Khi được sinh vào cõi Cực Lạc, vọng nghiệp được tịnh hóa như thế nào? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Khi được sinh vào cõi Cực Lạc, vọng nghiệp được tịnh hóa như thế nào?

Chúng sinh hữu tình sinh vào phẩm Hạ hạ đều thuộc về “đới nghiệp vãng sinh”. Vãng sinh nghĩa đã rõ, nhưng sao gọi là đới nghiệp? Đây là những chúng sinh ở Ta Bà hoặc đã tạo ác mà biết sám hối tu hành, hoặc tuy từng làm lành, niệm Phật, song tâm còn nhiều phiền não, vọng tưởng. Những chúng sinh đó khi lâm chung được thiện tri thức khuyên dạy, hoặc bỗng tự hối ngộ, chí tâm niệm Phật nhất tâm bất loạn, nên nương nguyện lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, mang vọng nghiệp sinh về Cực lạc. Bởi sức tu còn kém, vọng tưởng còn, nên chỉ dự được vào bậc Hạ phẩm hạ sinh.

Nhưng chín phẩm liên đài ở cõi Tây Phương, muốn từ phẩm Hạ hạ lần tiến lên phẩm Thượng thượng, phải trải qua nhiều kiếp. Khi đã đến phẩm Thượng thượng, chứng vô sinh nhẫn rồi, lại phải phân thân khắp mười phương thế giới, tu sáu độ muôn hạnh, cứu tất cả chúng hữu tình, chừng nào phúc đức, trí tuệ, nhân duyên đầy đủ mới có thể thành Phật. Kinh nói: “Ở Ta Bà tinh tấn tu 1 ngày, công đức bằng nơi cõi Cực Lạc tu 1 kiếp. Cho nên ở Tây phương từ phẩm thấp tiến lên phẩm cao, cần phải có thời gian. Còn ở Ta Bà nếu chịu khổ nhọc siêng tu, có thể chỉ trong năm bảy năm, từ hạ phẩm tiến lên Trung phẩm. Thân người khó được, cảnh khổ khó tu, nếu biết mượn thân người, ở trong cảnh khổ đời mạt hậu này mà gắng tu thì công đức lớn lao vô tỷ”.

Cõi Ta Bà có nhiều nỗi khổ như: sinh – già – bệnh – chết, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ và năm ấm xí thịnh khổ. Đó là bát khổ, ngoài ra còn có tam khổ là: Hoại khổ, Khổ khổ và Hành khổ. Ở thế giới Cực Lạc, dù cho người Hạ phẩm hạ sinh, tuyệt đối không có điều khổ như đã nói. Bởi cõi này chỉ thuần vui mà không khổ. Tuy nhiên, chúng sinh thuộc phẩm Hạ hạ phải tu hành trong thời gian dài trải qua 12 kiếp, mới được lên phẩm cao hơn. Trong quá trình từ thấp tới cao, cho đến khi chứng quả đều chỉ ở Cực lạc không còn bị sa đọa luân hồi nữa.

Đức Quán Thế Âm bảo:

- Chúng hữu tình vì kiếp tạo các nghiệp không đồng, nên sau khi đới nghiệp vãng sinh, sản phản ảnh của vọng nghiệp cũng sai khác. Phẩm Hạ lại chia thành 3 bậc: Hạ hạ, Hạ trung và Hạ thượng, nên sức nghiệp của loài hàm linh nơi này cũng có nặng nhẹ khác nhau, mà phần lớn là nghiệp ân ái và thâm luyến lợi lộc, quyền danh. Khi nghiệp đó phản ảnh ra, cảnh giới giống như người đời nằm mộng. Nay ta dẫn người đi xem vài trường hợp như đã nói.

Tôi theo Bồ tát qua vài đoạn đường quanh, liền thấy một hoa sen màu sắc ảm đạm. Lần bước tới gần xem, trên đài lộ hiện ra lầu cao, nhà rộng, phòng ốc tráng lệ sang cả như hoàng cung, vườn hoa xung quanh mười phần tươi đẹp. Trong nhà, các trân bảo và cổ vật đều có giá trị liên thành, cách bài trí vô cùng trang nhã. Trong nhà già, trẻ, trai, gái độ vài mươi vị, y trang đồng với cõi người rất là sang đẹp. Gia nhân ra vào náo nhiệt dường như đang sắp bày yến tiệc vui. Tôi hỏi Đức Quán Thế Âm:

- Bạch Ngài, tại sao ở cõi Cực lạc lại có hình thức sinh hoạt của gia đình nhân gian?

Ngài đáp:

- Đương sự đây tuy lúc lâm chúng mười phần thanh tịnh, được đới nghiệp vãng sinh, song vọng niệm lũy kiếp (tích chứa nhiều kiếp) còn nhiều, tâm tham luyến hồng trần chưa dứt. Vài mươi người trong nhà đó đều là cha mẹ, huynh đệ, thê thiếp, dâu con cho đến thân thích. Mỗi ngày khi chúng sinh này về tới lầu các trong hoa sen để yêu nghỉ, thường vọng tưởng đến những nhân vật đó, nên huyễn cảnh lại hiện ra. Ở Cực Lạc chẳng có sự khổ “Cầu bất đắc khổ” nên khi tưởng tới cha mẹ, thê nhi, lầu đài cho đến sơn hào hải vị, thì những cảnh tượng đó liền xuất hiện. Như tình huống người ở Ta Bà khi nằm mộng thì buồn vui đủ cả. Lúc tỉnh ra mọi việc thảy hoàn toàn không.

Lời của Bồ tát khiến cho người trần gian chúng ta thức tỉnh. Cuộc sống cõi đời nào khác chi một giấc trường mộng? Khi hồn lìa khỏi xác, từ người cũng như của có đem theo được cái gì đâu? Bồ tát lại nói tiếp:

- Thật ra, người vãng sinh đến chốn này, vọng tưởng còn nhiều hơn nhân gian. Bởi nơi đây cách xa Ta Bà, duyên cũ mong gì tái ngộ. Nhưng cõi Cực lạc có sức màu nhiệm, tưởng chi liền hiện ra cảnh ấy, nên người đã vãng sinh về đây, đều được thỏa nguyện, thọ dùng không cùng. Cõi Tịnh độ thuộc về Chân Không như ý bảo chất, do nguyện lực phúc đức của Phật, từ nơi “Không” hiện ra “Sắc”, đầy khắp mọi nơi. Cõi Trời thuộc về thần chất, nhưng sức thần thông còn hữu hạn, kẻ chứng ngũ thông đôi khi sở cầu cũng không toại ý. Cõi người thuộc về vật chất, bị ngăn cách nhiều lớp, sở cầu khó thực hiện.

Tôi hỏi lại:

- Vọng cảnh với Thanh tịnh thật cảnh của Phật khác nhau thế nào?

Bồ tát khai thị:

- Thật cảnh thuộc về thường trụ, hằng lặng lẽ chiếu sáng khắp nơi. Vọng cảnh vô thường, huyễn hóa tùy duyên dữ lành thay đổi. Chúng sinh ở Ta Bà đêm hết tinh lực một đời tranh danh, cướp lợi, chỉ nghĩ mình sống, mặc cho người chết, không kể thiện ác. Họ đâu biết khi thọ số mãn, theo nghiệp luân hồi sa đọa, chịu khổ vô hạn, kể nói sao cùng. Cho nên muốn được thoát ly, phải sớm giác ngộ. Chủ nhân của ngôi nhà này cũng là đồng hương của ngươi, nên vào nơi đó xem thử.

Tôi y lời dạy, bước vào tòa lầu các, liền thấy tận mắt nhiều bàn đầy những sơn hào hải vị, độ sáu bảy mươi thực khách đang ngồi dự đại yến, ăn to uống lớn, nói chuyện ồn ào. Chủ nhân là một lão trượng, tuổi khoảng hơn bảy mươi, có khí phách tay đại phú hào. Ông thấy tôi vào, liền bước ra chào hỏi:

- Quý khách từ phương nào đến?

Tôi dùng tiếng bản xứ đáp:

- Đệ từ huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến đến.

Nghe tôi nói, chủ nhân nhận là người đồng hương, mặt đầy vẻ hoan hỷ, vội gật đầu đưa tay mời:

- Rất hân hạnh! Xin mời ngồi dự tiệc!

Tôi hỏi tiếp:

- Ngài có hỷ sự chi mà bày đại yến hội như thế?

Ông cười hỏi lại:

- Quý khách có duyên gì, lại đến trùng hợp vào lúc này?

Tôi chỉ ra ngoài cửa đáp:

- Quán Thế Âm Bồ Tát đưa tôi đến đây để tham quan.

Chủ nhân vừa nghe câu đó, toàn thân liền rung động, mặt lộ vẻ hổ thẹn. Cảnh náo nhiệt trước mắt như tòa đại hạ cũng thực khách đột nhiên ẩn mất. Lão nhân bỗng biến thành nam hài tử mười ba tuổi, thân thể lưu ly trong suốt trên hoa sen, mười phần tươi đẹp. Tình huống này như Đức Quán Âm vừa nói: “Cảnh tượng đều do vọng tưởng mà sinh. Vọng tưởng diệt, cảnh cũng diệt theo”. Sau đó, nam hài tử lại nói:

- Kiếp trước ở Ta Bà, tôi là một đại phú thương thuộc hàng vọng tộc, người huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến, cự ngụ tại Hàm Giang, thôn Ba Đầu, tên Lâm Đạo Nhất. Khi lâm chung được thiện tri thức khuyên nhắc, tôi nhiếp tâm trong 10 niệm mà được vãng sinh. Điều đáng thẹn là vọng nghiệp cùng niềm ân ái của tôi còn quá nhiều, nên mới hiện ra huyễn cảnh đó. Quán Thế Âm Bồ tát từng điểm danh hai lần, bảo tôi sửa đổi. Bây giờ bệnh cũ lại tát phát, chừa bỏ chưa xong.

Đức Quán Thế Âm liền dạy:

- Người hãy xuống bảo trì, dùng nước bát công đức tắm gội, lần lần vọng nghiệp sẽ tiêu trừ, tâm niệm thanh tịnh, phục hồi chân tính bản lai.

(Lược trích ấn phẩm: “Cực Lạc Du Lãm Ký”

Khoan Tịnh Pháp Sư

HT. Thích Thiền Tâm soạn dịch

NXB Phương Đông, 2015)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411735
Số người trực tuyến: