Chương một: Ra đời | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương một: Ra đời

Chương một
Ra đời

Câu chuyện được bắt đầu bằng lời mở đầu sau đây:

Ôi kỳ diệu! Một lần khi ở trong động Dopapuhk (Động Như Cái Bao Tử) vùng Nyanang, Đạo sư danh tiếng Mila Zhepa Dorje (Kim Cương Cười), một Heruka tối thượng giữa mọi thiền giả,(1) được các đại đệ tử và tín đồ, những thiền giả chứng ngộ và những Đại Bồ tát vây quanh: Retchung Dorje Drakpa (Kim Cương Danh Tiếng), Shiwa OŠ Repa (Ánh Sáng Bình Yên), Ngandzong Repa, Seban Repa, Khira Repa (Người Thợ Săn), Digom Repa, Len Repa, Sangye Kyab Repa (Người Che Chở Giác Ngộ), Shengom Repa (Ẩn Sĩ họ Shen), Dampa Gyalpuhwa (vị Thánh họ Gyakpuh), Đạo sư Shakyaguna và những vị khác. Cũng có những nữ tín đồ : Legse Bum (Trăm Ngàn Công Đức) và Shen Dormo (Kim Cương họ Shen) cùng với những đệ tử cư sĩ khác. Trong chúng hội cũng có Tshering Chenga (Năm Sư Tỷ Bất Tử) và những dakini khác đã thành tựu thân vi tế. Vẫn còn những vị khác – chư thiên, đàn ông và đàn bà – tụ hội ở đây. Đạo sư đang chuyển Bánh Xe Thánh Pháp phù hợp với giáo lý Đại thừa.

Vào thời gian đó Retchung đang thiền định trong cốc của mình. Một đêm nọ, ông có giấc mộng thế này: Trong một xứ sở thú vị gọi là Ugyen (Nơi Chốn của những Dakini), ông đi vào một đô thành lớn, nhà cửa xây dựng và lợp bằng chất liệu quý giá. Cư dân của đô thành ấy đẹp đẽ lạ lùng, mặc áo tơ lụa và trang sức bằng xương và đá quý. Họ không nói gì, mà chỉ mỉm cười vui vẻ và trao đổi những cái nhìn.

Trong số đó có một nữ đệ tử của Lama Tepuhwa, tên là Bharima, người mà Retchung đã quen biết trước kia ở Nepal. Bà mặc y phục màu đỏ và có vẻ là người cầm đầu của họ. Bà nói với Retchung, “Này con, con đã đến! Xin chúc mừng!” Nói rồi, bà dẫn ông đến một cung điện làm bằng đá quý và đầy những kho tàng châu báu làm giác quan thích thú. Bà đối xử với ông như một vị khách danh dự và cho dọn trước mặt ông một đại tiệc.

Rồi bà nói, “Vào lúc này, Đức Phật Bất Động đang thuyết pháp ở Ugyen. Này con, nếu con muốn đến nghe pháp ta sẽ xin phép Ngài.”

Tha thiết muốn được nghe Ngài, Retchung trả lời, “Vâng, vâng!” Và họ cùng đi.

Ở trung tâm đô thành, Retchung thấy một cái ngai vĩ đại cao lớn bằng các châu báu. Trên ngai Đức Phật Bất Động đang ngự rực rỡ và cao hơn ông đã quán tưởng trong thiền định. Ngài đang dạy pháp giữa một đại dương mênh mông những đệ tử. Trước cảnh tượng này, uống say với niềm vui, Retchung ngỡ là đã bị ngất đi. Bấy giờ, Bharima nói với ông, “Con hãy ở đây một lát, ta sẽ xin phép Đức Phật.”

Bà tiến lên và ý nguyện được chấp thuận. Do bà dẫn dắt, Retchung lễ lạy dưới chân Phật. Ông xin được ban phước và ở trước Ngài lắng nghe giáo pháp.

Phật nhìn vào ông một lúc miệng mỉm cười, và Retchung thầm nghĩ, “Ngài nghĩ đến con với lòng bi mẫn.” Khi nghe về lịch sử đản sinh và đời sống của chư Phật và chư Bồ tát, lông tóc trên thân Retchung rung động, và lòng tin hứng khởi sâu xa.

Cuối cùng, Phật kể câu chuyện của Tilopa, Naropa và Marpa,(2) còn lạ lùng hơn cả những vị trước. Và mọi người đều cảm thấy lòng tin tràn ngập.

Khi chấm dứt, Phật nói, “Ngày mai Ta sẽ kể câu chuyện của Milarepa, một tiểu sử còn kỳ diệu hơn những vị Ta đã vừa kể. Mọi người hãy đến nghe.”

Bây giờ một số đệ tử nói rằng, “Nếu có những công hạnh còn kỳ diệu hơn những vị chúng ta đã được nghe, thì sự kỳ diệu ấy phải vượt mọi giới hạn.” Những người khác nói, “Những đức hạnh vừa được hiển lộ là kết quả của những công đức tích tập qua vô số kiếp và sự diệt trừ mê vọng và tham luyến. Còn Milarepa, trong một đời và trong một thân, lại đạt đến một sự hoàn thiện tương đương.” Những người trước lại nói, “Quả thật, nếu chúng ta không thỉnh cầu một lời dạy kỳ diệu như vậy để cho sự tốt đẹp của chúng sanh, chúng ta sẽ là những đệ tử không xứng đáng. Chúng ta phải cố gắng toàn tâm và toàn lực để có được tiểu sử ấy.”

Người khác hỏi, “Hiện giờ Milarepa ở đâu ?” Có người trả lời, “Ngài đang ở trong cõi Phật Ngonga hay Ogmin.”(3) Bấy giờ Retchung nghĩ, “Hiện thời, Đạo sư đang sống ở Himalaya. Tất cả những nhận xét này chắc không có mục đích nào ngoài việc đánh thức sự sốt sắng của mình, bởi thế chắc chắn ta phải hỏi chính thầy về cuộc đời của Đạo sư để cho lợi lạc của tất cả chúng sanh.” Khi Retchung nghĩ như vậy, Bharima nắm tay ông lắc nhẹ và nói, “Này con, con đã hiểu !”

Retchung thức dậy khi bình minh ló dạng. Ông cảm thấy chưa bao giờ tri giác bên trong rõ ràng hơn và sự tham thiền vững chắc hơn. Hồi tưởng lại giấc mộng, ông tiếp tục suy nghĩ, “Tôi đã được nghe Phật Bất Động thuyết pháp giữa hội chúng dakini ở Ugyen. Điều đó quả là kỳ diệu. Nhưng còn kỳ diệu hơn là gặp Đạo sư tôn quý của tôi, ngài Mila. Đã được nghe Phật Bất Động là một ban phước từ Đạo sư tôn quý. Có nói rằng Đạo sư đang sống ở Ngonga hay Ogmin.” Và Retchung tự trách mình, “Ngu ngốc làm sao khi nghĩ rằng Đạo sư đang sống ở Himalaya! Đó là chính ngươi tự đặt mình vào mức độ của ngài và như vậy là đã tỏ ra thiếu tôn kính. Trước hết, bởi vì Đạo sư là Phật trong thân, ngữ, tâm, thì những hành động của ngài rộng lớn và sâu xa không thể nghĩ bàn. Và ngươi một kẻ ngốc nghếch vô minh, đã quên rằng Đạo sư ở bất cứ nơi nào thì nơi ấy luôn luôn là cõi thanh tịnh Ngonga và Ogmin. Ngài đã dạy pháp trong giấc mộng của tôi và những người đã nghe ngài, Bharima và những người khác, đã chỉ cho biết rằng tôi cần hỏi Đạo sư về câu chuyện đời ngài. Và tôi sẽ đi hỏi.”

Tràn ngập lòng tôn kính phi thường đối với Đạo sư, ông cầu nguyện ngài từ sâu thẳm của lòng mình và từ tinh tủy của xương cốt. Trong khi đắm chìm trong tham thiền ít phút, trong một trộn lẫn giữa giấc ngủ và sự minh bạch, ông thấy năm thiên nữ xinh đẹp đội vương miện và mặc y phục của cõi Ugyen với năm màu trắng, xanh, vàng, đỏ và lục đứng trước ông. Một cô bảo, “Câu chuyện của Milarepa sẽ được kể vào ngày mai, chúng ta hãy đến nghe.”

Cô thứ hai nói, “Ai sẽ thỉnh cầu việc ấy?” Một cô khác trả lời, “Những đứa con tâm linh vĩ đại sẽ thỉnh cầu việc ấy.” Cùng một lúc, mắt các cô mỉm cười với Retchung.

Cô gái trẻ nói thêm, “Ai cũng sẽ hạnh phúc khi được nghe một giáo lý kỳ diệu như vậy, thế nên mỗi chúng ta nên thỉnh cầu với những lời cầu nguyện.” Và một cô khác tiếp lời, “Những đại đệ tử thỉnh cầu tiểu sử của ngài thì hợp hơn. Công việc của chúng ta là phổ biến và bảo vệ giáo lý.” Nói xong những cô gái biến mất như một cầu vồng.

Bấy giờ Retchung thức dậy. Mặt trời đã lên rực rỡ trong bầu trời. Ông nghĩ trong lòng, “Tôi hiểu giấc mơ là một mệnh lệnh của Năm Sư Tỷ Bất Tử đưa ra.”

Trong một trạng thái tỉnh giác sinh động, Retchung sửa soạn bữa ăn. Khi đã no, ông phấn khởi đi tìm Đạo sư và thấy ngài đang bao quanh bởi những tăng, đệ tử và cư sĩ làm thành một đám đông đầy màu sắc. Retchung đảnh lễ và vấn an Đạo sư. Rồi vẫn quỳ trên hai đầu gối và chấp hai tay, ông bạch với Đạo sư rằng :

“Bạch Đạo sư tôn quý, ngày xưa vì lợi lạc cho chúng sanh chư Phật đời quá khứ đã kể lại câu chuyện mười hai công hạnh của đời các ngài và những việc không thể nghĩ bàn khác của sự giải thoát. Theo cách đó, giáo lý của Phật đã phổ rộng khắp thế gian. Ngày nay, những người cầu đạo may mắn có khả năng được hướng dẫn trên con đường giải thoát bởi vì chư Tổ Tilopa, Naropa, Marpa và những vị thánh khác đã kể lại câu chuyện của chính các ngài.

“Ôi Đạo sư quý báu, vì sự vui sướng của hàng đệ tử, vì những người có phước đức sẽ làm đệ tử của Thầy trong tương lai, và cuối cùng vì sự dẫn dắt những chúng sanh khác trên đường giải thoát, xin ngài nói cho chúng con, ôi Đạo sư Bi mẫn, nguồn gốc của gia đình Thầy, xin nói cho chúng con câu chuyện cuộc đời và những việc làm của ngài.” Ông đã cầu xin như thế.

Bấy giờ, với khuôn mặt tươi cười, Đạo sư trả lời, “Bởi vì con hỏi, hỡi Retchung, ta sẽ chấp thuận lời thỉnh cầu của con.”

“Tên họ của thầy là Khyungpo, tên gia đình của thầy là Josay, và tên thầy là Milarepa. Vào thời trẻ tuổi thầy đã phạm vào những hành vi đen tối. Lúc trưởng thành thầy đã thực hành sự trong trắng. Giờ đây, thoát khỏi cái thiện và ác, thầy đã hủy diệt gốc rễ của hành động gây nghiệp và không còn nguyên nhân cho hành động nghiệp trong tương lai. Nói nhiều hơn thế thì chỉ làm chảy nước mắt và bật lên tiếng cười. Có lợi lạc nào khi nói điều đó với các con? Ta đã là một lão già. Hãy để cho ta yên ổn.”

Retchung lại lễ lạy và nói lời cầu xin này:

“Ôi Đạo sư Quý báu, ban đầu qua khổ hạnh kinh khủng và quyết tâm tràn trề, Thầy đã thâm nhập những chân lý ẩn kín. Bằng cách đem toàn bộ thân tâm trọn vẹn vào thiền định, Thầy đã đạt được tỉnh biết về thật tánh của mọi sự và về trạng thái tánh Không. Giải thoát khỏi những ràng buộc của nghiệp, Thầy vượt khỏi khổ đau tương lai. Đây là điều hiểu biết chung cho tất cả chúng con. Nhưng chúng con đều rất quan tâm đến dòng dõi của Thầy từ họ Khyungpo, đến gia đình Josay của Thầy, đến lý do Thầy được gọi là Mila, và tại sao những hành vi hắc đạo Thầy đã phạm lúc ban đầu và những hành vi thiện lành khi Thầy trưởng thành lại tạo ra nước mắt và nụ cười. Nghĩ đến tất cả chúng sanh với lòng đại bi và không ở trong những chiều sâu của định, xin hãy nói cho chúng con toàn bộ câu chuyện cuộc đời Thầy. Tất cả các bạn, những người anh người chị trên đường đạo và những đệ tử cư sĩ đến đây vì lòng tin vào Ngài, xin hãy cùng tôi thỉnh nguyện.”

Nói thế rồi Retchung lễ lạy. Và khi những đệ tử cao nhất, những đứa con tâm linh, và những tín đồ đã lễ lạy, tất cả đều cất lên lời thỉnh nguyện như Retchung, cầu xin Đạo sư chuyển Bánh Xe Pháp.

Bấy giờ Đạo sư Tôn quý nói rằng :

Vì các con khẩn khoản hỏi ta, ta sẽ không che dấu gì trong cuộc đời của ta, mà sẽ phát lộ nó bây giờ. Bộ tộc thầy từ một dòng dõi lớn làm nghề chăn nuôi gia súc trong miền trung tâm phía Bắc có họ là Khyungpo. Tổ tiên của thầy là một thiền giả có tên là Josay, con của một lama Nyingma.(4) Được hóa thần bổn tôn của ông cảm ứng, ông đắc những thần lực lớn lao nhờ thần chú (mantra).(5) Ông cũng đã viếng thăm những thánh địa và danh lam của đất nước.

Ở miền Bắc, trong vùng thượng Tsang, ông được chào đón ở làng Chungpachi. Trong vùng này ông đã hàng phục ma quỷ. Ông rất hay giúp ích bằng những thần lực của mình, đến nỗi ảnh hưởng và sự quan trọng trong những công việc của ông lớn dần. Ông có tên là Khyungpo Josay và sống ở vùng ấy nhiều năm. Người nào có bệnh đều kêu cầu ông.

Một lần nọ, có một con quỷ hung dữ nó không thể đến gần Josay, nhưng không ai chống lại nó nổi. Con quỷ hành hạ một gia đình ít tin tưởng vào Josay. Gia đình đã mời nhiều vị lama đến để thực hiện việc trừ tà. Nhưng con quỷ chỉ cười và chế nhạo, tiếp tục quấy phá họ.

Vào lúc này một người bà con tin Josay âm thầm khuyên nhủ gia đình nên mời ông. Người ấy dẫn câu tục ngữ “Để chữa lành vết thương thì dù mỡ chó cũng dùng.” Và họ đi mời Khyungpo Josay.

Khi ông đến gần con quỷ, Josay giữ cung cách nghiêm nghị và kêu lớn: “Ta, Khyungpo Josay đã đến. Ta sẽ ăn thịt và uống máu của tất cả ma quỷ. Đứng lại !” Vừa nói ông vừa lao tới. Con quỷ quá kinh hoàng và khủng khiếp la lên, “Cha ơi, người! Cha ơi, người!” (Apa Mila ! Apa Mila !)(6) Khi Josay đến gần, con quỷ nói, “Tôi luôn luôn tránh đường ngài đi, thế nên xin tha mạng cho tôi.” Josay bắt nó thề sẽ không bao giờ làm hại ai rồi tha cho nó đi.

Từ lúc đó, mọi người gọi ông là Mila (người!) để tán dương những đức hạnh của thần lực ông, và Josay giữ cái tên Mila làm tên gia đình. Từ đó con quỷ không làm hại ai nữa, người ta cho rằng nó đã sinh vào một cõi khác.

Sau chuyện đó, Khyungpo Josay lấy vợ và có một đứa con trai. Người con này có hai con trai và đứa con đầu được gọi là Mila Dhoton Senge (Đạo Sư như Sư Tử của Kinh Điển). Người này có một con trai tên là Mila Dorje Senge (Sư Tử Kim Cương). Từ đời này trở đi, mỗi đời chỉ có một người con trai.

Mila Sư Tử Kim Cương là một người chơi xúc xắc rất giỏi và có thể thắng nhiều. Bấy giờ trong vùng có một người xuất thân từ một gia đình quyền thế, một người đánh bạc bịp cũng rất giỏi đánh xúc xắc. Một hôm, để thử tài của Mila Sư Tử Kim Cương, anh ta bắt đầu chơi một ván nhỏ để đo lường đối thủ. Trong ngày đó, anh ta dùng cách để thắng. Không bằng lòng, Mila Sư Tử Kim Cương nói với y, “Ngày mai ta sẽ thắng anh.”

“Tốt lắm”, người kia trả lời.

Kẻ lừa bịp đặt tiền cược, tự để thua ba lần, rồi nói, “Nào, bây giờ tôi phải thắng ông.” Cả hai đồng ý đặt cược toàn bộ ruộng vườn, nhà cửa và tài sản. Họ viết với nhau một giao kèo và chơi bài. Người lừa bịp kia thắng và sở hữu tất cả ruộng vườn, nhà cửa và tài sản.

Thế rồi hai ông Mila, cha và con, bỏ đi khỏi vùng. Đến làng Kya Ngatsa, trong vùng Gungthang gần Mangyul, họ định cư ở đó. Người cha, Mila Đạo Sư như Sư Tử của Kinh Điển, được mời đến nhà dân trong vùng để tụng những sách kinh, tạo hình thờ,(7) che chở họ khỏi mưa đá và cứu trẻ em khỏi những vong hồn xấu. Được mời thỉnh nhiều, ông có được nhiều tặng vật. Vào mùa đông, Sư Tử Kim Cương đi buôn ở nam Nepal; vào mùa hè, ông theo những người chăn gia súc của miền bắc. Những chuyến buôn nhỏ, ông đi lại giữa Mangyul và Gungthang. Bằng cách ấy hai cha con thu thập nhiều của cải.

Vào thời gian đó, Mila Sư tử Kim Cương yêu một cô gái và lấy nàng. Họ có một đứa con trai mà họ đặt tên là Mila Ngọn Cờ Trí Huệ. Khi đứa con trai này sắp lớn, ông nội của nó là Mila Đạo Sư như Sư Tử của Kinh Điển, chết. Sau khi xong tang lễ, Mila Sư Tử Kim Cương tăng thêm buôn bán và giàu hơn trước.

Vùng lân cận Tsa,(8) có một người tên là Worma có một miếng đất phì nhiêu, hình tam giác. Sau khi cung cấp vàng và hàng hóa từ miền nam và miền bắc, Mila Sư Tử Kim Cương mua miếng đất đó và đặt tên cho nó là Tam Giác Phì Nhiêu.

Kế miếng đất này, có một nền nhà cũ, Mila Sư Tử Kim Cương mua luôn và xây một ngôi nhà lớn. Trong thời gian xây dựng ngôi nhà, Mila Ngọn Cờ Trí Huệ được hai mươi tuổi.

Ở Tsa, trong một gia đình sang quý họ Nyang, có một thiếu nữ rất đẹp tên là Bạch Ngọc. Cô giỏi việc nội trợ và cực đoan trong việc thương bạn bè cô cũng như ghét những kẻ thù của cô. Mila Ngọn Cờ Trí Huệ cưới cô và gọi là Nyangtsha Kargyen (Bạch Ngọc họ Nyang).

Sau đó sự xây dựng ngôi nhà tiếp tục. Trên tầng thứ ba họ xây một cái sân trong với một vựa thóc và một cái bếp dọc một bên. Ngôi nhà này khang trang nhất vùng Kya Ngatsa. Bởi vì nó có bốn cột và tám xà, nó được gọi là Bốn Cột và Tám Xà. Người cha và con sống ở đó, hạnh phúc và danh tiếng.

Không lâu sau đó, nghe danh tiếng của cha và con, một người cháu trai của Mila Đạo Sư như Sư Tử của Kinh Điển tên là Yungdumg Gyaltshen (Ngọn Cờ Chiến Thắng Vĩnh Cửu) với vợ, các con và em là Khyung Tsha Peydon (Đấu Thủ Vinh Quang họ Khyung) ở Chungpachi bỏ quê để đến Kya Ngatsa.

Mila Ngọn Cờ Trí Huệ đã mua nhiều thứ từ phương nam đi lên phía bắc gần Điểm Cọp để bán và xa nhà một thời gian lâu. Bạch Ngọc bấy giờ mang thai. Giữa mùa thu năm Con Rồng Thủy(9) dưới sao Chiến Thắng của chòm sao thứ tám, ngày hai mươi lăm âm lịch, mẹ thầy sinh thầy ra. Bà gởi một bức thư cho cha thầy. Bức thư nói: “Ở đây đang mùa gặt, tôi đã sinh một đứa con trai. Hãy về nhanh để đặt tên cho nó và làm lễ ngày đặt tên.” Khi đưa lá thư, người mang thơ nói với ông tất cả câu chuyện.

Cha thầy ngập đầy niềm vui. Ông kêu lên, “Kỳ diệu thay! Con ta đã có tên rồi. Trong gia đình ta không bao giờ có hơn một đứa con trai trong mỗi thế hệ. Đứa con trai này được sinh ra cho ta, ta sẽ gọi nó là Tin Lành, vì những tin tức này mang đến niềm vui. Bây giờ ta đã xong công việc, ta sẽ rời đây.” Và ông về nhà. Đấy là như thế nào thầy được đặt cho cái tên Tin Lành. Lễ đặt tên được tổ chức vào một ngày vui vẻ hân hoan.

Thầy được nuôi dưỡng lớn lên với tình thương, và khi chỉ nghe những tiếng nói êm dịu, thầy cũng vui vẻ. Bởi thế mọi người nói, “Thằng bé Tin Lành này quả là khéo được đặt tên.”

Khi lên bốn tuổi, mẹ thầy cho ra đời một bé gái có tên là Gonkyi (Người Che Chở Vui Vẻ). Vì tên trong nhà của nó là Peta, nó được gọi là Peta Gonkyi (Peta Người Che Chở Vui Vẻ). Thầy vẫn còn nhớ mái tóc mượt của hai đứa nhỏ anh em thầy, tóc nó kẹp với đồ bằng vàng, còn tóc thầy với ngọc bích, rũ xuống trên vai.

Trong vùng ấy gia đình thầy được nghe lời với sự kính trọng và có nhiều quyền thế. Bởi thế những nhà quyền quý là những người kết thân và những nông dân là những người phục vụ. Dù gia đình thầy có những ưu thế như vậy, những người dân làm vẫn thường nói nhỏ với nhau, “Những người khác xứ này là những người nhập cư đến vùng này và bây giờ họ bề thế và giàu có hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Nhà cửa trang trại và nông cụ và châu báu của đàn ông đàn bà trong đó xem thật sướng mắt.”

Mọi ước muốn của mình đã trọn vẹn, Mila Sư Tử Kim Cương chết. Lễ an táng của ông được cử hành hậu hỹ.

Milarepa nói như thế, và đây là chương thứ nhất, nói về sự đản sinh ra đời của ngài.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6362852
Số người trực tuyến: