Những đức tính tốt của con người | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những đức tính tốt của con người

Những đức tính tốt của con người

Một con người sống trong cộng đồng xã hội, có nhiều mối tương quan mật thiết, đó là mối tương quan giữa thầy trò, cha mẹ, con cái, vợ chồng, bè bạn, anh em, v.v... Muốn nâng cao giá trị của con người, đem lại hạnh phúc cho cộng đồng, mỗi cá nhân phải cư xử với những người đồng loại bằng một tình cảm cao cả. Cái tình cảm cao cả này, nếu nằm trong tương quan giữa người dân đối với tổ quốc, thì gọi là lòng trung thành; nếu nằm trong tương quan giữa thầy trò thì gọi là nghĩa thầy trò; nếu nằm trong tương quan giữa vợ chồng, bè bạn, anh em thì gọi là tình vợ chồng, tình bè bạn, tình anh em; nếu nằm trong tương quan giữa cha mẹ đối với con cái thì gọi là đức nghiêm từ; nếu nằm trong mốì tương quan giữa con cái đối với cha mẹ thì gọi là lòng hiếu thảo. Vì thế, nếu bàn đến lòng hiếu thảo mà không đề cập đến lòng trung thành, nghĩa thầy trò, tình chồng vợ, anh em v.v..., thì e rằng vẫn còn phiến diện. Bởi vì, cùng một đức tính cao đẹp ấy, nếu thi thiết đối với cha mẹ thì gọi là lòng hiếu thảo, mà thi thiết trong phạm vi vợ chồng thì gọi là tình vợ chồng. Thế nên, một kẻ bất trung, bạc tình, thì không thể là người có hiếu được. Ngược lại, một người có hiếu không thể là một người bất trung, bất nghĩa hay bạc tình. Vậy, muốn xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp thì phải xây dựng nền tảng căn bản từ gia đình. Mà muốn xây dựng gia đình thì phải đề cao sự hiếu thảo.

Vậy, trước khi bàn đến lòng hiếu thảo, chúng ta hãy đề cập một cách khái quát tình vợ chồng, tình anh em và bè bạn, nghĩa thầy trò và lòng nhân ái đối với đồng bào, đồng chủng. Cách trình bày, thiết tưởng không gì bằng nhắc lại những tấm gương trung hiếu, tiết nghĩa đã được sách sử cổ kim nhắc đến nhiều nhất, những câu chuyện đã trở thành ngàn thu bất diệt.

1. Tình nghĩa vợ chồng

Trước hết chúng ta hãy xét đến tình nghĩa vợ chồng, nhất là tình cảm cao quý của người vợ đối với chồng mà trong sách sử đã ghi chép rất nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ đơn cử điển hình một vài mẩu chuyện được xem là đặc biệt nhât. Trước hết là câu chuyện bà Trần Thị Tồn, vợ của danh sĩ Bùi Hữu Nghĩa, vượt gian lao để minh oan cho chồng.

Bùi Hữu Nghĩa người Cần Thơ, có học vấn xuất chúng, thi đậu Thủ khoa, nên người đương thời thường gọi là Thủ khoa Nghĩa, vì tính tình cương trực nên bị bọn gian thần đời Tự Đức tìm cách hãm hại, ghép ông vào tội, bãi chức, rồi bắt giam. Người vợ ông là Trần Thị Tồn đảm lược, tính tình quyết đoán, hay tin chồng bị hàm oan, bà bèn giả trai đi ghe bầu ra tận kinh đô, vào ngay tòa Tam pháp nổi trông để minh oan cho chồng. Nhờ vậy triều đình mới cứu xét, tha ông khỏi tội. Trên đường trở về, bà lâm bệnh nặng, bỏ mình nơi đất khách, nhờ quan sở tại nghĩ tình ông, cho chôn cất tử tế. Khi ông ra đến nơi thì bà đã hóa ra người thiên cổ. Ông bèn làm văn điếu như sau:

“Nơi kinh quốc mấy hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng; Chốn tĩnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ chính lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía.

- Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ;

Mình đau tớ không nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông gièm siểm tớ làm chồng.

- Đất chẳng phải chồng bao nỡ thịt xương đem gởi đất; Trời như có vợ lúc này gan ruột biết chăng trời?

(Thành ngữ điển tích, Khai Trí xb. 1961, tr. 50)

Trường hợp thứ hai là bà Phạn Thị Thuấn. Bà là vợ lẽ ông Ngô Cảnh Hoàn đời Hậu Lê. Ông đi đánh giặc, tử trận ở sông Thúy Ái. Mọi người trong gia tộc đều than khóc, riêng bà vẫn tỏ ra như thường, cho rằng chết vì nước thì còn gì cao quý hơn. Bà đợi làm đám ma xong, bèn mặc quần hồng áo lục, đi đến dòng sông Thúy Ái trầm mình mà chết theo chồng. (Thành ngữ điển tích, tr. 303). Vì thế sau này Thi sĩ Tản Đà có mấy câu thơ thương tiếc: “Châu Nam Hải thuyền chìm sông Thúy Ái. Bến Tiền đường cỏ áy bóng Ô giang. Gam ngàn xưa ai tài hoa, ai tiết biệt, ai đài trang. Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ”.

Một trường hợp nữa là vợ chàng Trương. Bà tên Võ Thị Thiết, vì chồng họ Trương nên gọi là vợ chàng Trương. Chồng bà phải đi lính thú, bà ở nhà nuôi con dại một mình. Tối tối ru con ngủ, đứa bé hỏi cha đâu, thì bà chỉ cái bóng mình trên vách nói đó là cha. Đến chừng chàng Trương trở về, lúc bồng con nựng, nói mình là cha, thì đứa trẻ bảo không phải, và nói cha nó tốì mới đến, mẹ nó ngồi thì ngồi, mà mẹ nó đi thì đi theo. Chàng Trương nghi vợ ở nhà có ngoại tình, nên xỉ vả vợ đến điều bà chẳng biết làm sao tỏ nỗi oan ức của mình, bèn nhảy xuống sông tự vận. Khi đêm đến, đốt đèn lên, đứa trẻ chỉ cái bóng trên vách nói với chàng Trương: “Đó mới thật là cha con”. Bấy giờ chàng Trương mới rõ nguồn cơn, nhưng đã quá muộn, bèn ra mé sông chỗ vợ trầm mình, lập đàn chay giải oan cho vợ. Sau này Vua Lê Thánh Tôn đi ngang qua đó thấy ngôi miếu mà dân chúng lập để thờ bà, hỏi rõ sự tích, rất xót thương người đàn bà tiết nghĩa, nên làm bài vịnh Miếu bà Trương:

Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng giám có đôi vầng nhật nguyệt.
Giải oan Ghi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy.
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
(Thành ngữ điển tích. 429)

Chúng ta hãy nghe tiếp câu chuyện của Tào Lịnh Nữ. Nàng là con gái của Thái thú Tiểu quận Hạ Hầu Văn Ninh, và là vợ của Tào Văn Thúc. Văn Thúc mất sớm, Lịnh Nữ mãn tang, còn trẻ mà không con, sợ cha mẹ ép tái giá, mới hớt cụt tóc đặng tỏ ý mình muốn ở vậy cho trọn nghĩa, trọn tình. Nhưng cha mẹ vẫn ép nàng tái giá. Nàng bèn lấy dao cắt hai tai, rồi qua ở với anh họ của chồng, là Tào Sảng. Sau dòng họ Tào bị Tư Mã Ý giết hết, chú nàng làm đơn xin hủy hôn thú, rồi bắt nàng đem về Lương Châu định đem gả cho người khác. Nàng liệu thế từ không được, bèn lấy dao cắt đứt mũi. Bà con thấy vậy mới hỏi: “Bên nhà chồng đã chết hết không còn người nào, nàng thủ tiết thờ ai mà phải làm nhiều điều khổ thán như vậy?”. Nàng đáp: “Tôi từng nghe, người có lòng nghĩa không vì còn mất mà thay lòng. Xưa kia họ Tào còn mạnh, ai ai cũng muôn giữ cho trọn niềm trung mà hưởng giàu sang. Nay họ Tào nghiêng ngửa suy sụp, ta há nỡ phụ rẫy theo thói đen bạc của thường tình sao?”. Qua tấm lòng nghĩa liệt cao đẹp của nàng, mọi người bèn thôi, không nói đến việc tái giá nữa.

(Thành ngữ điển tích. 342)

Bây giờ đến câu chuyện người vợ lẽ bị đòn:

Xưa có người đi làm quan xa, vợ cả ở nhà có ngoại tình. Khi hay tin chồng sắp về, đứa gian phu lấy làm lo, đứa gian phụ bèn bảo: “Không việc gì mà sợ, tôi đã làm sẵn thứ thuốc độc để đãi nó đây rồi”. Hai hôm sau chồng về tới nhà, đang lúc chuyện trò vui vẻ, người vợ cả sai người thiếp rót chén rượu dâng cho chồng, bảo phải mời uống cho được. Người thiếp biết rõ chén rượu ấy có thuốc độc, nghĩ trong bụng: “Ta mà dâng chén rượu này thì ta là người giết chồng, còn nếu ta nói ra, thì vợ cả sẽ oán ghét ta”. Bèn giả cách té ngã làm cho chén rượu đổ xuống đất. Chồng thấy vậy giận lắm, đánh người thiếp mấy chục roi.

Than ôi! Người thiếp này làm đổ chén rượu, phần thì cứu chồng được sống, phần thì làm cho vợ cả khỏi tội. Riêng mình phải chịu hàm oan, còn nghĩa cử nào cao đẹp hơn nữa!

(Chiến Quốc Sách, Cổ Học Tinh Hoa II. 33')

Sau đây là câu chuyện khoét mắt của người tiết phụ.

Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh. Phòng Huyền Linh thuở còn hàn vi, một hôm ốm nặng tưởng sắp chết, ông gọi Lư Thị đến bảo: “Tôi bệnh nguy quá, không chắc sống được, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau”. Lư Thị nghe nói nức nở khóc, rồi vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng có bất hạnh mà chết, cũng quyết chí ở vậy không lấy ai nữa. Sau đó ông thi đỗ làm quan đến Tể tướng. Ông một niềm yêu kính Lư Thị không hề lấy người thiếp nào khác nữa.

(Lư Phu nhân truyện. C.H.T.H. II36)

Hành động quả cảm của Lư Thị thật đáng kính phục, chúng ta còn kính phục hơn nữa lòng thủ tiết thờ chồng và mượn cái chết kết liễu đời mình cho trọn tình trọn nghĩa của một người thiếu phụ sau đây:

Hoàng phi Nguyễn Thị Kim, vợ Vua Chiêu Thống, người làng Tùy Hà, huyện Lang Tài, Bắc phần. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, bà theo không kịp, phải ẩn núp ở đất Kinh Bắc. Mãi hơn 13 năm sau, lúc hay tin bọn di thần sắp đem linh cữu của chồng và mẹ chồng về nước, bà lên tận quan ải để đón rước. Từ đó cho đến khi về Thăng Long bà nhịn ăn, cả ngày gục bên linh cữu cố quân gào khóc rất thảm thiết. Ngày 12 tháng chạp năm Nhâm Tuất (1802), làm lễ tế Vua Lê xong, bà bảo người xung quanh: “Ta nhẫn nhục ở nơi quê nhà ngót mười mấy năm trời, một lòng mong đợi tin Thái hậu, cùng vua ta và con ta. Nay Thái hậu và vua đã mất, con ta cũng đã chết, linh giá đã đưa về nước, thế là lòng hy vọng của ta cũng mất. Giờ đây ta nên chết theo để xuống sao hầu hạ ở Sơn Lăng”. Nói rồi bà uống thuốc độc quyên sinh.

(VN Danh nhân từ điển 307, Nguyễn Huyền Anh, Khai Trí xb.1967)

Những tấm gương liệt phụ trên đây thật đáng để cho thiên hạ ca tụng, nó có một giá trị cao quý mà mỗi lần nhắc đến đều khiến ai nấy cảm động xót thương. Người ta càng trân quý những tâm tình cao đẹp trên đây bao nhiêu, thì lại càng chê trách và chán ghét những người đàn bà bạc tình bạc nghĩa bấy nhiêu. Nhìn lại cổ kim, những gương bạc tình cũng không phải là ít. Chúng ta hãy thử nhắc lại một vài mẩu chuyện phản diện này hầu làm tôn vinh thêm những tâm gương chính diện. Trước hết là câu chuyện của người vợ Mãi Thần (theo Thông Chí).

Mãi Thần họ Chu, người đất Ngô, đời Hán, tự Ông Tử, rất ham học, không có sản nghiệp gì, phải đi kiếm củi bán để nuôi thân. Ông vừa gánh củi vừa học. Cô vợ gánh củi đi theo sau, lấy làm xâu hổ, xin bỏ đi lấy chồng khác. Ông cười bảo: “Ta đến 50 tuổi mới giàu sang được, nay đã hơn 40 rồi, nàng chịu khổ đã lâu, nay hãy gắng đợi ta giàu sang, ta sẽ báo đáp công lao cho”. Vợ giận dữ nói: “Như cung cách của ông thì chỉ có chết đói ở cống rãnh mất thôi, lại dám mong giàu sang!”. Mãi Thần đành phải để cho vợ đi lấy chồng khác. Từ đó Mãi Thần một thân một mình đi gánh củi, vừa đi vừa học như trước, về sau, ông được người làng là Nghiêm Trợ tiến cử. Nhà vua cho Mãi Thần vào yết kiến. Sau khi nói chuyện, thấy ông có kiến thức uyên bác bèn phong ông làm Trung đại phu, rồi sau cho giữ chức Thái thú đất Cối Kê. Khi đến Cối Kê nhậm chức, xe ngựa hơn trăm cỗ vào đất Ngô, ông thấy người vợ cũ cùng chồng đang gánh đất sửa đường. Ông cho dừng xe lại, bảo mời hai vợ chồng lên xe sau đưa về dinh Thái thú, cho ở một nơi và cấp lương ăn tử tế.

(Tiền Hán Liệt truyện - Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tr. 199)

Lòng dạ bạc bẽo, tham phú phụ bần của cô vợ Mãi Thần thực là đáo để, khiến ai nghe thấy cũng phải khinh bỉ. Người ta càng khinh bỉ cô vợ bạc tình ấy bao nhiêu, thì lại càng kính phục lòng bao dung cao thượng của Chu Mãi Thần bấy nhiêu.

Những người đàn bà bạc tình xưa nay không phải chỉ có một, và câu chuyện sau đây là trường hợp thứ hai.

Tương truyền Trang Tử một ngày kia đi dạo chơi, thấy một thiếu phụ đang cầm quạt, quạt một nấm mồ. Ông hỏi thì người thiếu phụ đó nói là mộ của chồng nàng. Khi chồng chết có dặn nàng là đợi khi nào nấm mồ khô, có cỏ mọc mới đi lấy chồng khác, nên nay nàng quạt cho mau khô, cỏ mọc đặng đi lấy chồng khác. Trang Chu xin quạt giúp cho nàng, chỉ trong chốc lát nấm mồ khô và cỏ bắt đầu mọc. Người thiếu phụ ấy rất cám ơn Trang Tử, liền biếu cho ông chiếc quạt. Lúc trở về nhà ông bèn thuật lại chuyện ấy cho vợ nghe, thì người vợ nguyền rủa người đàn bà bạc tình kia không tiếc lời.

Trang Tử có pháp thuật bèn giả chết để thử vợ. Trước khi chết có dặn vợ quàn quan tài ba tháng mười ngày rồi sẽ chôn. Chẳng bao lâu vợ Trang Tử phải lòng một chàng trai trẻ. Một hôm chàng ấy bị chứng đau bụng và cần có óc của người mới chết mới cứu được. Vợ Trang Tử bèn cầm búa đến bửa quan tài chồng định lấy óc để cứu tình nhân, thì Trang Tử lồm cồm ngồi dậy. Cô vợ trông thấy chết điếng cả người. Trang Tử bèn gõ bồn ca:

Kham ta phù thế sự,
Hữu như hoa khai tạ.
Thê tử ngã tất mai,
Ngã tử thê tất giá.
Ngã nhược tiên tử thì,
Nhất trường đại tiếu thoại.
Điền bị tha nhân canh,
Mã bị tha nhân khóa.
Thê bị tha nhân giá,
Tử bị tha nhân mạ.
Suy thử đổng thường tình,
Tương khan lụy bất hạ.
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương,
Ngã tiếu thế nhân không đoạn trường.
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển,
Ngã diệc thiên thu lụy vạn hàng”.
(Than ôi kìa thế sự!
Đường hoa đơm lại rã.
Vợ chết ắt ta chôn,
Ta chết vợ cải giá.
Ví bằng ta chết trước,
Một cuộc cười ha hả.
Ruộng phải người khác cày,
Ngựa mắc tay cưỡi lạ.
Vợ để lại người xài,
Con bị người rủa xả.
Nghĩ lại chạnh tấm lòng,
Nhìn nhau không lã chã.
Đời cười ta chẳng biết bi thương Ta
Cũng cười đời luông đoạn trường
Cuộc đời khóc mà vãn hồi được,
Ta cũng nghìn thu khóc muôn hàng.

(Thành ngữ điển tích. 398)

Ôi! Chiếc mề đay nào mà chẳng có mặt trái, trong nhân loại có bao nhiêu người thủy chung, tình nghĩa, thì cũng có một đôi kẻ bội bạc, phản trắc là sự thường tình. Trang Tử há không rõ lẽ đó! Nhưng sở dĩ ông than là than dùm cho người đời mà thôi.

Qua đoạn trên đây chúng ta đã thấy những mối tương giao giữa vợ chồng những mảnh gương đẹp cũng như những cái không đẹp. Giờ đây có thể bàn đến tình nghĩa thầy trò, tình của những người thừa hành đối với cấp lãnh đạo.

2. Tình đồng bào đồng chủng

a) Tình thầy trò, chủ tớ

Bàn đến tình đồng bào đồng chủng, trước hết chúng ta hãy xét đến tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa của người con dân đối với lãnh tụ. Những tấm gương trung nghĩa xưa nay khá nhiều, chúng ta không làm sao kể hết, ở đây chỉ nêu lên gương báo thù cho chủ của Dự Nhượng:

Dự Nhượng người nước Tấn, trước thờ họ Phạm và họ Trung Hàng mà chẳng ai biết tiếng. Sau bỏ về thờ Trí Bá, được Trí Bá rất kính yêu. Đến lúc Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt, Dự Nhượng trốn vào núi, nói: “Hỡi ôi! Kẻ sĩ vì tri kỷ mà hy sinh, người đẹp vì tình lang mà trang điểm. Tri Bá là tri kỷ của ta, ta tất phải hy sinh mà báo thù để tạ lòng tri kỷ thì hồn phách ta mới không hổ thẹn”.

Rồi Dự Nhượng đổi họ, đổi tên, giả làm tù nhân, vào cung của Tương Tử sửa nhà xí, giắt sẵn cây chùy thủ, cốt để giết Tương Tử. Tương Tử đi tiêu, chột dạ, bắt hỏi tên tù sửa nhà xí, thì ra là Dự Nhượng, khám trong người thấy có giắt khí giới. Dự Nhượng khai: Muốn vì Trí Bá báo thù. Quân tả hữu của Tương Tử muốn giết, Tương Tử bảo:

- Hắn là người nghĩa khí. Ta nên coi chừng mà tránh hắn thôi. Vả lại Trí Bá chết đi không có con, mà hắn là bầy tôi muốn báo thù cho chủ, thì hắn là một người hiền trong thiên hạ.

Nói rồi thả cho Dự Nhượng đi.

Ít lâu sau, Dự Nhượng bôi sơn vào mình cho sưng loét như người bị hủi, nuốt than cho mất tiếng để khỏi ai nhận ra hình tích mình, ăn mày ở chợ mà vợ không nhận ra. Gặp bạn nhận được, hỏi:

-  Anh không phải là Dự Nhượng à?

Đáp: “Đúng là tôi!”. Người bạn khóc, nói:

- Có tài như anh, kiếm cách mua chuộc về thờ Tương Tử, tất được Tương Tử thân yêu. Được thân yêu gần gũi, bây giờ thực hành ý muôn há chẳng dễ ư? Việc gì mà hủy hoại thân thể để mong trả thù Tương Tử, như thế chẳng khó sao?

Dự Nhượng nói:

- Đã đem thân về thờ người ta mà lại chực giết người ta, như thế là thờ chủ mà nhị tâm. Công việc tôi làm đây quả thật vô cùng khó, nhưng sở dĩ phải làm như vậy là để cho thiên hạ đời sau kẻ nào làm tôi mà thờ chủ không trung thành coi đây mà thẹn.

Dự Nhượng bèn đến núp dưới một cây cầu. Tương Tử qua đấy, thì con ngựa hoảng sợ. Tương Tử nói: “Chắc lại Dự Nhượng!”. Sai người hỏi thì đúng là Dự Nhượng thật. Tương Tử bèn trách Dự Nhượng:

- Nhà ngươi chả đã từng thờ họ Phạm và họ Trung Hàng đây ư? Trí Bá diệt hết bọn họ mà sao nhà ngươi chẳng báo thù cho họ, lại còn vác xác làm tôi Trí Bá. Trí Bá cũng chết tiêu rồi mà sao nhà ngươi riêng nặng lòng báo thù cho Trí Bá như vậy?

Dự Nhượng đáp:

- Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ Phạm và họ Trung Hàng đều coi tôi như một người thường, cho nên tôi cũng báo đáp họ như một người thường. Còn Trí Bá đãi tôi như một trang quốc sĩ, cho nên tôi cũng lấy tư cách một trang quốc sĩ mà báo đáp ông ta.

Việc tôi làm hôm nay, tôi vẫn biết thế nào rồi cũng bị giết, nhưng tôi muốn xin nhà vua cái áo, cho tôi được đâm vào đó để tỏ bày cái ý muốn báo thù, thì dù có chết tôi cũng không còn ân hận.

Tương Tử rất cảm động vì lời nói nghĩa khí đó, sai kẻ tùy tùng đưa áo cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tuốt gươm 3 lần nhảy đâm chiếc áo nói:

- Ta có thể báo đáp Trí Bá ở nơi chín suối rồi.

Rồi kề gươm vào cổ mà tự vẫn.

Hôm Dự Nhượng chết, các trang chí sĩ nước Triệu được tin đều sa lệ.

(Sử ký Tư Mã Thiên. 520).

Gương Dự Nhượng báo thù cho chủ còn lưu truyền mãi đến nghìn thu. Đó là câu chuyện bầy tôi trung với chủ. Và sau đây chúng ta hãy nghe những người học trò tưởng nhớ thầy, khi thầy tạ thế. Các học trò đã nhắc lại công lao xây dựng đạo pháp của thầy bằng câu đối sau đây:

“Rừng mai đạp tuyết, cay đắng bao phen, duyên hóa độ còn nhiều, tằm nhả tơ lòng thêu sử Phật.

Vườn trúc trổ hoa, nắng mưa hơn nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sương rơi hạt lệ gọi hồn thiêng”.

Trên đây là sự tiếc thương của đám môn sinh, tưởng nhớ một bậc thầy đã dày công với đạo pháp, và sau đây là nỗi tiếc thương một bậc thầy và cũng là một lãnh tụ trong cơn quốc gia nguy biến.

“Sống thác lòng như vàng đá, bước phong trần cùng một nỗi truân chuyên, sóng cả vững tay chèo, mù mịt trời Nam, việc lớn lo toan may có trụ.

Thầy trò nghĩa sánh cha con, thề non nước gây nên tình cốt nhục, xe tiên về cõi Phật, bơ vơ bạn trẻ, đường dài lãnh đạo biết nhờ ai!”.

(Chơi chữ, Lãng Nhân. 24)

Đọc Lục Vân Tiên, một tác phẩm văn học có giá trị của dân tộc, chúng ta càng cảm phục lòng trung thành của chàng Tiểu đồng, người Thị giả của Lục Vân Tiên. Lòng trung thành của tiểu đồng được diễn tả qua đoạn thơ sau:

Tiểu đồng vội vã bước vào,
Xóm làng mới hỏi: Thằng nào tới đây?
Đồng rằng: Tớ tới kiếm thầy,
Chẳng hay người thác mả này là ai?
Người rằng: Một gã con trai,
Ớ đâu không biết lạc loài đến đây.
Chân tay mặt mũi tốt thay,
Đau chi nên nỗi nước này khá thương.
Tiểu đồng chẳng kịp hỏi han,
Nằm lăn bên mả khóc than một hồi.
Người đều xem thấy thương ôi,
Kêu nhau vác cuốc đều lui ra đàng.
Tiểu đồng nằm giữa rừng hoang,
Che chòi giữ mả lòng toan trọn bề.
Một mình ở đất Đại Đề,
Sớm đi khuyên giáo tối về quải đơm.
Dốc lòng trả nợ áo cơm,
Sống mà trọn nghĩa thác thơm danh hiền”.
(Lục Vân Tiên. 913 - 930).

Tiểu đồng theo hầu Lục Vân Tiên trên con đường lai kinh ứng thí. Trên đường ra kinh thành, vừa tới nơi, Vân Tiên bỗng được tin mẹ từ trần, chàng bèn bỏ thi trở về chịu tang mẹ. Trên đường trở về, phần vì đường sá xa xôi cực nhọc, phần vì nỗi xót thương mẹ, nên Vân Tiên bị bệnh phải mù lòa. Không may lại gặp Trịnh Hâm là người bạn phản trắc, bắt tiểu đồng đem cột vào một gốc cây trong rừng cho cọp ăn. Tiểu đồng được ông tiều cứu thoát, trở lại chỗ cũ để tìm Lục Vân Tiên, thì được dân chúng cho biết có một chàng trai trẻ vừa chết mà không có thân nhân lo việc chôn cất, nên dân chúng đã động lòng trắc ẩn, xúm nhau đem xác chôn bên mé rừng. Tiểu đồng vốn tính chất phác, không hỏi trước sau cho kỹ, đinh ninh đó là nấm mồ của Lục Vân Tiên, nên cất nhà bên mả Vân Tiên, ngày ngày đi xin thức ăn của những người hảo tâm đem về cúng quải Lục Vân Tiên. Và ở đó giữ mồ trong suốt cả 3 năm cho trọn nghĩa trọn tình.

Lòng trung thành đối với chủ của tiểu đồng thật là có một không hai, dẫu rằng trong thực tế không mấy ai làm được. Nhưng đó là cái nghĩa cử đẹp để người đời ngưỡng vọng. Và sau đây là câu chuyện của bậc hiền sĩ mua nghĩa cho ân nhân:

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi Phùng Huyên hỏi: “Tiền thu được có định mua gì về không?”. Mạnh Thường Quân nói: “Người xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua”.

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại, bảo rằng: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả”. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.

Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng: “Nhà Tướng công châu báu đầy nhà, không còn thiếu gì nữa. Chỉ còn thiếu việc nghĩa, tôi mạn phép vì Tướng công đã mua về”.

Mạnh Thường Quân nghe nói thế cũng không hỏi gì đến tiền nữa.

Sau Mạnh Thường Quân bị mất chức, gia đình suy sụp, phải trở về đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ân xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng: “Trước kia tiên sinh vì tôi mua Nghĩa, Nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy”.

(Chiến quốc sách - C.H.T.H I. 161)

Giờ đây chúng ta xét đến tình bè bạn.

b) Tình bè bạn

Mỗi khi nhắc đến tình bằng hữu, có lẽ không một người Việt Nam nào quên được tình bạn cao đẹp của Lưu Bình - Dương Lễ. Dương Lễ vì thương bạn đã cho người thiếp của mình là nàng Lục Châu theo hầu hạ giúp đỡ, và nuôi Lưu Bình ăn học cho đến ngày thi đỗ, công thành danh toại. Và một đôi bạn tri kỷ nữa được ngàn thu nhắc nhở, đó là tình bạn giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha.

Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo.

Có người hỏi: “Ông với Bảo Thúc không phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy?”.

Quản Trọng nói: “Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bảo Thúc, lúc chia lãi bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách, bất đắc dĩ ta phải làm thế. Ta ở chỗ chợ búa, thường bị lắm kẻ dọa nạt, Bảo Thúc không cho ta là nhát, biết ta có lượng bao dung. Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may lúc không may, nên công việc có thành có bại. Ta ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho ta là bất tiếu, biết ta chưa gặp thời. Ta ra trận 3 lần đánh thua cả 3, Bảo Thúc không cho ta là bất tài, biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng. Ta nhẫn nhục thờ vua Hoàn Công, Bảo Thúc không cho ta là vô sỉ, biết ta không để ý đến tiểu tiết, có chí làm lợi ích cho cả thiên hạ... Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là Bảo Thúc Nha, mà đối với người biết mình, mình đem cả tính mệnh ra dâng hiến còn chưa cho là quá, huống chi thương khóc thế này có nghĩa lý gì đâu!”.

(C.H.T.H. I. 67)

Quân Trọng và Bảo Thúc là đôi bạn tri kỷ rất lý tưởng. Tình bạn này đã trở thành mẫu mực mà muôn ngàn đời sau còn ca ngợi thán phục.

Sau khi rảo qua tình bạn, bây giờ chúng ta hãy bàn đến tình anh em. Và dưới đây là câu chuyện khéo cư xử giữa hai anh em ruột:

c) Tinh anh chị em

Ngưu Hoằng, Ngưu Bật, hai anh em ở chung với nhau. Bật có tính hay chè chén, mà hễ chén vào thì thường nát rượu. Một hôm anh đi vắng, Bật ở nhà uống say túy lúy, bắn chết mất con trâu của anh. Kịp đến lúc anh về, người vợ đón cửa xăm xăm bảo: “Này này! Chú nó ở nhà bắn chết trâu rồi!”.

Hoằng nói: “Trâu chết thì bảo đem làm thịt”.

Hoằng vào nhà, ngồi vừa yên, vợ lại chạy đến hăm hở nói:

- Chú nó bắn chết trâu là việc to lắm chứ có phải việc thường đâu...

Hoằng nét mặt vẫn hòa nhã tự nhiên nói:

- Phải, tôi đã biết rồi mà. Rồi lấy sách vở ra xem như không có chuyện gì xảy ra cả.

Vợ thấy thế nguôi cơn giận, không dám nói gì nữa.

(Tùy Ký. C.H.T.H. II. 23)

Thái độ của Ngưu Hoằng vừa bình tĩnh vừa khéo léo để trấn an những sự va chạm, đổ vỡ trong gia đình giữa chị dâu và em chồng thật là tài tình.

Trong Sử ký, chúng ta lại thấy chuyện của người chị Tráng sĩ Nhiếp Chính, nàng dám đem cái chết để làm sáng tỏ lòng nghĩa khí của em mình, thật là một hành động nghĩa liệt:

Nhiếp Chính người đời Hán, nuôi mẹ rất có hiếu. Một hôm Nghiêm Trọng Tử đem 10 dật vàng đến biếu mẹ ông, ông từ chối không nhận, nói: “Tôi may có mẹ già, nhà nghèo, ở nơi đất khách, nhưng nhờ có nghề nghiệp cũng kiếm được đủ miếng ngon để hôm mai cung dưỡng mẹ. Cung dưỡng mẹ đã đủ không dám nhận của Trọng Tử cho”.

Sau khi mẹ mất, vì cảm cái nghĩa tri kỷ của Trọng Tử, một thân một mình đi đến nước Hàn giết Tướng quốc nước Hàn là Hiệp Lũy để trả thù cho Trọng Tử. Giết xong bèn tự lột da mặt rồi tự sát.

Người nước Hàn đem thây Nhiếp Chính bêu ngoài chợ, bỏ tiền mua tin mà cũng chẳng biết cái thây ma kia là thấy ai. Nước Hàn bèn treo giải thưởng: “Ai biết kẻ giết quan Tướng quốc là ai thì sẽ được tặng ngàn vàng”. Mãi vẫn không ai biết. Chị Nhiếp Chính, cô Vinh, nghe nói có kẻ hành thích Tướng quốc nước Hàn mà lý lịch kẻ thích khách chưa được xác nhận. Cô nói với người trong ấp rằng: “Có lẽ đúng em tôi rồi!”.

Lập tức cô tới chợ nước Hàn, thì ra người chết kia đúng là Nhiếp Chính thật. Cô ôm thây khóc cực thảm thiết, nói: “Đây là người tên gọi Nhiếp Chính ở làng Thâm Tĩnh, ấp Chỉ.”.

Những người qua chợ đều bảo: “Con người ấy bạo ngược đã giết quan Tướng quốc nước ta, nhà

vua treo giải thưởng ngàn vàng, tặng ai biết tên họ hắn, cô không nghe nói sao? Tại sao cô dám tới nhận xác?”.

Cô Vinh đáp:

- Có nghe nói chứ, nhưng biết làm thế nào? Chính nó đã hy sinh vì tri kỷ, nhưng sở dĩ Chính nó chịu khổ nhục, sống buông xuôi nơi chợ búa, là vì nó còn có mẹ già, và vì tiện thiếp này chưa xuất giá. Nay mẹ chúng tôi đã hưởng trọn tuổi trời và tiện thiếp này đã xuất giá, Nghiêm Trọng Tử lại lựa đúng em tôi trong cảnh khôn cùng mà kết giao, ân tình nặng lắm, thế thì còn làm thế nào? Nhưng chỉ vì tiện thiếp tôi còn sống, cho nên Chính đã tự hủy mình để khỏi lộ tung tích, (tránh cho tiện thiếp tôi khỏi liên lụy), lẽ nào tiện thiếp tôi lại sợ bị giết mà làm mai một danh tính của em.

Cô Vinh làm cho cả chợ nước Hàn kinh ngạc. Cô kêu trời 3 tiếng to rồi khóc thảm thiết mà chết bên xác em. Nước Tấn, nước Sở, nước Tề, nước Vệ nghe tin đều nói:

- Không phải riêng mình Nhiếp Chính giỏi mà người chị Chính cũng là một trang liệt nữ.

(Sử ký Tư Mã Thiên)

Chúng ta hãy nghe tiếp câu chuyện bỏ con ruột, dắt con của người em chạy giặc sau đây:

Đặng Du tên tự là Bá Đạo, người đất Tương Lăng đời Tân. Khi ông giữ chức Thái thú đất Hà Đông, một năm có biến, ông phải đưa cả vợ con và đứa cháu (con người em đã chết gửi lại ông nuôi) chạy trốn. Giữa đường gặp bọn cướp lấy hết cả xe ngựa, vợ chồng phải đi bộ, thay nhau gánh vác những thứ còn lại, kể cả con và đứa cháu. Khi gánh chạy sang sông, ông liệu không thể nào bảo toàn cả con lẫn cháu, mới nói với vợ rằng: “Em ta chết sớm chỉ có một đứa con, lý không thể để tuyệt tự, ta phải bỏ con lại, may mà còn sống, chúng ta còn có thể có con khác”. Vợ khóc mà nghe theo. Khi chạy đến đất Giang Đông, ông được cử làm Thái thú Ngô quận, ông làm quan nổi tiếng thanh liêm, một lòng lo việc chung nên rất được lòng dân. Ông từ khi bỏ con đem cháu chạy trốn, vợ không chửa đẻ gì nữa, cho đến lúc chết vẫn không có con nối dõi. Người đương thời có ý thương ông nên có câu rằng: “Thiên đạo vô tri sử Đặng Bá Đạo vô nhi” (Đạo trời không còn khiến Đặng Bá Đạo không con).

(Thông Chí. NĐCTT. I. 434)

Cứ xem câu chuyện Đặng Bá Đạo trên đây, hy sinh con mình mà giữ lấy đứa cháu thì biết người xưa quên mình để phụng sự cho đạo nghĩa đến bậc nào!

d) Tình đồng bào

Một câu chuyện vì nghĩa nên tình:

Một người thiếu phụ họ Trương ở nhà chồng về thăm cha mẹ. Có tên thị tì mang hộp đồ nữ trang theo hầu, chẳng may giữa đường đánh rơi, hồi lâu mới biết, trở lại tìm, thì thấy có người ăn mày đang ngồi giữ hộp ấy. Tên thị tì hoảng hốt hỏi, thì người ăn mày liền trao trả và nói rằng: “Tôi đã cùng khổ đến thế này mà lại còn cuỗm thêm những của vô cớ, thì mong khá sao được”.

Tên thị tì mừng lắm, lấy một chiếc thoa ra tạ. Người ăn mày cười nói: “Bao nhiêu của chẳng lấy, lại lấy một chiếc thoa ư!”.

Tên thị tì nói: “Tôi mà đánh mất cái hộp nữ trang này thì đến chết mất. May mà người được, người trả lại cho, thế là người cho tôi của, lại cứu cho tôi sống. Dù người không màng báo đáp, tôi cũng không dám quên ơn. Nhà tôi ở ngõ ... từ nay về sau, sớm trưa tôi xin đợi người đến cửa sẽ chia xẻ phần cơm của tôi để người ăn”.

Người ăn mày sau cứ làm như lời. Tên thị tì cũng cứ cho ăn mãi. Sau chủ nhà biết được ngờ có

ngoại tình, đem tra hỏi, tên thị tì phải thú thực đầu đuôi. Người chủ hiểu rõ sự tình, bèn gọi người ăn mày đến nhà nuôi, rồi gả thị tì cho. Sau 2 người thành một đôi vợ chồng khá.

(TInh sử. C.H.T.H. II. 119)

Làm việc nghĩa dù không mong cầu kết quả nhưng kết quả vẫn đến. Vì thế người có lương tri không bao giờ làm điều gì trái đạo nghĩa con người. Cho nên Hoa Hâm trong lúc chạy loạn đã thực hiện việc nghĩa như sau:

Hoa Hâm chạy loạn, cùng với một đoàn 6, 7 người, giữa đường gặp một người cũng chạy loạn đến kêu nài xin nhập bọn. Mọi người lấy làm ái ngại, thuận cho. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên, đang bước nguy hiểm, sinh tử, họa phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một người vậy. Bây giờ vô cớ nhận một người lạ, lỡ xảy ra việc gì, thì có bỏ người ta được không?”.

Chúng bất nhẫn, cố nài nỉ Hoa Hâm cho người kia cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng.

Người kia đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng, cả bọn muốn bỏ mặc để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên, người ta gặp sự chẳng may như vậy mà mình bỏ người ta sao cho đành!”.

Nói rồi bảo bấy nhiêu người cùng ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại mai táng chu tất rồi mới đi.

(C.H.T.H. I. 66)

3. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái

a) Tình cha mẹ đối với con

Công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng con cái, và xây dựng cho đến ngày thành nhân là công ơn rất lớn lao mà cổ nhân đã đúc kết thành 9 yếu tố gọi là 9 chữ cù lao như Kinh Thi nói: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao... Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, nhũ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, phục ngã; dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.” (Xót thương cha mẹ, sinh ta khó nhọc... Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, cho ta bú mớm, nuôi nâng vỗ về ta, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải, lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn ta, che chở giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng không có giới hạn).

Trong Kiều có câu:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
(N.Đ.C.T.T; I. 182)

Trong sách Trang Tử có câu: Thượng cổ hữu Đại Xuân giả, dĩ bát thiên tuế vi Xuân, bát thiên tuế vi Thu (Đời thượng cổ có giống cây Đại xuân, lấy 8000 năm làm một mùa Xuân, 8000 năm làm một mùa Thu). Người sau nhân đó gọi cha là Xuân đường là có ý mong cha được trường thọ.

Truyện Kiều có câu:

Xuân đường kịp gọi Sinh về hộ tang

Huyên đường chỉ cho người mẹ là lấy ý từ kinh Thi: An đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bôi (Sao được cỏ huyên trồng nó ở chái nhà phía bắc). Vì cỏ huyên làm cho người ta quên được điều lo buồn. Bôi là chái nhà phía bắc nơi đàn bà con gái ở.

Truyện Kiều có câu:

Xuân Huyên tuổi hạc đã cao.
(N.Đ.C.TT. I, 182)

Cha mẹ sinh con thật khó nhọc, lại phải lo chăm sóc dạy dỗ từ tâm bé. Chúng ta hãy xem lối dạy con của bà mẹ thầy Mạnh Tử:

Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thay người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch buôn bán điên đảo. Bà mẹ thây thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước cắp sách vở, học tập lễ phép. Bây giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?”.

Bà mẹ nói đùa: “Đổ cho con ăn đây”. Nói xong, bà nghĩ lại hối hận: “Ta nói lỡ lời rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, bèn cầm con dao cắt đứt tâm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tâm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc hiền triết. Thế chẳng phải nhờ cái công giáo dục khéo léo của mẹ hiền đấy sao?

(Liệt Nữ truyện, C.H.T.H I. 146)

Và dưới đây là lời của một người cha dạy con, khi đứa con tỏ ra hỗn hào với mẹ:

“Dũng, con ơi! Sáng nay, con đã tỏ ra hỗn hào với mẹ. Ba mong rằng đó chỉ là vô tình, và từ nay trở đi không bao giờ thế nữa. Con có biết rằng ba đau lòng lắm không? Mẹ không cho con đi xem phim ấy là vì phim ấy trẻ con không được xem, nên mẹ muốn tránh cho con cái hại về sau. Cho con giải trí như thế là làm hại đến con, con có biết không?

Con hãy nhớ lại, mới năm trước đây, hồi con đau ốm, mẹ con suốt đem bơ phờ, thiểu não, ngồi ở đầu giường con mà cầu cho con khỏi bệnh. Trải bao đêm không ngủ, Mẹ con tiều tụy, đôi mắt thâm quầng. Lắm khi nhìn con trên giường bệnh, nước mắt mẹ chan hòa (ướt má). Con đau, lòng mẹ cũng đau, con rên lên một tiếng thì mẹ tưởng đến đứt ruột đứt gan. Giả sử có thể chết thế để cho con được sống, hẳn mẹ cũng vui lòng. Con có biết mẹ đã héo hon phiền muộn vì con không?

Con có biết mẹ lắm gian nan, nhiều cay đắng, mới nuôi con được đến ngày nay không?

Vậy Dũng ơi! Sao con lại dám hỗn hào với mẹ? Rồi đây trên bước đường đời, con sẽ nếm nhiều đau khổ, nhưng không có nỗi khổ đau nào sánh được với nỗi khổ đau của người con mất mẹ. Khi con đã lớn lên thành người khá giả, sẽ có một ngày kia con nhớ đến mẹ, muốn ôn lại bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu, muốn nghe giọng nói ngọt ngào, muốn nhìn khuôn mặt hiền từ của người cũng không được nữa. Mẹ con đã nằm sâu dưới 3 tấc đất, nhưng hương hồn vẫn vọng về phù hộ cho con.

Dù con có giàu sang phú quý đến mực nào, thiếu mẹ là thiếu cả cuộc đời. Con sẽ xót xa nhớ lại những phút lỗi lầm, những lúc làm mẹ con đau lòng bật ra tiếng khóc. Con ơi! Lúc ấy hối hận sẽ dày vò lòng con, và làm cho con phải khổ sở xót xa...

Hãy cầu xin mẹ tha thứ đi con, và xin người ban cho chiếc hôn trên trán, để xóa sạch những ý tưởng vô ơn trong đầu óc non dại của con.

(Dưới mái học đường, Cao Văn Thái, in lần thứ 3. 127)

Tình mẹ thương con thật cao vời như non cao biển rộng, ai trong chúng ta cũng có thể cảm được, nhưng không đủ ngôn từ để diễn tả. Chỉ có những nghệ sĩ mới diễn tả nổi tình yêu thương của mẹ. Chúng ta có thể nghe bài “Lòng mẹ” diễn tả tình mẹ của một nhạc sĩ sau đây:

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suôi hiền ngọt ngào.
Lời mẹ êm ái như dồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm, trăng tà soi bóng mẹ yêu.
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường.
Con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầubuồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.

b) Tình của con đối với cha mẹ

Công ơn của cha mẹ đối với con thật mênh mông như biển cả, kẻ làm con phải báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Trong ca dao của ta thường nói đến sự báo ân của con đối với cha mẹ bằng cách:

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già .

Hay:

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Con thương cha mẹ, dâng hiến những món ngon vật lạ, hết lòng chăm sóc sớm hôm là lẽ thường tình.

Trong số những người làm nên sự nghiệp vẻ vang, hồi tưởng lại công ơn nuôi dạy nghiêm khắc của mẹ hiền mà mình mới được hiển vinh, ta thấy có Khấu Chuẩn.

Khấu Chuẩn thuở nhỏ tính hay rong chơi, không giữ lễ phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ ông vốn là người nghiêm khắc, thấy con thế quở phạt luôn mà vẫn không chừa.

Một hôm ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận lắm, cầm cái nghiên mực ném ông, trúng phải chân, máu chảy đầm đìa... Ông bị đau, ít lâu mới khỏi. Từ bấy giờ ông không dám lêu lổng, phóng túng, chỉ chuyên cần học tập. Về sau ông thi đỗ làm quan đến Tể tướng. Lúc ông quý hiển thì mẹ đã tạ thế rồi. Mỗi khi ông sờ đến vết thương ở chân thì ông lại nức nở khóc và nói rằng: “Chính cái vết thương này làm cho ta nên người đây”.

(Nhân Phả C.H.T.H. I. 115)

Nói về hiếu hạnh thì người Trung Hoa có sách Nhị Thập Tứ Hiếu, kể lại gương hiếu thảo của 24 người được xem là tiêu biểu, mẫu mực để làm gương cho muôn đời. Ở đây chúng ta thử nhắc lại câu chuyện hiếu thảo của Mần Tử Khiên.

Mần Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế sinh được 2 trai, chỉ yêu con đẻ mà ghét Tử Khiên. Mùa đông giá rét, mẹ kế không cho Tử Khiên mặc áo bông mà chỉ cho mặc áo hoa lau. Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, cha thấy co ro run rẩy, liền quở mắng. Tử Khiên nín không dám nói. Cha giận đánh, ngờ đâu áo rách, bật hoa lau ra. Cha thấy thế căm giận người vợ kế bạc đãi con mình, liền muốn đuổi đi. Tử Khiên khóc mà van xin: “Dì con mà còn ở lại, thì chỉ một mình con rét. Nay cha đuổi Dì con đi thì cả ba anh em chúng con đều bị rét. Xin cha xót thương để Dì con ở lại”. Cha nghe nói cảm động, bèn thôi không đuổi người vợ kế nữa. Và từ đó, vợ kế cũng có lòng thương yêu Tử Khiên như thương yêu con đẻ.

(Thuyết Uyển, C.H.T.H. II. 19)

Câu chuyện đã được đặt thành thơ như sau:

Thầy Mần Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu.
Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đang tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thời áo kép mền bông.
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân,
Khi cha dạo, theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên sẩy rời tay.
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy.
Sa nước mắt, chân quỳ, miệng gửi:
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân con,
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha nghe nói cũng sa giọt tủi,
Mẹ nghe rồi cũng đổi lòng xưa.

Do lòng hiếu thảo mà Mần Tử Khiên đã cảm hóa người dì ghẻ ác độc thành người mẹ hiền. Mỗi lần giở đọc lại câu chuyện của Mẫn Tử Khiên là mỗi lần chúng ta xúc động. Còn câu chuyện thương mẹ già yếu của Hàn Bá Du sau đây cũng không kém phần cảm động:

Hàn Bá Du ăn ở với mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi, mẹ thường đánh đòn. Một hôm Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy thế hỏi: “Mỗi khi mẹ đánh, con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai thế?”.

Bá Du thưa: “Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn khỏe mạnh, lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ con thương mẹ mà con khóc”.

Ôi! Con ăn ở với cha mẹ tuy khó nhọc, khổ sở, hoặc cha mẹ có giận dữ quở phạt cũng không dám oán trách, như Bá Du trong truyện này, không những không oán mẹ, mà còn thương mẹ già yếu, tình con yêu mẹ thế mới thực là thắm thiết.

(Thuyết Uyển. C.H.T.H. II. 17)

Báo hiếu cha mẹ có nhiều cách, thăm hỏi, hầu hạ, hay dâng cha mẹ món ngon vật lạ đó là hạnh hiếu thảo thường tình, còn có đởm lược, mưu trí, biết cách minh oan, gỡ rối cho cha mẹ lúc nguy khôn mới là người có chí cao. Câu chuyện nàng Đề Oanh dâng thư cứu cha thật là một việc làm hy hữu:

Thuần Vu Ý làm quan ở Tề Trung phải tội, sắp bị đem hành hình, giải đến Trường An. Ông không có con trai, chỉ sinh được năm người con gái, lúc bị bắt đi, ông mắng con rằng: “Sinh con chẳng sinh con trai, đến lúc nguy cấp thực không biết nhờ ai để đỡ đần”.

Người con gái út tên Đề Oanh thương khóc theo cha đến Trường An, dâng thư lên vua để minh oan cho cha, đại ý nói: “... Cha tôi làm quan cả miền Tề Trung ai cũng ca tụng là thanh liêm, công bình; nay bất hạnh phải tội thật là oan quá! Vả chăng tôi trộm nghĩ, người đã chết thì không sống lại được, đã chém thì không liền lại được. Nên dù muôn đổi lỗi, theo điều phải, trở nên hay nên tốt, cũng không có cách nào được nữa. Tôi xin bán mình, làm đứa ở chỗ quan phủ, chuộc tội cho cha, để cha tôi còn có dịp sửa lỗi...”.

Thư dâng lên vua. Vua xem xong truyền tha cho Thuần Vu Ý. Rồi xuống chiếu trừ các nhục hình.

(Sử Ký. C.H.T.H. II. 20)

Việc dâng thư để minh oan cho cha của nàng Đề Oanh không những đã cứu được cha mà còn làm cho nhà vua phải thay đổi lại những hình phạt quá nghiêm khắc, khiến cho trăm họ đều được nhờ ơn.

Hạnh hiếu kính cha mẹ là bổn phận của người con, cho nên dù người con ấy làm đến địa vị quốc vương cũng phải kính sợ và vâng lời cha mẹ. Đó là trường hợp Vua Trần Anh Tông ở đời Trần.

Nhân tiết Đoan ngọ, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, từ phủ Thiên Trường về thăm kinh sư, đến giờ dùng cơm, không thấy Vua Trần Anh Tông ra hầu, Thượng hoàng bèn hỏi tả hữu thì được biết Vua vì say rượu, sợ thất lễ nên không dám ra hầu. Nhân dịp ấy Thượng hoàng muôn nghiêm huấn nhà vua, bèn truyền các quan theo Ngài về phủ Thiên Trường để nghe chỉ dụ.

Quá trưa Vua mới tỉnh rượu, sợ quá, chạy chân đất ra cửa cung, gặp Đoàn Nhữ Hài, bèn nhờ Đoàn Nhữ Hài làm biểu. Rồi Vua cùng Đoàn Nhữ Hài đi thuyền suốt đêm, đến sáng hôm sau mới tới nơi, bèn nhờ Nhữ Hài đội tờ biểu vào dâng Thượng hoàng, còn Vua thì đứng chờ ở cửa ngoài. Chờ mãi đến chiều, trời đổ mưa to, Vua vẫn đứng yên không dám di chuyển, cảm động trước cử chỉ hiếu hạnh của Vua, Thượng hoàng mới nhận biểu, xem thấy lời lẽ rất thành khẩn, chí tình, bèn cho đòi nhà vua vào, rồi dùng lời lẽ rất nghiêm khắc quở trách. Vua lạy xin chịu tội, lúc ấy Thượng hoàng mới miễn tội. Và từ đó Vua cũng xa rượu.

Tinh thần trị gia nghiêm minh của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và gương hiếu hạnh của Vua Trần Anh Tông thật đáng làm cương kỷ cho đạo trị quốc an dân.

(Tình Mẹ. HG. 27)

Những người con hiếu thảo xưa nay kể cũng rất nhiều, và sự báo ân cha mẹ mỗi người một cách. Chung quy cũng phát xuất từ tấm lòng tri ân, nhớ cội nhớ nguồn. Bởi vì “cây nhờ cội trổ sinh cành lá, nước bởi nguồn tủa hóa rạch sông”. Thoát thai từ tấm lòng tri ân cha mẹ, Tôn giả Sona đã kể công ơn cha mẹ bằng những vần thơ khá súc tích:

Cầu con mẹ vái Phật trời,
Sinh con mẹ muốn sinh ngày thọ an.
Dưỡng thai ăn uống cữ kiềng,
Ngồi nằm, đi đứng, mẹ hiền cẩn tri.
Ngày sinh từ mẫu râm ri,
Cho con hưởng phước tứ chi vẹn toàn.
Đừng cho què, sứt, điếc, câm,
Lục căn cụ túc thành tâm nguyện cầu.
Chào đời tiếng khóc ban đầu,
Mẹ hiền cho trẻ hai bầu sữa tươi.
Bú no như mỉm miệng cười,
Mẹ hiền sung sướng muốn rơi lệ mừng.
Những khi la khóc giận hờn,
Trở trời, ươn yếu, mẹ thường ấp yêu.
Ngày đêm bận bịu nuông chiều,
Tấm thân nào quản trăm điều gian nan.
Dãi dầu một nắng hai sương,
Héo gầy thân mẹ, vẫn thương con khờ.
Những khi mưa nắng bất ngờ,
Mẹ hiền vội gọi con thơ vào nhà.
Sợ e nắng táp mưa sa,
Thân con đau ốm, mẹ cha buồn phiền.
Mẹ là một đấng thần tiên,
Đến khi con vị thành niên tươi hồng.
Sợ con nhẹ dạ, non lòng,
Mẹ hiền thỏ thẻ, ngọn nguồn dạy khôn.
Trễ giờ sốt ruột, bồn chồn,
Con thơ đâu mất, hoàng hôn chưa về!
Thấy con, lòng mẹ hả hê,
Vui mừng ra mặt, cười hề với con.
Gia tài tích lũy bảo tồn,
Dành cho con trẻ lớn khôn khi dùng.
Dạy con sợi tóc, móng chân,
Trung, trinh, hiếu nghĩa ân cần cưu mang.
Mẹ cha là đấng Phạm thiên.
Là thấy trước cả tiên sư trên đời
Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Làm con chữ hiếu trọn đời chớ quên.
(Tình Mẹ. HG. 22)

Tấm lòng của từ mẫu đối với con trẻ thật là bao la, và sự chịu đựng những nỗi nhọc nhằn, những cay đắng trong khi bụng mang dạ chửa cũng là một đức tính nhẫn nhục vô bờ bến. Cho nên công ơn của mẹ cha không có bút mực nào tả hết. Vì thế người con dù suốt đời phụng dưỡng, dâng hiến cha mẹ món ngon vật lạ, nuôi cha mẹ chí hiếu đến trọn đời cũng không thể nào trả được ân cha mẹ. Nên ca dao có câu:

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng.

Vì nghĩ đến công ơn lai láng của cha mẹ, nên thi hào Cao Bá Quát, khi cha chết đã khóc cha bằng 2 câu đôi:

Thảng nhược bộ tống Cửu tiêu, chi trúc trượng dục tiên Bắc đẩu;
Túng sử phi đằng vạn trượng, giải ma y, cải tịch Nam tào.

(Giả sử đi đến được cửa Cửu tiêu, cầm gậy trúc đánh sao Bắc đẩu;
Ví mà bay lên cao được muôn trượng, cởi áo tang, giũ sổ Nam tào).

Cao Bá Quát vì quá thương cha mà có những lời lẽ xúc phạm đến Bắc đẩu, Nam tào. Theo truyền thuyết, Nam tào, Bắc đẩu là những vị tiên giữ sổ sinh sổ tử của loài người. Ông trách các vị tiên ấy sao không kéo dài mạng sống cho cha già, mà lại xóa tên trong sổ bộ, khiến cho cha ông phải vĩnh viễn xa lìa nhân thế. Vì thương cha, muốn cho cha sống mãi mà không làm sao được, ông mới trách thế.

Chúng ta thấy nhà cách mạng Nguyễn Thức Bao, người Nghệ An, từng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, sau bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Ở đây, ông được tin cha ở nhà tạ thế, ông làm câu đối khóc cha thống thiết sau đây:

“Nghĩ bao nhiêu, thêm tức bấy nhiêu, nợ nam nhi chưa trả được chút nào, trời biển cao sâu, mây bạc trông về nhà có mẹ.

Khóc cũng vậy, mà than cũng vậy, nghĩa hiếu trung biết làm sao cho trọn, non sông dời đổi, giống vàng còn lại nước là cha.

(Chơi chữ, Lãng Nhân, 23)

Trên đây là những tấm gương hiếu thảo, những cách thức báo ơn cha mẹ bằng vật chất và tinh thần, những nỗi niềm xót thương cha mẹ của những người con tưởng nhớ đến ân sinh thành dưỡng dục cao sâu của cha mẹ. Tựu trung, những cách thể hiện lòng hiếu thảo, những cách báo đáp ân đức cha mẹ trên đây, dù đáng ca ngợi và kính trọng, đáng làm gương sáng cho muôn thế hệ noi theo, cũng vẫn là cách báo hiếu theo thường tình, chưa phải là cách báo hiếu trọn vẹn. Muốn thực hành hiếu hạnh một cách viên mãn, chúng ta là những người con Phật, chúng ta có thể vâng lời Phật dạy, trả ơn cha mẹ theo tinh thần và cách thức của những lời dạy ấy. Tóm lại thì có 2 trường hợp: một là báo ân cha mẹ hiện tiền và hai là báo ân cha mẹ đã quá cố trong nhiều đời quá khứ. Muôn báo đáp công ơn cha mẹ hiện tiền, những người Phật tử cần thực hành theo những lời dạy trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân. Trong kinh này Đức Phật dạy các hàng Phật tử muôn báo hiếu cha mẹ một cách rốt ráo, theo đúng Chính pháp thì cần phải làm những việc như sau:

1. Truyền bá Chính pháp để báo ân cha mẹ.

2. Vì cha mẹ, chuyên tâm học hỏi và đọc tụng kinh điển.

3. Vì cha mẹ, sám hối, tránh giết hại các sinh vật.

4. Vì cha mẹ, nên ăn chay, tránh ăn thịt chúng sinh.

5. Vì cha mẹ, cúng dường Tam bảo những vật cần thiết.

6. Vì cha mẹ, thường bố thí, làm các việc phước thiện.

Thực hành theo những việc trên đây mới là cách báo hiếu trọn vẹn, theo đúng tinh thần của Chính pháp, đem lại ơn ích cho cha mẹ một cách chân thật và lâu dài. Thế nên, đã là Phật tử thuần thành, không ít thì nhiều cũng đã là một người con hiếu thảo. Lòng hiếu thảo cũng chính là lòng sùng đạo. Cho nên người Phật tử nhiệt thành phụng sự Tam bảo, vô hình trung đã bao hàm ý nghĩa báo ơn cha mẹ ở trong đó.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng có nhiều người không những muôn báo đáp công ơn cha mẹ hiện tiền mà còn mong báo đáp công ơn cha mẹ đã quá cố hoặc cha mẹ trong nhiều đời kiếp trước. Muốn thực hành theo cách báo hiếu này, những người con Phật thường noi theo hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên như được diễn tả trong kinh Vu Lan Bồn. Vào dịp trung nguyên, rằm tháng 7, ngày này là ngày Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng tự tứ, ngày xá tội vong nhân. Các Phật tử có thể sắm sửa trai soạn, hoặc những vật dụng nhu yếu, với một lòng thành kính đem dâng lên cúng dường chư Phật, Tôn pháp và chúng Tăng. Nhờ chúng Tăng chú nguyện cầu siêu cho thất thế phụ mẫu, cũng như lục thân quyến thuộc quá cố để cầu mong cho họ thoát khỏi cảnh khổ đau, sinh về nhàn cảnh. Bởi vì trong 3 tháng an cư, chúng Tăng dồn hết tâm lực để tu học, nên cuộc sống được an lạc và thanh tịnh, nhờ vậy mới có năng lực hóa giải được những oan kết, và chuyển hóa được những việc bất tường trở nên tốt đẹp. Chính thân mẫu của Tôn giả Mục Kiền Liên đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ, sinh lên Thiên giới là nhờ sức chú nguyện của Thập phương đại đức chúng Tăng. Do đó Tôn giả Mục Kiền Liên vô cùng xúc động và hoan hỷ, lại xót thương cho những người con hiếu thảo của đời vị lai, mới khẩn cầu Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp báo hiếu cha mẹ để những người Phật tử đời vị lai áp dụng. Đức Thế Tôn đã rủ lòng từ mẫn dạy cho những người con Phật trong đời vị lai muốn cứu vớt cha mẹ thoát khỏi vòng tăm tối phải noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên. Việc cúng dường Tam bảo trong dịp Vu Lan không những tạo công đức cho cha mẹ mà còn đem lại công đức cho chính bản thân mình và lục thân quyến thuộc hiện tiền.

Kết luận:

Trên đây chúng ta đã bàn đến những đức tính cao đẹp của con người trong cộng đồng xã hội, chúng ta đã được nghe những mảnh gương liệt nữ chung tình, những người vợ hiền thờ chồng trọn đạo, dù vật đổi sao dời vẫn một lòng thủy chung như nhất. Những người học trò luôn luôn giữ trọn đạo nghĩa với thầy. Những người con dân hết lòng trung thành với cấp lãnh đạo của mình. Những người có tấm lòng nhân ái đôi với đồng bào đồng chủng. Những mảnh gương nói lên tình bè bạn, tình anh em đẹp đẽ, sáng chói. Nhất là tình cha mẹ thương con và lòng nhớ ân, báo ân của con đối với cha mẹ. Trong các tình cảm này thì tình cảm của con cái đối với cha mẹ, tức nết hiếu thảo là thứ tình cảm thiêng liêng cao cả nhất. Cho nên từ những bậc lãnh tụ, những hạng thượng lưu trí thức cho đến những người thường dân chất phác, ai ai cũng kính trọng, ca ngợi lòng hiếu thảo, tri ân. Trái lại, không một người nào là không khinh bỉ, chê trách những kẻ vong ân, bội nghĩa. Những mảnh gương hiếu thảo của cổ kim như chúng ta đã thấy, thật đáng khâm phục. Nhưng nếu chúng ta chưa hiểu rõ Chính pháp thì dù có xả thân này để đền ân cha mẹ, sự báo đáp ấy cũng chưa trọn vẹn. Muôn báo hiếu một cách trọn vẹn, phải biết Chính pháp, có hiểu rõ Chính pháp mới có tinh thần vị tha, xả kỷ, mà muôn vị tha xả kỷ thì phải hiểu rằng các pháp hữu vi là vô thường, không thật. Cái gọi là thân của ta đây chỉ là giả tướng, không có một bản ngã cố định. Nhưng lồng trong cái giả tướng này có một cái chân thật bất sinh, bất diệt. Đứng trên nền tảng của cái bất sinh bất diệt ấy mà sử dụng cái thân vô thường sinh diệt này để phụng sự cha mẹ, phụng sự đồng loại và chúng sinh, thì cách phụng sự đó mới là sự báo đáp ân đức một cách viên mãn.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6318856
Số người trực tuyến: