Phụ dẫn về Kinh lần tràng
PHỤ DẪN
I- TÔ-TẤT-ÐỊA KINH (20)
... Sau nên y pháp-tắc làm mọi sự-nghiệp. Trước tiên dùng tay hữu (phải) cầm tràng hạt, rồi để vào lòng bàn tay tả (trái); chắp tay lại, dâng (giơ) lên, tư niệm và tụng bài Chân ngôn về tràng hạt:
Phật-bộ tịnh châu chân-ngôn:
Úm, át bộ đê mĩ nhã duệ tất đệ, tất đà thích đệ, sa phạ ha.
Liên-Hoa-bộ tịnh châu chân-ngôn:
Úm, a mật lật đãng già mễ, thất lỵ duệ, thất-lỵ mà lý ni, sa phạ ha.
Kim-cương-bộ tịnh châu chân-ngôn:
Úm, chỉ lý, chỉ lý lạo nặc lý ni, sa phạ ha.
Lấy ngón tay cái, thuộc tay hữu, để trên đầu ngón tay vô danh; ngón tay giữa và ngón tay út ruỗi thẳng, ngón tay đầu (ngón tay trỏ) hơi khuất, áp trên đốt bên ngón tay giữa. Tay bên tả cũng như thế. (Đây là dạy về kết ấn lần tràng).
Tay hữu cầm và lần tràng hạt, thông dụng cho hết thảy các bộ. Nếu dùng vào phép điều phục (A-tỳ-giá-rô-ca: Abhicàraka), thời ngón tay cái ruỗi thẳng để kết ấn tràng hạt. Và, Phật bộ dùng tràng hạt Bồ-đề. Quán-âm-bộ (có chỗ gọi là Liên-hoa-bộ) dùng tràng hạt sen. Kim-cương-bộ dùng tràng hạt kim cương. Ba bộ này dùng trong những hạt tràng như trên là thuộc về loại tối thắng thượng; hết thảy khi niệm tụng nên gìn giữ. Hoặc là dùng hạt cây tra, hoặc hạt cây Đa-la (21) hoặc dùng tràng thổ (đất), hoặc dùng tràng vỏ ốc, hoặc dùng tràng thủy-tinh hoặc dùng tràng bằng hạt trân-châu, hoặc dùng tràng bằng ngà, hoặc dùng tràng bằng hạt xích-châu, hoặc dùng tràng bằng những ngọc Ma-ni, hoặc dùng bằng Yết-châu (22), hoặc bằng các hạt cỏ. Song, đều tùy các Bộ, xem sắc loại của mỗi thứ, nhận lấy mà niệm trì. Nếu muốn làm pháp điều-phục, nên dùng những thứ xương, mà làm y như tràng hạt, chóng được thành tựu và lại được hộ trì tăng thêm pháp nghiệm vậy.
Phật-bộ trì châu chân-ngôn:
Úm, na mô bàn già phạ để, tất đệ đệ, sa đà giã, tất đà thích đệ, sa phạ ha.
Liên-hoa-bộ trì châu chân-ngôn:
Úm, tố mạ để thất lỵ duệ, bát đồ,mạ ma lý ni, sa phạ ha.
Kim-cương-bộ trì châu chân-ngôn:
Úm, bạt nhật ra, nhĩ đán nhã duệ, sa phạ ha.
Dùng ấn tràng hạt như trên, đều y vào trong từng Bộ mà niệm tụng. Khi niệm tụng tràng hạt nên để ngang tâm (trái tim), không được cao thấp. Khi dâng (giơ) tràng hạt lên, nên cúi đầu một chút, đem lòng chí thành, đỉnh lễ Tam bảo, thứ lễ tám vị Đại-Bồ-Tát, sau lễ Minh-Vương quyến-thuộc. Sau cùng nên trì tụng Chân ngôn, tưởng Chân-ngôn-chủ như đối trước mắt. Chí thành như thế, không nên tán loạn tâm; duyên (dính-líu) vào cảnh khác...
II- CHƯ PHẬT CẢNH GIỚI (23) NHIẾP CHÂN-THỰC KINH
Lại thứ nữa, so lường về việc lần, niệm tràng hạt. Về tràng hạt năm Bộ đều có chỗ khác nhau. Nếu trì Phật-bộ thời dùng hạt Bồ-đề. Nếu trì Kim-cương-bộ thời dùng hạt Kim cương. Nếu trì Bảo-bộ thời dùng vàng, bạc, pha lê, cùng mọi thứ châu báu. Nếu trì Liên-Hoa-bộ thời dùng hạt sen. Nếu trì Ca-rô-Ma-bộ (tức Yết-Ma-bộ) thời dùng những hạt châu báu có màu sắc sặc sỡ.
Lại thứ nữa, trì niệm theo Phật-bộ thời lấy ngón tay cái và ngón tay đầu (tức ngón tay trỏ) thuộc tay hữu mà trì niệm tràng hạt, còn các ngón khác đều duỗi thẳng. Nếu trì niệm theo Kim-cương-bộ, thời lấy ngón tay cái và ngón tay giữa, thuộc tay hữu, mà trì niệm tràng hạt. Nếu trì-niệm theo Bảo-bộ, thời lấy ngón tay cái và ngón tay vô danh, thuộc tay hữu, mà trì niệm tràng hạt. Nếu trì-niệm theo Liên-Hoa-bộ thời lấy ngón tay cái, ngón tay vô danh và ngón tay út, mà cầm, lần, trì niệm tràng hạt. Nếu trì niệm theo Ca-rô-ma-bộ, thì bốn thứ trên, cầm, lần, trì niệm thứ nào cũng được cả.
Lại thứ nữa, so lường về công đức lần tràng sẽ được như thế nào: Nếu dùng những tràng bằng gỗ thơm sẽ được một phần phúc; Nếu dùng bằng thau, đá, đồng, sắt, được hai phần phúc. Nếu dùng tràng bằng thủy tinh, trân châu được một ức phần phúc. Nếu dùng tràng bằng hạt sen, hạt Kim cương, được hai ức phần phúc. Nếu dùng tràng bằng mọi thứ báu sặc sỡ cùng hạt Bồ-đề được vô lượng, vô biên bất khả thuyết, bất khả thuyết phần phúc.
Đời quá khứ, vô lượng Hằng-hà-sa chư Phật đã nói ra, số lượng của tràng hạt là một trăm tám hạt.
III- ĐÀ-LA-NI TẬP KINH (24)
Lấy ngón tay cái, thuộc tay tả, để trên móng tay vô danh; ngón tay út và ngón tay giữa duỗi thẳng, ngón tay đầu hơi khuất, để trên lưng đốt ngón tay giữa. Và, tay hữu cũng cùng như thế. Khi lần, thời dùng ngón tay giữa mà để tràng hạt, thân thể đoan nghiêm, ngồi kết Gia phu...
Thiện-nam-tử! Làm tràng hạt nên dùng vàng, bạc, đồng đỏ, thủy tinh, lưu ly, trầm đàn hương, hạt sen xanh, hạt anh lạc. Đức Phật bảo bác vị Tỳ-Khưu: trong những tràng hạt nói trên, thủy tinh là thứ nhất.... Và, tràng hạt này đều đủ một trăm tám (108) hạt. Hoặc năm mươi bốn (54) hạt, bốn mươi hai (42) hạt, hoặc hai mươi mốt (21) hạt cũng được dùng vào trong số ấy...
IV.- THỦ-HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ-LA-NI KINH (25)
Nay ta sẽ nói sự sai khác về việc dùng tràng hạt:
Phật-bộ nối Phật-chủng,
Nên dùng hạt Bồ-đề;(26)
Tràng trong bộ Kim-cương,
Cũng dùng hạt kim-cương.
Dùng riêng trong Bảo-bộ,
Các vàng, báu làm tràng;
Trân-châu làm tràng niệm,
Chư Phật đều xưng-tán.
Dùng trong Liên-Hoa-bộ,
Hạt sen là tôn quý;
Tràng trong Yết-Ma-bộ,
Mọi thứ hòa-hợp làm.
Phép lần của năm Bộ,
Cùng dùng ngón tay cái;
Phật-bộ tiếp ngón đầu,
Kim-cương-bộ ngón giữa.
Bảo-bộ ngón vô danh,
Liên-hoa-bộ hợp ba;
Yết-Ma tiếp bốn ngón,
Đều dùng nơi đầu đốt.
Tràng vàng phúc gấp đôi,
Trân-châu được ức phúc;
Tràng kim-cương, hạt sen,
Được phúc trăm nghìn ức.
Nếu trì hạt Bồ-đề,
Cùng tràng sắc hòa-hợp;
Vô số phúc trang-nghiêm,
Chư Phật đều đã nói.
Tràng có trăm tám hạt,
Nhiếp loạn tâm không phóng...
