Ân đức sinh thành | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ân đức sinh thành

Ân đức sinh thành
 
Mỗi năm vào dịp rằm tháng Bảy, chúng ta cử hành Đại lễ Vu Lan báo hiếu, ôn lại sự tích hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên để nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và bổn phận báo hiếu của những người con thảo. Sự tích của Tôn giả Mục Kiền Liên có một tác dụng rất cảm động, vì thế mà đã trải qua hơn 25 thế kỷ nó vẫn còn giá trị rất hiện thực. Tấm gương báo hiếu của Tôn giả là một lời cảnh tỉnh hùng hồn làm lay động tất cả mọi con tim của mọi thời đại.
Chính các bậc cổ đức từng dạy:
Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ,
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.
(Trời có bốn mùa xuân là gốc,
Người sinh trăm nết, hiếu đứng đầu).
Điều đó minh định hiếu hạnh là một nghĩa vụ rất cao quí và thiêng liêng, bởi vì trong Kinh Thi có câu:
Phụ hề sinh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao
Dục báo thâm ân
Hiệu thiên võng cực.
(Cha sinh ra ta,
Mẹ nuôi nấng ta.
Thương thay cha mẹ,
Sinh ta khó nhọc
Muốn báo ân sâu,
Trời cao vòi vọi).
Bài này dùng chữ “Cù lao” để mô tả công ơn cha mẹ. Cù nghĩa là to lớn, lao nghĩa là công lao khó nhọc. Như vậy “Cù lao” nghĩa là công lao to lớn khó nhọc (của cha mẹ). Công lao này được cô đọng thành 9 điểm, và được gọi là “cửu tự cù lao” (9 chữ Cù lao). Đó là: “Sinh, cúc, phủ, súc, trưởng, dục, cố, phục, phúc”. (Sinh, nuôi nấng, vuốt ve, cho bú cho ăn, nuôi lớn, dạy dỗ, trông nom, tùy tính mà dạy, che chở) (Kinh Thi).
Thoát thai từ điển tích này trong Kinh Thi mà ca dao ta có câu:
Nhớ ơn chín chữ Cù lao
Ba năm nhũ bộ, biết bao nhiêu tình.
Và trong Truyện Kiều cũng có đề cập đến:
Duyên hội ngộ, đức Cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.
Do 9 ân sâu nặng đó nên người con phải báo hiếu cha mẹ. Cách báo hiếu có hai mức độ cạn và sâu. Báo hiếu cạn, phổ thông thì phải là: “Thân thể phát phu thụ chỉ phụ mẫu bất cảm hủy thương, hiếu chi thỉ dã” (Thân thể da tóc (của ta) nhận từ cha mẹ nên không dám làm thương tổn, đó là nết hiếu khởi đầu). Báo hiếu thâm sâu, trọn vẹn, thì phải thực hiện: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã” (Lập thân hành đạo làm rạng danh đời sau, để cho cha mẹ được vinh hiển, đó là sự báo hiếu trọn vẹn).
Tiến thêm một bước nữa, phân tích cách hiếu thảo của con đôi với cha mẹ bao gồm 5 cử chỉ: “Phàm vi nhân tử giả, xuất tất cáo, phản tất diện, du tất hữu thường, tập tất hữu nghiệp, hằng ngôn bất xưng lão” (Phàm làm con thì đi phải thưa, về phải trình, đi chơi thì phải chơi chỗ thường ngày, phải học tập có nghề nghiệp, thường nói năng khiêm tốn không được huênh hoang).
Đó là năm cách ứng xử với cha mẹ của người con được xem là có hạnh kiểm tốt, biết kính trọng cha mẹ. Ngược lại, nếu người con làm 5 việc sau đây, thì được xem là bất hiếu:
1. Nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chỉ dưỡng, nhất bất hiếu dã;
2. Bác định, hiếu ẩm tửu, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhị bất hiếu dã;
3. Hiếu hóa tài tư thê tử, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, tam bất hiếu dã;
4. Tùng nhĩ mục chi dục, vi phụ mẫu lục, tứ bất hiếu dã;
5. Hiếu dõng đấu ngân, dĩ nguy phụ mẫu, ngủ bất hiếu dã”.
(1. Lười biếng trễ nải, chẳng đoái hoài việc nuôi cha mẹ, là điều bất hiếu thứ nhất;
2. Mê cờ bạc, ham rượu chè, chẳng lo việc phụng dưỡng cha mẹ, là điều bất hiếu thứ hai;
3. Ham mê tiền của, tom góp cho vợ con mà chẳng lo việc nuôi cha mẹ, là điều bất hiếu thứ ba;
4. Buông lung theo thị dục của tai mắt, làm cho cha mẹ phải khốn đốn vì mình, là điều bất hiếu thứ tư;
5. Ỷ sức, cậy tài đua tranh đánh lộn, làm cho cha mẹ phải bị vạ lây, là điều bất hiếu thứ năm). (Mạnh Tử).
Năm tội bất hiếu mà Mạnh Tử đã đề cập cách đây trên 23 thế kỷ mà ngày nay vẫn còn giá trị rất thiết thực. Thế nên, những kẻ ăn không ngồi rồi, cờ bạc, rượu chè sống thác loạn, gây rối xã hội không những phạm vào các tội hình sự mà còn mang tội bất hiếu với cha mẹ, vì làm cho cha mẹ buồn khổ, danh dự gia đình bị tổn thương, thân tộc anh em phải liên lụy.
Phát xuất từ những nguyên tắc đạo lý rất nhân bản ấy, các bậc tiền bối lấy đó làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi người hành động để tạo nên một xã hội có kỷ cương, trật tự, sống có đạo đức tốt đẹp. Chính nhờ những nguyên tắc chỉ đạo này mà hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã xây dựng một xã hội ổn định, có luân thường đạo lý vững chắc, xứng đáng là một trong những dân tộc có truyền thống văn minh. Những nguyên tắc sống ấy thâm nhập vào trong tâm khảm của dân chúng rồi dần dần chuyển hóa thành hơi thở của cuộc sống và được thốt ra thành những câu ca dao tục ngữ đầy nghĩa tình nhân ái.
1. Ca dao nói về cha:
Trong các hình thái văn chương thì hình thái ca dao tục ngữ là phổ biến, dung dị, dễ nhớ và có sức truyền cảm mạnh mẽ nhất. Ta thấy có những câu ca dao nói về cha, như:
Con có cha như nhà có nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.
Hay:
Còn cha gót đỏ như son,
Một khi cha khuất, gót con đen sì.
Còn cha nhiêu kẻ yêu vì
Đến khi cha mất, ai thì yêu con.
Đó là những câu ca dao đề cao người cha, xem cha như một chỗ dựa tinh thần vững chắc đốì với con, chẳng những khi con còn thơ bé mà khi con đã trưởng thành thì người cha vẫn là một cột trụ, một cố vấn đáng tin cậy để hướng dẫn con trên mọi nẻo đường trần thế.
Thế nhưng, nói chung thì các thể loại văn chương ca ngợi người cha vẫn ít hơn là người mẹ, và ca dao cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Do vậy, chúng ta thấy ca dao đề cập rất nhiều đến mẹ.
2. Ca dao nói về mẹ:
Tình cảm của mẹ đối với con thật êm đềm, ngọt ngào chẳng khác gì:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
***
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
***
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
***
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ năm canh.
Cảm động nhất là khi con khôn lớn, làm nên sự nghiệp, sánh vai với đời, hồi tưởng lại những ngày thơ bé được mẹ dắt tay đến trường để dồi mài kinh sử:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Vì nghĩ đến công lao nhọc nhằn của mẹ quá cao vời mà người con đã làm một sự so sánh thật là phóng đại, nhưng cũng rất thi vị:
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao.
Đố ai đếm được vì sao,
Đố ai đếm được công lao mẹ hiền
 
Thế nhưng, bản chất tần tảo sớm hôm, chân lấm tay bùn, sống giản dị thanh đạm để dành mọi sự ưu đãi cho con thì đúng là bản chất đích thực của người mẹ Việt Nam:
Mẹ Việt Nam không son không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,

Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng.
Thử hỏi bà mẹ nào mà chẳng hết lòng thương con dành mọi sự ưu đãi tốt nhất cho con, cho nên những người nào bất hạnh mồ côi mẹ thì đến khi khôn lớn, nỗi ám ảnh về thân phận mô côi vắng bóng mẹ hiền thân yêu sẽ đeo đang suốt ca cuộc đời:
Năm xưa tôi còn nhỏ,
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc,
Im lặng tôi sầu thôi.
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.
Kìa nhà ai sung sướng
Mẹ con vô về nhau.

Tìm mẹ, con không thấy,
 
 
Khi buồn biết trốn đâu!
(Rồi năm tháng dần trôi,
Mỗi khi chiều buông xuống)
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(Thanh Tịnh)
3. Ca dao nói về cha và mẹ:
Mảng ca dao minh họa về hình ảnh kính yêu và công ơn cao cả của cha mẹ chiếm một lượng tương đối khá nhiều mà phần lớn chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng từ lúc còn thơ ấu, như các câu:
Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
***
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
***
Ở đời ai cũng có lần,
Làm cha mẹ mới biết công sinh thành.
***
Người xưa khó nhọc nuôi mình,
Khác nào mình đã hết tình nuôi con.
***
Cha me nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng, tính ngày.
 
Có những người con cần cù chăm chỉ làm ăn để nuôi dưỡng mẹ cha, nhưng gia cảnh vẫn bần hàn phải rời xa quê hương lo việc mưu sinh, mỗi lần có bè bạn trở về quê hương bèn sắm cho cha mẹ những nhu yếu mà cha mẹ đang cần đến, để biểu lộ tấm lòng hiếu tử:
Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Người con gái khi trưởng thành lên xe hoa về nhà chồng, rời xa quê hương cũng bị thiên hạ chê trách:
Chim đa đa đậu nhánh cây đa,
Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa, kỷ trà ai dâng!
Cuộc đời người phụ nữ là thế. Khi còn bé là con của cha mẹ mình, nhưng khi lớn lên đi lấy chồng thì thành con của người khác. Do đó, người xưa nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một người con trai vẫn xem là có, mười người con gái vẫn xem là không). Câu nói này tuy có vẻ như kỳ thị, nhưng cũng phản ảnh đúng phần nào thực tế xã hội cổ xưa. Cho nên bổn phận đương nhiên của người con trai xưa kia là dưỡng nuôi cha mẹ khi còn sống và thờ phụng cha mẹ khi qua đời:
Trông lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài bể, thấy cặp cá đang đua.
Anh về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Ngoài mảng văn chương bình dân - ca dao tục ngữ - minh họa rất truyền cảm về hình ảnh và công ơn cha mẹ, chúng ta còn thấy một số truyện thơ nôm khác cũng chuyên chở về đề tài chữ Hiếu rất đậm đà.
❖ Truyện Kiều:
Đây là một kiệt tác văn chương Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung nói về lòng hiếu thảo rất cảm động của nàng Kiều phải hy sinh tình yêu, bán mình chuộc cha, khi cha nàng gặp cảnh ngang trái mà nàng không còn con đường lựa chọn nào khác:
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao!
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình, nàng mới hạ tình:
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Đứng trước một sự lựa chọn quá khốc liệt của người con gái hiếu thảo, khiến Vương Ông phải buộc miệng than trời :
Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời!
Này ai vu thác cho người hợp tan.
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đày đọa trẻ càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất, chẳng thà lòng đau
Nhưng chung cục thì Thúy Kiều cũng phải nói lời từ biệt trong cảnh nghẹn ngào:
Hổ sinh ra phận tơ đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong!
Lỡ làng nước đục bụi trong,
Trăm năm để một tấm lòng từ đây!
Thế nhưng "Hoàng thiên bất phụ hiếu tâm nhân" (Trời xanh không phụ người có lòng hiểu thảo), nên nàng Kiều đã được đoàn tụ với cha mẹ và chàng Kim, vẫn giữ trọn vẹn cả tình cùng hiếu, để lại tiếng thơm cho muôn đời như lời tổng bình của một thi nhân:
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương,
Sắc tài chi lắm để làm gương!
Công cha bao quản liều thân thiếp,
Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng.
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh,
Duyên may dong ruổi lưới Tiền Đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.
Ngoài Truyện Kiều còn một truyện Nôm khác cũng đề cao hiếu hạnh rất nổi tiếng, đó là tác phẩm “Lục Vân Tiên” của nhà thơ ái quốc Nguyễn Đình Chiểu.
❖ Truyện Lục Vân Tiên:
Cụ Nguyễn Đình Chiểu khi còn là thư sinh rong ruổi trên bước đường khoa cử, rời quê nhà ra kinh ứng thí. Trong khi chưa đến kinh thành thì hay tin mẹ già từ trần, Nguyễn Đình Chiểu liền bỏ dở bước công danh, trở về nhà thọ tang mẹ. Vì quá thương mẹ, cụ khóc than đến nỗi mù cả đôi mắt. Qua câu chuyện thật của đời mình, cụ Đồ Chiểu đã dùng tài văn chương thi hóa thành một tác phẩm văn chương nổi tiếng. Đoạn mô tả Lục Vân Tiên trên đường ứng thí, hay tin mẹ mất diễn ra như sau:
Vân Tiên vừa bước chân ra,
Bỗng đâu lại gặp tin nhà gởi thơ.
Khai phong mới rỗ sự cơ,
Mình gieo xuống đất, dật dờ hồn hoa.
Hai hàng lụy ngọc nhỏ sa,
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường.
Anh em ai nấy đều thương,
Trời ơi! Sao nỡ lấp đường công danh.
Những mong công toại danh thành,
Nào hay từ mẫu u minh sớm dời.
... Bây giờ kíp rước thợ may,
Sắm đồ tang phục nội ngày cho xong.
Dây rơm, mũ bạc, áo thùng,
Cứ theo trong sách Văn Công mà làm.
❖ Truyện Nam Hải Quan Ầm:
Hai truyện thơ nôm trên đề cao hiếu hạnh của người đời, còn truyện Nam Hải Quan Âm nhằm minh họa công hạnh báo hiếu của người tu theo đạo Phật. Qua nội dung truyện này, tác giả muốn nói lên tinh thần nhập thế của Phật giáo để cho mọi người thấy rõ Phật giáo luôn luôn gắn bó với đời. Đây là một hình thức hiện đại hóa, hay đại chúng hóa Phật giáo. Ta có thể tóm tắt như sau:
Vua Diệu Trang ở nước Hưng Lâm sinh được ba nàng công chúa là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diệu Thiện. Khi Diệu Thiện đến tuổi trưởng thành, vua cha muôn gả chồng cho nàng, nhưng nàng chỉ muốn xuất gia tu hành, không muôn vướng vào vòng trần lao khổ lụy. Tương kế tựu kế, nhà vua bèn đem nàng gởi vào một ngôi chùa, rồi ra mật lệnh cho vị trụ trì bắt công chúa làm lụng sớm khuya thật nặng nhọc, để cho công chúa thối chí mà trở về nhà. Nhưng Diệu Thiện không nản chí, ngày đêm tọa thiền, niệm Phật và chấp lao phục dịch một cách siêng năng. Mấy tháng trôi qua mà không thấy Diệu Thiện trở về, vua nghi là vị trụ trì không tuân lệnh ông đày đọa công chúa, bèn ra lệnh đốt chùa. Diệu Thiện nghĩ rằng do mình mà chùa bị liên lụy, nên thành tâm cầu nguyện. Tức thì rồng xuống phun nước dập tắt lửa. Vua tức giận truyền lệnh đem Diệu Thiện ra xử trảm. Nhưng lưỡi gươm của đao phủ chưa chạm đến nàng thì trời đất tối sầm, một mãnh hổ từ đâu xông đến, mang Diệu Thiện đi mất. Mãnh hổ mang nàng lên núi, đặt nằm xuống đất rồi bỏ đi. Trong lúc thiêm thiếp nửa tỉnh nửa mê, Diệu Thiện thấy mình đi xuống địa ngục, chứng kiến những tội nhân đang bị trừng phạt rất kinh hồn. Sau đó, nàng tỉnh lại, bèn lập am tu tại núi Hương Tích, chẳng bao lâu đạt được thần thông diệu dụng có thể hóa hiện nghìn mắt nghìn tay. Khi ấy, nàng hay tin vua cha đang lâm trọng bệnh, các ngự y đều bó tay, nàng phát nguyện dâng cả hai mắt và hai tay để chữa bệnh cho vua cha. Nghe tin ấy, nhà vua đã phái sứ giả lên núi Hương Tích xin tay và mắt của nàng về chữa lành bệnh, cảm động tấm lòng hy sinh cao cả xả thân cứu người của vị nữ Bồ Tát, nhà vua cùng Hoàng hậu và hai công chúa tìm lên núi Hương Tích để tạ ơn. Khi đến nơi, mọi người mới vỡ lẽ ra vị Bồ Tát ấy không ai khác hơn là công chúa Diệu Thiện. Nhà vua càng động mối thương tâm khi biết công chúa đã móc mắt chặt tay để cứu mình, nên phát nguyện làm bất cứ điều gì để mong cho cả tay và mắt Diệu Thiện được lành lại. Nàng cho vua biết là phép Phật rất nhiệm mầu, nếu phụ hoàng, mẫu hậu và hai chị thành tâm quy y Phật thì thân thể nàng sẽ nguyên vẹn lại như xưa. Vua và hoàng hậu liền phát nguyện. Lập tức tay mắt của Diệu Thiện trở lại nguyên vẹn như cũ. Thế là cả nhà ở lại tu hành tại chùa Hương Tích.
Đó là sơ lược truyện Nam Hải Quan Âm. Vì thế mà những lời mở đầu của truyện này đã viết:
Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ Nhân.
Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài.
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra.
Xem trong biển nước Nam ta,
Phố Môn có đức Phật Bà Quan Âm.
Sự tích này nhằm chứng minh tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, đồng thời bác bỏ quan niệm ấu trĩ của một số nhà Nho nông cạn cho rằng người tu sĩ Phật giáo chủ trương xuất thế, lìa bỏ luân thường đạo lý không giúp ích gì cho người thân và xã hội.
❖ Truyện cổ La Mã:
Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến một vài tấm gương hiếu thảo khác mà sử sách cổ kim đã từng đề cập, như câu chuyện của một cô gái ở thành La Mã thuở xưa:
Một bà quý phái tại thành La Mã xưa kia phạm pháp, bị kết vào tội tử hình và bị giam trong ngục tối chờ ngày chịu tội. Tên gác ngục có nhiệm vụ treo cổ bà vì thương tình không nỡ ra tay, nên có ý để bà nhịn ăn rồi mòn dần cho đến khi tắt thở. Hằng ngày y cho phép con gái bà vào thăm, nhưng không cho mang theo bất cứ thức ăn uống gì, và khám xét nghiêm ngặt. Nhiều ngày trôi qua, vậy mà người nữ tù nhân ấy vẫn sống.
Lấy làm ngạc nhiên, người gác ngục tự hỏi không biết người nữ tù làm thế nào mà cứ sống dai dẳng như thế mãi. Y bèn để tâm theo dõi, và cuối cùng đã khám phá ra sự thực: Chính cô con gái người nữ tù nuôi mẹ bằng cách đưa vú cho mẹ bú. Cảm động vô cùng trước hiếu tình của người con gái, người lính gác bèn đem việc đó trình lên thượng cấp. Quan hình án nghe câu chuyện lạ lùng, rất xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của người con gái, nên truyền tha tội cho tên nữ tù kia.
Còn cảnh tượng nào cảm động cho bằng người con gái vạch vú cho mẹ bú để kéo dài mạng sống của mẹ được ngày nào hay ngày ấy. Và chính lòng hiếu thảo của nàng có một mãnh lực phi thường đã làm thay đổi quyết định của quan tòa, nên cuối cùng người mẹ được cứu sống. (Đông Tây Cổ Học Tinh Hoa, Vũ Bằng, tr.59).
❖ Truyện cổ Việt Nam:
Đó là tấm gương hiếu thảo của một người con gái bên trời Âu, nhưng ở Việt Nam ta cũng có gương hiếu hạnh của một nàng dâu được kể như sau:
Tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có một người đàn bà góa. Tuy đã có cháu, nhưng tính bà rất trăng hoa, chẳng đêm nào không có đứa trèo tường, gõ cửa vào nhà. Người con trai khuyên can, nhưng vô hiệu, bèn nghĩ cách đề phòng. Mỗi khi thấy đứa gian tế lẻn vào thì anh ta cầm gậy la ăn trộm. Mụ ấy thấy thế giận lắm, bèn bàn mưu với đứa gian, đem hắn giấu trong phòng, rồi tìm cơ hội hạ sát người con. Chung cục, con bà bị tên gian tế giết chết. Sự việc vỡ lở, bà bèn hô hoán lên rằng: “Nàng dâu bà đã dẫn trai về giết chồng”. Án tình được đưa lên quan xử. Quan hỏi đầu đuôi thì nàng đáp: “Tôi trót dại dột, có dan díu với một tên lái buôn từ đâu đến, mà không biết tên nó là gì, và cũng chẳng biết nó ở đâu. Chồng tôi biết nó, nhưng nay đã bị nó sát hại”.
Quan hỏi bà mẹ chồng thì bà càng thêu dệt nhiều điều. Vụ án kéo dài hơn một năm mà lời khai của nàng dâu vẫn trước sau như một. Cuối cùng, tòa xử chung thẩm, kết nàng vào tội voi giày.
Đến ngày thi hành án, bà cũng được mời tới để chứng kiến vụ xử tội nàng dâu. Khi đi, bà bồng theo cả đứa cháu - con của nàng dâu ấy.
Đến giờ xử tội, quân quản tượng thúc voi vào xé xác nàng, thì con voi cứ cuộn vòi vào miệng mà cắm ngà xuống đất, không dám bước đi. Viên quản tượng liền thay voi khác, nhưng nó lại càng sợ hãi, vừa kêu vừa thụt lùi. Quan hình pháp thấy thế, truyền rằng: “Hay là mẫu tử tình thâm, vậy hãy đế cho mẹ nó bồng con một lát, rồi sẽ xử tội”.
Thế là mụ đàn bà ấy vừa trao cháu, bước ra, thì một con voi xông đến cuốn ngay mụ tung lên trời, con voi kia thì đạp vỡ đầu rồi xé xác ra. Viên quản tượng bổ búa cách gì cũng không cản được; càng búa, nó lại càng xé nát. Chốn pháp trường hàng trăm người khiếp đảm.
Quan hình sự thấy thế nghĩ rằng phải có một oan khuất gì đây, bèn truyền nàng dâu đến và khuyên nàng nên khai sự thực, vì mụ kia cũng đã chết rồi, còn giấu làm chi nữa. Nàng bèn than khóc kể hết đầu đuôi sự thực, nói rõ tên tuổi và chỗ ở của tên gian tế. Quan hình sự hỏi nàng vì sao lâu nay không chịu nói, thì nàng đáp:
“Vì tôi không muôn bêu xấu mẹ chồng sợ mang tội bất hiếu, chồng tôi cũng đã chết rồi, nên tôi muốn chết theo chồng cho trọn đạo”.
Quan hình án truyền bắt đứa gian tế đến tra hỏi, thì nó khai nhận tất cả mọi tội lỗi. Tòa án  bèn chiếu theo pháp luật trừng trị y. Còn nàng thì được vua khen ngợi, ban cho bốn chữ vàng “Hiếu hạnh khả phong” (Trương Cam Lựu, Tây Nam Nhị Thập Bát Hiếu).
Đó là tấm gương hiếu hạnh của một nàng dâu phải chịu nỗi oan khiên, khiến cho loài thú vật cũng phải động lòng mà quyết tâm trừ kẻ gian tà, bênh người lương thiện.
 
Thế còn đối với người xuất gia cũng có những tấm gương hiếu thảo rất khả kính, như câu chuyện của thiền sư Hư Vân sau đây:
Thiền sư Hư Vân (1840 -1959) lúc mới sinh được bảy ngày thì thân mẫu từ trần nên được kế mẫu thương yêu nuôi dưỡng. Đến năm 17 tuổi, thầy phát tâm xuất tục, nhưng thân phụ không cho phép, vì thiền sư là con một. Hơn nữa, phụ thân thầy đang làm quan, tính tình rất nghiêm khắc, muốn giữ đúng truyền thống luân lý Á Đông, con trai phải nối dõi tông đường. Thế nhưng, vì động cơ xuất gia mãnh liệt, cuối cùng Hư Vân đã lặng lẽ thoát ly gia đình để hoàn thành chí nguyện. Đến khi phụ thân qua đời, thầy ân hận vì đã làm cho cha già phiền lòng, lại nhớ thương mẹ hiền vắng bóng từ lúc mình còn thơ ấu, nên thầy phát nguyện hành hương đến Ngũ Đài Sơn - nơi di tích của Bồ Tát Văn Thù. Cứ đi ba bước thầy lạy một lạy (tam bộ nhất bái), với mục đích sám hối tội lỗi không phụng dưỡng mẹ cha trọn đạo. Đồng thời hồi hướng công đức để nguyện cầu cha mẹ sinh về cảnh giới an lành.
Đó là sự tích của Thiền sư Hư Vân. Nhưng đặc biệt nhất là sự tích ngôi chùa Từ Hiếu tại Huế. Tương truyền ngôi chùa này do vua căn cứ vào hiếu hạnh của vị tổ sáng lập mà đặt tên. Đó là Tổ sư Nhất Định (1784 -1847). Tổ là một người con rất có hiếu, nên mặc dù đã xuất gia, vẫn rước mẹ già về sống với mình tại chùa để sớm hôm gần gũi phụng dưỡng. Ngày xưa tại làng Dương Xuân Thượng có một ngọn đồi thoai thoải, cảnh trí còn hoang vu, Thiền sư Nhất Định bèn đến đó lập một cái am để tu hành và nuôi dưỡng mẹ già. Một hôm mẹ Ngài ốm, thầy thuốc bảo phải ăn cháo cá mới lành. Ngài bèn đích thân xuống chợ Bến Ngự mua cá đem về nấu cháo dâng cho mẹ. Thân mẫu Ngài nhờ thế mà quả nhiên lành bệnh. Lúc đầu, dân chúng thấy ông thầy tu ngang nhiên mua cá, họ cùng nhau bàn tán, dị nghị. Nhưng khi biết rõ sự việc, họ vô cùng cảm phục. Thế rồi, câu chuyện truyền đến tai vua, vua rất cảm động về hiếu hạnh của một người xuất gia, bèn ban cho hai chữ “Từ Hiếu”, lấy ý câu “mẫu từ tử hiếu” (mẹ hiền con thảo) để đặt tên ngôi thảo am mà Thiền sư đang cư trú... Do đó mà ngày nay có tên ngôi chùa Từ Hiếu, một danh lam thắng cảnh tại đất Thành Kinh (Huế).
Qua những gì đã trình bày trên đây nhằm giúp chúng ta nhớ lại bổn phận thiêng liêng của người con thảo đối với cha mẹ trong dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu. Điều này thiết nghĩ rất cần thiết, vì lẽ trong thời buổi cơ chế kinh tế thị trường ngày nay, cuộc sống vật chất càng được nâng cao bao nhiêu thì cuộc sông tinh thần càng bị đe dọa bấy nhiêu. Hằng ngày chúng ta nghe thấy trên đài truyền thanh, truyền hình và đọc qua báo chí thấy không ít những trường hợp con cái xung đột với cha mẹ do tranh chấp đất đai, nhà cửa hay tài sản dẫn đến hành hung cha mẹ, thật rất thương tâm. Chúng ta là Phật tử hãy cố gắng sống đúng theo lời Phật dạy, và đem đạo từ bi trí tuệ của Phật mà truyền bá khắp tất cả mọi người để cùng nhau xây dựng những mái ấm gia đình hạnh phúc, một xã hội thanh bình an lạc.
Cuối cùng nhân mùa Vu Lan báo hiếu, người viết thành tâm kính chúc tất cả mọi người đều chu toàn bổn phận hiếu thuận đối với hai đấng sinh thành, ai nấy đều là những người con hiền, dâu thảo. Muốn được như vậy, chúng ta phải luôn luôn học hỏi chính pháp và sống theo tinh thần chính pháp, hầu biến thế giới Ta bà bất ổn này thành ra cảnh giới Tịnh độ an vui.
(Dịp lễ Vu Lan 1999).
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697849
Số người trực tuyến: