Hạnh hiếu qua hai tấm gương báo hiếu của Đại đệ tử Phật
Hạnh hiếu qua hai mẩu chuyện
Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, khi trời đất chuyển sang thu, thì trong mỗi trái tim của người con Phật xuất gia thường in đậm hai dấu ấn. Đó là ngày lễ Tự Tứ, kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ và dịp lễ Báo hiếu đối với ân đứcsinh thành. Nói đến sự báo hiếu, chúng ta không thể không nhớ đến hình ảnh hiếu thảo chấn động Thiên địa của Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên. Đề cập đến Tôn giả Mục Kiền Liên, chúng ta không thể không nhớ đến Kinh Vu Lan Bồn, một áng văn Thiên cổ bất hủ. Thế nhưng, ngoài áng văn diễm lệ này, mọi người chúng ta đều biết còn một mẩu chuyện báo hiếu khác khá lý thú tương tự như thế, mà có lẽ nhiều người chưa được rõ lắm.
Nội dung hai tư liệu
Để hiểu rõ nội dung của hai tư liệu này chuyên chở những gì, chúng ta có thể tóm tắt đại khái như sau:
1. Nội dung kinh Vu Lan Bồn (1)
Kinh này do Phật thuyết cho Đại chúng, tại tịnh xá Kỳ Viên, được Tôn giả A Nan (Ananda) thuật lại thế này:
Lúc ấy, Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên vừa thành tựu 6 pháp thần thông, muốn báo đáp ân đức sinh thành của cha mẹ, bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp thế giới, thì thấy mẹ mình hiện sinh trong loài ngạ quỷ, không được ăn uống, da bọc lấy xương. Tôn giả liền dùng bát đựng cơm, đem hiến cho mẹ. Nhưng mẹ Ngài do tội chướng quá nặng, cơm biến thành than lửa, không thể ăn được. Tôn giả liền trở về, thống thiết bạch lại tình cảnh vừa rồi với đức Phật. Phật dạy rằng, muốn cứu được mẹ, Tôn giả phải nhờ đến thần lực của Chư Tăng trong mười phương. Nhân dịp rằm tháng 7, ngày Chư Tăng Tự Tứ, nên sắm các phẩm vật thiết dụng, hiến cúng cho Thập Phương Đại đức chúng Tăng, vì ngày này Chư hiền Thánh Tăng đều bình đẳng thọ cơm Tự Tứ. Nương nhờ giới thể thanh tịnh, pháp lực nhiệm mầu của thánh chúng mà cha mẹ hiện tại của thí chủ được trường thọ, hạnh phúc; cha mẹ quá khứ trong bảy đời thoát khỏi khổ thú, sinh về cảnh giới an lành.
Vâng lời Phật dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa các phẩm vật, thành kính dâng cúng Chư Tăng trong dịp Tự Tứ. Thế rồi, Chư Tăng thọ lễ cúng dường, thành tâm chú nguyện. Chính nhờ sức chú nguyện này mà thân mẫu của Ngài ngay trong ngày ấy, thoát được nỗi thống khổ của kiếp ngạ quỷ.
Hân hoan trước thành tích cứu được mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ đau, nên Tôn giả thỉnh cầu Phật chỉ dạy thêm về cách thức báo hiếu. Phật dạy rằng tất cả mọi người, trong hiện tại cũng như trong đời vị lai, ai muốn chu toàn hiếu hạnh, báo đáp ân đức sinh thành của cha mẹ, thì hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, đem lòng hiếu thảo tưởng nhớ song thân, sắm các phẩm vật hiến cúng Phật cùng Thánh chúng để báo đáp ân đức từ ái nuôi dưỡng của cha mẹ. Là con Phật, thì ai cũng nên tuân giữ truyền thông báo hiếu này.
Đại khái, đó là tóm lược nội dung của kinh Vu Lan Bồn.
2. Nội dung chuyện “Mẹ trưởng lão Xá Lợi Phất”
Chuyện này do đức Đạo Sư kể lại với Đại chúng tại tịnh xá Trúc Lâm.
Thuở xưa, tại Ba-la-nại có một gia đình Bà-la-môn đại phú. Bản tính ông chồng hiền đức, chăm làm việc phước thiện, nhưng tính tình bà vợ thì keo kiệt, ác độc. Một hôm ông có công việc phải đi xa, căn dặn vợ ở nhà hễ khi nào có Sa-môn hay bất cứ du khách nào đến nhà thì tùy theo khả năng mà bố thí cho chu tất. Nhưng khi ông đi rồi bà vợ ở nhà cắt đứt phần cúng dường cho Sa-môn, đối xử tệ bạc với các lữ khách khác, và buông lời nhục mạ, nguyền rủa họ. Do ác hạnh ấy sau khi chết, bà tái sinh làm thân nữ ngạ quỷ, chịu đủ muôn phần thống khổ. Bấy giờ, bà nhớ lại những quyến thuộc xa xưa, biết được người con trai của bà thời quá khứ hiện nay là một trong hàng đại đệ tử của Phật, có danh tiếng và uy đức lớn. Bà liền thân hành tới đó xin gặp Tôn giả. Vừa thấy mặt nữ ngạ quỷ xấu xí gầy gò ấy, Tôn giả đã động lòng thương cảm, hỏi bà là ai, cần đến việc gì mà thân hình tiều tụy khốn khổ như thế, thì bà cho biết: Trong tiền kiếp, bà là mẹ của Tôn giả, do ác hạnh hủy nhục những vị khất sĩ (người đến cầu xin vật thực) mà phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, chịu mọi nỗi đói khát, thống khổ. Nay đến cầu xin Tôn giả làm phước, bố thí, để hồi hướng công đức cứu bà thoát khỏi u đồ.
Thế là ngày hôm sau, Tôn giả cùng với ba pháp hữu khác là Đại Mục Kiền Liên (Mahà-moggallàna), A-na-luật-đà (Anuruddha) và Kiếp-tân-na (Kappina) đi đến đại vương Tần-bà-ta-la (Bimbisàra), rồi Tôn giả Mục Kiền Liên trình bày lại sự việc đã xảy ra cho vua nghe và thỉnh cầu vua giúp đỡ để Tôn giả Xá Lợi Phất hoàn thành nghĩa vụ báo hiếu. Nghe vậy, nhà vua hoan hỉ hứa khả, rồi sai cận thần xây cất am thất và sắm sửa các thức cúng dường, đoạn nhà vua đích thân đem đến hiến dâng cho Trưởng lão Xá Lợi Phất. Sau đó, Trưởng lão thiết lễ trai tăng đem các phẩm vật ấy cúng dường lên Tăng chúng khắp thế gian do Đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức này cho (nữ ngạ quỷ) thân mẫu quá cố của mình.
Nữ ngạ quỷ nhờ hưởng được công đức ấy, liền tái sinh lên cõi trời. Ở đây, bà có đủ mọi thứ cần thiết của một thiên nữ, hưởng mọi lạc thú của cảnh giới chư thiên. Rồi một hôm, bà đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, kể lại cho Tôn giả nghe tất cả mọi chi tiết trong hai kiếp tái sinh làm ngạ quỷ và Thiên nữ của mình.
Đó là đại ý câu chuyện Mẹ Trưởng lão Xá Lợi Phất mà trong “Ngạ quỷ sự” đã trình bày.
So sánh 2 mẩu chuyện
Xuyên qua nội dung của 2 mẩu chuyện vừa được tóm tắt ở trên, ta có thể rút ra một số điểm dị đồng giữa chúng như sau:
1. Những điểm giống nhau:
Trọng tâm câu chuyện của hai tư liệu trên xoay quanh sự kiện một bà mẹ trong tiền kiếp gây nên ác hạnh, do đó hiện kiếp bị đọa làm nữ ngạ quỷ, chịu đủ mọi nỗi đói khát, thống khổ. Thế rồi, nhờ người con trong đời trước của mình hiện là đại đệ tử của đức Phật có danh tiếng, và đức hạnh, sắm sửa lễ vật cúng dường cho Chư Tăng trong mười phương do Đức Phật lãnh đạo. Chính nhờ công đức cúng dường ấy mà nữ ngạ quỷ kia thoát khỏi thân quỷ đói, sinh về cảnh giới an lành.
Tóm lại, đây là câu chuyện nhiệt thành báo hiếu của một người xuất gia đệ tử của Phật đối với thân mẫu trong đời quá khứ. Và nhờ sức chú nguyện của Thập phương hiền Thánh Tăng mà hóa giải được ác báo chuyển thành thiện quả.
Đó là tóm tắt những điểm tương đồng giữa hai mẩu chuyện. Và sau đây là vài chi tiết dị biệt.
2. Những điểm dị biệt:
Trong kinh Vu Lan Bồn cho biết nữ ngạ quỷ ấy là mẹ quá khứ của Tôn giả Mục Kiền Liên; còn câu chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất thì nữ ngạ quỷ ấy là mẹ quá khứ của Tôn giả Xá Lợi Phất.
- Kinh Vu Lan Bồn nói chính Tôn giả Mục Kiền Liên đi tìm mẹ, còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi thì nữ ngạ quỷ kia đi tìm Tôn giả Xá Lợi Phất
- Kinh Vu Lan Bồn nói rõ ngày tổ chức cúng dường là rằm tháng bảy, nhân dịp thập phương Tăng Tự Tứ; còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất không xác định rõ thời điểm cúng dường.
- Kinh Vu Lan Bồn cho biết phẩm vật cúng dường do chính Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa; còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất thì nói rằng vua Tần-bà-ta-la đã hiến dâng phẩm vật để Tôn giả Xá Lợi Phất chu toàn phận sự cúng dường.
- Kinh Vu Lan Bồn chỉ nói nữ ngạ quỷ ấy thoát khỏi cảnh khổ của cõi ngạ quỷ, còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất thì cho biết vị ấy sau khi được sinh lên thiên giới bèn trở lại trần gian kể cho Tôn giả Mục Kiền Liên nghe về tình trạng hiện tại của mình.
- Kinh Vu Lan Bồn chủ yếu Phật trao đổi với Tôn giả Mục Kiền Liên và nhắc nhở Chúng Tăng khi thọ trai phải chú nguyện cho thí chủ, đồng thời khuyên mọi người con Phật nên noi theo gương báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên, còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất thì Phật không khuyên bảo việc đó. Ở đây, ngoài Tôn giả Xá Lợi Phất còn có sự hiện diện của ba pháp hữu của Tôn giả và vua Tần-bà-ta-la.
- Kinh Vu Lan Bồn Phật thuyết tại tinh xá Kỳ Viên, còn chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất Phật thuyết tại tinh xá Trúc Lâm.
Kinh Vu Lan Bồn không có trong Đại tạng Nam Truyền cũng như chuyện Mẹ Trưởng Lão Xá Lợi Phất chưa được dịch sang Hán Tạng.
Trên đây là tóm lược vài nét giống và khác nhau giữa hai mẩu chuyện, còn những chi tiết nhỏ nhặt khác không cần phải đề cập đến. Thế nhưng, có một điểm khá nổi bật mà chúng ta cần tìm hiểu, đó là vấn đề ngạ quỷ trong kinh điển Phật giáo.
Sự tích ngạ quỷ
Thông thường nhân gian Ấn Độ có hai hình thức tín ngưỡng chư Thiên và ngạ quỷ. Các chúng sinh này thường ở cách xa trụ xứ của chúng ta, như ở những nơi ven núi, bờ sông, chỉ khi nào chúng ta đi lạc đường mới gặp được họ. Theo truyền thuyết của Bắc phương thì Tăng Hộ (Sangharasita) sau khi đi tham học trở về nước theo đường biển, do bị lạc đường mà trông thấy ngạ quỷ (3). Trường hợp ức Nhĩ (Sronakoti- kotikarna) cũng do lạc đường mà gặp ngạ quỷ giống như Tăng Hộ (4). Đồng thời trong “Ngạ quỷ sự” thuộc Nam truyền cũng nói trường hợp vua Pingala do lạc đường mà thấy ngạ quỷ (5).
Ngoài ra chuyện ngạ quỷ còn được ký tải ở các chỗ khác, như:
- Phật thuyết Quỷ vấn Mục Liên Kinh gồm 17 truyện, theo truyền thuyết thì do An Thế Cao dịch, nhưng được ghi là thất dịch, thuộc đời Lưỡng Tấn. (6)
- Phật thuyết Tạp Tạng Kinh, 1 quyển, do Pháp Hiển đời Tấn dịch, khoảng năm 416 Công Nguyên. Phần đầu quyển này trình bày việc quỷ hỏi và Mục Liên đáp gồm 17 chuyện tương đương với bộ kinh kể trên. Kế đến 4 chuyện cuối nói về thiên sự: chuyện 1 và 3 thì Mục Liên hỏi, Thiên đáp. Chuyện 2 và 4 thì thể tài không đồng nhất. (7)
- Ngạ quỷ Báo ứng Kinh, gồm 35 chuyện, thuộc về loại kinh thất dịch (mất tên người dịch) đời Đông Tấn. Mười bảy chuyện của hai bộ kể trên phần lớn đều bao hàm trong kinh này. (8)
- Trong kinh Tạp A hàm có nói về trường hợp Mục Kiền Liên từng thấy nhiều quỷ, rồi nhân La-sát (Laksana) hỏi, thầy trình bày lại nghiệp nhân của ngạ quỷ trước Đức Phật. (9)
- Điều Ba-la-di thứ tư của kinh phân biệt thuộc Đồng Diệp luật cũng nói đến ngạ quỷ. (10)
Chung quy, các sự tích Ngạ quỷ trong hệ thống kinh điển Bắc truyền thường được trình bày theo thể văn xuôi, còn chuyện ngạ quỷ trong kinh điển Nam truyền thì chủ yếu được trình bày theo lối vấn đáp bằng kệ tụng.
Theo đại sư Ấn Thuận thì diễn tiến hình thành Ngạ quỷ sự có trước Thiên cung sự, và hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Như các chuyện 17, 37 và 39 của Ngạ quỷ sự và các chuyện 83, 84 và 52 của Thiên cung sự thuộc kinh điển Nam truyền là hoàn toàn tương đồng với nhau (11).
Xuyên qua những gì được trình bày trên đây, gợi cho chúng ta nhớ đến một vấn đề rất hệ trọng. Đó là sự tri ân, báo hiếu. Vì các loài động vật khác chỉ có thiên tính nuôi con mà không có ý thức báo hiếu. Chính cái đức báo hiếu mẹ cha, tôn kính sư trưởng mới khẳng định được sự trân quý của kiếp sống làm người.
Chú thích:
(1) Kinh Vu Lan Bồn, HT Trí Quang dịch giải, XB PL 2515.
(2) Chuyện “Mẹ trưởng lão Xá Lợi Phất ” trong Ngạ quỷ sự, do GS. Trần Phương Lan phiên dịch.
(3) Nhân duyên Tăng Hộ Kinh, Đ17, tr 565c-572b.
(4) Thập Tụng Luật, quyển 25, Đ23, tr 178a-180b. Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Ti-nại-da, bì cách sự, quyển thượng, Đ23, tr 1048c-1051b.
(5) Ngạ quỷ sự, Tạng Nam truyền, tập 25, tr 87-94.
(6) Phật thuyết Quỷ vấn Mục Liên Kinh, ĐI7, tr 535b-536b.
(7) Phật Thuyết Tạp Tạng Kinh, Đ17, tr 557b-560b.
(8) Ngạ quỷ Báo ứng Kinh, ĐI 7, tr 660b-562b.
(9) Tạp A-hàm kinh quyển 19, Đ2 tr 135a-139a. Tương Ưng bộ, Lặc-xoa-na Tương Ưng, Nam truyền, tập 13, tr 337-387.
(10) Đồng Diệp Luật, Kinh Phân Biệt, Nam truyền tập 1, tr 575-580Ò.
(11) Nguyên Thì Phật giáo Thánh Điển chi tập thành, Ân Thuận trước, Đài Bắc, XB 1988, tr 851.
- 501
Viết bình luận