V- TRI-HÀNH TỔNG-YẾU
Thế là sự tìm hiểu về vấn-đề tràng hạt đã được trình bày rõ trong các kinh: Mộc hoạn tử kinh, Hiệu lượng sổ châu công đức kinh, Kim Cương đỉnh Du-già niệm châu kinh, Tô Tất Địa kinh, Chư Phật cảnh giới nhiếp chân thực kinh, Đà-La-Ni tập kinh và Thủ hộ quốc giới chủ Đà-La-Ni kinh trên đây.
Trước đây, Bắc Việt thấy có một bản giải nghĩa về một trăm tám hạt tràng bằng lối văn vần lục, bát. Nội dung văn này chỉ rõ mấy hạt, mấy hạt biểu thị cho Phật, Bồ-Tát và Thiên long bát bộ nào. Ngay câu đầu của bản văn ấy viết:
Tích xưa có đức Thần-tiên,
Hỏi ông Lục-Tổ đạo Thuyền trước sau.
Ý trong một chuỗi sổ châu,
Một trăm tám quả lý mầu làm sao...
Căn cứ những câu văn trên đây, nghiên cứu lại bộ Pháp Bảo đàn kinh của Ngài Lục-tổ Huệ-Năng để tìm thực chứng, thời trong bộ này không thấy có ai hỏi về vấn-đề tràng hạt cũng như Ngài Lục-Tổ cũng không nói chi cả, nên bản văn nôm này xin tạm để thành nghi vấn. Mong các Phật tử nên thận trọng việc trì niệm và truyền thuyết Phật-kinh!
Để các Phật-tử dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và tránh sự lộn xộn, tôi xin tóm tắt Kinh lần tràng này như sau:
I: NGUYÊN NHÂN: Căn cứ theo Kinh Mộc Hoạn tử, nguyên nhân phát khởi ra việc lần tràng này là do lòng tư niệm công đức Tam bảo của vua Ba-Lưu-Ly, vì hoàn cảnh xa xôi..., nên đức Phật nói ra pháp môn này trong núi Kỳ-Xà-Quật (Grdhrakùta) nước La-Duyệt-Kỳ (Ràjagrha).
II: SỐ MỤC: Căn cứ theo các kinh đã nói trên, tràng hạt có bảy thứ:
1) Thứ tràng có một nghìn tám mươi hạt (1.080).
2) Thứ tràng có một trăm tám (108) hạt.
3) Thứ tràng có năm mươi bốn (54) hạt.
4) Thứ tràng có bốn mươi hai (42) hạt.
5) Thứ tràng có hai mươi bảy (27) hạt.
6) Thứ tràng có hai mươi mốt (21) hạt.
7) Thứ tràng có mười bốn (14) hạt.
Ngoài những thứ trên, trước đây Niệm-Phật-tôn có khi dùng tràng ba mươi sáu (36) hạt và Thiền-môn dùng tràng mười tám (18) hạt. Hai thứ tràng này chỉ là ý niệm chia theo số phần của 108 hạt để đeo cho tiện mà thôi, chứ không thuộc số mục và không có biểu thị gì như trong kinh nói.
III: BIỂU THỊ: Số mục của tràng hạt kể trên đều có biểu thị:
1) Một nghìn tám mươi (1.080) hạt là biểu thị cho 1.080 phiền não hoặc 1.080 tôn vị. Vì, Pháp giới này có mười giới (27) mà mỗi một giới có 108 phiền não (28) hoặc 108 tôn vị (29) v.v... 108 này nhân với 10 giới thành ra 1.080.
2) Một trăm tám (108) hạt biểu cho 108 phiền não hoặc 108 tôn vị, 108 pháp Tam muội (30) hoặc biểu cho năm mươi bốn vị (54) bản hữu (sẵn có) và 54 vị do tu hành hiện tại phát sinh (31).
3) Năm mươi bốn (54) hạt là biểu cho 54 vị do tu hành hiện tại phát sinh.
4) Bốn mươi hai (42) hạt là biểu cho 42 vị: Thập (10) Trụ, Thập (10) Hành, Thập (10) Hướng; Thập (10) Địa (32) và Đẳng-Giác, Diệu-Giác.
5) Hai mươi bảy (27) hạt là biểu cho 27 vị Hiền-Thánh của Thanh-Văn-thừa (33).
6) Hai mươi mốt (21) hạt là biểu cho 10 ngôi Địa (thập địa) bản hữu cùng 10 ngôi Địa (thập địa) do tu hành hiện tại phát sinh. Thế là 20 và Phật quả là 21.
7) Mười bốn (14) hạt biểu cho 14 nhẫn pháp tức: Trụ-nhẫn, Hành-nhẫn, Hướng-nhẫn là 3 nhẫn, thêm và 10 nhẫn của Thập Địa vào một nhẫn của Phật quả là thành số 14.
IV: VẬT DỤNG: Căn cứ các kinh trên đây, vật liệu làm tràng có rất nhiều như sau, tùy chỗ thiết dụng của các Bộ. Hoặc làm bằng hạt Bồ-đề, hạt sen, hạt Kim cương, hạt ngọc xanh của cung vua Đế-Thích, hạt cây tra, hạt Ma-ni, thủy tinh, trân châu, xà cừ, san hô Xích châu, mọi báu, vàng, bạc, đồng đỏ, sắt, thau, hạt cây Đa-la, mộc hương, đất, vỏ ốc, hạt cỏ v.v...
V. SO SÁNH CÔNG ĐỨC: Sự tạo tác và lần niệm của mỗi tràng theo từng Bộ mà công -đức có hơn, kém. Song, thu góp sự so sánh phúc-báo trong các kinh trên đây thời tràng bằng hạt Bồ-đề, hạt sen, Kim cương là nhiều phúc hơn.
VI. TRÌ NIỆM: Việc trì niệm này tùy theo mỗi Bộ có khác nhau về kết ấn, về ngón tay cầm, về tụng chú, nhưng pháp tắc phổ thông tương tự.
Nay y theo Phật-bộ niệm Phật làm tiêu-chuẩn:
Trước khi định lần tràng, niệm Phật, đương nhiên là thân thể, tay chân, miệng lưỡi và tâm thức phải thanh tịnh đi đã. Tới trước bàn Phật hoặc nơi nào định ngồi (cũng có phương pháp đi, ở, nằm, ngồi đều niệm được là việc khác, trong kinh, luận có bàn), nên ngồi kết Gia phu (ngồi xếp bằng, hai bàn chân để ngửa, chéo nhau, trên giáp hai bắp vế), thân thể đoan nghiêm, tay hữu (phải) cầm tràng hạt, để vào lòng tay tả (trái), hai tay chắp lại, dâng (giơ) tràng hạt lên. Khi dâng (giơ) tràng hạt lên, vẫn chắp tay và nên cúi đầu đem lòng chí thành đỉnh lễ Tam bảo, chư vị Bồ-Tát, chư Hiền-thánh-tăng, Thiên, Long bát bộ, rồi niệm bài chân ngôn Phật-bộ tịnh-châu rằng: “Úm, át bộ đê mĩ nhã duệ tất đệ, tất đà thích đệ, sa phạ ha”. (niệm 3 lần). Niệm xong, vái (xá) 3 vái. Tay hữu cầm tràng, để vừa trước ngực, ngang trái tim, không được cao, thấp; thế rồi chuỗi tràng để trên ngón tay giữa, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay chỏ (ngón tay đầu) cầm vào hạt tràng (hạt tràng đầu áp với hạt giữa) mỗi một niệm là lần một hạt. Nhưng trước khi lần và niệm hãy niệm bài Thần chú Phật-bộ trì châu: “Úm, na mô bàn già phạ để, tất đệ đệ, sa đà giã, tất đà thích đệ, sa phạ ha” (niệm 3 lần). Hoặc niệm danh-hiệu Phật, danh-hiệu Bồ-Tát hay Chân ngôn tùy nguyện, nhưng nhớ rằng mỗi niệm là một hạt hết hạt này đến hạt khác và tùy theo thứ tràng mình niệm; khi lần đến giáp hạt giữa thời lần trở lại, không được lần qua hạt giữa mà phải tội Việt-pháp. Khi lần, niệm phải chí thành, tâm không nên tán loạn, không duyên (dính líu) vào cảnh khác, chỉ nhất tâm trì niệm, tưởng đức Phật hay Bồ-Tát…, mình niệm ấy như đối trước mặt. Và khi lần niệm xong, kết bằng bốn câu hồi hướng:
“Nguyện đem công-đức này,
Hướng về khắp tất cả;
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo”.
(Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhất thiết;
Ngã đẳng giữ chúng-sinh,
Giai cộng thành Phật đạo).
Trên đây là tóm tắt những chỗ yếu ước trong sự cần hiểu, cần làm về việc trì niệm tràng hạt. Hiểu, làm đúng chắc chắn sẽ thành tựu mầu nhiệm và viên mãn.
- 395
Viết bình luận