Bài thiền xoay tâm về với Pháp để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bài thiền xoay tâm về với Pháp để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn

Bốn pháp quán “xoay tâm về với Pháp” hay còn gọi là “Tứ niệm pháp”, là một pháp thiền quán vô cùng quan trọng mà bất kỳ ai tu tập đều nên thực hành. Gọi là “Tứ niệm pháp” bởi đây là bốn đề mục cần được suy niệm và thiền quán một cách sâu sắc, toàn diện, với mục đích đem lại cho chúng ta tri kiến đúng đắn về bản chất của cuộc sống, để từ đó, chúng ta có thể phá bỏ những chấp trước sai lầm của tâm, biết trân trọng giá trị kiếp người và sử dụng đời sống làm người một cách hữu ích. 

Bốn đề mục để quán niệm đó bao gồm: thiền định về Thân người khó được, thiền định về cái Chết và Vô thường, thiền định về luật Nhân quả, và thiền định về Khổ của các đạo luân hồi. Mỗi sáng sớm thức dậy, thay vì vội vàng chạy ra khỏi giường, bạn hãy dành thời gian khoảng 10 - 15 phút để thực hành các pháp quán này. Chắc chắn bạn sẽ thấy ngày hôm đó trôi qua vô cùng ý nghĩa:

1. Quán niệm về thân người khó được

Nay ta thoát khỏi vương tám nạn,

Được thân người toàn vẹn, phúc thay.

Nếu không nắm lấy cơ may,

Dịp nào còn được như vầy nữa sao?

2 . Quán niệm về Vô thường và cái Chết

Ba cõi phù du mây thu bay

Sinh tử khác nào vũ điệu say

Chúng sinh mạng mỏng như chớp lóe,

Trôi nhanh như thác đổ non ghềnh.

3. Quán niệm về Nghiệp

Khi mãn vận dù là Vua Chúa

Cũng giã từ của cải, giàu sang.

Bạn bè, quyến thuộc họ hàng,

Đi đâu ta cũng chẳng mang được gì,

Chỉ duy có có nghiệp mang đi,

Theo như hình bóng không trừ một ai.

4. Quán niệm về Khổ của lục đạo luân hồi

Chúng sinh nơi Địa ngục

Chịu cực hình thiêu đốt

Ngã quỷ đói hành hạ.

Bàng sinh ăn lẫn nhau

Người chịu khổ đoản mạng

Atula tranh đấu

Ganh tỵ suốt đêm ngày

Chư thiên khổ đau ấy

Năm tướng suy xuất hiện

Cõi luân hồi vĩnh viễn

Chẳng an vui bao giờ.

Nếu có thời gian, với mỗi pháp trong bốn pháp quán niệm, bạn có thể chia nhỏ theo từng đề mục. Trước khi bước vào thực hành, hãy đọc kỹ, chiêm nghiệm sâu sắc về nội dung từng đề mục và dành thời gian thiền quán từng đề mục đó lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi hiểu biết thực sự thuộc về bạn và bạn có thể phát triển những cảm nhận cụ thể của bản thân về từng đề mục. Đến một mức độ nhất định, bạn có thể quán niệm những đề mục này một cách nhậm vận tự nhiên trong từng việc làm thế gian, từng chi tiết nhỏ nhiệm của cuộc sống mà mình đang trải nghiệm. Khi đó, toàn bộ cuộc sống hiện tại cũng như những chặng hành trình sinh tử bạn trải qua sẽ trở thành một Tứ niệm pháp vĩ đại! Bạn sẽ đạt được sự hoan hỷ, chủ động, tự tại, sẽ phát triển tâm từ bi thay cho sự sợ hãi vị kỷ, dù bất kỳ điều gì xảy đến với bạn trong cuộc sống hiện tại và cả cái chết trong tương lai.

Tứ niệm pháp là pháp thực hành căn bản và thiết yếu đối với mỗi người

Có lúc nào bạn cảm thấy rằng cuộc sống của mình dường như vô định hay bế tắc? Chúng ta sinh ra, thực hiện rất nhiều công việc, bươn chải mưu sinh, hưởng thụ nhiều khoái lạc và hạnh phúc nhất thời, nhưng có một sự thật không thể nào chối cãi được đó là mọi vui khổ trong luân hồi đều rất vô thường và ai rồi cũng sẽ chết. Khi chết, chúng ta phải bỏ lại tất cả sau lưng. Những mục tiêu, kế hoạch, thành công, mọi sự sở hữu thế gian cũng như mọi vui buồn của chúng ta đều trở nên vô nghĩa. Vào thời điểm quan trọng ấy, bạn chỉ có một mình đơn độc, đối diện với nỗi sợ hãi khủng khiếp và vô số cạm bẫy nguy nan. Lúc này, đâu sẽ là điểm tựa và hành trang cho bạn?

Sẽ không khó để có câu trả lời. Trên hành trình cái chết, hoàn toàn không phải những người thân yêu, không phải của cải, công danh hay bất kỳ tài sản nào có thể giúp bạn, mà duy nhất chỉ có hành trang tâm linh, những kinh nghiệm thực hành và thiện nghiệp tích lũy trong đời sống kiếp trước mới có thể đồng hành, cho bạn nguồn sức mạnh và sự tự chủ tự tại trước cái chết.

Vậy làm sao để chúng ta ý thức và tận dụng một cách ý nghĩa, hiệu quả từng khoảnh khắc quý báu của kiếp người? Câu trả lời nằm chính trong bài thiền quán Tứ niệm pháp. Nhờ có sự đào sâu chiêm nghiệm và phân tích chi tiết của từng đề mục đó, chúng ta mới được thức nhắc về những vấn đề căn bản thiết yếu của đời sống, từ đó xả bỏ dần những bám chấp, đam mê vô nghĩa để thực sự quay lại phản tỉnh suy ngẫm về ý nghĩa đích thực của cuộc đời này.

Nội dung phương pháp thực hành Tứ niệm pháp

Bạn cần hiểu rằng bốn pháp quán “xoay tâm về với Pháp” hoàn toàn không phải là những khái niệm và lý thuyết suông, cũng không phải những pháp tu cao siêu xa vời mà là những thực hành mà chúng ta cần suy niệm và quán chiếu hàng ngày trong đời sống thường nhật.

1. Chuẩn bị

Trước khi thiền định, bạn hãy ngồi thoải mái trong tư thế thiền định.

An tọa theo đúng tư thế tọa thiền của Đức Phật Vairocana - Đại Nhật Như Lai, (ngồi kết già theo tư thế hoa sen, đầu và cổ thẳng, hai tay kết ấn đại định đặt trước rốn, thả nhẹ 2 vai, cằm hơi đưa vào phía yết hầu, mắt khép hờ 45 độ, môi, răng để tự nhiên, lưỡi đặt lên nóc hàm). Nếu không thể ngồi kiết già, bạn cũng có thể ngồi với tư thế bán già, quan trọng nhất là thân tâm được thoải mái.

Lúc này, bạn hãy phát khởi Bồ đề tâm tu tập và thực hành tâm linh vì sự lợi ích của bản thân và hết thảy chúng sinh. Hãy giữ thân tâm thật thư giãn, thoát khỏi mọi sự bám chấp và mong đợi, để thân tâm bạn hoàn toàn thư thái và an tịnh.

Tiếp đến, bạn thực hành tịnh hóa qua việc điều hòa hơi thở. Bạn hít vào, thở ra ba lần. Quán tưởng tất cả sự gia trì, năng lực Bi, Trí, Dũng của mười phương chư Phật, chư Bồ tát và tất cả năng lượng tinh túy của vũ trụ đi theo hơi thở vào thân thể mình, tịnh hóa tất cả ô trược, phiền não, ám chướng trong thân tâm. Quán tưởng tất cả những ô trược, phiền não, ám chướng này theo hơi thở tống ra ngoài. Thân tâm lúc này hoàn toàn an tịnh.

2. Động cơ

Bạn hãy phát Bồ đề tâm, cầu nguyện giờ thiền định này đem lại lợi ích cho bản thân và tất cả chúng sinh. Chẳng hạn, hãy phát nguyện rằng: “Nguyện cho thực hành thiền định này sẽ đem lại an vui và hạnh phúc cho bản thân con, hết thảy chúng sinh cũng như toàn bộ thế giới” hay “Nguyện cho thực hành thiền định này sẽ đưa con đi trên con đường giác ngộ vì lợi ích giải thoát của hết thảy chúng sinh”.

Phát khởi động cơ thực hành thiền quán để đạt được hiểu biết chân thực về các đề mục này, giúp bạn tránh những hành động sai lầm và thay vào đó bằng những hành động tích cực, không bám chấp vào những hạnh phúc giả tạm mà thực chất là khổ đau của luân hồi, trân trọng những gì mình đang có và quyết tâm dành từng phút giây không lãng phí để tu tập lợi ích chúng sinh.

3. Hồi hướng

Hãy kết thúc thời khóa thiền định bằng những suy nghĩ tích cực và hồi hướng hết thảy mọi năng lượng thiện lành đã tích lũy được từ công đức tu tập tới tất cả chúng sinh. Bạn có thể phát nguyện như sau: “Nguyện bản thân và hết thảy chúng sinh giải thoát khỏi mọi khổ đau trong luân hồi và mọi nguyên nhân của khổ đau, nghiệp và ảo tưởng vô minh để thành tựu giác ngộ giải thoát một cách nhanh chóng”.

 

(Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"

NXB Tôn giáo, 2014)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332519
Số người trực tuyến: