Lá thư gửi mẹ ngày lễ Vu Lan
Với rất nhiều người, tỏ tình với người con gái (con trai) mình yêu thì dễ, nhưng lại khó khăn khi thể hiện tình cảm với người đã sinh ra mình. Viết chính là cách thể hiện cảm xúc thay cho những lời nói trực tiếp. Lá thư dưới đây là tình cảm của người con dành cho mẹ của mình, yêu mẹ rất nhiều nhưng không thể đứng trước mặt mẹ, ôm mẹ thật chặt để nói: "Con yêu mẹ vô cùng, con cảm ơn mẹ vì mẹ là mẹ của con".
Con đã viết rất nhiều, viết rất rất nhiều, nhưng chưa một lần viết về mẹ, dù mẹ là người ở bên con nhiều nhất, lâu nhất và là người thật sự yêu thương con. Hôm nay con bỗng thấy rằng... ánh mắt mẹ đem bình an đến cho con. Những lúc vô tình con nhìn thấy mẹ đang lặng lẽ ngắm ba bố con, con bỗng cảm thấy được ở nhà thật an toàn và ấm áp. Những khi con đi đâu về hoặc bắt đầu đi, mẹ luôn ra đến tận cửa nhìn con. Những nẻo đường con đi qua luôn cõng trên lưng một đôi mắt, như một mảnh bùa bình an.
Đôi tay mẹ trói tâm hồn con. Những món ăn, những góc nhà, những công việc thường nhật linh tinh... gắn vào từng rãnh nhỏ trong khối óc của con. Con phát hiện ra mình có một thói quen so sánh rất hay là "Mẹ tớ nấu món này ngon lắm", hoặc “Ở nhà mẹ con cũng hay làm vậy cho chị em con lắm", ... Con phát hiện rằng bất kì người phụ nữ nào con gặp con đều liên tưởng đến mẹ, bất kì sống ở nơi đâu thì nếp sống ở đó đều làm con nhớ mẹ.
Bước chân mẹ khiến con an tâm. Đôi bàn chân mẹ bằng không có vết lõm, khi bước đi trên sàn gạch bông luôn phát ra những tiếng 'chách chách', hôm nào cả buổi không nghe được âm thanh đó là thể nào con cũng phải đi ra hỏi bố một tiếng “Mẹ đi đâu hả bố?”. Âm thanh thuộc bản quyền của mẹ, rất bình thường nhưng khiến 3 bố con an tâm. Đôi khi lúc 11h trưa và 5h chiều thỉnh thoảng con rất nhớ âm thanh đó, vì giờ đó mẹ đi khắp nhà để dọn dẹp. Con nằm và nghe.
Tiếng nói mẹ đem sự trưởng thành đến cho con. Những lần mẹ dạy, những lần roi vụt lên kèm theo một câu “Từ nay con phải chừa nghe”, những trận tranh cãi nảy lửa kèm theo sự bức tức kéo dài, cả những lần mẹ kể hoài hoặc nói hoài một chuyện nào đó từ sáng đến chiều (thỉnh thoảng vài tháng sau còn đem ra nói lại)... Tất cả như mưa dầm thấm đất, con chẳng bao giờ hiểu được tại sao mẹ lại nói nhiều như vậy cho đến khi con gặp phải những rắc rối từ bên ngoài. Mẹ không dạy con cách xử lý tất cả các tình huống, nhưng mẹ dạy được con chọn cách mà tất cả mọi người ít phải làm tổn thương lẫn nhau.
Nước mắt mẹ làm mềm tim con, nơi mà con nghĩ mẹ chẳng bao giờ hiểu nổi. Bao nỗ lực của mẹ cố gắng để thay đổi con đều vô ích, nhưng nước mắt mẹ làm con đau lòng, đau hơn tất cả trăm ngàn roi vọt và khiến con phải tự điều chỉnh hành vi lối sống của mình. Và mẹ, chỉ một từ giản đơn, người phụ nữ bình thường với những việc làm cũng rất bình thường, khiến con phải rơi nước mắt giữa biết bao người khi ngồi viết những dòng này trong một quán cafe; khiến con thấy rằng con vừa hạnh phúc lại vừa thật tầm thường so với tình yêu của mẹ.
Từ lâu lắm con đã quên những cái hôn, những cái ôm ấm áp, những lời nói yêu thương của mẹ và con. Con nghĩ những điều đó dường như không cần thiết (hay là con không đủ can đảm để làm?), vì khi con nhớ mẹ con chẳng hề nhớ đến những lần mẹ nói thương con, con chẳng nhớ đến những lần mẹ mua sắm cho con những vật dụng đắt tiền. Khi con nhớ mẹ, con nhớ trước nhất là dáng người mẹ, những việc lặt vặt mẹ hay làm, rồi đến những lần mẹ vụt roi, nhớ những lần bị mắng.
Con không viết những dòng này vào ngày lễ Vu Lan hay ngày nào khác. Con chỉ viết những dòng này vào ngày hôm nay, một ngày bình thường khi mà con cảm thấy thật sự nhớ mẹ, nghĩ về tình yêu của mẹ. Lần đầu tiên con viết về mẹ, con tốn quá chừng là nước mắt. Điều tất nhiên là con sẽ giấu nhẹm lá thư này như bao đứa con khác, mãi mãi mẹ chẳng bao giờ xem được. Vì mẹ yêu con rất thầm lặng, nên con cũng sẽ lặng lẽ yêu mẹ. Tại sao bày tỏ tình yêu với người xa lạ rất dễ dàng, nhưng lại quá khó khăn khi nói rằng con yêu mẹ?
Bạn thân mến!
Đây là lá thư của một em học trò cấp 3 viết cho mẹ, còn chúng ta những người Phật tử thì sao? Phải viết một lá thư như thế nào để thể hiện trọn lòng tri ân với mẹ mình?
Những lời xin lỗi dù muộn màng vẫn hơn trăm ngàn những lời nói yêu thương bóng gió vu vơ. Dù vụng về bao nhiêu, thô thiển bao nhiêu cũng có thể đem đến hạnh phúc cho Mẹ. Bạn hãy làm ngay! Không bao giờ là trễ! Vì có thể đây là lời nói duy nhất hoặc cuối cùng của mình dành cho Mẹ.
Chúng ta không cầu kiếp sau làm con của Mẹ, mà phải nguyện thành Phật, thành Bồ-tát để hóa độ cho Mẹ, đưa Mẹ về cõi An Lạc vĩnh viễn an vui, nơi đó có Phật, có Bồ-tát, và có chúng ta, dìu dắt Mẹ lên con đường giải thoát, giác tỉnh. Đó chính là tinh thần của những người con Phật.
Chỉ cần nhớ đến lý vô thường, Mẹ chúng ta không còn bao lâu trên cõi đời này nữa, thì chúng ta sẽ nỗ lực khai tỉnh, khuyến khích Mẹ cùng bước trên con đường về cõi Phật. Lúc đó, thì cha mẹ hiện đời hay cha mẹ nhiều kiếp đều được hưởng sự báo đền hiếu thảo của hàng tu sĩ chúng ta. Đó là chúng ta đang học theo hạnh đức Thích Ca Mâu Ni, xuất gia để báo đền ân đức của cha mẹ nhiều đời chứ không phải chỉ vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da.
Bạn hãy cố gắng dành những lời ân cần nhất, chân thành nhất, yêu thương nhất dành cho các bậc sinh thành, không phải là muộn đâu nếu bạn muốn làm ngay lúc này! Đó chính là một hành động đơn giản mà ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 2418
Viết bình luận