Chương bốn: Thiền định | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương bốn: Thiền định

Chương bốn
Thiền định

Bấy giờ Retchung nói, “Bạch Đạo sư, sau khi nghe Pháp, Thầy có tức khắc đi vào nơi hoang vắng hay thầy còn ở lại với Lama ?”

Và Đức Milarepa tiếp tục :

Lama nói thầy phải thiền định kiên trì. Ngài cung cấp cho thầy vật thực dư dả và ra lệnh cho thầy thiền định trong một hang động gọi là Cọp Nak ở Vách Đá Phía Nam. Rồi thầy rót đầy một ngọn đèn thờ với bơ, thắp nó lên, và để trên đầu thầy. Thầy thiền định ngày và đêm theo cách đó, không cử động, cho đến khi bơ trong đèn cạn sạch.

Mười một tháng trôi qua. Rồi lama và sư mẫu đến, đem cho thầy thực phẩm cho một tiệc cúng.

Lama thốt lên, “Tốt, con ạ, thiền định trong mười một tháng mà không để cho đệm thiền của con bị lạnh là rất tốt. Hãy mở cửa thất và ra đây nghỉ ngơi đôi chút để con có thể nói chuyện với thầy, ông cha già này, về kinh nghiệm bên trong của con.”

Thầy thầm nghĩ, “Thật bình an ở đây, nhưng mình phải ra ngoài bởi vì đó là một mệnh lệnh của lama.”

Thầy bắt đầu dỡ phá lối vào. Thầy cảm thấy ngần ngại và thầy dừng lại một chốc, không dám tiếp tục nữa. Nhưng sư mẫu trở lại và hỏi, “Con đang đến đấy à, hỡi con?” Thầy trả lời thầy không dám phá bức tường. Sư mẫu nói, “Không có gì sai cả đâu. Gặp gỡ với lama là một sự việc tốt lành, nó chỉ có thể có một kết quả tốt đẹp. Đó là một định luật của con đường bí mật. Từ chối sẽ làm thầy tức giận và làm hư hỏng sự việc tốt lành ấy, thế nên hãy phá mở và đi ra.”

Biết lời sư mẫu nói là sự thật, thầy giật sập bức tường và bước ra.

Lama nói, “Hai chúng ta, sư phụ và con, sẽ thiền định chung. Sư mẫu hãy sửa soạn một bữa tiệc.”

Khi hai người đang dâng cúng thì lama nói với thầy, “Con của ta, con đã gặt hái được sự hiểu biết xác thực nào từ những giáo huấn đặc biệt của thầy? Hãy để cho tâm thức con thư giãn và kể cho thầy nghe những kinh nghiệm tri giác và trực giác và sự thấu hiểu con đã đạt được.”

Trong một cử chỉ tin tưởng và sùng mộ nồng nhiệt với lama thầy quỳ gối xuống và chắp tay. Mắt thầy mờ nước mắt, thầy đảnh lễ ngài vì tất cả điều gì thầy đã hiểu, và thầy hát tụng Bài Ca Những Sùng Mộ Bảy Phần này :

Ôi Đạo sư, trong con mắt những người bất tịnh,
Ngài xuất hiện trong những hình thức khác nhau,
Và với chúng hội những Bồ tát trong sạch,
Ngài biểu lộ như là Phật Báo Thân, con xin lễ chào Ngài.

Vang âm sáu mươi giọng(1) Phạm Thiên, ngài tuyên thuyết
Thánh pháp trong tám mươi bốn ngàn(2) phương diện.
Cho mỗi chúng sinh hiểu trong ngôn ngữ riêng của họ.
Con lễ lạy trước Ngữ của ngài
Nó không tách lìa khỏi tánh Không bổn nhiên tịch diệt.

Trong không gian trong trẻo sáng ngời của Pháp thân
Không chút bóng dáng ô nhiễm của phân biệt,
Mà trùm khắp muôn pháp được thấu biết.
Con đảnh lễ Pháp Thân ngời ngời bất động.

An trụ trong cung điện của tánh Không thanh tịnh,
Dakmema bất động, với thân huyễn giữa huyễn
Ngài là Mẹ của chư Phật ba đời
Sư mẫu Dakmema, dưới chân ngài con xin đảnh lễ.

Bạch Đạo sư, với lòng tôn kính thuần khiết, con xin lễ lạy
Những đứa con tâm linh của ngài mà ngài đã hợp nhất,
Những đệ tử thực hiện những chỉ dạy của ngài,
Và vô số những người tin theo ngài.

Con cúng dường Ngài thân thể của con
Và bất cứ cái gì khác xứng đáng cúng dường
Trong tất cả cõi của khắp cả vũ trụ.

Con sám hối mọi tội lỗi của con, từng cái một.
Và tùy hỷ mọi công đức của hết thảy chúng sanh.
Con cầu xin Ngài chuyển Pháp luân xa rộng.

Con cầu nguyện rằng lama tuyệt đối toàn thiện sống mãi
Cho đến ngày nào còn có những chúng sanh mắc trong lưới sanh tử
Nguyện những công đức này làm lợi lạc tất cả chúng sanh.

“Sau khi ngâm Bài Ca Những Sùng Mộ Bảy Phần, con, một kẻ tầm thường đi theo thầy, muốn được tỏ bày cái hiểu yếu ớt của con. Sự hiểu biết đó có được là do hoạt động toàn thiện và thần lực của ảnh hưởng tâm linh khởi từ lòng bi vô biên của lama – ngài không cách hở với Phật Vajradhara Kim Cương Trì – cùng với sư mẫu và chư huynh đệ, với lòng biết ơn sâu xa, con mang nợ các vị.

“Từ bản tâm bất biến, xin hãy nghe con. Con đã hiểu rằng thân xác này, làm bằng thịt và máu cùng với ý thức, được nhóm họp với nhau bởi mười hai mắt xích của nhân và quả – mà một cái là hành tức ý muốn – đều phát sanh từ vô minh. Thân thể này là một thuyền bè được ban phước đối với những ai phước đức, mong muốn giải thoát, nhưng nó cũng dẫn những người tạo nghiệp vào ba cõi thấp.

“Con hiểu rằng trong thân thể này có sự chọn lựa sống chết giữa lợi ích và mất mát khổng lồ, liên hệ đến hạnh phúc hay thống khổ vĩnh cửu, trên bờ ranh của tốt và xấu. Nương nhờ vào bi lực của Thầy như người hướng dẫn tôn quý của chúng sinh, con hy vọng nỗ lực thành đạt giải thoát khỏi đại dương khổ đau ràng buộc mà sự trốn thoát nó rất là khó khăn.

“Trước hết tìm sự quy y nơi Tam Bảo và cẩn thận tuân thủ những giới luật, con hiểu rằng nguồn của mọi hạnh phúc là Lama, và bởi thế nguyên lý đầu tiên là làm tròn mọi giáo huấn của ngài và duy trì một ràng buộc tâm linh không tì vết với ngài.

“Hơn nữa, một đời sống làm người là một điều khó được. Bằng cách khởi lên tâm thức rất mãnh liệt soi xét về vô thường và cái chết, những hậu quả của hành động và sự khổ đau của sinh tử, người ta khai triển một lòng mong mỏi giải thoát và phải theo đuổi nó qua sự tuân thủ nhân quả. Đó là nền tảng mà người ta phải lập.

“Từ điểm này, dần dần bước lên Con Đường, cần thiết phải tuân thủ những lời thệ nguyện của mình như giữ gìn con mắt. Dù trong thất bại, những phương thuốc đối trị phải được dùng. Không tìm kiếm sự giải thoát cho riêng mình trên con đường của Tiểu thừa, người ta khai triển Bồ đề tâm,(3) tâm tìm cách làm việc cho sự giải thoát của tất cả chúng sanh. Cái hiểu của con là sự khai triển một tâm thái giác ngộ đưa người ta đến việc hồi hướng từ lòng từ bi kết quả của hành động của mình cho lợi lạc của tất cả.

“Để ôm trọn con đường Đại thừa, người ta từ bỏ con đường Tiểu thừa. Đặt nền trên nền tảng của cái thấy toàn hảo, người ta đi vào con đường tối thượng của Kim Cương thừa.

“Để thành tựu cái thấy toàn hảo về thật tánh, người ta cần có một vị thầy toàn hảo biết làm sao để trao truyền trọn vẹn và không lầm lẫn bốn phương diện của Quán đảnh,(4) ngài thiện xảo làm cho đệ tử thấy Thật Tánh do lòng đại bi của ngài. Quán đảnh đánh thức tỉnh người ta trước thực tại tối hậu và từ đó trở đi người ta thiền định qua mọi giai đoạn khác nhau của Con Đường. Đã nỗ lực khám phá tánh vô ngã của cá nhân, đó là điều chung cho mọi truyền thống hiển giáo, người ta khảo sát cái ngã bằng lý luận, giáo lý và những tỷ dụ, và không tìm kiếm cái ngã nữa, người ta thấu hiểu vô ngã. Bấy giờ người ta phải đem tâm thức vào trạng thái tĩnh lặng. Khi tâm thức được an tĩnh nhờ phân tích lý luận, tư tưởng phân biệt dừng dứt và tâm thức đạt đến trạng thái vô niệm. Nếu người ta tiếp tục ở trong trạng thái này nhiều ngày, tháng và năm, quên mất thời gian trôi qua nên cần có người nhắc nhở, bấy giờ người ta đạt được sự an định của tâm thức.

“Trạng thái an định này được duy trì nhờ chú ý và tỉnh giác liên tục, không cho phóng dật hay hôn trầm. Tăng cường sức mạnh của tỉnh giác, người ta kinh nghiệm thức thanh tịnh không có sự phân biệt – trần trụi, sống động và tươi mát. Đây là những tính chất của sự an định tâm thức.

“Thức thanh tịnh có thể được xem là một tia chớp của quán chiếu hoàn hảo ; người ta không thực sự kinh nghiệm nó cho đến khi nào họ đạt tới giai đoạn thứ nhất của giác ngộ Phật tính (sơ địa). Ở giai đoạn này, người ta thiền định, quán tưởng những hình tướng của hóa thần bổn tôn. Làm như thế, người ta có thể kinh nghiệm những cái nhìn thấy và những hình tướng, nhưng những cái ấy đều vô tự tánh và chỉ là những sản phẩm của tâm thức thiền định.

“Tóm lại: Thứ nhất, một trạng thái sống động linh hoạt của an định tâm thức và năng lực duy trì cùng với một trí năng phân biện là những đòi hỏi cần thiết để đạt đến quán chiếu toàn hảo. Chúng giống như những nấc đầu của một cầu thang.

“Thứ hai, mọi thiền định, với hình tướng hay không có hình tướng, phải bắt đầu từ lòng từ bi sâu thẳm. Bất cứ điều gì người ta làm đều phải khởi từ thái độ thương yêu cho lợi lạc của những người khác.

“Thứ ba, qua cái thấy toàn hảo, mọi phân biệt tan biến vào trạng thái vô niệm.

“Cuối cùng, với tỉnh giác về tính Không, người ta chân thành hồi hướng những kết quả cho lợi lạc của những người khác. Con nghĩ đây là con đường tốt nhất trong mọi con đường.

“Như một người đói không thể no được bằng sự hiểu biết về thức ăn, cũng thế người ta cần kinh nghiệm trong thiền định thật nghĩa của tánh Không. Con càng hiểu rằng để đi đến quán chiếu hoàn hảo, cần thiết thực hành những việc làm công đức và tự tịnh hóa, không ngừng nghỉ, giữa những thời thiền định.

“Tóm lại, con thấy rằng cái hiểu của thiền giả về tính Không của các pháp, về sự không khác nhau của các pháp và tính Không, về sự bất khả tư nghì của chúng và về sự bất nhị tuyệt đối của chúng tương ứng với bốn cấp độ nhập môn quán đảnh theo Kim Cương thừa.

“Để làm cho sự hiểu biết này biểu lộ trong thân tâm con, con phải điều phục thân thể, lấy bớt thực phẩm của nó, cầm cương tâm thức và thản nhiên trước mọi hoàn cảnh kể cả hiểm nguy và cái chết.

“Con đã không đến trước lama và sư mẫu, người cha và người mẹ từ bi không gì hơn của con, để đền đáp công ơn bằng sự phục vụ và của cải. Nhưng con dâng cúng cái tốt nhất con sẽ có thể đạt được trong thực hành thiền định của con ngày nào con còn sống, và con xin các ngài chấp nhận cái thấu hiểu tối hậu mà con sẽ đạt được trong cung điện Ogmin :

“Đại Lama, ngài là Phật Vajradhara,
Mẹ Dakmema, người cưu mang chư Phật,
Và các anh, những đứa con của những bậc Chiến Thắng,
Xin mời các vị nghe ít lời này
Phát sinh từ thấu hiểu và tri giác chân thật trong tâm thức con,
Con xin chư vị từ bi nhẫn nhục chịu đựng những lỗi lầm của con,
Vô minh, tà kiến và những sai lầm của con.
Xin sửa sai chúng hợp theo với Pháp.
Dưới sự ban phước của những tia sáng chói chang
Trút xuống từ mặt trời của lòng đại bi các ngài,
Đóa hoa sen của tâm thức con đã nở.
Với hương thơm này tỏa ra từ kinh nghiệm,
Con không có gì ngoài sự biết ơn,
Con quy lòng tôn kính thường trực về các Ngài.

Nguyện những quả của sự thiền định của con lợi lạc cho tất cả chúng sinh,
Trong cố gắng đạt tới hoàn thiện.
Con xin các ngài, nghe và thứ lỗi cho sự nhiều lời của con.”

Thầy nói như vậy. Rồi lama nói, “Con ơi, thầy đặt hy vọng lớn lao nơi con và hy vọng của thầy đã được thực hiện.” Và ngài đầy hân hoan.

Sư mẫu nói, “Đứa con này của ta có sức mạnh tâm thức để thành tựu lớn.”

Sau nhiều chuyện trò về đạo, Đức Marpa và sư mẫu trở về nhà. Phần thầy, thầy xây tường lại và thiền định.

Khoảng thời gian này, lama thăm viếng vùng bắc xứ UŠ. Một đêm, sau khi cử hành một lễ cúng ở nhà Marpa Golak, một dakini giải thích cho Lama Marpa một thông điệp tượng trưng do Đức Naropa truyền cho mà ngài không hiểu. Khi lama đang chiêm nghiệm về một chuyến đi thăm đức Naropa như những dakini yêu cầu, thì một vị tiên nữ xuất hiện với thầy trong một giấc mộng. Tiên nữ màu xanh như bầu trời và đẹp đẽ trong áo thêu và trang sức bằng xương, lông mày và lông mi lấp lánh ánh sáng. Ngài nói với thầy, “Con của ta, con đã có giáo Pháp Đại Ấn (Mahamudra)(5) và giáo huấn về Sáu Pháp Mật Truyền.(6) Những cái ấy dẫn đến Giác Ngộ Tối Thượng qua thiền định liên tục. Nhưng con không có giáo pháp đặc biệt về Chuyển Di Tâm Thức vào Xác Chết,(7) nó dẫn đến Phật tính trong một phút chốc thiền định. Hãy cầu xin pháp này.” Nói xong vị tiên nữ biến mất.

Thầy thầm nghĩ, “Vị tiên nữ này mặc y phục dakini. Đó là một mách bảo của chư thiên hay là một lường gạt của ma quỷ? Ta không biết. Dầu là gì thì Đạo sư của ta, ngài là một vị Phật của ba đời, chắc chắn ngài biết. Ngài không chỉ biết một sự việc mà tất cả sự việc, từ những phương tiện để trở thành một vị Phật xuống đến chú thuật kết hợp lại một cái lu bị vỡ. Nếu đây là một chỉ bảo từ chư Thiên, ta phải hỏi xin Pháp Chuyển Di Tâm Thức vào Xác Chết.”

Thầy phá đổ bức tường thất và đến trước lama, ngài kêu lên, “Tại sao con đi ra đang khi ẩn cư nhập thất? Điều này có thể ngăn chặn sự tiến bộ của con. Tại sao con làm thế?”

Thầy diễn tả lại về vị tiên nữ và điều mà vị đó đã nói với thầy trong giấc mộng, và thầy hỏi, “Đó là một tiên tri kêu gọi hay là dấu hiệu của một sự chướng ngại? Con không biết. Nếu là một tín hiệu, con phải đi xin Pháp Chuyển Di Tâm Thức.”

Lama suy nghĩ một chốc rồi nói, “Đó chắc chắn là một điềm báo từ những dakini. Trước khi thầy bắt đầu trở về từ Ấn Độ, Đạo sư Naropa có nói về giáo pháp Chuyển Di Tâm Thức vào Xác Chết. Bởi vì thầy sắp đi, thầy không hỏi pháp đó. Thế nên chúng ta phải kiếm nó trong tất cả mọi kinh sách từ Ấn Độ.”

Hai người, Đạo sư và đệ tử, cần cù tìm kiếm ngày đêm bản văn ấy. Hai thầy trò tìm ra nhiều cuốn về chuyển di tâm thức, nhưng không tìm ra một chút nào đề cập đến Chuyển Di Tâm Thức vào Xác Chết. Lama nói với thầy, “Dấu hiệu thầy đã nhận ở vùng bắc của miền Trung Tây Tạng đòi hỏi thầy phải làm cùng một cầu xin như vậy. Bởi vì có những giáo pháp khác thầy chưa hiểu, thầy sẽ đi đến đức Naropa và cầu xin chúng.”

Thầy nhắc nhở ngài về tuổi tác của ngài, nhưng không thuyết phục nổi ngài từ bỏ ý định. Ngài chuyển đổi những lễ vật của các đệ tử thành vàng, đựng đầy một bình, và đi Ấn Độ.

Đức Naropa đã ra đi để dấn thân vào thực tập những đại thần lực thiền định. Marpa mong muốn gặp được ngài dù phải hy sinh tánh mạng, tham vấn nhiều điềm triệu, và biết rằng ngài sẽ tìm thấy Tổ. Cầu nguyện nhiệt thành, ngài liên tục tìm kiếm Tổ. Ngài gặp đức Naropa trong một rừng nguyên sinh và mời Tổ đến chỗ ẩn cư Puhlla Hari. Ở đó ngài cầu xin giáo huấn về Chuyển Di Tâm Thức vào Xác Chết.

Đạo sư Naropa trả lời, “Con có nghĩ đến nó hay con nhận một dấu hiệu?”

“Chuyện này không vào tâm thức con, con cũng không có một dấu hiệu. Một đệ tử của con, tên là Tin Lành đã nhận một khuyến khích từ những dakini và đến hỏi xin con giáo huấn ấy.”

“Kỳ diệu thay!” Đức Naropa kêu lên. “Trong xứ sở tối tăm của vùng Himalaya, người đệ tử này giống như mặt trời mọc trên những đỉnh tuyết.”

Đức Naropa đưa hai tay chắp lên trên đầu tôn kính và nói :

“Hỡi đệ tử tên gọi Tin Lành,
Ta lễ lạy trước người,
Như mặt trời mọc lên trên tuyết
Trong những bóng đen của miền bắc âm u.”

Khi nói thế, Đức Naropa nhắm mắt và cúi đầu ba lần. Và ở Ấn Độ những núi non và cây cối nghiêng mình ba lần về hướng Himalaya. Đến ngày nay, những đỉnh núi và ngọn cây của Puhlla Hari vẫn hướng về Himalaya. Đức Naropa ban cho ngài Marpa trọn vẹn giáo pháp bí mật được những dakini trao truyền. Rồi Đức Naropa giải thích một số điềm triệu. Chẳng hạn, cung cách lễ lạy của ngài Marpa nói trước rằng dòng dõi gia đình riêng của ngài sẽ ngắn ngủi, nhưng dòng phái tâm linh mà dòng chảy được tạo thành bởi hoạt động ban trải giáo pháp sẽ được miên trường như một dòng sông vĩ đại. Sau đó Đức Marpa trở về vùng Himalaya.

Một thời gian sau, những nhà sư và đệ tử tưởng niệm ngày mất của con ngài Marpa là Darma Doday, chuyện này đã xảy ra như đã được tiên báo trong điềm triệu. Khi tất cả tụ họp làm lễ giỗ, những đệ tử hỏi ngài Marpa, “Lama Rinpoche, con trai ngài giống như một vị Phật. Giờ đây niềm hy vọng nhất của anh em chúng con đã ra đi, và Thầy cũng không còn trẻ. Dòng Pháp Kagyuš quý báu sẽ được truyền thừa như thế nào? Xin hãy nói cho chúng con kỷ luật và công việc chúng con cần phải theo.”

Lama trả lời, “Thầy và tất cả những người dòng dõi của Đạo sư Naropa có khả năng tiên tri nhờ những giấc mộng. Đức Naropa đã cho một tiên tri tốt lành về Dòng Pháp Kagyuš. Hỡi các đệ tử chánh của thầy, bây giờ hãy đi và chờ đợi những giấc mộng của các con.”

Sau đó, những đệ tử trình lại những giấc mộng của họ. Dù tất cả đều có những giấc mộng thiện lành, nhưng không thể rút ra một dấu hiệu báo trước nào trong đó. Thầy có một giấc mộng về bốn cây trụ cột mà thầy trình lại với lama như sau :

“Vâng lời dạy của Lama Phật Vajradhara,
Đêm qua con đã thấy một giấc mộng.
Con xin kể giấc mộng đó cho lama,
Kính mong thầy nghe với lòng từ ái.

Con đã mộng rằng trong phía Bắc bao la của thế giới
Một ngọn núi tuyết hùng vĩ vươn cao,
Đỉnh trắng ngần chạm đến bầu trời,
Xoay quanh nó là mặt trời mặt trăng,
Ánh sáng nó tỏa đầy khắp không gian,
Và chân núi trùm cả địa cầu.
Những dòng sông chảy xuống trong bốn hướng chánh,
Giải cơn khát cho hết thảy chúng sanh,
Và những dòng nước ấy đổ vào đại dương bát ngát.
Có vô số đóa hoa lấp lánh.
Đó là tổng quát giấc mơ con thấy.
Con xin nói ra cho Lama Phật của Ba Đời.

Con đã mộng thấy nơi hướng Đông ngọn núi hùng vĩ kia
Một cột trụ khổng lồ dựng đứng.
Trên đỉnh trụ một con sư tử lớn đang co mình.
Bờm nó xanh lục phất bay muôn hướng,
Giương những móng vuốt dài trên tuyết,
Đôi mắt nó chăm chắm nhìn trời cao,
Và hiên ngang dạo chơi trên mênh mông tuyết trắng.
Con xin nói ra cho Lama Phật của Ba Đời.

Con đã mộng thấy phía Nam núi một cột trụ vĩ đại.
Trên đỉnh trụ một con hổ cái đang gầm
Lông vằn dày phủ đầy thân.
Nó mỉm cười ba lần.
Giương những móng vuốt trên rừng núi,
Đôi mắt nó chăm chắm nhìn trời cao,
Và kiêu hãnh lướt trên rừng dầy đặc.
Những cây tuyết tùng trong rừng đan nhau rậm rạp.
Con xin nói ra cho Lama Phật của Ba Đời.

Con đã mộng thấy phía Tây núi một cột trụ vĩ đại.
Trên đỉnh trụ một con chim garuda(8) khổng lồ bay vút.
Đôi cánh chim garuda trải rộng,
Hai mào của nó hướng lên những tầng trời,
Đôi mắt nó chăm chắm nhìn trời cao
Và vỗ cánh bay qua không gian vô hạn.
Con xin nói ra cho Lama Phật của Ba Đời.

Con đã mộng thấy phía Bắc núi một cột trụ vĩ đại,
Trên đỉnh trụ một con kên kên vụt bay,
Đôi cánh nhọn của nó dang rộng,
Tổ kên kên nằm trên vách đá.
Nó có một con chim non mới biết bay
Và trên trời đầy những con chim nhỏ.
Chim kên kên chăm chắm nhìn trời cao
Và tự mình vút qua không gian cao rộng.
Con xin nói ra cho Lama Phật của Ba Đời.

Con cho rằng đây là một điềm lành
Và sung sướng với điều tốt lành ấy.
Bạch Thầy, con mong thầy giải nghĩa cho con.”

Thầy nói như thế, và lama vui vẻ trả lời, “Giấc mộng này là một giấc mộng phước đức! Sư mẫu, hãy sửa soạn cho một tiệc lễ.”

Sư mẫu đem ra những vật cần thiết, và khi bà sửa soạn, những đệ tử và những đứa con tâm linh nhóm lại.

Lama nói với họ, “Mila Kim Cương Ngọn Cờ Chiến Thắng đã có một giấc mơ kỳ diệu!”

Những đại đệ tử hỏi, “Thầy biết cách giải những điềm báo của giấc mộng, xin thầy nói cho bọn con.”

Bấy giờ Đạo sư toàn thiện và Đại Dịch Giả, ca bài kệ này, vén màn giấc mộng cho những đệ tử :

“Đức Phật của Ba Đời, Đạo sư Naropa
Con xin lễ lạy dưới chân Ngài.
Tất cả đệ tử ngồi ở nơi đây,
Hãy nghe những điềm triệu kỳ lạ của tương lai
Do giấc mộng báo cho biết
Mà ta, người Cha già của các con, sắp nói cho nghe.
Vùng Bắc của thế giới là Himalaya
Nơi Phật pháp sẽ truyền rộng thịnh hưng.
Ngọn núi phủ tuyết kia
Là Đại Dịch Giả Marpa già nua
Và Giáo Pháp Kagyuš.
Đỉnh núi tuyết chạm đến bầu trời
Là cái quán chiếu vô song không gì sánh.
Mặt trời mặt trăng xoay quanh chót đỉnh
Là thiền định tỏa chiếu trí huệ và đại bi.
Ánh sáng đầy khắp không gian
Là lòng bi trừ diệt bóng tối của vô minh.
Chân núi trùm cả địa cầu
Là hoạt động tỏa khắp của giáo pháp mở bày.
Bốn dòng sông chảy trong bốn hướng chính
Là bốn phương diện của quán đảnh và giáo huấn.
Những sông này giải cơn khát của hết thảy chúng sanh
Là để cho sự tiến bộ và giải thoát của những hành giả.
Tất cả sông đổ vào biển cả
Là sự hợp nhất trở lại của bổn giác mẹ và thủy giác con.
Tất cả đóa hoa khác nhau lấp lánh
Là sự hưởng thụ quả thanh tịnh không tì vết.
Nói chung giấc mộng rất tốt lành
Hỡi các sư và sư đệ hội tụ nơi đây.

Cột trụ vĩ đại dựng đứng ở phía Tây
Trên ngọn núi tuyết cao vời hùng vĩ
Là Tshurtošn Ouangnge xứ Došl.
Con sư tử ngự trị trên đỉnh cột
Nghĩa là Tshurtošn có bản tính sư tử.
Bờm xanh lục phất phơ của nó
Là sự chứng ngộ giáo huấn Mật thừa.
Bốn móng vuốt giương dài trên tuyết
Là sở hữu Tứ Vô Lượng Tâm.
Nó chăm chắm nhìn trời cao
Là sự lìa khỏi thế giới của sanh và tử.
Dạo chơi hiên ngang trên mênh mông tuyết trắng
Là sự vào trong cõi giới giải thoát
Giấc mộng phía Tây rất tốt lành,
Hỡi các sư và đệ tử hội tụ nơi đây.

Cột trụ vĩ đại dựng đứng ở phía Nam
Là Ngokton Chodor xứ Shung.
Con hổ cái gầm trên đỉnh trụ
Nghĩa là Ngokton có bản tính hổ cái.
Lông vằn dày phủ khắp thân 
Là sự chứng ngộ giáo huấn Mật thừa.
Ba lần nó mỉm cười
Là sự thấu suốt Ba Tạng kinh điển.
Bốn móng giương trên rừng núi
Là sự thành tựu bốn hoạt động.
Nó chăm chắm nhìn trời cao
Là sự lìa khỏi thế giới của sinh và tử.
Đi kiêu hãnh trên rừng dày dặc
Là sự vào trong cõi giới giải thoát.
Những cây tuyết tùng trong rừng đan nhau rậm rạp
Nghĩa là một dòng con cháu kế thừa.
Giấc mộng phía Nam rất tốt lành,
Hỡi các sư và đệ tử hội tụ nơi đây.

Cột trụ vĩ đại dựng đứng nơi mặt trời lặn
Là Đại Metošn xứ Tsangrong
Chim garuda khổng lồ bay vút trên đỉnh trụ
Nghĩa là Metošn có bản tính chim garuda.
Đôi cánh chim garuda trải rộng
Là sự chứng ngộ giáo huấn Mật thừa.
Hai mào của nó hướng lên những tầng trời
Nghĩa là sự hoàn thiện trong thiền định và quán chiếu.
Nó chăm chắm nhìn trời cao
Là sự lìa khỏi thế giới của sanh và tử. 
Nó bay qua không gian vô hạn
Là sự vào trong cõi giới giải thoát
Giấc mộng phía Tây rất tốt lành,
Hỡi các sư và đệ tử hội tụ nơi đây.

Cột trụ vĩ đại dựng đứng ở phía Bắc
Là Milarepa xứ Gungthang
Con kên kên vút bay trên đỉnh trụ
Nghĩa là Mila giống như kên kên.
Đôi cánh nhọn của nó dang rộng
Là sự chứng ngộ giáo huấn Mật thừa.
Tổ chim của nó trên vách đá
Nghĩa là đời Mila sẽ còn cứng hơn đá.
Con chim non đủ lông cánh của kên kên này
Nghĩa là anh sẽ có một đệ tử lỗi lạc.
Những con chim nhỏ đầy không gian
Nghĩa là sự truyền rộng Giáo Pháp Kagyuš.
Nó chăm chắm nhìn trời cao
Là sự lìa khỏi thế giới của của sanh và tử.
Đường bay qua không gian bao la
Là sự vào trong cõi giới giải thoát.
Giấc mộng phía Bắc rất tốt lành,
Hỡi các sư và đệ tử hội tụ nơi đây.

Công việc của lão già sắp hoàn tất.
Với các con, hỡi những đệ tử, giờ của các con đã tới.
Nếu lời tiên tri của lão già này hiện thực,
Thì giáo pháp toàn hảo được truyền thừa đến đây,
Sẽ mở rộng và kéo dài trong mai hậu.”

Ngài nói như thế. Bấy giờ tất cả mọi người có mặt ngập đầy vui mừng. Lama cho những đại đệ tử xem kho tàng giáo pháp và giáo huấn đặc biệt. Ngài dạy cho huynh đệ của thầy ban ngày và huynh đệ của thầy vui mừng thiền định về chúng vào ban đêm. 

Một đêm, khi ngài đang ban Quán Đảnh Anatmata(9), lama bắt đầu suy nghĩ về giáo huấn đặc biệt nào cần phải cho mỗi đệ tử được tiền định để đảm trách công việc hoằng dương giáo pháp. Ngài quyết định tham khảo các điềm triệu vào lúc bình minh.

Ngày hôm sau, khi bình minh ló dạng, ngài thấy những đại đệ tử của mình. Ngokton Chodor xứ Shung đang bình giảng về bản văn của Yidam Hevajra. Tshurtošn Ouangnge xứ Došl đang thiền định về Chuyển Di Tâm Thức, Đại Metošn xứ Tsangrong đang thiền định về sự Thanh Tịnh của Tánh Giác.(10) Về phần thầy, thầy đang thiền định về lửa Tummo. Như thế lama biết công việc đặc biệt nào cho mỗi người trong huynh đệ thầy.

Bấy giờ ngài truyền cho ngài Ngokpa sáu cách và bốn phương pháp(11) để giải thích Giáo pháp Mật thừa, nó phơi bày giáo pháp như một chuỗi hạt trai đẹp đẽ. Và ban cho ông sáu viên ngọc của Đức Naropa, xâu chuỗi hồng ngọc, một cái muỗng và một cái lọc là đồ để cúng, và một bình giải tiếng Phạn về Tantra Hevajra. Rồi ngài nói với ông, “Hãy làm việc cho lợi lạc của tất cả chúng sinh bằng thuyết giảng về giáo pháp.”

Tshurtošn Ouangnge xứ Došl được truyền cho Chuyển Di Tâm Thức, như một con chim bay qua cửa sổ mở; ngài ban cho ông một lọn tóc của Đức Naropa, những móng tay của Đức Naropa, những viên thuốc(12) cam lồ, và một vương miện gọi là Năm Bộ Phật(13) Rồi ngài nói, “Hãy làm việc cho sự thông thạo Chuyển Di Tâm Thức.”

Đại Metošn xứ Tsangrong được truyền cho sự thông thạo về sự Thanh Tịnh của Tánh Giác, nó giống như một ngọn lửa được thắp lên trong bóng tối ; ngài ban cho ông chuông và chày kim cương của Đức Naropa, trống và kapala(14) nối với hạt trai lớn của ngài. Và ngài nói với ông, “Hãy tự giải thoát con khỏi trạng thái trung ấm của Bardo.”

Với thầy, ngài truyền cho giáo huấn truyền miệng bí mật Lửa Tummo, giống như một ngọn lửa củi tốt, và ban cho thầy cái mũ của Maitrepa và y phục của Đức Naropa. Rồi ngài nói, “Hãy đi và lang thang trong những vùng núi cằn cỗi và những miền tuyết trắng, và hãy thực hành cái thấy toàn hảo và thiền định.”

Cuối cùng, trước tất cả nhà sư tụ hội cho buổi tiệc lễ, ngài nói, “Ta đã cho các con những giáo huấn của ta như những điềm triệu đã báo trước. Ta đã truyền cho mỗi đệ tử cao cấp nhất của ta công việc của từng người cũng như lợi lạc lớn lao của giáo pháp. Bởi vì con ruột của ta, Darma Doday Bušm, không còn ở đây nữa, ta đã trao cho các con Giáo Pháp Kagyuš và sự truyền chuyển năng lực giác ngộ của ta như di sản thừa kế. Bởi thế, hãy đầy siêng năng và sự lợi lạc cho tất cả chúng sinh sẽ tăng trưởng.” Rồi những đại đệ tử ra đi, mỗi người về vùng riêng của mình.

Lama nói với thầy, “Về phần con, hãy ở gần thầy ít năm. Thầy sẽ cho con quán đảnh và giáo huấn đặc biệt. Con cần củng cố kinh nghiệm bên trong của con với sự có mặt của lama của con. Bởi thế, hãy ở lại nhập thất trọn vẹn.”

Như đức Naropa đã tiên tri, thầy rút vào hang động tên là Dzangpušhk Drok. Cha và mẹ cho thầy lương thực, gồm phần chia những lễ cúng. Và các vị làm điều này bằng lòng nhân hậu vĩ đại.

Đức Milarepa nói như thế. Đến đây là hết chương thứ tư, kể về việc Đức Milarepa trải qua thiền định với lama đã làm nẩy mầm hạt giống sự tỉnh thức của ngài.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6457393
Số người trực tuyến: