Kinh lần tràng - Phật nói Kinh Mộc Hoạn Tử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Kinh lần tràng - Phật nói Kinh Mộc Hoạn Tử

Kinh lần tràng - Phật nói Kinh Mộc Hoạn Tử

(Có nơi gọi là lần chuỗi tràng)

PHẬT NÓI KINH MỘC HOẠN TỬ (1)

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Gradhakùta), nước La Duyệt Kỳ (Ràjagrha), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Đại Tỷ - khiêu và vô số nhũng vị Bồ tát, mà là những vị đã được tiếng tăm đồn xa, Nhân, Thiên cung kính.

Quốc vương trong thời ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật. Đến nơi, Sứ giả ấy đính lễ chân Phật và bạch Phật rằng: Lạy đức Thế Tôn, nước chúng con là một nước biên tiểu, nhiều năm giặc giã, ngũ cốc đắt đỏ, tật dịch tràn lan, nhân dân đói khổ, chúng con thường không nằm yên được. Chúng con đươc biết Pháp tạng của Như Lai rất rộng rãi, sâu xa, đáng tiếc, chúng con vì có những việc lo buồn như thế, nên không tu hành được. Chúng con kính mong đức Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót chúng con cho chúng con pháp yếu gì, để chúng con ngày đêm có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não.

Đức Phật bảo Sứ giả về thưa với nhà vua rằng: Nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một chuỗi tràng một trăm tám hạt bằng hạt cây Tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu : PHẬT-ĐÀ, ĐẠT- MA, TĂNG-GIÀ, mỗi lần là lần qua một hạt cây Tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt. Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm-Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị chứng được quả Tu-đà-hoàn (Srotàpanna-phala : nghịch lưu: ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết bàn, dứt hẳn cội cốc phiền não và được quả vô thượng.

Đức Phật dạy xong, Sứ giả lễ Phật lui về, về tâu với nhà vua những lời mà đức Phật đã dạy, nhà vua rất vui mừng, liền xa hướng về phía đức Thế Tôn, đầu diện lễ Phật và bạch rằng : Quý hóa thay, lạy đức Thế Tôn, con sẽ phụng hành y như lời đức Thế Tôn đã dạy. Lễ rồi, tức thời sai các quan và nhân dân, tìm kiếm hạt cây Tra, làm thành nghìn cỗ tràng. Làm xong, lục thân quyến thuộc nhà vua đều cho mỗi người một cỗ.

Từ đó, nhà vua thường tụng niệm. Tuy có khi nhà vua thân coi việc quân lữ, nhưng không từng cất, bỏ tràng hạt ấy. Hơn nữa, nhà vua lại khởi ra niệm này: Đức Thế Tôn là bậc đại từ ứng khắp hết thảy tâm nguyện chúng sinh. Nếu thiện căn này của con được khỏi hẳn trầm luân khổ hải, thời mong đức Như Lai hiện đương thân thuyết pháp cho con nghe. Nhà vua mong muốn quá, bức bách tâm thần, đến nỗi ba ngày không ăn gì cả.

Đức Phật liền ứng thân hình cùng những quyến thuộc đến trong cung vua, mà bảo nhà vua rằng: Sa- đẩu Tỳ-khiêu tụng danh hiệu Tam Bảo, trải qua mười năm, được chứng quả Tư-đà-hàm và tu hành dần dà sẽ được làm ngôi Bích Chi Phật ở thế giới Phổ Hương.

Sau khi nhà vua được nghe những lời Phật dạy như thế rồi, lại càng tu hành hơn lên.

Đức Phật bảo Ngài A-nan: Lọ là tụng danh hiệu Tam Bảo đến vạn lượt mới được như thế, ai nghe được tên người tụng ấy, sinh nhất niệm tùy hỷ, nơi sinh của đời mai sau, thường thường được nghe mười điều thiện.

Khi đức Phật nói pháp ngữ ấy rồi, đại chúng hoan hỷ, đều nguyện phụng hành.

Giải thích:

(1) Kinh Mộc hoạn tử là cuốn kinh số 786 trong Đại tạng kinh. Mộc hoạn tử tiếng Phạn gọi là A-lê-sắt-ca-tử (Aristaka). Mộc hoạn tử cũng gọi là Vô hoạn tử và Tra mộc, là thứ cây hay trừ được tà quỷ, nhưng, kỳ thực hạt và gỗ nó có thể làm được hạt tràng. Sao lại gọi là "Vô hoạn tử" và "Tra mộc"? Theo “Thôi báo cổ kim chú” nói: Trình Nhã hỏi: Cây Tra (Tra mộc) sao lại gọi là cây "Vô hoạn"? - Đáp: Xưa kia có vị Thần Vu, tên là Bảo Mạo hay làm bùa để bắt trị mọi quỷ, khi bắt được quỷ, vị ấy dùng gậy đánh chết; người đời thấy thế dùng cây ấy làm một thứ cho mọi quỷ sợ, mà mình không sợ quỷ nữa, nên gọi là "Vô hoạn". (Để dễ gọi tên cây này và có tên là Tra mộc, nên trong quyển này "Mộc hoạn tử" đều dịch là cây "Tra").

Kinh này mất tên vị dịch chữ Phạm ra chữ Hán, nay phụ vào Đông Tấn lục mà thôi.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327974
Số người trực tuyến: