Vu Lan - Ngày báo hiếu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vu Lan - Ngày báo hiếu

Vu Lan - Ngày báo hiếu

Cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu Lan báo hiếu. Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con hiếu không ai là không nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng cách thể hiện tấm lòng cụ thể tùy theo trình độ văn minh và phong tục tập quán của mỗi dân tộc mà có những khác biệt.

Ở Việt Nam ta, nhờ ảnh hưởng tinh thần kinh Vu Lan Bồn, mà ngày rằm tháng bảy hằng năm đã trở thành ngày hội truyền thông tốt đẹp của cả dân tộc. Đây là cơ hội quý báu để những người con hiếu thảo báo đáp một phần nào công ơn trời bể của hai đấng sinh thành.

CÔNG ƠN CHA MẸ ĐƯỢC CA NGỢl

a .Qua kinh điển:

Theo truyền thống văn học Trung Quốc, có lẽ Kinh Thi là bản kinh trình bày công ơn của mẹ khá khúc chiết. Nó tóm tắt công đức của mẹ thành chín điểm, gọi là chín chữ cù lao. Đó là: “Sinh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ, cho bú, nuôi lớn, trông nom, nuông chiều, che chở" (sinh, cúc, phủ, dục, súc, trưởng, cố, phục, phúc).

Thế nhưng, kinh điển Phật giáo lại trình bày công ơn cha mẹ và phương pháp báo ân còn cụ thể và rốt ráo hơn. Chẳng hạn, kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật kể đến mười công đức của mẹ đối với con:

  1. Chín tháng cưu mang khó nhọc.

  2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh.

  3. Nuôi con cam đành cực khổ.

  4. Nuốt cay, mặn ngọt cho con.

  5. Chịu ướt, nhường ráo cho con.

  6. Sú nước, nhai cơm cho con.

  7. Vui giặt đồ dơ cho con.

  8. Thương nhớ khi con xa nhà.

  9. Có thể tạo tội vì con.

  10. Nhịn đói cho con được no.

Trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật ví công ơn cha mẹ như núi cao biển rộng:

Ân cha lành cao như núi Thái.
Đức mẹ hiền sâu tựa biển khơi.
Dù cho dâng trọn một đời.
Cũng không trả hết ân người sinh ta.

Đức Phật còn thuyết giảng cho đồ chúng biết công đức cao cả của mẹ hiền: “Này các Thầy Tỳ- kheo, sữa mẹ mà các Thầy đã bú khi lang thang trong sáu nẻo luân hồi còn nhiều hơn là nước trong bốn đại dương” (Kinh Tương Ưng II, 208).

Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, đức Phật cũng kể đến công ơn sâu dày của cha mẹ, và khuyên con thảo phải báo đáp ân sâu: “Này các Thầy Tỳ- kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các Thầy phải hiểu rằng, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó khó trả. Này các Tỳ-kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”, (Tăng Nhất A-hàm, 601).

Công ơn cha mẹ trọng đại như vậy, cho nên không có tội ác nào bằng tội bất hiếu, như trong kinh Nhẫn Nhục mô tả:

Cùng tột điều thiện, không gì hơn hiếu,
Cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu

b. Qua ca dao tục ngữ:

Có lẽ ca dao tục ngữ là loại hình văn học có sức thuyết phục nhất dùng để mô tả tình cảm chân thành của những người con hiếu thảo đối với công ơn dưỡng dục bể trời của hai đấng sinh thành. Từ bé đến già, không nhiều thì ít, ai cũng cảm thấy thấm thía ân đức cao cả của mẹ cha:

Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ.
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

“Biết thờ song thân”, thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tần tảo nuôi con của mẹ:

Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con.

Thế nên, nếu so sánh công đức của mẹ hiền như non cao cũng chưa xứng đáng:

Ai rằng công mẹ như non,
Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.

Tình mẹ thương con đậm đà như chuối ba hương, dẻo thơm như xôi nếp một, mà ngọt ngào như đường mía lau:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Lá cây trong rừng dẫu nhiều cũng không thể sánh bằng công ơn của mẹ. Sao trên trời thật khó đếm, nhưng công của mẹ lại càng khó đếm hơn những vì sao:

Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm được vì sao,
Đố ai đếm được công lao mẫu từ.

Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sinh lực hao mòn, nặng nhọc gánh chịu, làm sao ta có thể quên được tình mẹ bao la như biển cả ấy:

Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

Tình ở đây là tình mẹ thương con. Tình thương ấy thực bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Người con trong lúc tuổi trẻ cắp sách đến trường, phải đua tranh với bè bạn, thi thố tài năng dưới mái học đường, tuy có vất vả, nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với sự đảm đang tần tảo, chiều chồng nuôi con của mẹ hiền, khiến cho gia đạo thuận hòa, con cái nên người. Chính người mẹ đã dự vào cuộc thi của trường đời, đó là một cuộc thi đầy cam go, thử thách.

Vào những đêm thu, con không ngủ được vì trái nắng, trở trời, mẹ hiền phải thức thâu đêm để đưa võng ru con:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy, thức đủ năm canh.

c. Qua những bài hát:

Các nhạc sĩ là những người có tâm hồn nhạy cảm, dào dạt, nên thường diễn tả hình ảnh của bà mẹ rất sống động và hiện thực. Những bà mẹ sống với ruộng rẫy nương dâu, nơi đồng chua nước mặn, ăn mặc giản dị nâu sồng, không phấn sáp xa hoa, mà tâm hồn hiền hòa, chất phác. Những bà mẹ sống cuộc đời bình lặng như mặt nước hồ thu, nhưng vẫn giữ khí tiết kiên trung, cao cả. Chính những bà mẹ ấy đã đem những giọt mồ hôi tưới mát ruộng đồng, làm đẹp cuộc đời và đẹp cả quê hương:

Mẹ Việt Nam không son, không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm, tay bùn,
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng.

Hình ảnh mẹ Việt Nam thật cao đẹp, công ơn của mẹ đối với con thật bao la. Công ơn ấy đã được khắc ghi sâu đậm vào tâm não của con, bộc phát thành những lời ca, tiếng nhạc hết sức dạt dào:

Rủi mai này mẹ hiền mất đi, thì con côi
Như đóa hoa không mặt trời, như tuổi thơ không nụ cười,
Như đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm.
Mẹ là dòng suôi diệu hiền. Mẹ là bài hát thần tiên,
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao,
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.
Mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ là nải chuối, buồng cau,
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu,
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời.
Và một bản nhạc khác diễn tả:
Vì song thân có công sinh thành:
Sinh con tái tê lòng đau.
Nuôi con sánh công cù lao.
Sinh con ví ân trời cao.
Sinh con máu đào xiết bao!

Vào những đêm khuya bâng khuâng nhớ mẹ, người con xa nhà, trông về quê cũ tưởng tượng hình ảnh mẹ hiền đang tựa cửa trông con:

Đêm khuya trăng mơ, mắt trông về trong cõi xa mờ.
Nơi xa xăm kia, tôi say nhìn quê cũ dấu yêu.
Ôi tình quê hương, nơi chốn xưa có người mẹ hiền,
Tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt hoen mờ vì con ...

Vì thương nhớ mẹ đơn chiếc ở nơi quê hương xa xôi, nên khi gặp bạn bè trở lại quê nhà, con sẽ gửi lời thăm mẹ, và hứa với mẹ luôn luôn khắc ghi những lời mẹ khuyên dạy:

Ai đi về phía quê tôi,
Làm ơn cho nhắn vài lời nhớ thương.
Xa xôi buồn nhớ quê hương,
Mẹ già một nắng hai sương mỏi mòn.
Ra đi một sáng tinh sương.
Mẹ ôi, con vẫn nhớ lời mẹ khuyên.

BÁO ĐÁP CÔNG ƠN CHA MẸ

a. Qua kinh điển:

Trong kinh Thi-ca-la-việt, đức Phật kể đến năm bổn phận của con đôi với cha mẹ:

  1. Cung kính và vâng lời cha mẹ,

  2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.

  3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.

  4. Bảo quản tài sản do cha mẹ dể lại.

  5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.

(Trường Bộ Kinh IV. 188).

Kẻ nào làm tròn các bổn phận trên đây mới xứng đáng là người con hiếu thảo. Rồi đức Phật đề cập đến bốn trách nhiệm mà người con phải làm để hướng dẫn cha mẹ sống theo Chính pháp:

  1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.

  2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí.

  3. Nếu cha mẹ làm ác, khuyên cha mẹ hướng về đường thiện.

  4. Nếu cha mẹ theo tà kiến, khuyên cha mẹ theo Chính kiến (Tăng Chi Bộ Kinh, IA, 59).

Chúng ta lại thấy trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật cũng dạy những người con hiếu, những Phật tử chân chính cần thực hiện sáu bổn phận sau đây:

  1. Giữ gìn Tam quy, Ngũ giới.

  2. Thường học hỏi và đọc tụng kinh điển.

  3. Siêng năng lễ Phật sám hối.

  4. Thường cúng dường Tam Bảo.

  5. Bố thí làm phước, hồi hướng công đức cho cha mẹ.

  6. Cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ.

Có nhiều phương thức để báo ân cha mẹ, như đức Phật đã kể lại hai tiền thân của Ngài trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân:

- Trường hợp thứ nhất, Ngài là một Thái tử tên Tu-xà-đề, đã tự lóc thịt mình dâng cha mẹ đỡ lòng trong lúc chạy giặc hết cả lương thực.

- Trường hợp thứ hai, Ngài tên Thái tử Nhẫn Nhục, đã hiến đôi mắt mình để làm thuốc cứu cha thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra một bài kệ trong kinh Tăng Chi còn mô tả:

Cha mẹ là Phạm Thiên,
Là Đạo sư đời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương yêu con thảo ...
Do vậy bậc Hiền trí,
Đỉnh lễ và tôn trọng.
Dâng thức ăn nước uống,
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp cả thân thể,
Tắm rửa cả tay chân,
Bằng việc làm như vậy,
Đối với mẹ và cha.
Đời nầy nhiều người khen,
Đời sau hưởng thiên lạc

Dâng đồ ăn, đồ mặc, tôn trọng và đỉnh lễ, đương nhiên là cách báo hiếu rất phổ thông. Nhưng đặc biệt hơn cả là báo hiếu theo tinh thần kinh Vu Lan Bồn. Qua kinh này, đức Phật dạy những người con hiếu nên làm theo gương của Tôn giả Mục Kiền Liên. Nhân dịp rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân, và cũng là ngày chúng Tăng Tự tứ, chư Phật hoan hỷ, Phật tử nên sắm sửa trai soạn và các thứ nhu yếu dâng lên cúng dường chúng Tăng, nhờ chư Tăng chú nguyện để cầu siêu độ cho cha mẹ quá khứ và lục thân quyến thuộc nhiều đời. Hình ảnh của Tôn giả Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ đã được một thi sĩ mô tả bằng những lời thơ thật cảm động:

Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với đây lòng,
Đây tình con đọng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sinh thành chưa trả xong.

b. Qua ca dao, tục ngữ:

Ca dao tục ngữ là một hình thức phô diễn rất phong phú, tự nhiên và thực tế của dân gian, cũng thường đề cập đến cách báo hiếu của con đối với cha mẹ.

Thông thường tuổi thọ con người dài hay ngắn là tùy theo hạnh nghiệp, không một ai có quyền làm tăng thêm hay giảm bớt, nhưng vì quá thương cha mẹ, những người con hiếu hằng đêm thường thành tâm cầu nguyện Phật trời cho cha mẹ trường thọ để cha mẹ được sống mãi bên con:

Đêm đêm khấn nguyện Phật trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thế nhưng muốn được gần gũi cha mẹ thì con phải có bổn phận:

Muốn cho gần mẹ gần cha,
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền

Hay là:

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Khi ở xa quê hương, người con hiếu luôn thương nhớ hai đấng sinh thành và không quên gởi về những nhu yếu mà cha mẹ thường dùng:

Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Ai về tôi gởi đôi giày,

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.

Nếu ở gần cha mẹ thì con phải chiều theo sự ưa thích của cha mẹ mà dâng những món ngon, vật lạ:

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Con cái hiếu thảo với cha mẹ ruột là sự thường tình, nhưng chàng rể có hiếu với cha mẹ vợ thực là điều hy hữu. Thế nhưng, việc này cũng đã từng xảy ra. Khi người vợ bạc bẽo, lỗi đạo phu thê, rẽ sang thuyền khác, người chồng vẫn sống độc thân, nuôi cha mẹ vợ trọn đời mà không quản gì khó nhọc:

Chữ dâu hiền con gái,
Câu rể thảo con trai,
Bậu dù quên nghĩa trúc mai,

 

Qua kính thờ song nhạc, há nài công lao!

Người đời thường bảo “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, cho nên khi vợ chồng hòa thuận sẽ làm được nhiều điều hữu ích, chẳng những tạo được một già đình hạnh phúc, mà còn khiến cho cha mẹ vui lòng; nhờ thế, được người đời hết lời khen ngợi:


Em thì đi cấy ruộng đông,
Anh đi cắt lúa để chung một nhà,
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,

Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.

Qua thơ văn:

Một người con hiếu khi thấy mình càng ngày càng khôn lớn, thì cha mẹ trở nên già yếu, động lòng hiếu tử, nữ thi sĩ Trinh Tiên đã ước nguyện giảm bớt tuổi mình để cha mẹ được tăng thêm tuổi thọ:

Con nguyện dâng bớt tuổi thọ mười năm,
Mười năm ấy dẫu vàng son gấm vóc,
Mười năm ấy dù hương vàng châu ngọc,
Phủ che đời danh vọng cũng không ham.
Con vui chi mây khói cảnh trần gian,
Khi cha mẹ sức mòn theo hạnh nghiệp!

(Chính Tín, 31).

Truyện Kiều là một tuyệt tác của dân tộc. Tố Như tiên sinh đã dốc hết tâm lực “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” mà soạn ra tác phẩm ấy. Đoạn cảm động nhất là Tiên sinh tả cảnh tượng Thúy Kiều bán mình chuộc cha:

Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình,

Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

 

Đứng giữa hai sự lựa chọn bên tình bên hiếu, người con gái không thể giữ vẹn cả hai, Kiều quyết định hy sinh tình yêu để báo đáp thâm ân cha mẹ. Thực là một sự lựa chọn khá thương tâm, đầy cao thượng, khiến cho ai xem đến cũng phải cảm thương, kính phục.

Qua những trình bày trên đây, tất cả đều nhằm minh họa công ơn cha mẹ thật là lớn lao, cao cả. Do đó, phận làm con phải báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, vì đây là nghĩa vụ thiêng liêng nhất trong những nghĩa vụ làm người.

Tựu trung có hai cách báo hiếu: theo thế thường và theo Phật giáo. Theo thế thường, khi cha mẹ còn sinh tiền, con cái phải chu cấp đầy đủ những nhu yếu vật chất để cha mẹ được an vui, khi cha mẹ qua đời, con cái phải phụng thờ và thực hiện những di chúc để lại. Cách báo hiếu như vậy tuy cũng tốt đẹp, đáng quý, nhưng có lẽ chưa trọn vẹn như cách báo hiếu mà đức Phật đã dạy.

Theo Phật giáo, khi cha mẹ còn hiện tiền, con cái không những cung phụng đầy đủ các nhu yếu vật chất, mà còn phải chăm sóc cha mẹ về phương diện tinh thần. Nếu cha mẹ làm điều ác, phải khuyên cha mẹ làm điều thiện, nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyên cha mẹ theo chính kiến, hướng dẫn cha mẹ tạo nhân lành để hưởng được quả báo an vui. Vì thế, người con không những báo hiếu cha mẹ hiện tại, mà còn báo hiếu cha mẹ trong nhiều đời quá khứ, không những trả ơn cha mẹ trong một kiếp mà còn trả ơn cha mẹ trong vĩnh kiếp. Thiết tưởng đó mới là cách báo hiếu đúng với Chính pháp và rốt ráo hơn cả.

(Mùa Vu lan P.L. 2539)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6319243
Số người trực tuyến: