Những thắc mắc thường gặp khi thực hành thiền định | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những thắc mắc thường gặp khi thực hành thiền định

Hiện nay trên thế giới thịnh hành nhiều hình thức thiền khác nhau như: Như lai thiền, Tổ sư thiền, thiền sinh học, thiền Vipassana, thiền yoga, v.v... Mỗi loại thiền đều có phương pháp khác nhau khiến những người mới bước vào con đường thực hành không khỏi có những thắc mắc. Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên xin trân trọng gửi tới Quý vị giải đáp của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trước một số thắc mắc của những người mới bắt đầu thực hành thiền định trong buổi giảng pháp về “Nghệ thuật thiền định” tại Paris, Pháp năm 2014.

Hỏi: Kính bạch Đức Pháp Vương, trong cuộc sống hối hả hiện nay, người ta thường nhắc đến các phương pháp thực hành thiền định. Vậy liệu thiền định có giúp chúng con sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách quy củ, có trật tự và cải thiện cuộc sống hay không ạ?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Khi bàn về thực hành thiền định, tôi muốn nhắc đến ý nghĩa giác ngộ trong đó. Giác ngộ chính là một trong hai điều mà tôi ngưỡng mộ nhất trong cuộc sống, bởi năng lực giác ngộ sẽ ngay lập tức giúp chúng ta cải thiện và tổ chức cuộc sống. Tôi chia sẻ như vậy dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Tôi bắt đầu thực hành thiền định khá thường xuyên từ năm lên 8 hay 9 tuổi, nhờ vậy tôi cũng tích lũy được một chút kinh nghiệm. Chỉ với kinh nghiệm ít ỏi như vậy thôi, song tôi cảm thấy có thể nắm được hầu hết mọi việc trong tầm tay. Tôi hoàn toàn có thể chuyển hóa thế giới này theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Ở đây tôi đang đề cập tới thế giới quan của riêng tôi, nghĩa là tôi nắm giữ quyền kiểm soát bản thân mình. Đó quả là điều kỳ diệu. Tôi mong nguyện tất cả các bạn và mọi người trên thế giới đều có được năng lực như vậy, để tự mình kiểm soát, tự mình lựa chọn, được quyền tự do tự tại. Tôi luôn có tâm nguyện như vậy và tôi xin hồi hướng tất cả những công đức, thiện hạnh của mình để tất cả mọi người, mọi chúng sinh trên thế gian đều đạt tới năng lực đó.

Theo trải nghiệm của tôi, giác ngộ vô cùng siêu việt và thiền định thực sự giúp chúng ta tự làm chủ cuộc sống của chính mình. Ví dụ, bạn có thể kiểm soát khẩu nghiệp. Khi bạn cảm thấy nóng nảy, vô cùng sân giận, bạn cho rằng điều này vốn rất tự nhiên. Thực chất thì điều đó không hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên như bạn tưởng. Nếu trưởng dưỡng được năng lực thiền định cùng với sự tỉnh giác, khi cảm xúc sân giận phát khởi, bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi tạo cho mình một khoảng lặng, một khoảng không gian, để bình tĩnh suy nghĩ xem mình có nên gào thét, nhiếc móc hay la mắng người khác không. Chắc chắn với năng lực thiền định, bạn có thể dễ dàng dành cho mình một khoảng dừng để suy ngẫm. Hiện tại, bạn vẫn chưa từng có khoảng lặng nào giữa thời điểm sân giận phát khởi và hành động phản xạ của bạn. Vì vậy, ngay tức thì, bạn sẽ gào thét, la mắng, khóc lóc. Đó là sự mất kiểm soát khẩu nghiệp. Đồng thời, bạn có thể mất luôn khả năng kiểm soát thân nghiệp, bạn sẽ đập bàn,thậm chí đánh người khiến bạn nổi cơn sân. Bạn có thể làm bất cứ điều gì. Đôi khi, có những người còn mất cả lý trí, làm những việc dại dột như đập đầu vào tường, vào thân cây. Hành động như vậy thật vô nghĩa. Bạn vừa khiến thân mình đau đớn, chảy máu, gây tổn hại chính mình. Cách phản ứng này vô cùng dại dột, gây tổn hại đối với toàn bộ thân, khẩu, ý của bạn.

Những người không sáng suốt sẵn sàng tự sát, hoặc giết người, họ sẵn sàng làm những việc dã man, tàn sát, họ thật là thiếu trí tuệ. Không phải bản chất họ là người xấu, cho dù bạn có xếp họ vào hạng người xấu thì chưa hẳn đã đúng. Chỉ đơn giản vì họ không hề có tỉnh thức hay thiền định. Họ không có khả năng tạo ra khoảng trống để suy ngẫm. Cảm xúc sân giận quá mạnh mẽ sẽ khiến tâm không có một chút khoảng trống nào, từ đó khiến bạn mất kiểm soát, nói hay hành động dại dột. Cuộc sống của bạn sẽ ngày càng hỗn độn. Ngày nào bạn cũng sân giận, ngày nào bạn cũng gào thét, la mắng vợ chồng, con cái  hay gây sự với hàng xóm của mình. Bạn có thể tạo vô số nghiệp về thân và tâm. Thiền định sẽ giúp các bạn sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách quy củ và có trật tự.

Hỏi: Tôi muốn bắt đầu thực hành thiền định. Nhưng chồng tôi lại theo đạo Thiên Chúa. Tôi cũng không biết ở Paris có nơi nào có thể học về thiền định không và làm thế nào để bắt đầu thực hành ạ?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Bạn có thể thực hành thiền cơ bản như thiền chính niệm ở nhà mà không cần phải được hướng dẫn nhiều. Nếu bạn muốn phát triển thực hành thiền định ở mức độ cao cấp hơn, bạn cần có sự chỉ dạy của các bậc Thầy. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm Thầy. Ngày nay, thiền chính niệm khá phổ biến. Ai cũng có thể thực hành thiền chính niệm. Pháp thực hành này giống như một liều thuốc chữa bệnh, tôi thấy được phổ biến ở nhiều nơi. Đi đến đâu, mọi người cũng yêu cầu tôi giảng về thiền chính niệm. Các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo quốc gia cũng yêu cầu cầu tôi như vậy. Họ có vẻ rất thích nghe về điều đó. Điều này rất tốt. Tất nhiên là họ cần phải nghe về thiền chính niệm, đặc biệt là đối với những người lãnh đạo của cả một quốc gia. Dù chỉ một chút chính niệm cũng rất tốt đối với họ. Như vậy, để thực hành thiền chính niệm ở nhà, bạn chỉ cần được hướng dẫn một chút là có thể thực hành được.

Hỏi: Kính bạch Đức Pháp Vương, xin Ngài chỉ dạy cho chúng con, thiền định có phải là con đường dẫn tới hạnh phúc?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Với tôi, đó là con đường dẫn tới hạnh phúc và hạnh phúc sẽ dẫn tôi đến với trí tuệ. Tất nhiên, cũng có những người đi tìm trí tuệ trước, để rồi trí tuệ dẫn họ tới bến bờ hạnh phúc. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ hiểu biết của mỗi cá nhân cũng như cách thức thực hành của mỗi người. Đối với những người sáng suốt thông minh, họ cần trưởng dưỡng trí tuệ trước tiên. Với người chưa thông tuệ như tôi, đi tìm hạnh phúc sẽ thuận lợi hơn, tiếp đó trí tuệ sẽ dần được trưởng dưỡng. Tuy không phải là một công thức chung, nhưng dù cách này hay cách khác thì các bạn cũng sẽ đạt được cả hai.

Hỏi: Con rất ngạc nhiên khi Ngài nói về nhận thức tự giác. Con chưa từng nghe thấy thuật ngữ đó. Liệu đó có phải là Rigpa hay không ạ? Dù phải hay không phải, con cũng kính xin Ngài giải thích thêm về điều đó, và giúp chúng con phân biệt giữa nhận thức tự giác và chính niệm. Với con, Nhận Thức giống như được viết với chữ «N» in hoa. Con có thể cảm nhận được mà không thể giải thích được. Con nghĩ cần phân biệt chính niệm có thể khác với nhận thức tự giác, đặc biệt  đối với những người còn rất sơ cơ như con.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Tôi không nghĩ đây là Rigpa (Giác tính). Tôi cũng chưa nghĩ đến bất kỳ mức độ cao cấp nào của nhận thức, thí dụ như nhận thức nội tâm (insight) cũng là một cấp độ của nhận thức. Ở đây, chúng ta mới chỉ bàn đến nhận thức thông thường, đơn thuần là khả năng ghi nhớ, ý thức việc mình vừa làm, chứ chưa nói đến nhận thức ở mức độ cao hơn như nhận thức nội tâm (insight). Nhận thức tự giác nếu thoáng nghe có vẻ giống như chúng ta đang nói về Đại Thành Tựu Pháp hay Đại Thủ Ấn. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên đề cập đến những khái niệm đó vào lúc này. Ví dụ, tại thời điểm này, tôi cần phải biết mình đang nói gì. Tôi cần phải nhận biết được về bạn. Nếu bạn cứ nói liên tục mà không biết mình đang nói gì, thì điều đó quả là vô nghĩa. Bạn nói giỏi nhưng lại không biết mình đang nói gì, bạn làm việc tốt nhưng lại không biết mình đang làm gì. Bạn làm việc chỉ vì đó là việc phải làm. Xét từ góc độ hành thiền, cách làm này không lợi ích. Bạn cần ý thức được mình đang làm gì. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Ý nghĩa của Giác tính (Rigpa) hay Tempa hay nhận thức dưới dạng ký ức, tất nhiên có chút liên quan với Đại Thành Tựu Pháp. Chúng tôi dùng từ này để nói về sự truyền trao trực tiếp Pháp Đại Toàn Thiện Dzogchen. Khái niệm siêu việt hơn ký ức đơn thuần, siêu việt hơn cả nhận thức. Đây là khái niệm siêu việt cả lời nói, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ.

Hỏi: Con xin được hỏi Đức Pháp Vương liệu các loài vật và cây cối cũng thực hành thiền định được không ạ?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Tôi không chắc lắm, rất khó để khẳng định. Thường thì câu trả lời là không. Nhưng có một câu chuyện tôi được thực chứng có liên quan đến điều này. Bậc Thượng sư của tôi từng có một con chó biết thực hành thiền định, trước khi chết nó ở trong trạng thái thiền định sâu trong khoảng 3 đến 4 ngày. Đây không phải chuyện tôi được nghe đồn đại, điều đó thực sự xảy ra trong tự viện, chính Thầy tôi đã kể cho tôi. Theo tôi hiểu, loài vật cũng có thể thiền định, nhưng điều này còn rất bí ẩn và cao siêu. Tôi cũng không rõ làm thế nào mà loài vật có thể làm được điều đó, cụ thể là làm thế nào mà Thượng sư của tôi lại dạy cho con chó đó biết cách thiền định. Nhưng trong thế giới của chúng ta có biết bao điều khó tin vẫn đang xảy ra từng giờ từng phút. Chú chó đó thật sự đã ở trong trạng thái an định sâu và người ta đã không đem nó đi hỏa thiêu cho tới khi tâm của nó dứt hẳn thiền định.

(Trích Khai thị về Nghệ thuật Thiền định của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Tham khảo thêm

Tại sao cần thiền định?

3 bài tập cho người mới thực hành thiền định

Những sai lầm thường gặp khi thực hành thiền định

Sự cần thiết phải tỉnh thức khi thiền định

Tri ân ngày mới bằng bài tập thiền nằm

Thực hành thiền định trong từng bước chân

Bài thực hành thiền định quán niệm hơi thở hàng ngày

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6467205
Số người trực tuyến: