Dù tham, sân, si hay sợ hãi vẫn không bao giờ xa rời Pháp
Niềm tin kiên cố đối với Tam bảo là sự trong sáng đầy hỷ lạc của tâm chí thành đối với Đức Phật, đấng tôn quý tối thượng, bậc Đạo sư của con đường giải thoát giác ngộ; đối với Pháp tôn quý tối thượng chính là con đường thực hành và Tăng đoàn tôn quý tối thượng là những bạn đồng hành tu tập trên con đường đó.
Vì thế abhidharmakośa (A-tì-đạt-ma-câu-xá luận) có nói:
“Niềm tin là gì? Đó là sự tin tưởng ở những hành động, các kết quả của chúng, các Chân lý và các Bậc toàn tri tối tôn quý. Đó là mong nguyện thanh tịnh và là sự trong sáng của tâm thức”.
Ngoài ra, trong ratnâvalî (Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo) có nói:
“Bất kỳ ai, dù tham, sân, si hay sợ hãi, không bao giờ xa rời Pháp, những người đó được gọi là có niềm tin. Người như thế là một pháp khí phi thường để đạt được điều thật sự tuyệt hảo”.
1. Không xa rời Pháp bởi tham muốn
Điều này có nghĩa là hành giả không từ bỏ Pháp bởi lòng tham muốn. Chẳng hạn như cho dù bạn bị quyến rũ bởi thực phẩm, của cải, phối ngẫu, vương quốc hay bất kỳ điều cám dỗ nào có thể được đưa ra để thuyết phục bạn từ bỏ Pháp, bạn vẫn không từ bỏ.
2. Không xa rời Pháp bởi sân hận
Điều này có nghĩa là hành giả không từ bỏ Pháp do sân hận. Chẳng hạn như bạn sẽ không từ bỏ lối sống theo giáo pháp để chống lại kẻ không chỉ gây rất nhiều tai họa trong quá khứ mà còn mang lại nhiều tổn hại cho bạn trong hiện tại.
3. Không xa rời Pháp bởi sợ hãi
Điều này có nghĩa là hành giả không từ bỏ Pháp do bởi sợ hãi. Chẳng hạn như cho dù bị đe dọa rằng nếu bạn không từ bỏ Pháp, 300 chiến sĩ khủng khiếp sẽ xuất hiện và mỗi ngày cắt một lạng rưỡi thịt trên thân thể bạn, bạn vẫn không từ bỏ Pháp.
4. Không xa rời Pháp bởi si mê
Điều này có nghĩa là hành giả không từ bỏ Pháp bởi si mê, ngu muội. Chẳng hạn như những người khác có thể quả quyết rằng nhân và quả, Tam Bảo v.v.. là những điều sai lạc và làm lung lay niềm tin của bạn đối với Pháp – nhưng bạn vẫn không từ bỏ nó.
Người duy trì sự xác tín khi đối mặt với bốn loại tình huống này là người có niềm tin. Trên nền tảng niềm tin của họ, tâm thái của họ khiến họ vô cùng thích hợp đối với việc thành tựu giải thoát. Những loại niềm tin đó sẽ vô cùng lợi lạc. Các phẩm chất không thể nghĩ bàn mà những niềm tin đó có thể làm cho sinh khởi bao gồm:
* làm sinh khởi tâm lực của Bậc tuyệt hảo trong chúng sinh,
* tiệt trừ sự bất lợi,
* làm các khả năng trở nên sắc bén và sáng ngời,
* bảo đảm giới hạnh không bị suy thoái,
* giải trừ các ô nhiễm,
* khiến hành giả siêu vượt lên các trải nghiệm bị nhiễm ô bởi điều xấu ác
* khiến cho hành giả gặp được con đường giải thoát,
* tích lũy vô lượng công đức,
* khiến hành giả có linh kiến về nhiều vị Phật và
* khiến hành giả nhận được sự gia trì của chư Phật.
Như có nói trong ratnolkâ-nâma-dhâranî (Kinh Đà-ra-ni từ Cây Tala Quý báu):
“Niềm tin nơi sự giác ngộ vô song, nghĩa là tin tưởng các Bậc giác ngộ cùng giáo lý của các Ngài và tin tưởng hoạt động của những Thượng sư truyền thừa của chư Phật, làm sinh khởi thái độ của một Đại Thành tựu giả”.
Bồ Tát Tạng dạy rằng:
“Như thế chư Phật, các đấng Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt, khi đã thừa nhận những người ấy là pháp khí xứng đáng của Phật pháp, sẽ xuất hiện trước họ và sẽ giảng dạy Bồ Tát hạnh một cách đúng đắn nhất cho những người ấy”.
(Lược trích cuốn Kinh luận: “Pháp bảo của sự giải thoát”
Đức Gampopa trước tác)
Tham khảo thêm
- 167
Viết bình luận