Niềm cảm hứng khi thực hành Phật pháp cùng bạn đời
Bạn có thể thực hành thiền định bằng cách luôn ý thức được hành vi, thái độ của mình để tu tập Phật pháp với người bạn đời trong cuộc sống hàng ngày. Hãy tâm niệm rằng mục đích bạn sống cùng bạn đời là để tích lũy công đức và tịnh hóa các bất thiện nghiệp. Bạn có thể mang lại nhiều điều lợi lạc cho bạn đời khi tu tập Phật pháp. Bạn có thể trợ duyên cho họ tịnh hóa chướng ngại, tích lũy vô lượng công đức và tiến gần hơn đến bến bờ giác ngộ bằng việc khuyến khích bạn đời thực hành Phật pháp, và khuyến thỉnh bạn đời cùng thực hành Bồ đề tâm. Bạn thậm chí còn có thể cùng bạn đời thực hành thiền định, quán tưởng các vị Phật Bản tôn có sự kết nối nhất với gia đình bạn.
Càng tích lũy công đức và tịnh hóa ác nghiệp, bạn càng có thể chung sống với người bạn đời của mình với tấm lòng vị tha. Bạn thấy được người ấy cũng là một chúng sinh trong sáu đạo luân hồi đau khổ, trầm chìm trong những xúc tình tiêu cực như sự tự mãn, yêu chuộng bản thân (một quan niệm sai lầm, và ảo tưởng), hoàn toàn bị vô minh dẫn dắt. Có nghĩa là dù không có sự tồn tại chắc thật của cái “tôi”, con người ta vẫn nuôi dưỡng một niềm tin mãnh liệt vào điều đó. Khi cái “tôi” ngự trị, những bám chấp vào sở hữu của cải, vào con người và thậm chí vào chính những xúc tình tiêu cực sẽ ngày càng mạnh mẽ, biến thành xiềng xích cản trở chúng ta sống cuộc đời tự do và giản đơn.
Bản ngã luôn gắn liền với những nguyên nhân của khổ đau. Nó ngăn cản tuệ giác bên trong chúng ta lên tiếng. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi tầng tầng lớp lớp những suy diễn và ngụy tạo. Bạn có thể tạo tác mọi ác nghiệp, làm mọi điều sai trái chỉ để chạy theo bản ngã và thỏa mãn những tham muốn vị kỷ. Đó chính là nhân tái sinh vào các cõi thấp.
Con người xoay vần trong những phiền não sinh ra từ nghiệp bất thiện trong quá khứ. Hơn nữa, họ còn chịu sự kiểm soát trói buộc của nghiệp báo và ảo tưởng, không có được một phút tự do.
Quán niệm như vậy, bạn hướng lòng từ bi và tình yêu thương đến người bạn đời bình đẳng như mọi chúng sinh khác. Bạn sẽ thấy thật tuyệt vời nếu người ấy có thể giải thoát khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân dẫn tới khổ đau luân hồi.
Bạn trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương với mong nguyện tha thiết làm thế nào để trợ duyên cho bạn đời của mình thành tựu mọi hạnh phúc thế gian và xuất thế gian...
Người bạn đời trở thành nguồn cảm hứng tu tập
Người bạn đời chính là ngọn nguồn của mọi niềm hạnh phúc bạn có được trong quá khứ, hiện tại và tương lai cho đến khi thành tựu giác ngộ, vậy nên hãy trân trọng họ. Hãy chăm sóc người ấy, không phải bằng suy nghĩ thể hiện sự tham ái, bám chấp như “Đây là chồng ‘mình’, vợ ‘mình’, con ‘mình’, cha mẹ ‘mình’”. Thay vào đó, hãy cảm nhận rằng họ là người nhân hậu và đáng quý nhất, chăm sóc họ như một con người biết mong cầu hạnh phúc và không muốn đau khổ giống như bạn.
Sống với người bạn đời cũng là một phương pháp thực hành hiệu quả đưa bạn đạt tới giác ngộ bằng cách trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương, hay thực hành hạnh nhẫn nhục. Bạn tận dụng từng giây phút quý giá ở bên nhau để viên mãn mục đích của cuộc đời mình: giải thoát vô số chúng sinh khỏi khổ đau và nguyên nhân dẫn tới khổ đau, đưa họ tới bến bờ giác ngộ. Vợ chồng trợ duyên cho nhau thực hành Phật pháp sẽ khiến cho thời gian ở bên nhau trở nên vô cùng ý nghĩa. Nếu thiếu đi chính kiến thì cuộc sống hôn nhân cũng chẳng khác nào cuộc sống của loài vật và cuộc sống vợ chồng chỉ hạn hẹp trong những trải nghiệm lạc thú phàm tình.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 313
Viết bình luận