Ý nghĩa lễ Vu Lan (HT. Thích Minh Châu)
Ý nghĩa lễ Vu Lan
Thích Minh Châu
Mỗi năm đến ngày rằm tháng Bảy Âm lịch, toàn thể Phật tử Việt Nam chúng ta và Phật tử khắp năm châu đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng Tăng, dựa vào uy lực và giới đức của đức Phật và chúng Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng cõi Tịnh độ.
Vu Lan là gọi tắt, nếu nói đầy đủ là Vu Lan bồn. Vu Lan bồn là cứu tội bị treo ngược. Tiếng Phạn (Sanskrit) là Ulambana, hay là Avalamba nghĩa là treo ngược. Có tác giả nói từ Bồn là từ Trung Quốc có nghĩa là chậu, nghĩa là chậu đựng các thứ cúng dường đức Phật và chư Tăng.
Tôn giả Mục Kiền Liên là một đệ tử lớn cùa đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A-la-hán, Ngài dùng Thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói: "Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm tháng Bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương, nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được".
Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương, hoa... đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên nương nhờ vào uy lực của giới đức và phúc đức chư Tăng mười phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục Kiền Liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói, nỗi khổ ví như nỗi khổ của người bị treo ngược, siêu thăng lên các cõi lành.
Nhân đó, đức Phật Thích Ca có lời dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng: “Làm người đệ tử Phật có đức hiếu thuận, phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng Bảy, hãy nên làm lễ Vu Lan bồn, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để báo ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sinh vào các cỗi lành”.
Kinh Vu Lan bồn chủ yếu được lưu hành rộng rãi ở các nước Phật giáo Châu Á, là nơi có truyền thống hiếu kính cha mẹ và thờ phụng tổ tiên rất sâu đậm. Ngày lễ Vu Lan được nhân dân các xứ này tổ chức như một ngày lễ lớn trong năm và trong cả nước, ngày lễ báo ơn báo hiếu đối với cha mẹ, ông bà, sư trưởng, cũng như đối với tất cả nhứng người xứng đáng được tri ân, nhưng trước hết là công ơn cha mẹ và ông bà cho tới bảy dời.
Ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nước khác ở Châu Á, ngày lễ Vu Lan được quần chúng hưởng ứng rất rộng rãi. Có thể nói là mọi người, kể cả những người không theo đạo Phật, những gia đình theo Nho giáo hay theo Lão giáo cũng đều làm lễ Vu Lan, nhân ngày lễ đó tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đến bảy đời, công ơn Thầy dạy, công ơn Quốc gia cũng như công ơn của tất cả chúng sinh.
Trong Kinh tạng Pàli của Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta có thể đọc được những lời đức Phật dạy về chữ Hiếu thật là đầy đủ, sinh động và cụ thể, những lời mà chỉ có đức Phật là bậc đại trí tuệ mới có thể nói ra được :
“Này các Tỷ-kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà các người uống, trong khi các người luân hồi sinh tử trong một thời gian dài, chứ không phải là nước trong bốn biển..."
(Tương Ưng II, 208)
“Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha..."
(Tăng chi I, 75)
Các Kinh Bắc Tông nói về đạo hiếu cũng rất nhiều, ngoài Kinh Vu Lan bồn ra, có thể kể các Kinh như: Nhẫn Nhục Kinh, Đại Tập Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh... lời lẽ trong các Kinh này cũng thống thiết, sinh động như trong các Kinh Nguyên thủy vậy. Như Kinh Nhẫn Nhục nói: “Thiện cùng cực, không gì hơn hiếu; ác cùng cực, không gì hơn bất hiếu”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Phàm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng”. Kinh Đại Tập nói: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ cũng như khéo phụng thờ Phật”.
Như vậy Kinh điển của Phật giáo Nam Tông cũng như của Bắc Tông đều nói đến đạo hiếu và rất coi trọng đạo hiếu. Trước đây và hiện nay vẫn còn có một số người chưa hiểu hết giáo lý giải thoát của nhà Phật, cho rằng các vị đi tu không có vợ con nên không có con nốì dõi tông đường, họ cho là bất hiếu. Vì họ hiểu sai về lý tưởng xuất gia của đạo Phật. Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân. Xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ mọi tình cảm hẹp hòi vị kỷ, từ bỏ ba độc tham sân si. Sách Phật thường nói về sự xuất gia và lý xuất gia.
Cạo tóc, mặc áo Cà-sa vào chùa ở chỉ mới là sự xuất gia. Từ bỏ được ân ái hẹp hòi, từ bỏ được danh lợi thế gian tầm thường, từ bỏ được mọi tham muốn thấp hèn về ăn uống, tiền tài, danh sắc, ngủ nghỉ, từ bỏ được tham sân si mới gọi là lý xuất gia.
Người tu sĩ sau khi xuất gia, chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội đều là cha mẹ, anh em, con cái của mình, và thương yêu với một tình thương không phân biệt. Đức Phật Thích Ca được tôn gọi là đấng Từ phụ tức là cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như con ruột của mình. Mọi người xuất gia cũng vậy, noi gương đức cha lành, cũng xem mọi người trong xã hội đều như cha mẹ anh em, bà con ruột thịt của mình.
Hơn nữa người xuất gia làm tròn đạo hiếu của mình bằng một cách khác. Tức là bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyên khích cha mẹ bố thí và tu học chính pháp, đạt tới trí tuệ chân chánh. Và làm như vậy, theo như lời đức Phật nói, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ trọn vẹn nhất. Chứ báo hiếu không có nghĩa cha mẹ làm gì mình cũng tán thành, dù rằng làm ác, làm điều bất thiện. Ngay báo hiểu cũng phải có trí tuệ.
Đạo Phật nói đến chữ Nhẫn và chữ Hiếu như đạo Nho, nhưng với một nội dung rộng lớn hơn nhiều, như có thể thấy qua câu mở đầu toát yếu toàn bộ ý tứ trong tập truyện thơ dân gian “Nam Hải Quan Âm”, rất được ưa chuộng của dân chúng Việt Nam:
"Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Trên thời hiếu báo sinh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta-bà"
Độ thoát cha mẹ khỏi vòng sông chết luân hồi là cách thức báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi vì mình có tu hành chứng quả, độ thoát được mình, mới có thể độ thoát cho cha mẹ được. Đó là việc làm của đức Quan Âm Diệu Thiện trong truyện Nam Hải Quan Âm.
Thế nhưng tất cả chúng ta, dù xuất gia hay tại gia đều có thể trả ơn đầy đủ cho cha mẹ, nếu chúng ta học tập và thực hành theo lời đức Phật dạy trong Tăng Chi bộ Kinh tập I trang 75:
“Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cài vật chất, tiên bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thời khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ".
Những lời dạy đó của đức Phật là những lời bổ ích mà tất cả Phật tử chúng ta đều có thể thực hành được.
Chúng ta đều là đệ tử Phật, là con Phật. Chúng ta đều đã thọ lễ Tam quy: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu cha mẹ chúng ta chưa tin Tam Bảo, thì chúng ta hăy khéo léo hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ đặt niềm tin ở Tam Bảo, và tiến dần tới Tam quy y. Phép quy y cũng có sự quy y và lý quy y. Làm lễ quy y Tam Bảo mới chỉ là sự quy y. Chúng ta còn phải giảng giải cho cha mẹ rõ thế nào là Phật, Pháp, Tăng và quy y Phật, Pháp, Tăng có lợi ích như thế nào. Nếu cha mẹ có làm những điều ác bất thiện nơi thân hay nơi lời nói như sát, đạo, dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói ác, nói lời vô nghĩa, thì chúng ta phải khuyên răn cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyên khích cha mẹ phóng sinh, thay vì sát sinh; bố thí thay vì lấy của không cho; sống chính hạnh thay vì tà hạnh; nói lời thật thay vì nói dốì; nói lời đoàn kết thay vì nói chia rẽ; nói lời dịu hiền thay vì nói ác độc; nói lời có ý nghĩa thay vì nói vô nghĩa... Những lời dạy của đức Phật, mặc dù nói ra cách đây hơn hai ngàn rưỡi năm, nhưng vẫn mang tính thời sự nóng bỏng đối với xã hội chúng ta hiện nay. Những lời nói đó xứng đáng là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta, cho mọi cung cách ứng xử của chúng ta trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội. Tất cả chúng ta hãy sống theo lời dạy của đức Phật, tức khắc chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ sống bất hạnh và đau khổ.
Vì lợi lạc của mọi người, của số đông, chúng ta hãy phổ biến rộng rãi những lời dạy vàng ngọc đó của đức Phật. Mỗi chúng ta chứ không gì riêng Tăng sĩ, đều phải biết nói pháp, khéo nói pháp, có như vậy bánh xe Pháp mới thường chuyển, ngọn đèn Pháp mới ngày đêm sáng tỏ.
Đức Phật đã từng dạy rằng: “Trong tất cả hình thức bố thí, thì bố thí Pháp là đệ nhất".
Cho nên tất cả chúng ta phải học nói Pháp, biết nói Pháp, khéo nói Pháp. Đừng nên nghĩ rằng nói pháp phải là đăng đàn thuyết Pháp, nói hai ba giờ liền và dẫn chứng nhiều kinh điển mới là thuyết Pháp. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật đã từng răn dạy rằng, nói trăm ngàn lời cũng không bằng nói một lời làm cho tâm người nghe được an tịnh.
Học Pháp là học những lời đức Phật dạy để biết rõ đâu là thiện, đâu là bất thiện, đâu là gốc rễ của thiện, của bất thiện. Không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, khỏng nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, có chính kiến là thiện. Ngược lại là bất thiện. Tham sân si là gốc rễ của bất thiện. Ngược lại là thiện. Học rồi đem sở học ấy áp dụng vào nếp sống hằng ngày của chính mình và khuyến khích người khác áp dụng thì gọi là hành Pháp.
Học Pháp và hành Pháp là nếp sống tu học song đôi của người Phật tử. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu nhân tích đức của người Việt Nam, vừa nói lên ý nghĩa đúng đắn của một người con Phật biết sống vì mình vì người. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt đẹp nhất của mỗi người Phật tử chúng ta.
Nam-mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Tôn giả.
- 115
Viết bình luận