Nhân duyên để có gia đình hạnh phúc
Hầu hết chúng ta đều đang đóng vai trên sân khấu cuộc đời, người đóng vai cha mẹ, người đóng vai chồng vợ, người đóng con trẻ. Có thể chúng ta là nhà biên kịch, là đạo diễn và kiêm luôn diễn viên.
Trong tình yêu gia đình cũng có vai diễn, có buồn thương giận ghét, sầu bi khổ ải. Người xuất gia đi ngược lại dòng đời có nghĩa là không xây dựng đời sống vợ chồng mà xây dựng đời sống tâm linh nên hạnh phúc của họ rất đỗi giản dị và đạm bạc.
Người tu thấy thân tâm này không thật có, tất cả đều đang diễn tuồng trên sân khấu, khi hết diễn thì sống trở về cội nguồn ban đầu. Tình yêu thế tục không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió để đón nhận hạnh phúc tràn đầy.
Có những chuyên gia chuyên tư vấn cho người khác cách ứng xử mềm dẻo trong tình yêu, nhưng bản thân họ cũng khổ sở vì đời sống hôn nhân gia đình. Hạnh phúc hay khổ đau trong tình yêu là do cách suy nghĩ của hai người, cả hai phải có cùng chí hướng, có sự cảm thông và đồng hướng về con đường đạo đức tâm linh. Tình yêu không có sự hòa hợp nhuần nhuyễn của khối óc và con tim sẽ trở thành vị kỷ và dẫn đến khổ đau.
Do có ý niệm về sự sống sau khi chết nên chúng ta muốn thí nghiệm để chứng minh sự chết như thế nào. Chết là sự tan rã của thân này và chúng ta sẽ được tái sinh theo nghiệp tốt xấu đã gieo trong hiện tại. Thật ra, cõi âm không phải là cõi chết, vì nó không có hình tướng nên chúng ta không đủ khả năng để nhìn thấy. Không có năng lực tiềm ẩn nào mà tất cả đều đang phô bày đầy đủ trong bầu vũ trụ bao la này, do chúng ta không đủ tuệ giác để tiếp xúc mà thôi.
Tâm tạo ra thế giới chúng ta sống
Tâm sinh ra tướng và tướng biểu hiện từ tâm mà được sinh ra. Tâm địa ngục sẽ sinh ra cảnh giới địa ngục vì tâm tướng dung thông nhau. Tâm ngu si, mê muội sẽ sinh làm súc sinh. Tâm thèm khát, ích kỷ sẽ sinh loài quỷ đói.
Tâm giữ gìn năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các thứ gây nghiện làm mất hạt giống trí tuệ), sống đạo đức sẽ sinh làm người và tâm giữ giới trọn vẹn và làm mười điều lành thì sinh cõi trời. Nếu ta có tâm giết hại và xúi bảo kẻ khác giết hại thì địa ngục hiện tiền.
Những người bình yên, hạnh phúc và an nhiên, tự tại, không dính mắc, tham đắm trong buồn thương, giận ghét thì cõi Phật hiện tiền. Các cõi lành hay dữ đều từ tâm thức sinh ra nên nếu có tâm luyến ái, chấp thủ thì sẽ có cảnh giới tương xứng.
Thân này có mặt được phô bày dưới dạng sinh, còn gọi là nhân duyên sinh. Nói đứa trẻ được sinh ra là sự kết hợp của tinh cha, huyết mẹ cũng chưa đủ. Bản thân cha mẹ đã có tâm mong muốn được có một đứa trẻ, tâm thức của đứa trẻ có tâm muốn được tái sinh nên mới gặp cha mẹ hợp với nghiệp báo của mình. Do muốn hiện hữu và khao khát sống nên cảnh giới liền ứng hiện theo thói quen, tập nghiệp đã huân tập từ trước.
Các loài chim sẻ, chim bồ câu… khao khát luyến ái, dục vọng thấp hèn nên sinh làm chim. Con cò khao khát cánh đồng rộng bao la và chúng sinh khao khát cầu an lạc, giải thoát. Chúng ta khao khát cái gì sẽ khiến cho ta sinh về chỗ đó, chúng ta khao khát trong sự tham lam, ích kỷ thì sẽ có cảnh giới tương xứng; như loài heo chẳng hạn, chúng được sinh ra chỉ có ăn rồi ngủ. Hữu trong mười hai nhân duyên là nhu cầu tất yếu của tất cả chúng sinh. Chúng ta chấm dứt mong muốn và tham muốn thì chẳng có gì sinh ra để thỏa mãn những nhu cầu đó.
Tình yêu thương trong gia đình
Gia đình là nơi nhiều tâm hồn kết nối với nhau. Nếu những tâm hồn đó yêu thương lẫn nhau, ngôi nhà sẽ đẹp như một vườn hoa. Nhưng nếu tâm không hòa hợp, nó sẽ giống như cơn bão tàn phá khu vườn.
~ Đức Phật ~
Mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho những người mình thương yêu, tự hào với những gì họ đạt được và muốn che chở, bảo vệ họ đều là những mong muốn hoàn toàn tự nhiên. Những nếu bám chấp vào những kỳ vọng của bản thân, chúng ta thường trở nên cứng nhắc và máy móc về những gì mình cho là tốt nhất. Vì vậy, chúng ta thường hay thất vọng, bực bội khi người khác không làm theo suy nghĩ của mình. Mong muốn được che chở, hướng dẫn, chỉ bảo cho người mà chúng ta thương yêu là lý do và động cơ rất con người để chúng ta sống và phát triển trong cuộc sống. Hãy cho phép và khuyến khích những thành viên trong gia đình bạn được là chính mình, lắng nghe những điều họ nói với bạn, mở rộng trái tim mình, đừng quá vội vàng phán xét hay chỉ trích.
Điều duy nhất chúng ta cần làm là nuôi dạy con trẻ với tình yêu thương, sự cảm thông và trí tuệ hiểu biết, đồng thời cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho con cái trong cuộc sống. Chúng ta cũng phải hiểu rằng mình không thể thực sự điều khiển hay quyết định số phận của con. Dù ta có nghĩ rằng mình đóng vai trò quan trọng đến đâu với con cái hay với cả thế giới này, thì trên thực tế, cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn và con cái chúng ta vẫn tiếp tục sống dù không có chúng ta trên thế giới này. Hoàn toàn giống như chúng ta vẫn tiếp tục sống khi thiếu vắng cha mẹ mình và rất nhiều vĩ nhân khác từng sống trong quá khứ. Ngạn ngữ vùng Himalaya có câu: “Con trẻ luôn có những niềm vui, nỗi buồn riêng. Cha mẹ có thể giúp đỡ phần nào nhưng chỉ chúng mới có thể thực sự quyết định cuộc đời mình”. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta nên làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái với trí tuệ và tình yêu thương, và biết hài lòng với những gì mình đã làm. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận rằng mình không thể điều khiển số phận của người khác, cho dù đó là con đẻ của mình.
(Trích ấn phẩm “Tâm An Lạc” – Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)
- 1266
Viết bình luận