hãy có một kế hoạch để cho con có được giáo pháp.”
Sau khi thỏa thuận với sư mẫu, thầy gói cuốn sách và vài vật dụng trên một bao bột nhỏ, như thể thầy sắp bỏ đi. Để được lama thấy việc này, thầy xin sư mẫu giúp thầy.
Bà nói lớn, “Nếu con thỉnh cầu lama, ngài sẽ ban cho con giáo pháp. Hãy ở lại đây bất chấp mọi sự.” Và bà giả bộ ngăn cản thầy.
Thấy thế, lama hỏi, “Này bà, hai người đang làm gì thế?”
Sư mẫu trả lời, “Đại Phù Thủy nói rằng trước kia nó từ làng xa đến để học giáo pháp. Thay vì có được giáo pháp, nó chỉ nhận được những lời lăng mạ và đấm đá. Vì sợ chết đi mà chưa được chánh pháp, nó đi tìm kiếm một vị lama khác và mang những đồ dùng theo. Nhờ những lời lẽ khẩn thiết và hứa hẹn của tôi mà tôi có thể trì hỗn việc ra đi của nó.”
Lama nói, “Ta hiểu.” Và ngài rời chỗ ngồi, tát thầy tới tấp.
“Khi ngươi đến đây, ngươi đã tức khắc dâng cúng cho ta thân, ngữ, tâm của ngươi. Vậy mà bây giờ ngươi định đi đâu? Chắc chắn không thể bỏ đi, bởi vì ngươi thuộc về ta. Ta có thể cắt ngươi, thân, ngữ, tâm của ngươi, thành ra trăm mảnh. Mà ngươi có đi thì tại sao ngươi lại lấy bột của ta hả?”
Nói rồi, ngài tiếp tục đánh thầy. Ngài giật bao bột và đem nó vào trong nhà. Sự thất vọng đau đớn của thầy không khác gì một bà mẹ đã mất đứa con trai độc nhất. Theo lời khuyên của sư mẫu, và bởi vì lama quá dữ tợn, thầy trở vào nhà, run rẩy và bắt đầu khóc.
Sư mẫu nói với thầy, “Dù chúng ta có cố gắng gì đi nữa, lama cũng không dạy cho con giáo pháp vào lúc này, nhưng chắc chắn cuối cùng ngài cũng ban cho con thôi. Còn bây giờ, ta sẽ chỉ cho con một cái gì đó.”
Bà ban cho thầy phương pháp thiền định về Dorje Pahgmo (Vajravarahi).(3) Nó không đem lại cho thầy kinh nghiệm nội tâm nhưng rất lợi lạc và nó nâng cấp cho tâm thức thầy. Thầy bày tỏ lòng biết ơn với sư mẫu vì lòng tốt của bà.
Thầy nghĩ rằng sư mẫu là vợ của lama, chắc bà có thể tịnh hóa tội lỗi. Vào mùa hè khi bà vắt sữa bò, thầy cầm xô cho bà. Khi bà rang hạt, thầy cầm chảo giúp bà. Như thế ở bất cứ chỗ nào thầy cũng phục vụ sư mẫu.
Vào lúc đó thầy mơ đến việc tìm ra một vị lama khác. Thầy thầm nghĩ, “Nếu ngài Marpa không có giáo pháp để thành Phật trong chỉ một đời và trong chỉ một thân, chắc chắn không vị lama nào khác có thể có được. Cho dù mình không thành Phật ngay, thì ít nhất mình cũng ngưng được sự tích tập nghiệp dẫn đến tái sanh vào các cõi thấp. Khi mình đã chịu đựng vì đạo những thử thách như Naropa, bây giờ lama sẽ rất vui vẻ tuyên bố rằng mình xứng đáng với giáo pháp. Rồi mình sẽ thiền định về nó và hy vọng như vậy sẽ đạt được Giác Ngộ ngay trong đời này.” Nghĩ thế rồi thầy bắt đầu khiêng đá và đất.
Khi thầy đang trộn hồ làm lối đi cho mái và phòng thờ, Ngorkton Chodor xứ Chung và các đệ tử đem nhiều lễ vật đến xin lễ đại quán đảnh Hevajra.(4)
Sư mẫu nói với thầy, “Nếu lama không bằng lòng với cái tháp đã hoàn thành và nếu ngài muốn tài sản, hãy dâng cúng ngài một lễ vật và ngài chắc chắn sẽ ban cho con lễ quán đảnh nhập môn.”
Bà đưa cho thầy một viên ngọc xanh đậm lớn mà bà đã giữ kín và nói, “Con khẩn cầu ngài trước, và dâng ngài viên ngọc. Nếu ngài từ chối, ta sẽ xin cho con.”
Thầy dâng cúng nó cho lama, nói rằng, “Con xin thầy cho con giáo huấn trong dịp này.”
Và thầy đứng giữa những đệ tử. Lama xem xét viên ngọc bích, xoay qua xoay lại.
“Đại Phù Thủy có cái này từ đâu?”
Thầy trả lời, “Bạch Thầy, sư mẫu cho con.”
Lama mỉm cười và nói, “Đi gọi sư mẫu lại đây.”
Khi sư mẫu đến, lama nói với bà, “Này bà, chúng ta có viên ngọc bích này từ đâu?”
Cúi lạy sát đất, sư mẫu trả lời, “Viên ngọc bích này không liên quan đến ngài. Khi cha mẹ gả tôi cho ngài, vì thấy ngài nóng nảy dữ tợn, bấy giờ cha mẹ tôi bí mật cho tôi viên ngọc này và nói với tôi, “Hãy giữ cái này mà đừng cho ai biết. Nếu sau này con và chồng con có ly dị, con có thể cần nó mà sống.” Tôi đã lấy cho đứa con này, tôi rất thương xót nó. Xin hãy chấp nhận và ban quán đảnh cho Đại Phù Thủy. Lama Ngokpa (Ngorkton Chodor xứ Shung), ông và những tín đồ của ông, các người hiểu sự đau buồn của nó khi bị đuổi khỏi lễ quán đảnh, hãy giúp tôi cầu xin.”
Nói xong, bà quỳ lạy nhiều lần. Lama trông vẻ đáng sợ đến độ Ngokpa và các đệ tử của ông không dám thốt lên lời cầu xin nào. Họ chỉ tỏ bày những cử chỉ tán đồng và quỳ lạy theo với sư mẫu.
Lama nói, “Với sự giúp đỡ ân cần của vợ ta, viên ngọc bích đẹp đẽ này suýt rơi vào tay một người xa lạ.”
Và đeo vào cổ, ngài tiếp tục, “Này bà, bà không suy nghĩ gì cả. Nếu ta hoàn toàn là đạo sư của bà, thì ta cũng là đạo sư của viên ngọc của bà. Đại Phù Thủy, nếu ngươi có tài vật gì, hãy đưa ra và được truyền pháp nhập môn. Còn viên ngọc bích này là của ta.”
Nghĩ rằng sư mẫu với lòng nhiệt thành sẽ thỉnh cầu thêm khi đã dâng cúng viên ngọc, thầy ở nguyên chỗ. Nhưng lama nổi giận và bật dậy: “Ta đã cho ngươi đi rồi, vậy mà ngươi vẫn đứng đây. Thực vô lễ láo xược!”
Ngài quẳng thầy té úp mặt xuống đất, thầy tối tăm mặt mũi. Ngài vật thầy ngã ngửa và thầy nổ đom đóm. Rồi ngài nắm lấy một cây gậy, nhưng Ngokpa giữ ngài lại. Kinh hãi, thầy nhảy xuống sân. Dù điều này làm ngài lo âu, ông vẫn tỏ ra còn giận dữ.
Thầy không bị gãy tay chân, nhưng tràn ngập đau buồn và muốn được chết. Bấy giờ sư mẫu đến, đầy nước mắt, nói với thầy, “Đại Phù Thủy, chớ tuyệt vọng. Không có đệ tử nào nhiều đức tin hơn hay đáng yêu hơn con. Nếu con muốn đi đến một lama khác để học Pháp, ta sẽ sửa soạn mọi thứ cần thiết cho con. Ta sẽ cho con lương thực và vật để tặng.” Bà an ủi thầy như vậy.
Trước đó sư mẫu luôn luôn tham dự vào mọi cuộc họp chúng của lama. Nhưng đêm đó bà đến và khóc với thầy suốt cả đêm.
Sáng hôm sau, lama gọi thầy lên. Thầy đến với ngài, tự hỏi hay ngài sẽ dạy thầy. Ngài hỏi, “Ngươi không bất mãn với việc ta từ chối dạy cho ngươi chứ? Ngươi có những ý nghĩ xấu hay không?”
“Con tin vào lama, thầy trả lời, và không hề thốt lên một lời bất bình. Trái lại, con tin rằng con đang tối tăm vì những tội lỗi của con. Con là tác giả của sự khốn khổ của chính con.” Thầy khóc. Và ngài nói tiếp, “Ngươi mong đạt được điều gì nơi ta bằng những giọt nước mắt này ư ? Đi ra ngay !”
Rồi thầy thầm nghĩ trong một trạng thái khốn khổ đau lòng, “Ta đã có nhiều đồ dự trữ khi ta phạm vào nhiều tội lỗi. Nhưng bây giờ thực hành đạo pháp, mình lại chẳng có gì cả. Nếu mình có một nửa số vàng mà mình đã cho đi để làm những ác hạnh, thì mình đã có thể nhận lãnh lễ quán đảnh và giáo pháp bí mật. Giờ đây không có lễ vật, lama không dạy cho mình. Dù mình có đi lama khác, ngài cũng đòi hỏi lễ vật. Đạo bị cấm đối với người nghèo. Không có đạo, một người chỉ là một kẻ tích tập tội lỗi, như thế thì ta tự tử là tốt hơn. Làm gì bây giờ ? Làm gì bây giờ? Ta sẽ đi và làm công cho một người giàu chăng ? Ta sẽ kiếm tiền lương và có lễ vật cho sự học pháp chăng ? Bởi vì ta đã phóng ra những chú thuật, bây giờ ta có nên trở về làng ? Mẹ mình chắc vui mừng gặp lại mình, và mình sẽ có thể kiếm được một số tiền. Hoặc ta phải kiếm một nơi khác hay tìm ra tiền của.”
Thầy tự nghĩ, “Nếu mình lấy bột của lama làm lương thực thì chỉ làm ngài giận thêm nữa.” Thầy lấy mấy cuốn sách và bỏ đi không nói gì, dù với sư mẫu. Trên đường đi, thầy nhớ đến lòng tốt của bà, thầy quý chuộng lòng tốt ấy bao nhiêu.
Khởi hành từ Drowo Lung được nửa ngày, thầy dừng lại để làm bữa ăn. Thầy khất thực một ít bột và mượn một cái nồi. Gom ít củi khô, thầy nấu bữa ăn và dùng hết. Bây giờ đã quá giữa trưa và thầy nghĩ, “Nửa phần công việc của mình là để phục vụ lama ; nửa kia là để trả cho thực phẩm của mình. Sửa soạn chỉ một bữa ăn mà đã khó khăn đối với mình. Thế mà sư mẫu nấu nướng và phục vụ thức ăn cho mình mỗi ngày, vậy mà mình chẳng nói với bà một lời từ giã, quả mình là người xấu ! Mình có nên trở lại không?”
Nhưng thầy không có can đảm trở lại. Khi thầy trả cái nồi, một ông già nói với thầy, “Anh thanh niên, anh làm việc được. Hơn là đi khất thực, hãy đi đến nhà người ta tụng kinh nếu anh biết đọc. Nếu anh không biết đọc, hãy làm việc như người làm công để có cơm áo. Anh có thể đọc không?”
Thầy trả lời, “Tôi không phải là một người đi xin, và tôi biết đọc.”
“Tốt, hãy đi và tụng kinh ở nhà tôi. Tôi sẽ trả công xứng đáng cho anh.”
Thầy sung sướng. Và khi ở đó, thầy tụng Tám Ngàn Bài Kệ.(5) Rồi thầy đọc tiểu sử của Taktugnu (Người Thường Khóc).(6) Thầy nghĩ, “Taktugnu, ngài cũng không có tiền, đã bán thân và mạng sống của mình vì đạo. Ngài đã dứt trái tim mình ra và bán nó, ngài cắt nó thành nhiều mảnh. So với ngài, ta chẳng cho cái gì cả vì đạo pháp. Có thể Lama Marpa sẽ ban cho ta giáo pháp. Nếu ngài không ban nó cho ta, sư mẫu đã hứa giúp ta gặp một đạo sư khác.” Ý nghĩ này cho thầy can đảm để trở lại, và thầy bắt đầu đi về lại.
Khi thầy đã bỏ đi, sư mẫu nói với lama, “Kẻ thù không thể khuất phục được của ngài đã đi rồi. Bây giờ ngài có sung sướng chưa?”
“Ai đi?”
“Vâng, có ai khác ngoài Đại Phù Thủy bị ngài trút lên đủ thứ thống khổ và có ai khác được ngài đối xử như một kẻ thù?”
Nghe những lời này, khuôn mặt lama trở nên u ám và đẫm ướt nước mắt. “Hỡi chư vị lama của dòng Kagyuš, những dakini và những hộ pháp, hãy mang trở lại đứa con tiền định của tôi về đây.”
Cầu nguyện xong, ngài lấy áo choàng trùm đầu lại và ngồi bất động.
Vào lúc ấy thầy đến trước mặt sư mẫu và chào bà. Sung sướng bà kêu lên, “Con đến đây thật đúng lúc. Có vẻ bây giờ lama sẽ dạy cho con. Khi ta nói con đã ra đi, ngài kêu lên, ‘Hãy cho tôi lại đứa con tiền định của tôi.’ Rồi ngài bật khóc. Hình như con đã làm ngài mềm lòng.”
Thầy thầm nghĩ, “Sư mẫu chỉ làm vơi nhẹ lòng mình. Nếu quả thật ngài chảy nước mắt, ngài đã nói “Đứa con định mệnh của ta”, thì mình hoàn toàn hạnh phúc. Còn nếu ngược lại, ngài chỉ nói, “Hãy đem nó lại cho tôi” theo kiểu trước kia ngài đã từ chối cho ta quán đảnh và giáo huấn, thì quả thực mình rất bất hạnh. Mình không có nơi nào khác để đi. Mình phải khốn khổ ở đây, mà không bao giờ có được giáo pháp chăng?”
Sư mẫu nói với lama, “Đại Phù Thủy đã không bỏ chúng ta. Nó đã trở về. Nó có thể đến trước mặt ngài không?”
Lama trả lời, “Nó đã bỏ rơi chúng ta, nhưng nó không bỏ rơi chính nó. Nếu bà muốn, hãy để nó đến.”
Thầy đến trước ngài, và ngài nói, “Đại Phù Thủy, nếu từ đáy lòng ngươi, ngươi mong muốn đạo pháp với một sự nôn nóng và không ngừng nghỉ như vậy, ngươi phải dâng hiến cuộc đời ngươi cho nó. Hãy hoàn thành ba tầng còn lại của cái tháp và ta sẽ cho ngươi giáo pháp. Nếu không, bởi vì nuôi ngươi ở không thì hao tốn và nếu mà ngươi có chỗ nào khác để đi, thì hãy đi ngay bây giờ.”
Thầy không thể nói được một lời nào, nên thầy đi ra. Thầy nói với sư mẫu, “Lama vẫn từ chối chưa dạy con. Nếu chắc chắn rằng ngài ban cho con giáo pháp khi con hoàn tất cái tháp, con sẽ ở lại. Nhưng nếu khi cái tháp đã xong mà ngài còn quyết định không dạy cho con, thì con không phải biết làm gì. Con mong mỏi được gặp lại mẹ của con. Bởi thế con xin phép về làng. Cầu chúc lama và sư mẫu luôn luôn mạnh khỏe.”
Thầy lạy và cầm lấy những cuốn sách, chuẩn bị ra đi.
Sư mẫu nói, “Con ta, con có lý. Như ta đã hứa với con, ta sẽ tìm một cách để con được Ngokton dạy cho. Vị ấy là đại đệ tử của lama và đã được quán đảnh. Hãy nán lại ít lâu, trong thời gian đó hãy làm việc.
Thầy vui vẻ ở lại và tiếp tục làm việc.
Bởi vì đức Naropa có tục lệ lấy ngày mùng mười mỗi tháng làm đại lễ dâng cúng. Ngài Marpa cũng cử hành vào ngày mùng mười. Khi ấy, sư mẫu lấy những lễ vật – những hạt ngọc của đức Naropa và xâu chuỗi bằng hồng ngọc – ra khỏi phòng ngài. Rồi bà viết một lá thư giả của ngài. Đóng dấu triện của ngài trên bức thư, bà gói tất cả vào trong một tấm vải quý, niêm lại với sáp và đưa nó cho thầy, bảo rằng, “Hãy làm như những điều này do lama gởi. Hãy đi và dâng cúng cho Lama Ngokpa và thỉnh cầu ngài dạy cho con.”
Bà bảo thầy tới Shung, thầy ra đi, đặt mọi hy vọng vào Lama Ngokpa.
Hai ngày sau, Lama Marpa nói với sư mẫu, “Bây giờ Đại Phù Thủy đang làm gì?”
“Nó đã lên đường. Tôi không biết gì hơn.”
“Nó đi đâu?”
“Nó nói với tôi rằng dù nó đã làm xong việc trên cái tháp, ngài vẫn không cho nó giáo huấn mà còn xối xả vào nó những đánh đập và la mắng. Nó nói nó đi tìm một vị lama khác. Tôi nghĩ rằng có báo trước cho ngài cũng bằng thừa, vì ngài không lưu tâm. Rồi ngài sẽ lại đánh nó. Để tránh việc ấy, tôi không nói gì với ngài. Tôi đã làm mọi sự để trì hỗn sự ra đi của nó. Nhưng nó không nghe và đã đi.”
Với vẻ mặt giận dữ, lama hỏi, “Nó bỏ đi khi nào?”
“Nó đi hôm kia.”
Lama yên lặng suy nghĩ một lát. “Con ta chưa thể đi xa đâu.”
Vào lúc đó thầy đến núi Kyungding vùng Shung. Lama Ngokpa đang giảng một bản văn mật truyền có tên là “Hai Phần”(7) cho các đệ tử của ngài. Bài thuyết pháp của ngài dừng lại khi đang giảng đến đoạn kinh:
Ta là Đạo sư của Pháp
Ta là Thính Chúng.
Ta là Đạo sư của Pháp giới và là Đối Tượng của Chứng Ngộ.
Ta là cái Tùy Duyên và cái Vô Duyên.
Ta là Bản Tánh Bổn Nhiên của Phúc Lạc Tự Nhiên.
Khi ngài đang đọc những lời ấy, thầy đảnh lễ từ xa. Ngài đáp lại bằng cách dở mũ, và nói, “Đây là cách chào mà những đệ tử của tôn sư Marpa thường làm. Và những lời kinh khi ông tới là một điềm triệu tốt lành. Vì người này sẽ là Đạo sư của mọi Giáo Lý. Hãy đi ra hỏi ông ta là ai.”
Một nhà sư đến gặp thầy và do đã biết thầy, nói rằng, “Tại sao ông đến đây?”
“Bởi vì Lama Marpa quá bận, tôi chỉ một mình nên ngài không có thời giờ dạy cho. Tôi đến đây để thỉnh cầu giáo pháp. Tôi đem theo những viên ngọc và xâu chuỗi hồng ngọc của Tổ Naropa như là lễ vật.”
Nhà sư trở lại nói với thầy của ông và nói, “Đó là Đại Phù Thủy.” Và ông lập lại lời thầy nói.
Lama ngập tràn niềm vui. Ngài thốt lên, “Những viên ngọc và xâu chuỗi của Đại Đạo sư Naropa ở chỗ của ta ! Điều này hy hữu và kỳ diệu như hoa Ưu Đàm (Udumbara). Chúng ta phải đi ra đón nhận. Hôm nay chúng ta hãy dừng ở chỗ tốt lành này trong bài học kinh của chúng ta. Các nhà sư hãy đem lọng, cờ phướn và não bạt ra nhanh lên và mời Đại Phù Thủy vào chỗ của ông trong đám rước.”
Vì thầy vẫn ở chỗ ban đầu khi thầy đảnh lễ vái chào, một nhà sư đến nói với thầy lời phán truyền ấy. Thầy gọi chỗ đứng đó là Chaktsal Gang (Bờ Vái Chào).
Thầy bước lui và rồi nối vào đoàn các nhà sư, tạo thành đám rước với lọng, cờ phướn và não bạt. Tất cả đi vào nhà lama. Thầy lạy và đưa ngài bức thơ và những lễ vật. Chảy nước mắt, lama đưa lễ vật lên trán và nhận sự ban phước của những lễ vật. Ngài đặt những vật thiêng liêng này trên bàn thờ ở chỗ cao nhất và đặt những đồ cúng ở trước chúng.
Rồi ngài đọc bức thư :
“Gởi Choku Dorje (Kim Cương của Thực Tại Tối Hậu) : Bởi vì thầy đã nhập thất và Đại Phù Thủy nôn nóng nên thầy gởi nó đến con để cầu xin giáo pháp. Hãy ban cho nó quán đảnh và giáo huấn. Để làm chứng tín cho sự cho phép của ta, ta gởi cho con những viên ngọc của Đức Naropa.”
Lama Ngokpa nói, “Vì đây là lệnh của ngài Marpa, ta sẽ dạy cho ông. Ta đã nghĩ đến việc tìm ông nhưng may thay nhờ hồng ân của ngài Marpa mà ông đã đến. Nhiều đệ tử đến với ta từ Kham, Tagpo, Kongpo và từ Yarlung. Nhiều người xấu trong những làng Yehpo và Yemo xứ Došl thường cướp bóc đồ dự trữ của họ. Hãy đi và đánh bọn họ bằng mưa đá. Sau đó ngươi sẽ nhận quán đảnh và giáo huấn.”
Bấy giờ thầy nghĩ, “Số phận của ta là thực hiện những ác nghiệp. Mình chỉ có giáo huấn thiêng liêng nếu làm mưa đá, và vì vậy mà lại lao vào những hành vi tổn hại. Nếu mình không làm mưa đá, mình sẽ không vâng lời của lama và mình sẽ không nghe được giáo pháp. Mình không thể tránh việc tạo ra mưa đá.”
Thu thập một số vật dụng nghi lễ, thầy truyền năng lực huyền thuật vào mè và đem chúng theo. Đến tỉnh Došl, thầy sửa soạn công việc và chuẩn bị kéo mưa đá đến.
Ở Yehpo thầy ngụ trong một căn nhà của một cụ bà và làm cho thầy một cái cốc bên cạnh. Cơn bão tụ lại rất nhanh. Sấm sét vang rền. Mây đen chồng chất, từng lớp từng lớp và mưa đá bắt đầu rơi xuống.
Cụ bà kêu lên, “Trời ơi, mưa đá phá sạch lúa màu, ta lấy gì để ăn?” Và bà cụ khóc.
Thầy nghĩ, “Điều mình làm là phạm tội.” Và thầy nói với bà cụ, “Hãy vẽ hình dáng miếng ruộng của cụ nhanh lên.”
“Nó như thế này.”
Bà cụ vẽ một tam giác dài. Thầy bắt ấn(8) trông nom và phủ một cái chảo lớn lên hình tam giác. Đỉnh của tam giác hơi dư ra một tí, đã bị tàn phá bởi cơn gió.
Thầy ra xem xét tận mắt những kết quả. Những ngọn núi lấn ra sau hai ngôi làng tạo thành những dòng thác. Chỉ có miếng ruộng của bà cụ còn nguyên vẹn và tươi tốt. Tất cả những đám khác không còn gì cả. Chóp xa của miếng ruộng tam giác đã bị lũ cuốn trôi. Thầy bảo đảm với bà cụ rằng từ nay trở đi miếng ruộng của bà luôn luôn được che chở và bà khỏi tốn tài sản để bảo vệ nó khỏi mưa đá. Bà cụ chỉ phải lo cho phần bị lũ cuốn trôi.
Thầy bỏ đi. Trên đường thầy gặp hai người chăn cừu, một người già và một đứa nhỏ, đàn cừu của họ đã bị lũ cuốn trôi.
Thầy nói với họ, “Tôi là người đã làm ra chuyện này. Từ nay trở đi chớ có cướp bóc những nhà sư của Lama Ngokpa nữa. Nếu các ngươi lại cướp bóc họ, các ngươi sẽ bị mưa đá giáng xuống mỗi lần như vậy.”
Họ nói lại những lời đe dọa này và hai địa phận ấy đều tôn kính vị lama. Muốn trở thành những tín đồ thuận thành của ngài, họ dâng cúng ngài những sự phục vụ của họ.
Ở một bụi cây, thầy tìm thấy nhiều con chim nhỏ chết. Dọc đường về, thầy gom những xác chim và chuột. Thầy bỏ đầy mũ trùm đầu và túi của áo mưa và khi trở về vị lama thầy chất đống dưới chân ngài.
“Lama Rinpoche, con tới đây vì thánh pháp nhưng thật ra con chỉ làm thêm nghiệp tội. Xin hãy từ bi với con, một kẻ đại tội lỗi.” Nói xong thầy khóc.
Lama trả lời, “Hỡi đệ Đại Phù Thủy, chớ có sợ. Chúng ta, những đệ tử của Đức Naropa và Maitrepa,(9) biết mật chú gọi là “Bắn một phát ná đuổi cả trăm con chim”, nó cho phép những người đại tội lỗi thành tựu Giác Ngộ tức thời. Trong tương lai tất cả những chúng sanh hiện giờ bị mưa đá giết sẽ tái sanh quanh ông và sẽ làm thành một đám rước khi ông đạt Giác Ngộ viên mãn. Hãy vui mừng là từ nay chúng không còn sinh vào những cõi thấp nhờ ở ta. Nếu ông không tin ta, ta sẽ cho ông thấy.”
Sau khi tập trung giây lát, ngài búng ngón tay và tức thì những xác chết sống lại. Trong khoảnh khắc một số bay thẳng lên trời và một số khác bay là là về tổ của chúng. Thầy nghĩ, “Ta đã thấy một vị Phật thật sự. Như thế thì tốt biết bao nhiêu, tốt biết bao nhiêu nếu nhiều sinh vật chết theo kiểu này.”
Rồi lama ban cho thầy nhập môn vào Mạn đà la Hevajra. Sau khi ngài đã cho thầy giáo pháp này, thầy đi vào một cái hang bỏ không trên một vách đá, hướng về phía nam, từ nơi đây có thể thấy được nhà của lama. Thầy nhốt mình trong đó, chỉ để một lỗ nhỏ qua đó lama có thể dạy cho thầy. Thầy thiền định không ngơi nghỉ. Nhưng vì thầy đã bỏ đi không được Marpa cho phép, thầy không có kinh nghiệm bên trong nào cả.”
Một hôm lama nói với thầy, “Sư đệ Đại Phù Thủy, ông đã kinh nghiệm dấu hiệu bên trong nào?”
“Không, không có gì cả.”
“Ông nói gì thế? Trừ phi dòng dõi tâm linh của ta trở nên hư thối vì bất hòa, chứ nó có thần lực để đem lại một thức tỉnh chứng ngộ nhanh chóng. Ông đã đến với ta trong niềm tin thuần thành. Nhưng nếu ông không được phép của Lama Marpa cho đi, thì tại sao ngài gởi lễ vật cho ta? Có cái gì ở đây nhỉ? Dầu sao, hãy kiên trì trong việc thiền định của ông.”
Thầy nín lặng, đầy sợ hãi. Thầy tự hỏi hay nói hết sự thật ra. Nhưng không có can đảm để nói, thầy nghĩ, “Dù sao thì Marpa chắn chắn đã nghe chuyện này.” Và thầy trầm mình trong thiền định.
Khi ấy Marpa đã hoàn thành cái tháp của con ngài và ngài gởi một lá thư cho Ngokpa: “ Bây giờ cái tháp của con thầy đã đến lúc cần một vòm trang hoàng bằng gỗ, vậy hãy gởi cho thầy thật nhiều cây gỗ. Khi thầy đặt xong vòm trang hoàng và tháp nhọn, con hãy đến an vị cho tháp, và cũng làm lễ đến tuổi của Doday Bušm (con của Marpa). Hãy đem theo với con một gã ác hạnh nó vốn thuộc về thầy.”
Lama Ngokpa đến lỗ nhỏ nơi thất của thầy và đưa cho thầy bức thư, nói, “Đúng như bức thư nói. Kẻ ác hạnh mà bức thư đề cập không phải được Marpa gởi đến.”
Thầy trả lời, “Đúng là lệnh không đến từ bản thân lama. Chính sư mẫu đưa cho con lá thư và những lễ vật rồi gởi con đến đây.”
“A ha! Nếu sự việc như vậy, thì chúng ta không có lý do gì để làm việc với nhau. Không có sự cho phép của lama, ông sẽ không thành tựu kết quả nào. Chẳng có gì xảy ra cả. Ngài nói đem ông trở về. Ông muốn đi hay không?”
“Con đi với ngài như một người hầu được không?”
“Tốt. Khi ta gởi gỗ để làm vòm trang trí, ta sẽ gởi người theo để biết ngày làm lễ. Từ đây đến đó, hãy ở trong thất.”
Người được gởi đi hỏi ngày làm lễ trở về và đến thất thầy nói qua lỗ nhỏ, “Lễ an vị cái tháp và đúng tuổi của con trai Marpa đã được bàn thảo chi tiết.”
“Họ có nói về tôi không?”
“Sư mẫu hỏi ông đang làm gì. Tôi bảo với bà ông đang biệt cư nhập thất. Bà hỏi tôi ông đang làm gì khác ngoài việc đó. Tôi trả lời rằng ông đang sống trong một chỗ hoang vắng. Rồi bà nói, ‘Có lẽ nó quên cái này nên bỏ lại đây. Khi ở với chúng ta nó thường rất thích cái ấy. Hãy đem cho nó.’ Đây là cái bà đưa cho tôi.
Mở lỏng dây buộc bụng, anh ta rút ra một cái xúc xắc bằng đất sét và trao cho thầy. Nghĩ rằng vật này từ tay sư mẫu, thầy chạm nó vào trán với lòng tôn kính.
Khi người ấy đi rồi, thầy cảm thấy thích chơi xúc xắc và thầy chơi. Nhưng thầy nghĩ, “Khi còn ở với sư mẫu, mình có bao giờ chơi xúc xắc đâu. Có lẽ bây giờ bà không còn thương mình nhiều. Chính vì cái xúc xắc mà ngày xưa làm cho tổ tiên mình phải bỏ xứ ra đi.” Và quay vòng nó trên đầu thầy, thầy ném nó xuống đất. Nó vỡ ra và lộ ra một cuộn giấy tròn, “Bây giờ lama sẽ nhập môn cho con và ban giáo pháp. Hãy trở về với Lama Ngokpa.”
Thầy sung sướng quá đỗi đến độ nhảy nhót, phóng từ vách này sang vách kia. Rồi Lama Ngokpa đến và nói với thầy, “Đại Phù Thủy tính tốt, hãy đi ra và sửa soạn đi.”
Thầy vâng theo. Lama Ngokpa mang theo mọi thứ sưu tầm của ngài, từ hình tượng, kinh điển, tháp đến vàng ngọc, lụa là quần áo và mọi vật dụng gia đình, chỉ để lại những quà tặng của Marpa cho. Ngài ra lệnh cho thầy để lại một con dê già bị gãy chân không thể theo bầy. Ngài đem đi tất cả những con vật khác trong chuồng và ngoài đồng cỏ.
Khi mọi người sửa soạn ra đi, ngài nói với thầy, “Bởi vì ông đã giúp ta nhiều, hãy lấy tấm lụa và viên ngọc bích này làm quà dâng cúng cho Lama Marpa. Vợ ngài cũng cho thầy một bao phó mát để cúng dường cho sư mẫu Dakmema.
Rồi Lama Ngokpa với vợ, đoàn tùy tùng và thầy đến đáy Thung Lũng Cây Bu Lô. Ngài Ngokpa nói, “Sư đệ Đại Phù Thủy, hãy đi trước và nói với sư mẫu rằng chúng ta đang đến. Hãy xem thử bà có gởi cho chúng ta ít bia được không.”
Thầy tiến lên trước. Trước tiên thầy gặp sư mẫu. Thầy chào bà và dâng cúng bà bao phó mát.
“Lama Ngokpa đang đến”, thầy nói. “Xin hãy đem cho ngài ít bia để chào đón ngài.”
Sư mẫu vui vẻ trả lời, “Lama ở trong phòng ngài. Hãy đi và tự mình thỉnh cầu ngài.”
Thầy vào nhà. Lama đang ở trên sân thượng thực hiện những sùng mộ của ngài, mặt ngài quay về hướng đông. Thầy lễ lạy và dâng ngài tấm vải lụa và ngọc bích. Ngài quay mặt đi và nhìn về hướng tây. Thầy qua phía đó và lại lễ lạy. Ngài lại quay về hướng nam.
Thầy kêu lên, “Ôi Đạo sư, quả là đúng khi Thầy từ chối những lễ vật của con như một sự trừng phạt. Nhưng Lama Ngokpa đang đến với bộ hình tượng, kinh điển, tháp, vàng và ngọc bích, với đàn gia súc và tất cả tài sản của ngài. Ngài chỉ mong có ai đến đón ngài với một ít bia. Thế nên con đến để xin Thầy.”
Giận dữ nổ bùng, lama búng ngón tay và quát lên với một giọng khủng khiếp, “Từ ba tạng kinh điển ở Ấn Độ ta đã rút ra được tinh túy của bốn Tantra. Khi ta đem giáo pháp về, không có người nào đón chào ta, dù chỉ một con chim nhỏ. Và bởi vì Ngokpa đang đến, đẩy theo một mớ súc vật suy nhược đằng trước ông ta, ông ta lại muốn rằng ta, Đại Dịch Giả, phải đi đón ông ta à. Ta sẽ không đi – và bây giờ hãy cút đi!”
Thầy đi ra và nói tất cả cho sư mẫu. Bà nói, “Lama trả lời trong giận dữ. Ngokpa là một con người vĩ đại và cần được đón tiếp. Chúng ta hãy đi, ta và con.”
Thầy trả lời, “Lama Ngokpa và vợ ngài không chờ đợi ai ra đón họ. Họ chỉ xin một cái gì để uống, thế nên con sẽ đi một mình mang ra cho họ.”
Nhưng sư mẫu đi đón cùng với những vài nhà sư.
Trong khi đi, nhiều người vùng Vách Đá Phía Nam đã tụ tập, được mời vào đại tiệc đến tuổi thành nhân của con trai ngài lama và an vị cho ngôi nhà. Và ngài Marpa ở giữa đại chúng cất cao bài tán thán và tạ ơn:
Con kêu cầu Đạo sư của con, bậc Bi Mẫn;
Đại toàn thiện tràn đầy trong dòng phái quý báu của con, vô nhiễm với yếu kém và khuyết tật.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong con đường nhanh chóng của bí truyền,
Không lỗi lầm hay mê dối.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiệntràn đầy trong Marpa Lotsava,
Giữ gìn tinh túy của những bí mật này.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong những lama, những yidam và những dakini,
Sở hữu nguồn ban phước và giúp đỡ cho thực chứng.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong những đứa con tâm linh và đệ tử tụ hội,
Trong niềm tin và trong những thệ nguyện của các con.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong những thí chủ xa gần,
Tích tập phước đức bởi sự rộng lượng bố thí,
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong mọi hoạt động và mọi nỗ lực của tất cả chúng ta.
Thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của những người khác.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong chư thiên và bán thiên trong thế giới hữu hình.
Bền bỉ tin vào những lời nguyện thiêng liêng của họ.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đại toàn thiện tràn đầy trong chư tăng và cư sĩ tụ hội ở đây.
Trong nguyện vọng cho an lạc của họ.
Nguyện tất cả được ban phước qua Đại toàn thiện này.
Đức Marpa tán ca như thế. Tức thời sau đó, Lama Ngokpa dâng cúng ngài những lễ vật và nói, “Lama Rinpoche, bởi vì thầy đã là Đạo sư của toàn bộ thân, ngữ, tâm của con, bây giờ con xin cúng dường mọi tài sản thế gian của con, chỉ trừ một con dê lông dài, già yếu và gãy chân bị bỏ lại không thể đi theo. Xin thương xót ban cho chúng con quán đảnh và giáo huấn thâm sâu và giáo pháp bí mật trong những cuộn kinh.” Và ngài lễ lạy.
Ngài Marpa, biểu lộ vui mừng, trả lời, “Dù như vậy, sự quán đảnh nhập môn và những giáo huấn sâu xa của ta là con đường ngắn nhất của Kim Cương thừa, nó không phải chờ vô số kiếp, mà trực tiếp đưa đến Giác Ngộ trong đời này. Những giáo lý được viết trong những cuộn giấy được thầy giữ gìn canh chừng kỹ lưỡng theo những mệnh lệnh nghiêm mật của bổn sư của thầy và những dakini. Đó là tại sao sẽ khó mà đưa cho con những giáo lý này trừ phi con dâng cúng cho thầy con dê già què quặt ấy, dù nó có tệ đến đâu đi nữa. Còn những giáo pháp khác, thầy đã dạy hết cho con rồi.”
Mọi người có mặt đều bật cười, và ngài Ngokpa trả lời, “Nếu con dê được đem đến đây và con cúng dường cho Thầy, thì Thầy sẽ phát lộ giáo pháp bí mật cho con?”
“Nếu tự con đem nó đến và cúng dường ta, con sẽ có giáo pháp.”
Sáng hôm sau, khách đã rút lui, ngài Ngokpa lên đường một mình.
Sư huynh trở lại với con dê trên lưng và cúng dường nó cho Đức Marpa, ngài kêu lên vui vẻ, “Ông là một đệ tử đã nhập môn đúng nghĩa, xứng đáng được gọi là tin vào sự nối kết thiêng liêng của mình. Thầy có cần gì con dê này. Thầy chỉ muốn nhấn mạnh sự quan trọng của giáo pháp thầy sắp cho con.”
Ngài ban cho sư huynh quán đảnh và giáo huấn như đã hứa.
Những nhà sư đến từ nơi xa, cùng với một ít người thân sửa soạn một lễ tiệc cúng. Đức Marpa để một cây gậy dài bên cạnh chỗ ngồi. Nhìn thẳng vào ngài Ngokpa với đôi mắt dài hẹp và chỉ ngón tay vào ông, ngài hỏi, “Ngokton Chodor, tại sao ông ban quán đảnh và giáo huấn cho cái tên tội lỗi xấu xa là Tin Lành này ?”
Vừa nói, ngài liếc nhìn cây gậy. Ngài Ngokpa sợ hãi và quỳ lạy, trả lời, “Lama Rinpoche, Thầy đã đích thân viết thư cho con bảo làm lễ quán đảnh và chỉ dạy cho Đại Phù Thủy, và Thầy ban cho con những viên ngọc của Naropa và chuỗi hạt hồng ngọc của Tổ. Như thế con đã làm theo lệnh của Thầy. Con không có gì đáng trách và con cảm thấy không hổ thẹn hay hối hận.”
Nói thế, ngài Ngokpa sợ hãi ngước mắt lên. Giận dữ, Đức Marpa chỉ ngón tay vào thầy và hỏi, “Ngươi lấy những cái ấy ở đâu?”
Trái tim thầy hấp hối như vọt ra ngoài, thầy kinh hoảng nín lặng. Rồi với giọng run rẩy thầy thú tội rằng sư mẫu đã đưa chúng cho thầy.
Lama nhảy tới và khua cây gậy rõ ràng là để đánh sư mẫu. Đã chăm chú nghe từ nãy đến giờ, bà đứng lên và chạy mất.
Trú ẩn trong điện thờ, bà đóng cửa lại. Lama lay cửa, rồi trở về ngồi xuống. Ngài nói với ngài Ngokpa, “Ngokton Chodor, con đã làm không có sự cho phép của thầy. Hãy đi ngay lúc này và đem về đây những viên ngọc và chuỗi hạt hồng ngọc của Tổ Naropa.”
Rồi Đức Marpa phủ đầu mình bằng cái áo choàng và ngồi bất động.
Lạy xong, ngài Ngokpa lập tức đi lấy về những hạt ngọc và xâu chuỗi của Tổ Naropa. Thầy tiếc là không thoát đi với sư mẫu.
Thầy thấy muốn khóc, và cố gắng cầm giữ nước mắt, khi ngài Ngokpa thấy thầy, thầy xin ngài cho đi theo làm người hầu. Ông trả lời, “Nếu tôi đem ông đi theo không có sự cho phép của lama, rồi cũng sẽ bị như hôm nay. Vì ngài giận cả hai chúng ta, hãy ở lại đây cái đã. Nếu sau này ngài đuổi ông đi, không chấp nhận làm đệ tử nữa, thì lúc ấy ta sẽ có đủ quyền hạn để giúp cho ông.”
“Vì những tội lỗi của tôi khiến sư mẫu và sư huynh phải bị phiền nhiễu, và bởi vì với thân thể hiện tại này tôi sẽ không nhận được Pháp mà chỉ tích tập thêm tội lỗi, tôi sẽ tự tử cho rồi. Nguyện tôi được tái sinh với một thân thể xứng đáng để học đạo!”
Thầy sắp tự tử thì ngài Ngokpa can ngăn thầy. Và sư huynh khóc và nói, “Đại Phù Thủy xứng đáng, chớ có làm vậy! Theo những giáo lý thâm mật nhất của đức Phật, những khả năng và giác quan của mỗi người chúng ta đều vốn thiêng liêng. Nếu chết trước kỳ hạn, ông sẽ phạm tội giết một thần linh. Bởi thế mà tự tử như vậy là một đại tội. Ngay cả trong truyền thống hiển giáo của Kinh điển, thì không có tội lỗi nào lớn hơn việc đoạn dứt đời sống của mình. Vì ông biết điều ấy, hãy bỏ đi ý tưởng tự sát. Lama vẫn có thể ban giáo pháp cho ông. Nhưng nếu ngài không cho, vị lama khác chắc chắn sẽ cho.”
Khi ông đang nói, một số những nhà sư khác không cầm lòng trước nỗi bất hạnh của thầy, vào chỗ lama xem đã can thiệp cho thầy được chưa; những người khác thì đến an ủi thầy. Dù vậy, ngập đầy đau buồn, thầy nghĩ, “Trái tim ta có phải bằng sắt đâu? Nếu nó không phải như vậy, nó sẽ bể ra và ta sẽ chết.”
Chính bởi vì những tội lỗi đã phạm trong thời tuổi trẻ mà thầy chịu đựng khổ đau khi tìm đạo. Lúc ấy, không có ai không khóc. Vài người trong đại chúng chịu không nổi và ngất đi.
Đức Milarepa nói như thế. Đây là chương thứ hai, nói về tiến trình Đức Milarepa được tịnh hóa những nhiễm ô của tội lỗi và khổ đau trên cả thân tâm.
- 82
Viết bình luận